Toru Takemitsu: Tìm thấy lý do tồn tại khi sống trong âm nhạc
Âm nhạc kinh điển thế kỷ 20 không còn là độc quyền của người châu Âu nữa, các nhạc sỹ đến từ khắp các châu lục đã làm âm nhạc phong phú hơn lúc nào hết. Một trong số đó là Toru Takemitsu, người đã kết hợp một cách tài tình âm nhạc Đông –Tây để đánh dấu sự vươn lên của các nhạc sỹ châu Á.
Toru Takemitsu sinh ngày 8/10/1930 tại Tokyo Nhật Bản. Khi mới được một tháng tuổi, Takemitsu cùng mẹ sang Trung Quốc nơi người cha đang làm việc trong một công ty bảo hiểm. Cha của Takemitsu là một người yêu âm nhạc và Takemitsu luôn nhớ mãi hình ảnh cha mình hay ngồi hàng giờ nghe các bản nhạc phát ra từ chiếc radio cũng như những lúc ông thổi shakuhachi (một loại sáo trúc của Nhật).
Năm 1937, Takemitsu được cha mẹ gửi về Nhật để học nhưng chẳng bao lâu thì phải dừng lại do chiến tranh. Như mọi công dân Nhật khác, ông phải tham gia phục vụ trong quân đội của Nhật Hoàng và đây có thể coi là giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời ông. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, Takemitsu phục vụ trong quân đội Mỹ, nhưng ông bị ốm liệt giường một thời gian dài. Trong lúc nằm viện, ông lao vào tìm hiểu âm nhạc phương Tây, đồng thời quyết định ngừng tiếp xúc với âm nhạc truyền thống Nhật Bản bởi ông nói nó gợi lại cho ông quá khứ kinh hoàng của cuộc chiến.
Cũng giống như nhiều nhạc sỹ lớn của thế kỷ 20 như Arnold Schoenberg, Alban Berg, Villa Lobos…, ông không theo học nhạc một cách chính quy mà chủ yếu vươn lên bằng con đường tự học. Người duy nhất mà ông theo học trong một thời gian ngắn là Yasuji Kiyose, người sáng lập ra chi nhánh của Hiệp hội quốc tế vì âm nhạc đương đại (International Society for Temporary music) tại Nhật Bản. Thực ra Yasuji Kiyose không dạy kỹ thuật sáng tác mà chủ yếu giúp Takemitsu bằng cách cho ông tự do tìm tòi khai thác bộ sưu tập bản nhạc cũng như đĩa nhạc đồ sộ của mình. Nhưng bất chấp việc không được học hành nhiều và chỉ biết đôi chút về âm nhạc phương Tây, Takemisu vẫn bắt đầu sáng tác một cách nghiêm túc vào năm 16 tuổi. “Tôi tìm thấy lý do tồn tại của mình khi sống trong âm nhạc. Sau chiến tranh, âm nhạc là điều duy nhất có ý nghĩa [đối với tôi].”
Takemitsu mất cha năm lên 7 tuổi nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông luôn ao ước có một cây đàn piano cho riêng mình nhưng do gia đình quá nghèo, ông đã làm một bàn phím piano bằng bìa cứng để tập và mỗi khi nghe thấy âm thanh piano vang lên đâu đó trên đường, ông đều gõ cửa xin chủ nhà được chơi. Sau nhiều năm, Takemitsu mới đủ tiền thuê một cây piano cũ để tập và nó giúp ông rất nhiều trong việc tìm hiểu âm nhạc phương Tây. “Cây piano đó mang lại một không khí thật tuyệt vời trong căn phòng nhỏ của tôi. Tôi chơi rất nhiều tác phẩm của Debussy và Fauré nhưng không thật tốt. Bạn tôi, Toshi Ichiyanagi, thường sang nhà tôi chơi và cậu ấy chơi thật tuyệt. Nghe cậu ấy chơi các tác phẩm của Ravel, tôi không khỏi ghen tị. Cũng chính trên cây đàn này tôi đã sáng tác “Lento in Due Movimenti” (1950) và được một tạp chí âm nhạc nhận xét là pre– music. Khi nó được Kyouyai biểu diễn, tôi mới nhận ra nó là tác phẩm quan trọng nhất mà tôi từng viết”. Tuy nhiên sau một thời gian ông không đủ tiền thuê đàn và phải từ bỏ việc học piano.
Ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Takemitsu đã chịu ảnh hưởng của nhạc sỹ trường phái Ấn tượng Claude Debussy. Cách sử dụng màu sắc trong hòa âm và phối khí của Debussy khiến Takemitsu đặc biệt ngưỡng mộ. “Tôi hầu như tự học nhưng tôi coi Debussy là thầy của mình”. Và có một điểm chung giữa hai nhạc sỹ này, đó là họ thường lấy thiên nhiên làm chủ đề để diễn tả cảm xúc của mình. Trong âm nhạc của Takemitsu, ta có thể cảm nhận được cảnh đẹp cũng như màu sắc của đất nước Mặt trời mọc. “Tôi không biết tại sao, nó thật là kỳ lạ, tôi chỉ có thể sáng tác khi sống tại Nhật Bản. Mỗi lần ra nước ngoài, tôi đều mang theo giấy viết nhạc nhưng không thể sáng tác nổi.” Takemitsu đặc biệt ấn tượng với những khu vườn cổ của Nhật Bản và nó là chủ đề trong rất nhiều sáng tác của ông. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Arc” cho piano và dàn nhạc, những âm thanh của piano diễn tả hình ảnh con người và dàn nhạc như một khu vườn rộng lớn đầy màu sắc.
Trở về với truyền thống
Năm 1951, Takemisu tham gia Jikken Kōbō – nhóm các nhạc sỹ tiên phong của Nhật Bản. Nhóm này thường tổ chức các buổi hòa nhạc giới thiệu sáng tác của các nhạc sỹ đương đại phương Tây cho các hội viên nhằm thúc đẩy âm nhạc hiện đại tại Nhật Bản. Trong giai đoạn này, ông tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm hiện đại phương Tây nhưng ấn tượng cũng như ảnh hưởng tới quan niệm sáng tác của ông hơn cả là nhạc sỹ người Mỹ John Cage. Sự quan tâm đặc biệt của Cage tới văn hóa Thiền đã làm Takemitsu nhận thức được tầm quan trọng của âm nhạc truyền thống Nhật Bản, ông muốn chắt lọc chúng trong các sáng tác sau này của mình. “Tôi phải thể hiện sự biết ơn chân thành tới Cage. Trong suốt một thời gian dài tôi muốn chối bỏ những gì liên quan tới đất nước tôi, nhưng khi gặp Cage, tôi mới nhận ra những giá trị truyền thống của đất nước mình.” Không những vậy sự quay trở lại âm nhạc truyền thống của ông càng mãnh liệt hơn khi ông tình cờ được xem một buổi biểu diễn kịch rối Bunraku. “Chính âm thanh, âm sắc của cây Shamisen, loại đàn cần dài dùng trong Bunraku, đã làm tôi lần đầu tiên thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của âm nhạc truyền thống Nhật Bản. Tôi đã thực sự rung động và tự hỏi mình tại sao trước đây mình chưa bao giờ chú ý đến nó”. Từ đó, ông quyết tâm nghiên cứu tất cả các thể loại âm nhạc truyền thống của Nhật Bản.
Cuối những năm 1950 may mắn đến với Takemitsu khi nhạc sỹ Stravinsky lưu diễn tại Nhật Bản. Ông đã mời Takemitsu ăn trưa và có những lời nhận xét tốt đẹp về tác phẩm “Requiem for string orchestra” của Takemitsu. Ngay sau khi Stravinsky về Mỹ, Takemitsu nhận được đề nghị sáng tác của Tổ chức Âm nhạc Koussevitzky1 và ông đã sáng tác “Dorian Horizon”, được Dàn nhạc giao hưởng San Francisco công diễn lần đầu dưới đũa chỉ huy của Aaron Copland.
Đầu những năm 1960, Takemitsu bắt đầu sử dụng nhạc cụ dân tộc trong các sáng tác của mình và thậm chí có tập chơi biwa (một loại đàn lute). Năm 1967, ông nhận được yêu cầu sáng tác từ dàn nhạc danh tiếng New York Philharmonic Orchestra nhân dịp 125 năm thành lập dàn nhạc. Takemitsu viết “November Steps” cho biwa, shakuhachi cùng dàn nhạc và tác phẩm dài khoảng 19 phút này được chính người đồng hương của ông, nhạc trưởng nổi tiếng Seiji Ozawa chỉ huy biểu diễn lần đầu. Tiếp đó là “Autumn Garden” cho dàn nhạc cung đình với những giai điệu cuốn hút của hichiriki (sáo sậy). Tác phẩm này được coi là tác phẩm mang đậm tính Á Đông nhất của Takemitsu, đánh dấu phong cách sáng tác giai đoạn sau này của ông.
Đầu thập niên 70, Takemitsu đã trở một trong những nhạc sỹ đương đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, các sáng tác của ông được những dàn nhạc cũng như soloist nổi tiếng biểu diễn trên khắp thế giới. Năm 1970, trong liên hoan âm nhạc tổ chức tại Osaka, lần đầu tiên ông được gặp trực tiếp các đồng nghiệp đến từ phương Tây như Karlheinz Stockhausen, Lukas Foss, Peter Sculthorpe… Cũng trong năm đó ông nhận được yêu cầu sáng tác của Zurich Collegium Musicum. Và tác phẩm “Eucalyptus I” của ông được biểu diễn lần đầu bởi một dàn nghệ sỹ danh tiếng: Aurèle Nicolet, Heinz Holliger, Ursula Holliger. Nhạc trưởng nổi tiếng Seiji Ozawa thổ lộ: “Tôi rất tự hào về bạn tôi, Toru Takemitsu. Ông ấy là nhạc sỹ Nhật Bản đầu tiên sáng tác cho công chúng thế giới và danh tiếng của ông đã được quốc tế công nhận”.
