Tôi trao cho câu chuyện tất cả không gian mà nó cần

Alice Munro trả lời phỏng vấn của Lisa Dickler Awano về quá trình sáng tạo của mình và vì sao bà lại chọn hình thức truyện ngắn.

Bà có thể nói về quá trình sáng tạo của mình?

Tôi làm việc chậm; viết lách là một công việc khó khăn – hầu như luôn là như thế. Thực sự, tôi đã viết đều đặn kể từ khi hai mươi tuổi, và giờ đây tôi đã 81 tuổi. Thói quen của tôi bây giờ là thức dậy vào buổi sáng, uống chút cà phê và bắt đầu viết. Rồi sau đó, tôi nghỉ một lát, ăn cái gì đó, rồi lại viết tiếp. Có lẽ tôi chỉ viết liên tục trong khoảng ba tiếng đồng hồ thôi. Tôi viết lại rất nhiều; tôi viết lại phần đã viết, đến khi thấy ổn thì gửi bản thảo đi. Rồi tôi lại muốn viết lại thêm chút nữa. Đôi khi, đối với tôi, một đôi từ quan trọng đến mức tôi phải xin rút bản thảo về để thêm chúng vào.

Tôi bắt đầu nghề văn với ý tưởng trở thành tác giả tiểu thuyết và rồi tôi lại viết các truyện ngắn vì đó là cách duy nhất để tôi còn có thời gian. Tôi có thể tạm gác việc nhà hay chăm sóc con cái trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng khoảng thời gian đó không đủ để người ta viết một cuốn tiểu thuyết. Sau một thời gian, tôi nhận thấy hình thức truyện ngắn – mà đúng hơn, tôi chọn một hình thức truyện ngắn hơi bất thường, một truyện ngắn có dung lượng khá dài – là thứ tôi muốn thể nghiệm. Tôi có thể nói điều mình muốn nói trong không gian ấy. Và ban đầu đó là điều khó khăn vì truyện ngắn là thể loại mà người ta muốn xác định độ dài ở một giới hạn nhất định. Họ muốn nó là một truyện ngắn, trong khi đó truyện của tôi lại hơi bất thường theo kiểu nó là câu chuyện cứ triển khai mãi và nói với người ta những chuyện khác biệt, và cứ thế.

Tôi không bao giờ biết – hay chí ít, tôi thường không biết – một câu chuyện sẽ phải giới hạn ở độ dài bao nhiêu. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi trao cho câu chuyện tất cả không gian mà nó cần.

Nhưng dù sao thì tôi không bận tâm thứ tôi giờ đây đang viết được xếp là truyện hay là thể loại gì khác. Nó là một tác phẩm hư cấu, vậy là được.

Văn của bà rất trữ tình. Bà vẫn viết thơ đó chứ?

Ồ, có, thi thoảng vẫn viết. Tôi thích ý tưởng liên hệ giữa văn của tôi và thơ, nhưng chị biết đó, khi người ta viết văn xuôi, tôi nghĩ người ta phải rất cẩn thận để văn mình không mang tính trữ tình một cách cố ý. Văn xuôi cần phải có một sự sắc nhọn nhất định và đó chính là cách viết mà tôi thích. Tôi muốn viết như thế, theo cái cách như thế, có thể gây cho người đọc một chút sợ hãi chăng?

Tôi có cảm giác bà rất quan tâm đến folklore?

Đúng rồi. Nhưng bạn không bao giờ biết được mình định quan tâm đến cái gì. Bạn không thể quyết định điều đó từ trước. Rồi đột nhiên, bạn nhận ra đây những gì bạn muốn kể, bạn nắm bắt nhịp điệu của chúng và cố gắng viết ra. Tôi tự hỏi, tại sao kiểu chuyện kể này lại quan trọng đối với con người đến thế? Tôi nghĩ bạn vẫn nghe rất nhiều câu chuyện mà người đời kể, những câu chuyện có lẽ được xem như là minh họa cho một số điều lạ lùng về cuộc đời này. Và tôi thích tìm những câu chuyện ấy, xem chúng kể với tôi điều gì và tôi sẽ muốn giải quyết chúng như thế nào.

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng folklore được xem là hình thức kể chuyện của phụ nữ?

Tôi nghĩ điều đó đúng, phụ nữ vốn không được coi trọng, thậm chí kể cả sau khi đã biết chữ, biết viết thì phụ nữ vẫn cứ kể chuyện. Chị biết đấy, phụ nữ hay ngồi tỉ tê với nhau, hay họ đã từng có thói quen như thế. Và tôi có thể nhớ những việc chị em phụ nữ chúng ta làm cùng nhau khi phải lo bữa ăn phụ cho cả đám đàn ông trong nhà. Đám đàn ông làm việc ngoài đồng và khi về nhà, bạn sẽ phục vụ họ một bữa ăn hoành tráng – đấy, tôi nhớ cảnh tượng ấy hồi mình còn nhỏ. Có một niềm hãnh diện lớn cho cánh phụ nữ khi nhìn thấy bữa ăn thịnh soạn, hoành tráng như thế nào, rồi sau đó, bạn có cả núi bát đĩa phải rửa. Suốt thời gian ấy, chị em phụ nữ chuyện trò với nhau. Hình thức trò chuyện này rất quan trọng.

