Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội người Jörai

Cuốn sách "Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai" (1), một trong hai tác phẩm quan trọng của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes (cùng với Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương (2)) vừa được dịch sang tiếng Việt (3).


Jacques Lucien Dournes (giữa) trong ảnh bìa cuốn sách “Nhà dân tộc học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes” của Andrew Hardy, Nguyên Trưởng đại diện Viện Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam (EFEO).

Yêu và hiểu Tây Nguyên

 

Jacques Lucien Dournes sinh năm 1922 ở Saint-Pol-sur-Ternoise (Pas-de-Calais), Pháp. Ông học triết học và thần học ở Đại chủng viện Versailles, thụ phong linh mục tháng 4/1945, tháng chín cùng năm được nhận vào Đoàn Truyền giáo hải ngoại Paris, và sau một năm thực tập, được phái sang tòa Khâm mạng Sài Gòn. Tháng 1/1947, ông được phái về vùng Kala, gần Djiring (Di Linh – Lâm Đồng), xứ đất của người Srê, tận tụy truyền đạo, học thành thạo tiếng của tộc người bản địa, dịch ra tiếng Srê Sách Giáo lý Cơ đốc và sách Kinh lễ, chăm chú ghi chép về đời sống của người Srê, sưu tập một bộ từ ngữ Srê phong phú. Ông cũng đã tham gia Hội nghị quan trọng ở Đà Lạt năm 1949 xác định cách phiên âm thống nhất phương ngữ của các tộc người Tây Nguyên.

Dù coi việc say mê nghiên cứu dân tộc học là một công cụ cần thiết và hữu ích cho sứ mệnh truyền giáo, Dournes vẫn bị cấp trên kết tội “xao lãng mục vụ” và triệu hồi trở về Pháp năm 1954.

Tổng cộng Dournes đã gắn bó với người Srê gần chín năm, đã thực hiện một số công trình nghiên cứu đáng kể về tộc người này, trong đó có tác phẩm Ngôn ngữ Srê, soạn và cho in bộ Từ điển Srê-Pháp, Chi Chê: thực vật học Srê, Các loài cây có ích ở xứ Srê, Danh mục các loài thực vật sưu tập được ở xứ Srê, Lễ hội theo mùa của người Srê… Nhóm tác phẩm này sớm cho thấy ý tưởng đã manh nha ở ông về xu hướng của người Tây Nguyên luôn xây dựng cấu trúc xã hội của mình trong đối chiếu với Tự nhiên qua mô hình của thế giới thực vật. Cũng trong thời gian này ông viết các tác phẩm bộc lộ một cách suy nghĩ khác của ông về phương pháp truyền bá đức tin, đặc biệt ở các vùng dân tộc ít người. Chính điều này khiến ông gần gũi và thân thiết với một nhân vật tôn giáo có thế lực, Giám mục Paul Seitz ở Kontum. Paul Seitz hiểu và quý Dournes, mời ông trở lại Tây Nguyên ngay từ năm 1955, đưa ông về vùng Jörai, tộc người đông nhất, cư trú trên bình nguyên rộng rãi nằm đúng ở trung tâm Tây Nguyên, trải dài từ Đông sang Tây (và cả một phần trên đất Campuchia), từ xưa vốn là vùng đệm và nối liền vương quốc Champa với vương quốc Khơme.

Dournes cắm mình ở vùng thực địa Jörai hơn 11 năm, vậy mà, như bạn đọc có thế thấy ngay trong cuốn sách này, ông viết “Tôi đã đến muộn quá!”, và ông đau đớn khi phải rời Việt Nam năm 1974 vì một số lý do khách quan.

Với công trình nghiên cứu phong phú về thực vật dân tộc học, năm 1968 Dournes nhận bằng tốt nghiệp của Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE) danh tiếng; năm 1971 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài tổ chức gia đình và xã hội Jörai; năm 1973 nhận bằng tiến sĩ quốc gia về văn chương và khoa học nhân văn với công trình về thế giới tâm linh và chính trị của người Jörai. Ông có làm việc một thời gian ở Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Theo một danh mục được thống kê, Dournes đã viết trên 250 công trình nghiên cứu lớn nhỏ về Tây Nguyên.