Takemitsu sáng tác khá nhiều các tác phẩm cho dàn nhạc và chúng đều là những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của ông: “Requiem for String Orchestra” (1957), “Twill by Twilight” (1988) tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Mỹ Morton Feldman, “A Way A Lone II” (1981), “Tree Line for chamber orchestra” (1988), “Visions” (1990), “How slow the Wind” (1991)…
Concerto cũng là thể loại mà Takemitsu yêu thích và ông viết khá nhiều tác phẩm ở thể loại này. Các concerto của Takemitsu không quá đề cao vai trò của soloist (đây cũng là một nét thường thấy ở các nhạc sỹ thế kỷ 20) cho nên ông ít khi dùng thuật ngữ concerto đặt tên cho chúng: “Asterism” cho piano và dàn nhạc (1967), “I Hear the Water Dreaming” cho flute và dàn nhạc (1987), “Far Calls. Coming Far!” cho violin (1980), “Toward the Sea” cho guitar và flute (1981), “A String Around Autumn” cho viola đề tặng Nabuco Imai (1989), Fantasma/Cantos cho clarinet (1991)…
Giống như nhiều nhạc sỹ hiện đại khác, Takemitsu sáng tác khá nhiều nhạc nền cho phim. Trong 40 năm, ông đã viết nhạc nền cho hơn 100 bộ phim và đạt được nhiều giải thưởng: Los Angeles Film Critics Award năm 1987 cho phim “Ran” và Film Awards của Japanese Academy cho các phim “Rikyu”, “Sharaku”, “Ran”. Takemitsu nói về việc viết nhạc cho phim: “Tất cả phụ thuôc vào nội dung của phim, tôi cố gắng tập trung tối đa vào nội dung của phim để hiểu ý đồ của đạo diễn. Cuối cùng là thể hiện cảm xúc của đạo diễn bằng âm nhạc của mình…”
Cuối đời, Takemitsu dự định cộng tác với nhà văn Barry Gifford và đạo diễn Daniel Schmid để viết một vở opera theo yêu cầu từ nhà hát opera ở Lyons nhưng không thành. Takemitsu ra đi vĩnh viễn vào ngày 20/12/1996 vì viêm phổi. Ngày nay, ông luôn được nhắc tới như là nhạc sỹ thành công nhất trong việc kết hợp âm nhạc Đông – Tây và là người mở ra con đường mới cho các nhạc sỹ châu Á tiếp bước.
Khi nhắc tới những nhạc sỹ mà ông chịu ảnh hưởng, Takemitsu còn nhắc tới nhạc sỹ người Pháp Olivier Messiaen (1908-1992).
Ngay từ khi mới bắt đầu sáng tác, Temitsu đã chịu ảnh hưởng của Messiaen qua các tác phẩm piano mà ông tập: cách sử dụng các điệu thức, sự tinh tế trong khai thác âm sắc của nhạc cụ cũng như sử dụng tiết tấu một cách linh hoạt. Takemitsu đã có cuộc gặp không thể nào quên với Messiaen tại New York vào năm 1975, khi ông được nghe Messiaen chơi bản tứ tấu nổi tiếng “Quartet for the End of Time” trên piano mà ông tả lại là như được nghe cả dàn nhạc biểu diễn. Sau đó, Takemitsu đã sáng tác “Quatrain”, cũng sử dụng các nhạc cụ giống Messiaen là cello, violin, clarinet, piano nhưng thêm phần đệm của dàn nhạc. Trong tác phẩm này, ông còn sử dụng khá nhiều nét giai điệu và thủ pháp phối khí của Messiaen. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại khi nghe tin Messiaen qua đời vào năm 1992, ông đã thốt lên rằng: “Sự ra đi của ông ấy sẽ khiến nền âm nhạc đương đại lâm vào khủng hoảng!” Sau đó, ông còn bày tỏ sự mất mát của cá nhân trước cái chết của Messiaen: “Thực sự ông ấy là người thầy tinh thần của tôi… Trong số nhiều điều tôi học được từ âm nhạc của ông ấy, thì quan niệm và trải nghiệm về màu sắc cũng như cấu trúc thời gian là những điều không thể quên được.” |
Đỗ Minh tổng hợp
————–
1 Là một người hết lòng ủng hộ âm nhạc mới, nhà soạn nhạc người Nga gốc Do Thái Serge Koussevitzky (1874-1951) đã thành lập Tổ chức Âm nhạc Koussevitzky vào năm 1942 với mục đích chính là hỗ trợ các nhà soạn nhạc bằng cách đặt họ viết những sáng tác mới và tài trợ cho việc tổ chức biểu diễn những sáng tác đó.