Tính thị giác trong điện ảnh – Vẻ đẹp khoảnh khắc

Nếu tình cờ nhắc đến bộ phim kinh điển Casablanca (sản xuất 1942, được bình chọn là Kịch bản phim hay nhất mọi thời đại - bởi Hội các nhà Biên kịch Mỹ WGA), điều gì khiến người ta nhớ đến đầu tiên? Đó có lẽ là câu chuyện về một người đàn ông hào hoa, mang tâm trạng u uẩn về một cuộc tình trong quá khứ.

Hẳn người ta cũng không làm sao quên được vẻ chở che đầy nam tính của chàng, khi nhắn gửi lại với người phụ nữ mình yêu, qua câu thoại nổi tiếng: “Việc anh làm em không thể can dự, nơi anh đến em không thể theo cùng…”! Có thể gọi đó là vẻ đẹp vĩnh cửu của câu chuyện…

Ngày nay, khán giả không còn mấy khi được xem những bộ phim chỉ thuần khiết về câu chuyện. Từ lúc phát minh ra computer, với tốc độ hoàn thiện đến chóng mặt người ta đã ứng dụng triệt để các công năng của nó. Từ việc đưa thật nhiều kỹ xảo vào các bộ phim được đầu tư kinh phí lớn; đến cách cắt, dựng phim ở các phim độc lập với kinh phí thấp, theo hướng thể nghiệm của nhà làm phim. Và thế là người xem được dịp (hay bị) ngập chìm trong hàng loạt bộ phim mà hiệu ứng thị giác được đặt để lên hàng yếu tố đầu tiên.
Xem phim King Kong bản mới nhất vừa được làm lại (giải Oscar lần thứ 78 về Hiệu quả thị giác tốt nhất) tung hoành ở các rạp chiếu trên thế giới lẫn ở Việt Nam; ấn tượng về trận chiến kinh hoàng giữa chàng dã nhân khổng lồ với bầy khủng long man dại trên hòn đảo Sọ người đầy sự hoang sơ đến rùng mình, là điều có thật! Có cảm giác như người xem bị lạc lối trong rừng rậm nguyên sinh ở thế giới hồng hoang nguyên thủy ấy, không còn nhận ra đâu là ngõ thoát hiểm. Cả một trường đoạn Action (hành động) dài dằng dặc như thế, dù có căng thẳng đến nghẹt thở và mỏi mắt đến mấy; người xem vẫn không thể lơi đi phút giây nào nhìn về phía màn ảnh. Để làm được điều đó, người làm phim đã kỳ công tạo dựng về mặt hình ảnh những đại cảnh hoành tráng đến từng chi tiết. Cảnh trí trong phim được thiết kế thật cụ thể đến hoàn hảo, cơ hồ như đó là một thế giới mà giờ đây chỉ còn trong trí tưởng tượng của loài người.

 Để đạt được hiệu ứng thị giác đó trên phim, ngoài Người giám sát Hiệu ứng (kỹ xảo) đặc biệt – Special Effects Supervisor – khi ứng dụng các Hiệu ứng đặc biệt, các công năng của đồ họa 3D…;  người D.O.P. – Director of Photography (đạo diễn hình ảnh) cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là người quyết định về mặt tạo hình của từng khung hình hiện diện trên các phân đoạn phim. Chưa kể, với công nghệ làm phim hiện đại, các phương tiện kỹ thuật dùng để hỗ trợ cho việc hành nghề tác nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng không kém!