Nhưng tất nhiên giờ chuyện đó không còn nữa. Đó là một lối sống cũ – lối sống của người nhà quê – và tôi không biết giờ phụ nữ có còn nói chuyện theo kiểu này hay không. Phụ nữ có còn nói chuyện với nhau không? Họ có được khuyến khích để làm việc đó hay không? Nhưng tôi nghĩ hễ ở đâu phụ nữ tụm lại với nhau là họ có sự hối thúc để kể những câu chuyện, để nói với nhau: “Tại sao chị nghĩ chuyện này lại xảy ra?”, “Đó chẳng phải là chuyện lạ lùng hay sao?” hay “Điều đó có nghĩa gì?”. Phụ nữ có thiên hướng diễn dịch đời sống bằng lời nói. Trong khi nhiều đàn ông mà tôi biết, hay đã từng biết, lại không có sự hối thúc này. Họ cảm thấy sẽ tốt hơn nếu cứ đi thẳng, giải quyết việc gì liên quan đến mình và có lẽ không băn khoăn quá nhiều về nó.

Tôi không rõ liệu đây có thể coi như một điểm tựa để giải thích vì sao bà chọn hình thức truyện ngắn – hay chính thể loại này chọn bà?

Có thể. Tôi thích làm việc với mọi người, nghe trò chuyện của mọi người và cộng hưởng với những niềm ngạc nhiên của họ. Đối với tôi, điều đó quan trọng lắm. Chuyện xảy ra lại là chuyện bạn không chờ đợi. Trong một truyện ngắn của tôi – “Trốn chạy”, một phụ nữ có một cuộc hôn nhân rất khổ sở, quyết định rời bỏ người chồng của mình, chị ta lại được một người phụ nữ lớn tuổi hơn động viên làm việc đó, và cuối cùng chị cũng đã thực hiện quyết định của đời mình. Thế rồi khi chị đang cố gắng trốn chạy, chị lại nhận ra mình không thể làm được việc đó. Đó là một việc nhạy cảm, chị có nhiều lý do để dứt bỏ, để chạy trốn nhưng chỉ là chị không thể làm được. Sao lại dùng dằng như thế? Nhưng đó chính là câu chuyện mà tôi muốn viết. Vì tôi cũng không biết “sao lại như thế”. Nhưng tôi phải chú ý đến nó. Ở câu chuyện đó, có có cái gì đó rất đáng để chú ý.

Trong truyện “Dear Life” (Cuộc đời thân mến), bà đã khám phá nghịch lý trong mối quan hệ của bà với cha mẹ mình.

Phải, đó là mối quan hệ gồm cả tình yêu, nỗi sợ hãi và sự khó chịu. Có tất cả những thứ đó.

Bà cứ trở đi trở lại trong những tác phẩm sau này câu chuyện về mối quan hệ giữa bà và người cha của mình, người cũng là một nhà văn có tài, đặc biệt nhạy cảm và cũng đọc sách cả đời.

Đúng là ông ấy.

Đó là một người, trong nhiều truyện của bà, giống như một bóng ma đang sống đối với bà, khi bà còn là một nhà văn trẻ đang định hình. Nhưng có một sự thật không thay đổi được là bà từ chối ngoảnh mặt quay đi, và chính vì thái độ đó, ông ấy đã lấy dây thắt lưng đánh bà khi bà còn là một cô bé mới lớn.

