Tinh thần Nhập thế trong Đại Chân Viên Giác Thanh

Trong kỳ trước của bài viết, chúng ta đã trải qua phần đầu của Đại Chân Viên Giác Thanh và được tiếp xúc với các chiêm nghiệm của Ngô Thì Nhậm đối với hai luồng tư tưởng cổ đại, Nho giáo và Phật giáo. Bên cạnh những khác biệt có tính bổ sung lẫn nhau, Ngô Thì Nhậm đã tìm thấy sự đồng điệu giữa chúng; quan trọng nhất là; ở Tinh thần Nhập thế. Tinh thần này sẽ được tiếp tục phát huy cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong những chương tiếp theo của Đại Chân Viên Giác Thanh.

Tám chương đầu tiên của Đại Chân Viên Giác Thanh khởi đầu từ Không thanh, kết tại Thu thanh. Qua đó nhận thức và cảm xúc của con người được dẫn dắt tuần tự qua các giai đoạn. Bắt đầu từ trạng thái minh tĩnh có tính ước lệ, lắng lọc dần các tạp niệm, để đi tới chỗ không còn phân biệt giữa ta và vật (thánh nhân xem thiên hạ là một nhà). Điểm dừng này là nền tảng để khởi đầu cho một hành trình tu tập mới.

9. Định thanh (tiếng định)
Hải Lượng đại thiền sư nói:
… Thích quân tử xả kỷ (quên mất bản thân) để tế độ người… Nhà Nho nói Chính Tâm, Thành Tính; nhà Phật nói Minh Tâm, Kiến Tính; [cả hai] đều có nghĩa “Đạo người quân tử rộng khắp mà kín đáo”.
Tinh thần xả kỷ không phải là một cố gắng gượng ép. Nó bắt đầu từ thế giới quan coi mọi sự vật liên kết trùng điệp với nhau (chương Tiếng ầm), phát triển tới tinh thần xem thiên hạ là một nhà (chương Tiếng thu). Tức là nhìn nhận các sự vật một cách tổng quan, không cục bộ. Vì góc nhìn rộng nên tâm trí khách quan hơn, không bị tạp niệm chi phối. Ta suy xét sự vật không chỉ lưu tâm tới bản thân, mà hướng tới sự hài hòa trong các quan hệ nhân quả ràng buộc ta với sự vật (“Đạo người quân tử rộng khắp mà kín đáo”).
Văn Vương là hậu thiên, đẩy lui quẻ Càn về góc Tây Bắc… Tây Bắc là phương vị của Càn và Đoài, Càn và Đoài là cái đất vô dụng, lui về chỗ vô dụng mà chứa cất mọi cái dụng… Cất chứa Kim (Tây Bắc thuộc hành Kim) trong cái vô dụng, đó là cái đạo của trời, chỉ người quân tử mới biết được.
Thái độ xả kỷ, “lui về chỗ vô dụng” hàm ý không bị cuốn theo những mong cầu của bản năng. Đây là nền tảng để nuôi dưỡng cảm nhận chân thực về mọi sự vật mà Ngô Thì Nhậm gọi là vàng (Kim) của người tu hành.

10. Tịch nhiên vô thanh (lặng lẽ không có tiếng)
Có diệt được cái tính người thì cái tính trời mới dậy lên được. Thường thì tính trời khó dậy lên, mà tính người thì rất khó diệt. Diệt được tính người thì tức thời mọi cảm thụ đều tĩnh lặng, chỉ còn một cái Chân lâng lâng. Chuông trống ở đằng trước mà tai không bị loạn; gấm vóc ở đằng trước mà mắt không bị choáng, thiên binh vạn mã ở đằng trước mà tâm không dao động. Được như vậy mới gọi là Tịch.
Tịch diệt là đỉnh cao nhất của tiến trình lược bỏ các tạp niệm. Nhận thức trước sự vật khi đó tuyệt đối không bị những mong cầu khởi phát từ tâm lý bản năng quấy nhiễu. Tâm trí như tấm gương, đối diện sự vật nào thì phản chiếu lại đúng như thế. 