Dournes đơn giản là một nhà Tây Nguyên học, yêu Tây Nguyên bằng tình yêu lớn. Bởi thế, trong lời mào đầu cuốn sách Les populations montagnardes du Sud Indochinois, Dournes viết rằng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu [Tây Nguyên], thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.”4

 


“Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai”, một trong hai tác phẩm quan trọng của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes.

Lắng nghe người bản xứ

 

Tọa độ được xuất bản năm 1972, tức Dournes đã viết cuốn sách này và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Jörai mà ông tiếp xúc hằng ngày và đang cố gắng xác nhận các “tọa độ” (xã hội) của họ, để nhận diện đúng bản nguyên, căn cốt hay “căn cước” (identité) riêng của họ giữa thế giới này. Và cuối cùng, để suy nghĩ về thực trạng và số phận của họ, những khả năng, những thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay.

Để làm được công việc khó khăn và tinh tế đó, ông đã tự tạo cho mình những điều kiện có thể gọi là lý tưởng.

Trước hết, Dournes tuyệt đối không dùng phiên dịch, điều ông cho là tối kỵ với nhà dân tộc học. Không chỉ vì người dịch, dù tuyệt đối vô tư và cố gắng trung thành đến tối đa, bao giờ cũng, một cách có thể hoàn toàn vô ý thức và thậm chí ngược lại với ý muốn tốt đẹp nhất của mình, đưa quan điểm của mình “thấm” vào và làm biến dạng ý nghĩa lời nói của người bản địa mà anh dịch cho ta. Bởi vì chính anh, từ trong sâu thẳm nhất của anh, do toàn bộ trải nghiệm mọi mặt suốt cuộc đời anh, đã thành thật hiểu như thế, chỉ có thể hiểu như thế. Hơn nữa, truyền thống văn hóa Jörai, cũng tức là toàn bộ cuộc sống Jörai trong chiều sâu nhất của nó, là văn hóa truyền khẩu. Và toàn bộ cấu trúc gia đình và xã hội hết sức phức tạp và tinh tế, được Dournes gọi là các “tọa độ”, lại nằm trong chính những lời nói truyền khẩu ấy. Dournes thông thạo tiếng Jörai, có thể còn hơn cả người Jörai chính cống, bởi ông phải tìm hiểu đến đáy từng từ ngữ Jörai, những biến dạng nhỏ nhất cùng vị trí của nó trong hệ thống cấu trúc Jörai5. Đối với Dournes không gì bằng lắng nghe người Jörai nói, không phải khi họ trả lời phỏng vấn của ta – cái đó thường chẳng có giá trị mấy đâu, thậm chí rất có thể là thông tin giả, đánh lừa – mà là lúc họ trò chuyện bình thường cùng nhau hằng ngày, lúc họ đọc lời khấn, kể huyền thoại akhan cho nhau bên bếp lửa đêm nhà sàn, cả lúc họ nói nhịu hay vô tình nhớ nhầm… không hề biết và không quan tâm có một nhà dân tộc học đang chăm chú dõi theo từng lời của họ… Ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi có khi đến nhiều năm để tình cờ nghe được trong một cuộc trò chuyện bình thường, trong một đoạn một câu của một truyện kể, bỗng bất ngờ xuất hiện một thông tin quý mà ông còn thiếu.6

Tất nhiên ông còn nói thêm: cộng với lắng nghe, là một chút “trực cảm” của người đi tìm. Song trực cảm này nói cho cùng cũng do trải nghiệm lắng nghe trên thực địa lâu dài và tận tụy mà có.