Mới đây nhất, khán giả Việt Nam cũng được xem The Promise (Vô cực), gần như cùng thời gian phim công chiếu ra mắt, khi phát hành đồng loạt ở cả Châu Á và thế giới. Và, bằng chất liệu phim nhựa nhiều ưu việt về chất lượng điện ảnh, trong không gian tập trung của rạp chiếu, biệt lập với thế giới bên ngoài; người xem đã “nhập” mình vào thế giới của vô cực ấy lúc nào không hay biết, từ đầu phim đến cuối phim! Ấn tượng ngay ở phần mở đầu phim là trường đoạn đoàn người nô lệ với trang phục và bộ dạng thảm thương, như mới từ  thời “ăn lông ở lỗ” xuất hiện, chạy “mất giày dép” trước sự cuồng nộ hoang dã đến mất kiểm soát của bầy bò rừng móng, sừng sấn xỉa; dưới sự dồn ép truy sát của đám cung thủ ở hai bên hẻm núi. Nó gợi cho lòng người giá trị “đắt đỏ” của cuộc tồn sinh, bằng những sắc màu mang đậm chất hội họa, về mặt hình ảnh phim! Cũng ở phim Vô cực, trong phân đoạn người nô lệ Côn Luân trân mình ngáng cánh cổng tòa thành đang đóng hẹp dần lại, giúp tướng quân Quang Minh phi ngựa chở nàng vương phi Khuynh Thành vượt thoát ra thế giới tự do bên ngoài; một chiếc lông vũ từ áo choàng của nàng đã rơi rớt lại, bay lửng lơ trong ánh nhìn khát vọng đến vô vọng của Côn Luân. Một hình ảnh rất Thi ca, đẹp nhói lòng! Lẽ nào tất cả những điều mà chàng trải nghiệm qua chỉ còn là ký ức đẹp và hồi ức buồn, trong sự ngưng đọng khoảnh khắc của thời gian đã và sẽ mất?

Một phim khác, phim Tae guk gi của Hàn Quốc, tên tiếng Anh “The brotherhood of war” (Cờ bay phất phới hay Huynh đệ tương tàn), vừa đoạt giải Phim hay nhất trong Liên hoan phim (LHP) Châu Á- Thái Bình Dương kỳ vừa qua. Có thể xem đây là một Korean War (tạm dịch: Chiến tranh kiểu Hàn!) mà hình ảnh về cuộc chiến qua các trường đoạn thật khốc liệt, không hề kém cạnh hình ảnh cuộc đổ bộ của quân đội đồng minh vào bãi biển Normandie ở Pháp trong thế chiến II, qua phim Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) đoạt nhiều giải Oscar. Bằng vào những góc máy rất động trong khung hình, sự  tàn tệ của chiến cuộc được khắc họa đậm nét trong tâm trí người xem. Như thể đó là một phim tài liệu về chiến tranh của một phóng viên chiến trường, mà chỉ có sự can đảm và tinh thần yêu nghề mới lưu giữ được từng mét phim sống động, thấm đượm mồ hôi nước mắt và cả máu! Nó khiến người xem thấy trân trọng hơn về từng phút giây mà mình đã sống trong đời, ý thức hơn về giá trị thực sự của cuộc sống.

 
Cảnh trong phim “Tae guk gi”

Ngoài ra, với những phim không đi theo hướng dùng đại cảnh hoặc kỹ xảo đập mạnh vào mắt người xem một cách ấn tượng; việc chú trọng hiệu quả liên hoàn về mặt thị giác của câu chuyện, là không thể phủ nhận. Lúc ấy, câu chuyện được cắt, dựng phim theo kiểu cắt lớp, với từng lát mỏng đan xen nhưng vẫn đảm bảo đủ đầy giá trị nội dung bằng hương vị thị giác, trong thời điểm hiện diện của nó trên từng phân đoạn phim. Có thể thấy rõ hơn ở điểm này, qua các phim Crash (Va chạm, có bản đĩa dịch là Đổ vỡ) vừa đoạt giải Phim xuất sắc nhất ở mùa giải Oscar năm nay; hay các phim Hàn Quốc Old Boy, Sympathy for Lady Vengeance (tạm dịch: Niềm đau vô tận) với rất nhiều đề cử, đã dự tranh nhiều LHP quốc tế thời gian vừa qua.

