Trần Nhân Tông – Chế Mân và quan hệ Đại Việt – Champa

Quan hệ Đại Việt- Champa luôn là mối quan hệ đối kháng tay đôi. Khi thì Đại Việt tiến đánh bắt sống vua Chiêm, khi thì quân Chiêm đánh trả, đốt phá kinh thành Thăng Long. Từ bối cảnh rộng lớn hơn, lịch sử giữa các quốc gia luôn là lịch sử của những tranh chấp địa giới, lãnh thổ. Khi mạnh thì một triều đại sẽ sẵn sàng mở cuộc chiến tranh thị uy, hoặc xâm chiếm đất đai nước khác; khi yếu sẽ bị những nước mạnh hơn lấn lướt và tiêu diệt. Quan hệ Đại Việt- Champa cũng không phải là một ngoại lệ.

Từ quan hệ đồng minh hòa thuận…

Từ năm 1280 đến năm 1310, trong vòng 30 năm, các vị quốc chủ Champa và Đại Việt đã viết nên những dòng sử tương đối hòa thuận trong lịch sử quan hệ giữa hai nước1. Nguyên nhân quan trọng để làm nên mối quan hệ bang giao này chính là việc quân Nguyên tiến đánh phương Nam. Đọc rõ chiêu bài “mượn đường Đại Việt để chinh phạt Champa”, Trần Nhân Tông cùng với các triều thần đã áp dụng kế sách “hợp tung” với Champa để đánh giặc.

Năm 1281, nhà Nguyên đặt riêng hành tỉnh Chiêm Thành2. Năm 1285, Nguyên soái quân Nguyên là Toa Đô đem 5 vạn quân từ Vân Nam thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý rồi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết (Toàn thư). Trước đó, sau thất bại ở thành gỗ, năm 1283, quân đội và triều đình Champa đã rút quân lên vùng núi để ẩn náu, cố thủ và thực hiện những phép ngoại giao trá hàng khôn khéo để chờ thời cơ3. Đại Việt cũng đã đem hai vạn quân với 500 chiến thuyền ứng viện4. Chiến thuật “vườn không nhà trống” này hẳn là đã mượn từ Đại Việt. Theo Marco Polo, một nhà du hành Âu châu, vua Champa chịu bỏ trống toàn bộ lãnh thổ đồng bằng cho quân Mông Cổ chiếm đóng. Trong suốt hai năm chờ đợi không giao chiến, vì thiếu lương thực, quân Mông Cổ tự rút lui ra khỏi Champa và tiến lên phía Bắc để đánh Đại Việt. Nhưng hẳn là trong những chiến thắng trước quân Nguyên, thì Đại Việt và Champa là hai đồng minh quan trọng, hoặc ít ra không hại nhau khi có đối thủ lớn. Sau chiến thắng quân Nguyên, Đại Việt đã có một đợt trả “các tù binh Chiêm Thành từng theo Toa Đô như bọn Ba Lậu Kê Na Liên” về Chiêm Thành5. Cách hành xử đó là đúng theo phép ngoại giao. Như nhận định của Hà Văn Tấn, việc Đại Việt đánh bại quân Nguyên đã góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn Champa6.

Để đẩy quan hệ đồng minh này đi xa hơn và bền vững hơn. Trần Nhân Tông đã có những bước đi mang tính chiến lược, đó là những nước đi chưa từng có tiền lệ7. Năm 1301, với tư cách là giáo chủ của Thiền tông Đại Việt, với tư cách là Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông đã có “chuyến vân du ngoại giao” gần chín tháng tại Champa (từ tháng 3 đến tháng 11). Chưa có một chuyến du hóa nào lâu đến như thế cho đến thời điểm đó. Sử liệu hiện còn không cho biết trong chín tháng đó, vua Trần Nhân Tông và Chế Mân đã có những thảo luận gì về Phật học cũng như chính trị ngoài một số dấu vết vật chất sót lại từ khai quật khảo cổ học8. Mối quan hệ Đại Việt – Champa sau đó dù có thân thiện hơn, nhưng Đại Việt bao giờ cũng tỏ ra “kẻ cả” hơn.

… đến giả vờ chịu lép và giả vờ thể tất


Sự “kẻ cả” ấy hẳn vì nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân Nguyên, giúp cho Champa tránh khỏi họa diệt chủng, diệt quốc mà không hao tổn mấy về hòn tên mũi đạn cũng như sinh mệnh con người. Toàn thư ghi: năm 1303, Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, trước khi đi sứ ông đã đến yết kiến Thượng hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Sùng Nghiêm (núi Chí Linh). Những mưu kế ngoại giao của Nhữ Hài rất được Thượng hoàng khen ngợi. Trong chuyến đi sứ đó, Nhữ Hài đã có những thuật ngoại giao được chép lại trong sử như sau: “Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”. Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất… Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài.”

