Tình trạng pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp
Trống đồng Ngọc Lũ thời Đông Sơn (cách đây 2500 năm), tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích thời Lý (thế kỷ 11 - 12) và pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp thế kỷ 17 được coi là ba tác phẩm tiêu biểu của nền văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, cũng là những cái mốc đánh dấu sự phát triển của tinh thần dân tộc. Mặc dù ra đời gần đây nhất nhưng tượng Quan âm Bút Tháp làm bằng gỗ phủ sơn nên có nhiều vấn đề về bảo quản cần nghiên cứu, trong khi trống Ngọc Lũ bằng đồng và tượng Phật Adiđà bằng đá việc gìn giữ khả dĩ hơn nhiều.  
Chùa Bút Tháp được xây dựng trong thời gian từ năm 1640 đến 1691, dưới sự chỉ đạo và tài trợ của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng nhiều quý tộc đương thời, và giúp bà trong công việc thiết kế có hai nhà sư Trung Hoa là hai thầy trò Chuyết Chuyết và Minh Hành, sau này trở thành sư tổ thứ nhất và thứ hai của chùa. Chùa Bút Tháp, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngày xưa là thôn Nhạn Tháp, nên chùa còn có tên là Nhạn Tháp, và tên chữ là Ninh Phúc Thiền Tự. Thế kỷ 17, khi sông Đuống còn hẹp, chưa khơi rộng như ngày nay, lúc đó sông Dâu cũng chưa bị san lấp, đường đi bộ thủy về Bút Tháp tương đối dễ dàng. Giữa chùa Phật Tích ở Tiên Sơn và chùa Bút Tháp ở Thuận Thành có mối quan hệ mật thiết. Sư Chuyết Chuyết trụ trì cả hai nơi, nên Phật Tích gọi là chùa Cao, Bút Tháp gọi là chùa Thấp. Làng Bút Tháp cũng có tục danh là làng Thấp.
Trên pho tượng Phật bà Quan âm Bút tháp có đề hai dòng chữ Hán: Nam Đông văn thọ Nam Trương tiên sinh phụng khắc và Tuế thứ Bính thân niên thu nguyệt cốc nhật doanh tạo. Câu trên có thể hiểu rằng Trương tiên sinh tước Văn thọ Nam ở Nam Đông phụng mệnh khắc pho tượng này. Câu sau xác định bức tượng được hoàn thành ngày lành mùa thu năm Bính thân. Từ trước đến nay các nhà nghiên cứu Việt Nam căn cứ vào những văn bia có niên đại và các ký tự niên đại trên hoành phi khác ở chùa chủ yếu vào những năm 1646, 1647, đến 1691, cho rằng năm Bính thân trên chỉ có thể là năm 1656. Không thể là trước và sau đó 60 năm. Điều này được khẳng định bởi các lý do sau:
1. Khi xây dựng một ngôi chùa lớn trong thời gian dài, thì có hai công trình được xây cố định đầu tiên là tòa nhà Tiền đường và Thượng điện. Các tòa nhà khác có thể làm sau. Về tượng Phật thì tượng Tam thế, Thổ thần và Thần chủ của chùa được làm trước đây là những pho tượng sẽ đặt trong Tiền đường và Thượng điện. Thần chủ của Bút Tháp chính là pho tượng Phật bà Quan âm Nghìn mắt nghìn tay, có ý nghĩa tinh thần như là thần chủ của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, nhất định phải được làm cùng với Thượng điện. Năm 1647, hai tòa nhà Tiền đường và Thượng điện đã hoàn thành, nhưng tượng Quan âm phức tạp hơn nên mãi đến năm 1656 mới xong.
2. Về phong cách nghệ thuật, thì ba pho tượng Tam thế và Quan âm hoàn toàn tương đồng, về khối lớn, cách tạo hình chi tiết và các biểu tượng Phật giáo gắn trên tượng.
3. Trước khi vào Việt Nam, hai thầy trò sư Chuyết Chuyết có đến Campuchia trước. Kết cấu ba khuôn mặt trên tượng Quan âm giống y hệt các tượng bốn mặt ở Bayon, chứng tỏ một sự tham khảo và học tập có thể.