 

Quyền lưu trú nơi thực địa

 

Trong nguyên bản tiếng Pháp của Tọa độ, ta gặp một cụm từ thoạt đầu hơi khó hiểu: Dournes viết lý thuyết của nhà dân tộc học cần có droit de séjour, dịch nguyên nghĩa là quyền lưu trú. Quyền ở lại, lưu lại lâu dài trên địa điểm nghiên cứu. Đương nhiên, nghiên cứu dân tộc học có phần đồng đại, chăm chú vào hiện tượng đang diễn ra và trong so sánh với hiện tượng đồng thời ở các tộc người hay các hoàn cảnh khác, nhưng Dournes luôn nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của phương pháp lịch đại, ở lại đủ lâu tại chỗ để theo dõi biến động của một sự kiện theo dòng thời gian, bởi như ta biết con người và tất cả những gì liên quan đến con người là luôn luôn động, dù sự động đó lắm khi chỉ bộc lộ cho ta có thể nhận ra qua cả một hay mấy thế hệ. Dournes đã lưu lại, mà là lưu lại một cách cực kỳ chăm chỉ và đầy ý thức trên thực địa Tây Nguyên trước sau 23 năm, và ông coi chừng đó là còn quá ít. (Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại một ý đã có lần nói ở nơi khác: dân tộc học, theo một cách hiểu nào đó, không phải là một nghề mà là một nghiệp, người ta không “làm” dân tộc học, người ta “sống” nó. Condominas nói: Dân tộc học là một “loại hình” sống.) Để hiểu về điều này, các bạn có thể đọc kỹ chẳng hạn đoạn Dournes viết về cô gái Jörai mà ông gọi là Hoa Lạc Tiên, từ một đứa bé còn ở truồng hoàn toàn tự nhiên, lớn dần lên thành một cô gái bắt đầu dậy thì, bắt đầu pöyu tức chơi trò tình nhân với cậu con trai láng giềng tên là Dế Mèn, hay qua những ghi chép dữ kiện của Dournes về kết cấu gia đình thu hẹp và gia đình mở rộng, về chức năng tự nhiên và cơ cấu phân chia lao động trong gia đình giữa đàn ông và đàn bà… ông bóc tách và chỉ ra rằng các cuộc tình, kể cả động tác tình dục là cái thuộc về Tự nhiên và không liên quan gì đến hôn nhân, cái thuộc về Văn hóa. Hôn nhân là thuộc bản chất khác, là một cuộc trao đổi, là việc một thị tộc này kết mối liên minh với một thị tộc khác, và qua đó tạo nên cái mà ta sẽ gọi là xã hội, là văn hóa. Mà mối quan hệ giữa Tự nhiên và Văn hóa là một phần quan trọng nhà nhân học của chúng ta cần giải quyết để đi đến cái đích cuối cùng của nghiên cứu nhân học xã hội này đó là cấu trúc gia đình và xã hội Jörai.

 

Trở lại với phương pháp làm việc của Dournes, có thể nói, ông đã tự tạo được cho mình một lợi thế làm việc tối ưu: dù có cố gắng đi lại nhiều nơi (trong điều kiện chiến tranh), ông chọn “định đô” chính ở Cöreo (tức Phú Bổn), nơi ông không bị hạn chế trong việc quan sát và mô tả chỉ một nhóm địa phương mà là tổng thể sự tương tác giữa nhiều nhóm người, qua đó nắm bắt được những gì diễn ra trên khắp địa bàn đi lại của người Jörai.

Cũng nhờ cách làm việc và viết ngay công trình tại chỗ, Dournes đã không tự gò bó đi theo một chương trình định trước, mà để cho sự thực của thực địa dắt dẫn mình. Ông nói: “… Trước khi biết người Jörai gọi nhau như thế nào (hệ thống từ ngữ), tôi biết họ thuộc về làng nào, rồi thị tộc nào. Vậy nên tôi sẽ mô tả lần lượt: ngôi làng biểu kiến; thực tế về huyết thống (các tên gọi và các phả hệ); các từ ngữ và các mối quan hệ thân tộc; các liên minh (trao đổi phổ cập); gia đình thu hẹp và của cải; đàn bà và đàn ông, để bằng cách đó đi từ vẻ bên ngoài đến cốt lõi của sự vật… [Tôi] nghiên cứu tình hình dân cư trước khi đi vào phân loại, nối tiếp bằng việc tìm ra hệ thống và dừng lại trước điều bí ẩn. Tiến dần từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất, từ các cấu trúc yếu của xã hội đến các cấu trúc mạnh của gia đình, theo các quan hệ dòng máu và các liên minh, tôi tiến dần đến cái điển hình Jörai nhất mà tôi cho là khá độc đáo”.