Mới đây, phim Việt Áo lụa Hà Đông (dù chưa công chiếu ở Việt Nam, nhưng đã được gửi dự thi ở nhiều LHP quốc tế) là phim Việt lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật quay bằng phương pháp dùng trực thăng mô hình (Flying-Cam). Chỉ hiện diện gần 3 phút trên phim, mô tả cảnh đoàn người thường dân bồng bế, gồng gánh nhau “chạy giặc” trong chiến tranh Việt Nam; công nghệ này đã “ngốn” mất một khoản kinh phí không nhỏ đối với nhà sản xuất phim: 30.000 USD! Lẽ đương nhiên, với sự đầu tư tốn kém như vậy, nhất là so với mặt bằng chung của các phim Việt vẫn luôn có ngân sách hạn hẹp; hiệu quả mang lại về mặt thẩm mỹ thị giác đã được người làm phim hoạch định kỹ, và tương xứng!

Có thể trong dòng phim mang nặng khuynh hướng thị giác này, sẽ có rất nhiều phim người xem chỉ thấy mãn nhãn lúc ở trong rạp chiếu, khi ra về là rồi thôi, rồi quên…

Trở về với thực tại của đời thường, người ta hẳn buộc phải chấp nhận rằng điều mình vừa trải nghiệm qua ở rạp chiếu chỉ là sự huyễn hoặc đến mơ màng về một thế giới phi hiện thực, hay đôi khi là một hiện thực ảo… trong khoảnh khắc !

Có lẽ, nên lý giải điều này qua nhiều lăng kính khác nhau; mà Văn học và Hội họa là hai chuyên ngành vẫn thường nằm trong tính tổng hợp và tương tác của Điện ảnh.

Với Văn học hiện đại, câu chuyện (hay cốt truyện) đã không còn là thuộc tính hàng đầu nữa, tính thủ pháp của văn phong mới là điều phải quan tâm tiên quyết. Như những tập truyện ngắn không cốt truyện của nhà văn danh tiếng Hemingway hay truyện ngắn của nhà văn nữ Phan Thị Vàng Anh…
Với Hội họa hiện đại, trào lưu Nghệ thuật mới (Hội họa ngoài giá vẽ) cũng đã có những bước phát triển tốc độ! Từ hình thức chủ đạo Visual Art (Nghệ thuật Thị giác), để rồi sản sinh các phân nhánh như: Installation Art (Nghệ thuật Sắp đặt); Performance Art (Nghệ thuật Hành vi); Body Art (Nghệ thuật Thân thể); Conceptual Art (Nghệ thuật Khái niệm); Graffiti (vẽ tranh trên tường ngoài phố)… Điểm chung nhất ở các loại hình này là hướng đến vẻ đẹp của

Poster phim “Vô cực”

khoảnh khắc, chẳng cần lưu giữ và trường tồn với thời gian. Dù đồng thuận hay không với khuynh hướng và quan niệm mới này, người ta vẫn phải chấp nhận nó; như  chấp nhận sự đổi thay từng ngày của lịch sử. Trong bối cảnh đa thông tin đến nhiễu loạn và dễ bội thực, cùng các tình trạng bất an liên tục của thế giới ngày nay, mà toàn cầu hóa chỉ là một hình thái bắt đầu; thiết nghĩ vẻ đẹp khoảnh khắc đôi khi là một cứu cánh để người ta tạm quên đi phút giây mệt mỏi, thả mình vào giấc mơ đẹp vẫn luôn hiện hữu trong tâm cảm mỗi người…

Có một tín hiệu vui vừa xuất hiện ở một phim Việt Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Gác lại những tranh cãi ồn ào ngoài phim, trong dư luận cả nước thời gian qua; Hồn Trương Ba, da hàng thịt khiến người viết bài này cảm thấy cần phải chú tâm, ở góc độ thị giác, qua trường đoạn ở lò mổ của nhân vật Sang hàng thịt trong phim, về vũ-điệu-mổ-thịt!

Người ta không cần phải nệ thực đến độ, đi tìm xem vũ điệu ấy là có thật hay không trong cuộc sống! Bởi, đạt được hiệu quả cuốn hút như thế trong mắt khán giả, người làm phim đã hoàn toàn ý thức về hiệu ứng thị giác trong điện ảnh. Hy vọng tín hiệu khả quan đó sẽ tạo được tiền lệ tốt, cho các phim Việt tiếp theo…

Châu Quang Phước

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)