4. Tuy nhiên vậy Trương tiên sinh là người Việt Nam hay người Trung Hoa? Chuyết Chuyết và Minh Hành đều lấy hệ tịch nhà Minh, năm họ sang Việt Nam thì Trung Hoa đang thất trận, và đã thuộc nhà Thanh từ năm 1644. Người thợ phụng mệnh khắc chỉ có thể là người Việt, vì đây là phụng mệnh hoàng hậu Việt Nam. Nhiều tác phẩm điêu khắc Bút Tháp tương đối thống nhất về phong cách, còn cho thấy Trương tiên sinh không chỉ làm tượng Quan âm mà còn tham gia vào những tượng khác. Và Quan âm Bút Tháp không ra đời một cách ngẫu nhiên, bức tượng đã tổng hợp được nhiều thành tựu của điêu khắc Quan âm nhiều tay của thế kỷ 16, điều mà chỉ có thể là người Việt biết được.
Tượng Quan âm Bút Tháp được bảo quản tốt từ khi ra đời cho đến những năm 1950, khi chiến tranh chống Pháp lan rộng ra đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 1950 – 1953, làng Bút Tháp chịu nhiều trận công kích của Pháp, chùa Bút Tháp bị trúng nhiều đạn pháo, nhiều công trình bị đổ, chủ yếu hai dãy hành lang và tháp đá Tôn Đức bị bắn sạt một bên. Đặc biệt trận đánh năm 1953, cả làng Bút Tháp bị thiêu trụi, trừ ngôi chùa này. Các tượng Phật cũng mất mát và hư hỏng nhiều trong khói lửa. Trong kháng chiến chống Mỹ, do chiến tranh bom đạn lan rộng, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đưa tượng Phật bà Quan âm đi sơ tán và trả lại sau chiến tranh. Quá trình đó và cả sau này, tượng Quan âm bị giới nghệ thuật và lịch sử đổ thạch cao, làm phiên bản nhiều lần, thậm chí người ta ốp thẳng khuôn thạch cao lên tượng. Nên pho tượng bị bong tróc và hỏng nhiều chi tiết. Nhiều đoạn nối giữa khuỷu tay và cánh tay, nhiều ngón tay hỏng không được sửa cẩn thận mà chỉ được đắp bằng thạch cao rồi phủ sơn lên, nay thạch cao rời ra để lộ những chỗ nối. Một vài chi tiết bị gẫy mất, và bốn con quỷ đội bệ bốn góc cũng bị mất.
Quy trình làm một pho tượng gỗ thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) thường cắt khúc gỗ ra làm nhiều phần: khối đầu, khối thân, khối chân và khối bệ, tay cũng làm rời, và lắp lại với nhau. Người ta tạc khối cơ bản đơn giản, sau đó dùng đất phù sa trộn với sơn ta đắp lên làm chi tiết bề mặt, cho nên về thực chất nhiều pho tượng là chất liệu hỗn hợp, cốt gỗ và đắp đất phủ sơn, hoặc gỗ phủ sơn. Tượng Quan âm Bút Tháp được chia thành nhiều khối khác nhau (xem hình):
1. Phần thân tượng, tính từ đỉnh cho đến mép mặt bệ đài sen – 221cm.
2. Phần bệ tượng, tính từ mặt đài sen đến hết chân bệ-144cm. Đài sen chỗ rộng nhất chu vi là 331cm, chu vi đế đài sen là 175cm.
3. Phần bảng tay phía sau (tách rời)- 384cm.
1. Phần thân tượng được lắp ghép: phần đầu từ tượng nhỏ A di đà đặt trên đỉnh xuống bốn tầng mặt ba chiều phía dưới đến cổ, là một khối liền. Từ vai đến khối chân, tức là khối thân liền. Khối chân xếp bằng, và 42 tay lớn lắp ghép vào khối thân, các tay đều lắp rời, có tay làm liền, có tay lại chia ra từng đoạn ghép vào nhau: cánh tay, khuỷu tay, bàn tay.