Lễ bỏ mả ở huyện Chư Pah, Gia Lai, năm 2004. Nguồn ảnh : vietnam.vnanet.vn

Căn tính của người Jörai

 

Vậy Dournes đã nhận ra bản nguyên, hay căn tính của người Jörai như thế nào?

Dựa trên ba “tọa độ” được trình bày cụ thể trong sách, Dournes tìm thấy cấu trúc gia đình và xã hội Jörai xác định nên căn tính của người Jörai trong một tập hợp các tọa độ định vị họ từ mức độ biểu kiến nhất đến mức độ ngầm sâu nhất trong tương quan với cộng đồng địa phương, với thị tộc, với các họ hàng, các người liên minh, với con cái và với vợ/chồng của họ, về vai trò thực sự của người phụ nữ và đàn ông Jörai trong hệ “tọa độ” gia đình và xã hội đặc thù của họ, và ông thậm chí còn tranh luận về vấn đề “mẫu quyền” hay “mẫu hệ” trong đời sống tâm thức của xã hội Jörai ở một chiều kích sâu sắc hơn, v.v…

Và sau bao nhiêu tích lũy công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phân tích tinh vi, là một cái nhìn khá bi quan về hiện trạng và con đường phát triển của con người và xã hội Jörai. Dournes cho rằng căn nguyên có thể nằm ở phía sau rất xa, khi người Jörai còn đứng trước những khả thể phát triển phong phú khác nhau, họ đã chọn con đường dễ dãi, ít cản trở nhất, song là con đường bế tắc, cá nhân bị cái chuỗi, tức hệ thống lấn át, nhanh chóng lu mờ. Mà chỉ có hai cá nhân được phát triển tự do mới khớp khít được với nhau. Chính hệ thống cấu trúc được thiết kế và gìn giữ quá chặt do họ lựa chọn từ đầu đã kìm xã hội Jörai vào ngõ hẹp không có lối ra.

Dournes đề nghị một sự “quay về phía sau” để tìm lại những khả thể cho phép phát triển tốt hơn đã bị bỏ qua trong quá khứ xa.

Quay lại phía sau ư? Bằng cách nào?


Tượng khuôn mặt ở làng Chăm, huyện Ia Grai, Gia Lai, năm 1986. Nguồn ảnh: vietnam.vnanet.vn.

Quay lại phía sau để tìm về phía trước

 

Với Dournes, “quay về phía sau” lại có thể là tìm tới phía trước, bởi trong thực tế, như Dournes nói, ông muốn “chia sẻ (với họ) về việc thực hiện, làm sống dậy ngay hôm nay chính “những ‘khả thể’ chưa được khai thác” từ trước, do “niềm tin của tôi ở năng lượng tiềm ẩn của họ”.

Cuối Chương V của sách này, có một phần rất quan trọng, lấy đề mục là Quá trình đô thị hóa, mô tả việc người Jörai tham gia và thích ứng với đô thị hóa ở Cöreo (vào thời của Dournes) ra sao: “… Môi trường sống đã bị quá trình đô thị hóa thay đổi… Hình thức thì thay đổi nhưng hệ thống vẫn vẹn nguyên – điều này sẽ cho thấy người Jörai có thể tự chuyển biến mà vẫn giữ được mình là mình. Đời sống tâm linh thì bị xáo trộn sâu sắc hơn, bởi nghi thức cúng bái vốn gắn quá chặt với vùng đất họ sinh sống và tín ngưỡng thì quá đặc thù (yang của nơi ở); tín ngưỡng-ma thuật vẫn tồn tại, thậm chí dưới lớp vỏ của một chủ nghĩa vô thần thực dụng…” (tr. 375)

Đọc phần này của Dournes, ta sẽ nghĩ đến hai điều. Trước hết là một cảm giác. Cảm giác rằng chính ông biết con đường ông chỉ ra là một đánh đổi, có cái sẽ được, và có cái sẽ mất đi.