11. Tiếng đẽo
Hải Lượng đại thiền sư nói:
– Không có thế vị thì không thành Phật được; không có tiền tài nữ sắc thì không thành Phật được; không có cung thất đẹp, xe ngựa tốt thì không thành Phật được; không có bề tôi giỏi giang, nô tỳ lanh lợi thì không thành Phật được.
Đồ đệ bạch với thầy rằng:
– [như thế thì] đệ tử nguyện suốt đời làm theo để thành Phật đạo.
Thầy đáp rằng:
– Kiệt và Trụ, U và Lệ, Phi Liêm, Đào Ngột (tên các hôn quân và cận thần bạo ngược) cũng suốt đời làm theo… Những kẻ bần cùng đói rét, khốn khổ, không biết dựa vào đâu, cũng suốt đời làm theo được, nào phải chỉ có một mình ngươi làm theo được hay sao.“
Hoàn cảnh thanh tĩnh là điều kiện thuận lợi để khởi đầu con đường tu hành. Nhưng sống trong hoàn cảnh thanh tĩnh không phải là mục tiêu của việc tu hành. Bằng cách dấn thân vào đời sống, người tu hành càng được mở rộng tri giác và càng có cơ hội thử thách cảm nhận của mình.

12. Nhất thanh
Những trải nghiệm phong phú trong đời sống rất cần thiết. Nhưng sự phong phú đó mới ở khía cạnh số lượng và thể loại. Nếu không sắp xếp, hệ thống lại thì tâm trí sẽ bị lạc trong một mớ hỗn độn. Tiếng đẽo (tên của chương 11) là những âm thanh liên tục nhưng rời rạc. Tên của chương tiếp theo này là Nhất thanh, hàm ý chỉ ra tính nhất quán xuyên suốt các bậc khác nhau trong tiến trình tu tập. 
Ba Đại Bồ Tát [Quá khứ, Hiện tại, Vị lai] tu tập về Đạo… Tam Hoàng tu tập về ý… Ngũ Đế tu tập về lời… Tam Vương tu tập về tượng… Ngũ Bá tu tập về số.
Ở đây, Đạo là nền tảng của ý (tư duy, cảm xúc, ý chí, …). Ý là nền tảng của lời (lời là những ý có thể trao đổi, chia sẻ giữa người với người). Tượng là những gì biểu lộ ra bên ngoài mà người đời nhận biết được. Tu về số là sự cố gắng tìm hiểu, vận dụng quy luật chính của tượng để giải quyết các nhu cầu cụ thể mang tính thế tục trong đời sống. 
Trong huyền sử của Trung Hoa thì Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Vương, Ngũ Bá đều không phải là người tu hành. Nhưng như chúng ta thấy, khái niệm tu tập của Ngô Thì Nhậm đơn thuần chỉ là sự chuyên tâm vào một mục tiêu, một lĩnh vực nào đó. Không nhất thiết phải tu Đạo thì mới đem lại kết quả tốt. Tu về ý, lời, tượng, số đều đem đến những thành quả nhất định. Giữa các vị Đại Bồ Tát, Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Vương, Ngũ Bá, do có năng lực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nên mục tiêu hướng tới cũng cao thấp khác nhau. Và ngược lại, mục tiêu khác nhau nên thành tựu và nghiệp quả cũng khác nhau.
Việc phân cấp ra thứ bậc theo quan hệ gốc – ngọn là một bước tư duy quan trọng, cho phép Ngô Thì Nhậm so sánh sơ đồ tư tưởng giữa Nho và Phật:
Khổng Tử lấy Tam Hoàng làm tổ, Ngũ Đế làm tông, Tam Vương làm con, Ngũ Bá làm cháu, còn Phật Thích Ca Mâu Ni thì bao trùm ba Đại Bồ Tát.
Các quan hệ tổ – tông – con – cháu là cách biểu đạt quan hệ gốc – ngọn giữa các khái niệm ý, lời, tượng, số. Sự phân biệt giữa các cấp độ tu tập giúp định hướng cho người tu hành, giúp họ một mặt không vì đam mê ngọn mà quên mất gốc, mặt khác tùy vào năng lực của mình mà lựa chọn lấy con đường phù hợp.