Chi tiết này cho thấy, nhà Trần trong quan hệ ngoại giao với Champa luôn ứng xử ở thế thượng phong. Thế nhưng, mối quan hệ này thực sự cũng không được bền vững, bởi như một tâm lý thâm căn cố đế từ lịch sử, Champa chỉ giả vờ chịu lép vế Đại Việt khi Đại Việt thực sự hùng mạnh. Và Đại Việt cũng hiểu rõ cái sự giả vờ đó của Champa, nên đôi khi cũng giả vờ thể tất. Toàn thư có ghi một đoạn như sau: “Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni (bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn), tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo: “Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ gìn, sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất”. Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không để tự họ làm như thế.”

Đoạn trên cho thấy, Đại Việt và Champa đã có những thỏa thuận về mặt thương mại. Trong đó, việc Đại Việt cấm họat động buôn bán giao thương tại thương cảng Tỳ Ni – một thương cảng quan trọng bậc nhất của Champa9 là một biểu hiện cụ thể. Việc Nhữ Hài rỉ tai viên quan coi cảng thực sự là chi tiết thú vị, cho thấy cảm nhận khá rõ việc “ép người hơi quá đáng” như vậy là không có hiệu quả, nếu không nói là phản tác dụng.
   
Con bài thông hôn

Cách ứng xử ngoại giao như trên hẳn không phải là lối ngoại giao bền vững, cho nên, triều đình nhà Trần đã phải đi đến một thủ pháp quen thuộc. Đó là gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân vào năm 1306. Cuộc hôn nhân này vốn đã được Thượng hoàng Trần Nhân Tông đính ước trước đó năm năm. Khi đó, Chế Mân đã ngoài năm mươi, còn Huyền Trân mới hai mươi tuổi. Mối lương duyên này, như ta biết, đã bị phần lớn triều thần (chủ yếu là các nhà nho) phản đối. Từ Ngô Sĩ Liên trở về sau, các sử thần đều chê biếm Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông ở điểm này. Ví dụ như Ngô Thì Sĩ đã phê những lời sử bình như sau: “Nhà Trần chỉ cốt cái lợi trước mắt luôn luôn mượn son phấn để thay bức trường thành. Đem Ngoạn Thuyền gả cho Nguyễn Nộn, Thiên Tư10 gả cho Thoát Hoan, Huyền Trân gả cho Chế Mân, đều là con gái vua chứ không phải mượn dùng con gái trong họ như đời trước. Khi bình thường quý trọng con gái mình đến mức không phải là người trong năm thứ tang phục thì không kết hôn; nay đối với bọn giặc mọi rợ khác nòi thì giao cho không chút đoái tiếc, như thế là thế nào? Tuy vậy nhưng Chế Mân cũng là vua một nước đấy, lấy Huyền Trân về thì cắt đất bãi binh, rốt cuộc mở mang bờ cõi Thuận Hóa làm lợi cho đời sau chẳng hơn là Nguyễn Nộn không chịu vào chầu; Thoát Hoan không chịu rút quân mà Ngoạn Thiền, Thiên Tư thì uổng chuốc cái nhục thất tiết hay sao?”11


Vua Trần Nhân Tông (ngồi trên võng) trong tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”.


Một số câu hỏi cần được đặt ra ở đây. Rằng vì sao Chế Mân lại dâng hai châu Ô, châu Lí để làm sính vật? Một cuộc trao đổi như thế chẳng phải Đại Việt quá lãi, mà Champa quá thiệt đó sao?

Theo chúng tôi, việc cưới gả, sính lễ chỉ là hình thức của một thỏa thuận ngoại giao giữa hai nước. Khi Đại Việt thấy không thể nào kiềm chế, quản lý Champa ở phương diện giao thương, cũng như không thể nào kiểm soát được “độ quy thuận” của Champa, triều đình nhà Trần mới ép Champa đi đến một thỏa thuận rõ ràng: cắt hai châu cận kề về Đại Việt, và để tin nhau hơn thì cần phải có quan hệ thông hôn. Để lấy được Huyền Trân, Chế Mân hẳn đã phải được sự đồng thuận của vợ cả cùng hội đồng dòng tộc của hoàng hậu Champa. Hơn nữa, việc lấy Ô – Lý làm sính lễ – một việc quan trọng hơn rất nhiều so với việc trên, cũng đã được hội đồng gia đình hoàng gia mẫu hệ Champa chấp thuận. Đúng hơn, dưới áp lực ngoại giao của Đại Việt, dòng họ này đã buộc phải thực hiện một phương án mà họ không thể/hoặc không dám làm khác, bù lại họ sẽ có những điều mà mình mong muốn: tự do buôn bán.