2. Phần bệ: đài sen rời đặt ghép trên đầu con Tràng ba long vương đội bệ, hai tay của con long vương cũng lắp rời. Từ mặt bệ chạm khắc sóng nước đến chân bệ được gập thành ba khúc cũng lắp ghép, nhưng là khối lớn nên lực rất khỏe.
3. Phần bảng tay phía sau: gồm bảng tay với 14 vòng tay, số vòng tay giảm dần như sau: 102, 102, 95, 88, 80, 69, 60, 45, 37, 27, 26, 23, 19, 16. Tổng cộng là 789 cái tay nhỏ. Bảng tay này có giá đỡ gắn vào một cối đá nặng phía dưới làm bệ.
Quá trình nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo nói chung, sống và trực tiếp bảo quản tượng chùa Bút Tháp, chúng tôi nhận thấy, tượng Phật cổ được làm từ các nguyên liệu: gỗ mít, sơn ta, vàng, bạc, son. Khi sửa chữa nếu dùng một chất liệu khác những chất liệu trên đều làm pho tượng hỏng nhanh hơn và cũng rời ra sau một thời gian. Đợt trùng tu lớn năm 1993, trong đó có cả một số tượng được tu sửa, nhưng những tượng này hỏng nhanh hơn các tượng không được tu sửa. Đây là một kinh nghiệm, mà hiện nay khắp nơi đều xây chùa sửa tượng không quan tâm và đưa rất nhiều chất liệu mới vào trùng tu, như bạc kém chất lượng, sơn Nhật thậm chí cả sơn công nghiệp. Tượng cổ có xu hướng rỗng lõi, nhiều nơi đã bơm các hóa chất đặc vào trong, như vậy sẽ làm pho tượng hỏng nhanh trong tương lai, chỉ có thể lấy gỗ mít cũ, nghiền ra mùn cưa trộn với sơn ta và đất phù sa nhét vào chỗ rỗng thì bền lâu. Do không có phương tiện hiện đại soi chụp, chúng tôi không rõ tượng Quan âm Bút Tháp có nhiều ổ rỗng hay không, nhưng chất lượng thân tượng là tương đối tốt, trừ 42 tay lớn do chịu lực giơ tự nhiên, (nhất là tay vươn cao) đều dễ bong gẫy. Phần đầu tượng, các chi tiết trang trí trên mũ cũng bị sứt gẫy nhiều, và có lẽ phần này bên trong lõi gỗ không còn tốt nữa, cũng bởi nơi nhiều chi tiết, người xưa sử dụng phương pháp đắp đất trộn sơn, nên khả năng hỏng cũng nhiều hơn nơi thuần là gỗ.
Hiện tại chất lượng kỹ thuật của các tượng Phật Bút Tháp không đồng đều. Những tượng gỗ vẫn còn tốt, những tượng lõi gỗ với chi tiết đắp đất phủ sơn bong tróc nhiều. Những tượng đất phủ sơn hoàn toàn xuống cấp nặng. Những pho tượng được sơn mới và trùng tu đều có xu hướng hỏng, và hỏng từ bên trong do màng sơn mới làm tượng không thở được.
—————
Vài thuật ngữ Hán Việt
1. Thiên thủ thiên nhãn Quan thế âm Bồ tát Phật tượng
2.A di đà Phật tượng
3. Phật Tích tự
4. Trịnh Thị Ngọc Trúc hoàng hậu
5. Chuyết Chuyết thiền sư
6. Minh Hành thiền sư
7. Bắc Ninh tỉnh, Thuận Thành huyện, Đình Tổ xã, Bút Tháp thôn
8. Nhạn Tháp
9. Tiên Sơn
10. Nam Đông văn thọ Nam Trương tiên sinh phụng khắc
Tuế thứ Bính thân niên thu nguyệt cốc nhật doanh tạo
11. Tam thế Phật, thổ thần, thần chủ
12. Tiền đường
13. Thượng điện
14. Hậu Lê.
15. Ninh Phúc Thiền tự
Các bản vẽ do Phan Cẩm Thượng vẽ, ảnh Nguyễn Anh Tuấn.