13. Tiếng chốt
Tiếng Phạn rất hàm súc, khi dịch ra tiếng Hán, đã không nói hết ý nghĩa được. Về sau chia tách rất là phiền phức, mỗi nhóm tăng đồ, chỉ có một chủ trương, mà chỉ một chữ 禪 (Thiền/Thiện) (1) đều không giải được. Chỉ có Nghiêu, Thuấn mới Thiền (Thiện) được, Quan Thế Âm Bồ Tát mới Thiền (Thiện) được. Nghiêu, Thuấn lấy tâm đức mà Thiền (Thiện) cho Bách Vương. Quan Thế Âm lấy tâm lượng mà Thiền (Thiện) cho chư Phật.
Hai chương Tiếng đẽo và Nhất thanh thể hiện sự phong phú và chiều sâu của trải nghiệm tu hành. Hành Thiền không chỉ là ngồi yên một chỗ mà nhập định. Nhập vào thế cuộc cũng là hành Thiền. Nghiêu, Thuấn với năng lực của mình, đã xây dựng nền tảng xã hội cho các đời sau. Trong Phật giáo, Quan Thế Âm là bậc tu hành ngang với chư Phật, nhưng thay vì nhập vào cõi Phật đã lựa chọn ở lại cõi trần để cứu độ chúng sinh. Con đường tu và hành như vậy là không cố định, mà thay đổi tùy thuộc theo hoàn cảnh và năng lực của con người. Hành xử đúng với cảm nhận chân thật về thế giới và phạm vi khả năng của mình, đó cũng là Thiền.

14. Biểu lý thanh (tiếng Ngoài tiếng Trong)
Cái học từ chương của Nho gia, cái học chay cúng của Thích gia, ấy là “chạy theo dị đoan”… Nhưng từ chương và chay cúng là cái Thô của Nho và Thích. Nếu không từ cái Thô thì cái Tinh của đạo lý, người ta không do đâu mà vào được. Đời xưa, người ta bẩm sinh thuần phác, dù là học Nho hay Phật đều học lý trước, sự sau. Đời sau thì lại sự trước mà lý sau. Từ chương, chay cúng là thuộc về sự, học giả bỏ lý mà chạy theo sự thì cái hại khôn xiết kể. 
Trong chương này Ngô Thì Nhậm cảnh tỉnh lối học hỏi chỉ bám víu vào sách vở mà không có những suy nghiệm theo chiều sâu, cũng như lối tu hành nặng về chay cúng, thờ phụng, mà nhẹ về rèn luyện, tu dưỡng. Nhưng mặt khác, ông cũng khẳng định sự cần thiết của những hình thức bề ngoài (sách vở, chay cúng). Chúng có thể là công cụ hữu ích cho sự khởi đầu. Không có một con đường tu duy nhất. Mỗi con người tùy vào hoàn cảnh, năng lực riêng mà tự lựa chọn cho mình một con đường phù hợp.

15. Tiếng hành
Phật lấy việc Trì Quốc làm quý, chứ không quý việc Trị Quốc. Đại để, nếu biết Trì Quốc thì không cần Trị Quốc mà tự nhiên Quốc Trị. Nhưng nếu không phải là bậc đại lực như Phật Thích Ca Mâu Ni thì không Trì Quốc nổi mà cần phải Trị Quốc. Vì vậy cho nên Khổng Tử lấy Nghiêu, Thuấn, Thang, Văn, Vũ(2) làm đứng đầu sự nghiệp muôn đời. Nhưng [bàn] đến chỗ cốt yếu [của Nho học] thì [Khổng Tử] lại nói: “Bốn mùa nối nhau, vạn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu”(3).
Khái niệm Quốc có thể hiểu thành một cá nhân, một gia đình, một xã hội, và thậm chí rộng hơn nữa. Thế giới quan coi mọi sự vật đều liên kết, ràng buộc lẫn nhau (chương Tiếng ầm) khiến người tu hành không thể chỉ lưu tâm tới một cá thể riêng lẻ, mà phải xem xét nó một cách tổng quan nhất có thể được. Một cá nhân không thể sống tốt một cách chung chung. Nó phải sống tốt trong mối quan hệ với gia đình, với xã hội, với môi trường xung quanh. Hiểu như vậy thì thấy rằng tu thân cũng chính là Trị Quốc.
Trì Quốc khác với Trị Quốc ở chỗ được tăng thêm chiều thời gian. Trì Quốc nghĩa là sống tốt không chỉ trong một thời điểm, một giai đoạn, mà phải làm sao hài hòa với các thời điểm khác, giai đoạn khác. Ở đây Ngô Thì Nhậm chỉ ra điểm khác biệt trong cách tu thân giữa Phật và Nho. Phật giáo luôn quan tâm tới nghiệp quả, còn Nho giáo thì hướng dẫn người ta sống đúng theo Lễ trong từng thời điểm.
Tuy nhiên, dù có bị giới hạn thì Lễ trong Nho giáo dù sao vẫn là sự cố gắng mô phỏng các quy luật trong tự nhiên, nhằm hướng tới sự hài hòa trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội (bốn mùa nối nhau, vạn vật sinh trưởng).

