Tính “tập thể” trong nghệ thuật đương đại?

Trong cuộc hội thảo Nghệ thuật đương đại hướng đến cộng đồng tổ chức tại Đại học Sài Gòn vừa qua, hoạ sĩ Nguyễn Quân cho rằng cứ tưởng các nghệ sĩ đương đại có một phong cách riêng, với những dấu ấn cá nhân, nhưng hoá ra tác phẩm của họ rất giống nhau, và cũng đầy rẫy tính tập thể như nghệ thuật thời bao cấp hồi nào!

Không chỉ giống nhau về nguyên liệu, về ý tưởng, về cách nói một thứ tiếng Anh quốc tế, giống cả nội dung sáng tác. Đi đâu cũng thấy tre pheo, túi nilông, cái ghế, cái bàn, rác thải kim loại, đồ nhựa.

Đây là một ý kiến gây sốc với các nghệ sĩ đương đại, và hoạ sĩ Trần Lương phản bác rằng, có thể nghệ thuật đương đại không hướng đến sự khác biệt về hình thức, chất liệu, nhưng hoàn toàn có sự khác biệt trong bản sắc tinh thần.

Nghệ thuật đương đại (sắp đặt, trình diễn, video art và video act) hoàn toàn khác với một tác phẩm hội họa giá vẽ, tượng tròn, hay những tác phẩm theo quan niệm truyền thống. Nó không đòi hỏi tác phẩm làm ra được lưu giữ lâu dài, có dấu ấn sáng tác của một cá nhân duy nhất trên một vật thể duy nhất. Nó có thể là một quá trình, một ý niệm, một tác giả hay nhiều tác giả cùng làm, và không ai đòi hỏi in cái cá tính của mình vào đó, cũng không cần lưu giữ như một bức tranh cổ điển. Tác phẩm sắp đặt có thể huỷ bỏ theo tự nhiên và ghi lại bằng hình ảnh, tác phẩm trình diễn quay lại bằng phim, video. Bảo tàng thay đổi cách mua tác phẩm, thay vì mua một bức tranh, pho tượng cố định, họ mua cái ý niệm và sự đi đến ý niệm của người nghệ sĩ.

Như vậy về bản chất, nghệ thuật đã thay đổi. Sự kết hợp đa ngành trong sáng tác đương đại là hoàn toàn cần thiết, cũng như sự đa phương tiện phục vụ cho các ý tưởng sáng tác. Người xem không đóng vai trò thụ động đi theo các ý tưởng của nghệ thuật mà họ là một phần chủ động trong đó. Đương nhiên trong nghệ thuật đương đại các nghệ sĩ thị giác vẫn đóng vai trò chính, bởi mọi biến động xã hội có liên quan đến thị giác đầu tiên, cũng như tính tổng thể của ấn tượng thị giác dẫn đến các cảm nhận về ý niệm. Nghệ thuật này tự nó là quốc tế hoá trong một thế giới phẳng, các nghệ sĩ không cần đến dân tộc tính, họ nói tiếng Anh, tiêu đôla, đi đâu cũng coi là nhà mình, mảnh đất nào cũng là môi trường sáng tác, cũng có thể coi hoạt động của họ như một thứ du cư nghệ thuật.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)