Có chuyện đó. Và tôi có thể nói rằng, “Ừ thì tất nhiên, đấy là chuyện rất phổ biến ở thời kỳ đó – hầu hết những người tôi biết đều thi thoảng bị đánh đòn.” Và việc đánh một đứa trẻ con không hề là việc cần phải lên án. Đó là một cách tự nhiên để uốn nắn đứa trẻ. Và cũng bởi nghèo đói, bởi cần trẻ em để làm việc nhà, bởi một đứa trẻ thiếu niên ngày đó không được xem như một đứa bé đáng yêu chỉ cần ngồi lì trong nhà như trẻ em bây giờ. Do đó, việc này rất thực tế, cần phải làm. Đồng thời nó cũng rất đáng sợ và có thể – như nhiều người sẽ nói – đó là việc hủy hoại con người. Tôi không thể nghĩ như vậy…Tôi vẫn là người từ chối đòn roi và thấy đó là thứ rất đáng sợ. Tôi có mặc cảm khi đó mình là kẻ vô giá trị và đó là điều gây cho chị những ý nghĩ về tôi như thế. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận thấy đó là chuyện đã xảy ra vào thời điểm ấy và người ta không thể né tránh nó. Và người ta cũng không thể né tránh việc cần hiểu tại sao chuyện đó phải xảy ra. Thời đó, người ta không có thời gian, cũng chẳng có tiền để nuôi dạy trẻ con theo cách biết để ý, quan tâm đến những nhu cầu của chúng – lý do vì sao người lớn lại hành xử như thế với trẻ con. Mà trẻ con cũng không có thời gian để lắm lời hay nói lại, chị biết rồi đấy. Người ta không có điều kiện để quan tâm đến tất cả chuyện này. Vì cái người ta quan tâm chủ yếu là làm sao có cái ăn đủ để sống, gia đình là nơi ai cũng phải làm việc và phải tỏ ra hữu dụng. Vì tôi là một đứa trẻ rất nổi loạn, hay ít nhất tôi luôn nghĩ đến việc phải thoát khỏi không gian này, nên tôi sẵn sàng tỏ ra bất cần đáp lại bất cứ ai. Đó là tác dụng ngược của nếp sống gia đình này.

Trong truyện “Cuộc đời thân mến”, bà sử dụng ý niệm về sự tân trang một ngôi nhà trong mối liên hệ với lao động của ký ức. Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của bà về bản chất của ký ức?

Những gì xảy ra khi chúng ta già hơn cũng lý thú đó chứ, vì ký ức khi đó trở nên sống động hơn, nhất là thứ ký ức xa xôi. Song tôi không hề phải vất vả với ký ức vì mọi thứ vẫn ở đó, luôn là thế và tôi không rõ mình có viết về nó nhiều hơn đã từng hay không. Rõ ràng những câu chuyện ở phần “Finale” (Đoạn kết) trong tập truyện này là kết quả của sự lao động đầy ý thức với ký ức và tôi không thường làm việc này nhiều lắm vì tôi nghĩ nếu người ta muốn viết nghiêm túc về cha mẹ mình, về tuổi thơ của mình thì người ta phải hết sức chân thành, trung thực, người ta phải nghĩ xem chuyện gì thật sự đã xảy ra thay vì nghĩ đến câu chuyện mà ký ức bày ra cho bạn. Nhưng cố nhiên bạn không bao giờ có thể làm được điều đó vì thế ít nhất bạn phải nói, “Đây là chỗ đứng của tôi trong câu chuyện –đó là những gì tôi nhớ.”

Bà từng nói với tôi rằng thỉnh thoảng chúng ta lại cứ lặp lại những việc vốn rất khó khăn cho đến khi chúng ta chịu đựng và vượt qua được chúng.

Tôi nghĩ đó là điều đúng, đặc biệt khi chúng liên quan đến những ký ức ấu thơ rất sớm ở con người. Và bao giờ cũng cần phải có những nỗ lực để vượt qua chúng. Nhưng “vượt qua” ở đây nghĩa là gì? Là chúng không còn trở nên đau đớn nữa? Là mình đã nghiền ngẫm về chúng và những gì mình nghĩ đưa ra được một ý niệm công bằng về những gì đã diễn ra? Nhưng bạn sẽ không bao giờ viết về điều đó. Bạn có con. Khi bạn viết câu chuyện về tuổi thơ của chúng, nó vẫn cứ chỉ là câu chuyện của chúng, cái tôi của bạn trong câu chuyện ấy sẽ là cái tôi mà bạn có thể không nhận ra. Và đó là lý do tại sao tôi lại nghĩ rằng: ta phải thừa nhận ngay đến cả câu chuyện có nỗ lực cao nhất vẫn không thể đạt đến sự thật của tất cả mọi người. Nhưng cố gắng đó là đáng ghi nhận.

Nếu là nhà văn, bạn sẽ là kẻ dành cả đời để cố gắng tưởng tượng ra các hình tượng, và bạn đặt những hình tượng của mình lên giấy, người khác sẽ đọc chúng. Đó là một việc rất kỳ quặc, thật đấy.

Bạn dành cả đời làm việc đó, thế nhưng bạn biết mình thất bại. Bạn không thất bại hoàn toàn, công việc đó không tuyệt đối vô nghĩa, nó là vẫn là việc đáng làm, dù sao đi nữa – tôi nghĩ thế. Nhưng nó giống như việc dần dần bạn nhận thấy mình chỉ có thể hiểu được những gì mình chỉ nắm được từng phần.

Nghe rất vô vọng. Nhưng tôi lại không cảm thấy vô vọng chút nào.

Hải Ngọc lược dịch

Nguồn: Lisa Dickler Awano, “An Interview with Alice Munro”, Virginia Quarterly Review, Spring 2013, p.180-184. Nhan đề do Tia Sáng đặt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)