16. Tiếng trong suốt
Chu Dịch có sáu mươi bốn quẻ mà chỉ quẻ Khốn được chữ Trí Mệnh. Lăng Già có tám thức mà chỉ có Ý thức được chữ Niết Bàn (4). Nho không cho phép người ta được coi nhẹ cái chết. Thích cũng không cho phép người ta được coi nhẹ cái chết… Ý thức như bể nổi gió, nổi lên vô số đợt sóng… Vì vậy cho nên nhà Nho lấy Nghĩa tinh Nhân thục làm quý, nhà Thích lấy “trí minh ý cao” làm quý. Nếu nhân nghĩa không tinh thục, trí ý không cao minh, không qua được cửa ải sinh tử, thì làm sao chế định được cái mệnh sinh tử của con người?
Nội dung chương này khuyến dụ người tu hành không rơi vào trạng thái hư vô, cấu thành bởi hai yếu tố. Thứ nhất, con người tiếp nhận thế giới quan của tính Không và nhận ra rằng mọi nhận thức về sự vật đều tiềm ẩn sự chủ quan. Thứ hai, tính Không tác động vào các nhu cầu tâm lý thông thường, gây nảy sinh ra những cảm xúc tạp niệm. Đó có thể là sự hoang mang do nhận thức bị mất phương hướng, mất điểm tựa. Hoặc ở chiều ngược lại là sự tùy tiện, phóng dật, do nhận thức không còn chịu một ràng buộc nào.
Những cảm nhận mang tính hư vô nói trên đều thuộc về Ý thức. Theo quan niệm Phật giáo thì khi con người qua đời, Ý thức vẫn còn lại. Nếu trong đời sống, người ta không rèn luyện để Ý thức minh mẫn, tỉnh táo, thì sẽ tiếp tục xiêu dạt trong vòng cuốn bể khổ (Ý thức như bể nổi gió, nổi lên vô số đợt sóng…).
Chương Tiếng trong suốt, là điểm dừng thứ hai trong tiến trình tu tâm. Tại điểm dừng thứ nhất (chương Thu thanh), thế giới quan của người tu hành không chỉ còn đối chiếu sâu trong nội tại mà bắt đầu có xu thế hòa nhập vào đời sống. Tinh thần này tiếp tục phát triển song hành với sự liên tục đối chiếu, lắng lọc nội tâm bên trong (Định thanh, Tịch nhiên vô thanh). Qua đó, thế giới quan được mở ra cả ở chiều rộng (Tiếng đẽo) lẫn chiều sâu (Tiếng nhất, Tiếng chốt). Tuy nhiên, khi mà nhận thức về thế giới mở ra tới tận cùng (Tiếng hành) thì có thể vẫn còn một vướng bận cuối cùng, là trạng thái hư vô (hoang mang hoặc phóng dật). Giải thoát được khỏi vướng bận này thì tâm đạt tới độ trong suốt. 1
—————–
1: Chữ 禪 trong tiếng Hán vừa có nghĩa là Thiền, vừa có nghĩa là Thiện.
2: Những vua hiền trong lịch sử Trung Hoa cổ đại
3: Luận Ngữ, thiên Dương Hóa
4: Lăng Già là tên một bộ kinh. Tám thức gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a-lai-da thức. 
(còn nữa)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)