Thứ hai: thấm thoắt, đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuốn sách này lần đầu được xuất bản. Những nỗi âu lo của Dournes về việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Jörai quả thực có cơ sở. Hiện nay, mọi sự đã hoàn toàn đảo ngược, các tộc người Tây Nguyên đã thật sự là thiểu số tuyệt đối ở ngay tại chỗ, người Kinh đổ lên Tây Nguyên dày đặc – do chủ trương di dân của Nhà nước, và sau đó là di dân tự do. Bây giờ thì người thiểu số bản địa bị người mới đến với số lượng vừa đột ngột vừa áp đảo lớn, thật sự đẩy vào núi sâu và mất đất canh tác truyền thống và sinh tử. Từ là những tộc người không hề du canh du cư như ta đã từng hiểu lầm, nay họ đã chính thức phải du canh du cư do không còn đủ đất để trồng trọt theo lối “luân khoảnh”, và họ phải phá rừng để tìm cái sống qua ngày, một hành vi trái nghịch với bản chất sinh tồn lâu đời của họ. Họ làm sao còn có thể coi “giữ rừng như giữ sinh mạng của mình” theo lời Thủ tướng vừa nhấn mạnh. Và trong trường hợp cụ thể này, tiến sĩ chuyên gia hàng đầu về rừng Nguyễn Ngọc Lung đã đúng khi nói đến lúc “chính người dân phá rừng”…

Trong vấn đề này, cũng cần nói đến trách nhiệm của người Kinh vốn đến sau trên đất đai quê hương truyền thống của các tộc người bản địa. Chính họ cũng phải nghĩ và hiểu những vấn đề của người bản địa, để cố gắng tìm ra con đường phát triển cùng nhau. Cuốn sách này, vì vậy, cũng là viết cho chính người Kinh.

Tình hình thực tế ngày nay đã khác trước rất nhiều, song những tìm tòi tâm huyết, những suy nghiệm sâu sắc về con người và xã hội Jörai trong lựa chọn những khả thể phát triển khác nhau và hệ quả của lựa chọn ấy, cùng phong thái và phương pháp nghiên cứu dân tộc học độc đáo, đặc sắc của Jacques Dournes, vẫn rất đáng cho chúng ta hôm nay trân trọng chăm chú học hỏi và vận dụng, tất nhiên một cách có chọn lọc thích hợp, trong nỗ lực tìm đường tồn tại và phát triển trong điều kiện mới, và không chỉ cho tộc người Jörai, trên vùng cao nguyên vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước. Phát triển từ nay cần là cùng phát triển chung, Kinh và Thượng, nương vào nhau, tận dụng chỗ mạnh của nhau.□

———-
Chú thích:

1Nguyên bản tiếng Pháp: Coordonnées: structures Jörai familiales et sociales, Institut d’Ethnologie, Paris, 1972.

2 Nguyên bản tiếng Pháp: Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai, Flammarion, Paris, 1977. Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013; Omega+ tái bản năm 2018.

3Nguyễn Phương Chi dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Omega+ và Nxb Thế giới, 2021.

4 Nghĩa là: Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, xuất bản ở Lyon năm 1950, Dournes ký bút danh Dam Bo. Cuốn sách đã được Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ với nhan đề Miền đất huyền ảo.

5 Ta nhớ Georges Condominas từng nói: Tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar!

6 Không hề ngẫu nhiên khi năm 1975, Jacques Dournes trở thành một thành viên sáng lập nhóm “Tính truyền khẩu và các lĩnh vực truyền khẩu” trong khuôn khổ trung tâm nghiên cứu “Văn học và lý thuyết văn học” của René Étiemble và René Sieffert, một năm sau nhóm của ông lại chính thức trở thành “Trung tâm nghiên cứu về tính truyền khẩu” do chính ông đứng đầu, là một bộ phận quan trọng của CeDRASEMI (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về vùng Đông Nam Á và thế giới Nam đảo).

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)