Ngấm ngầm Việt hóa


Việc chuyển hai châu Ô – Lý về Đại Việt, với sự toan tính của triều đình Chế Mân, có điểm tinh tế cần thảo luận ở đây. Bởi chúng ta biết rằng, chế độ quân chủ Champa không phải là chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế như các học giả Pháp đầu thế kỷ XX đã hiểu12, mà quyền lực trên lãnh thổ dàn trải ở những tiểu quốc nhỏ hơn. Champa ở thời điểm đó là một mô hình nhà nước mandala13, với một ông vua đứng đầu là Chế Mân, với các ông vua nhỏ cai quản các tiểu quốc khác. Mối quan hệ giữa các tiểu quốc này không thực sự bền chắc như mô hình chuyên chế theo kiểu Trung Hoa như ở Đại Việt. Vì thế, việc cắt hai châu Ô – Lí cho Đại Việt, đối với Chế Mân cũng giống như là việc “chuyển nhượng hai electron” cho một Mandala khác. Đổi lại việc đó, Champa sẽ xóa bỏ được những điều khoản bất lợi trước đó và phần nào giữ được mối quan hệ hòa hảo với Đại Việt. Mặt khác, Chế Mân cũng biết rằng, các tiểu quốc này sẽ không dễ dàng khuất phục Đại Việt và rằng ông đang thực hiện một thao tác chính trị mới: liên kết hai mandala chính trị lớn, giống như ông đã làm với mandala ở Jawa14.

Sự tính toán của Chế Mân đã nhanh chóng trượt theo quỹ đạo chính trị của nhà Trần. Như ta biết, ngay sau khi sáp nhập về Đại Việt, những người đứng đầu của thế lực bản địa tại La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng (có khả năng là thủ phủ của hai châu này) đã được Đoàn Nhữ Hài trao cho quan tước, cấp thêm ruộng đất và miễn tô thuế liền trong ba năm. Một chính sách vỗ về cho nhóm người này, có khi còn ưu ái hơn cả khi họ thuộc về Champa. Điều đó khiến cho “các electron“ này tưởng như mình vẫn đang tồn tại trong một mandala chính trị như cũ, hoặc đang ở một mandala có lợi hơn cho họ. Vì thế, việc nhóm quyền lợi ấy tạm thời thuận theo Đại Việt rồi dần dần bị Việt hóa về văn hóa cũng như về chính trị là điều mà Chế Mân chưa bao giờ tưởng tượng đến. Đã đến lúc có thể nghĩ đến một chính sách Việt hóa ngấm ngầm mà triều đình nhà Trần đã thực hiện, giống như Lê Thánh Tông sau đó. Không chỉ có vậy, Toàn thư còn ghi việc “trại chủ Câu Chiêm” làm nội ứng cho nhà Trần trong cuộc chiến tranh Đại Việt- Champa năm 1312. Tạ Chí Đại Trường đã nhận định rằng: “đã có một thế lực trên vùng biên giới không lệ thuộc vào Vijaya nhiều lắm, có thể tự ý hành động khi thấy có cơ hội thuận lợi tại địa phương”15.

Có thể nói, sự việc Huyền Trân lấy Chế Mân với sính lễ là hai châu Ô – Lý là một sự tính toán, cân nhắc mang tính chiến lược giữa hai triều đình Đại Việt – Champa. Thỏa thuận hôn nhân giữa Trần Nhân Tông và Chế Mân cho thấy sự nhạy bén và viễn kiến chính trị của hai vị quốc chủ này. Việc Huyền Chân làm dâu đất Chăm, thực chất là hệ quả của những cái bắt tay ngoại giao có cương lực để thử độ mềm – rắn của vương triều Champa. Quan hệ Đại Việt – Champa trong quãng thời gian trị vì của Trần Nhân Tông và Chế Mân là quãng thời gian “đấu trí cân não” để tạo nên tình thế hòa hảo khá êm đẹp. Nhưng rồi, Chế Mân mất năm 1307 và Trần Nhân Tông viên tịch năm 1308. Hai sự kiện này đã khiến cho mối quan hệ êm dịu giữa hai nước đi đến hồi cuối. Không một vị quốc chủ kế nhiệm nào sau đó cũng hiểu hết ý đồ của những người đi trước để thi hành chế độ ngoại giao hòa bình!

1 Xem thêm G. Maspéro. 1928. Le Royaume de Champa. Paris and Brussels: Van Oest. P.173.

G. Coedès. 1948. Les États Hindouidés d’Indochine et d’Indonése. De Boccard. P.322.
Hà Văn Tấn. Phạm Thị Tâm. 1972. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII (in lần 3). Nxb. KHXH. H. tr.121.

2 Tạ Chí Đại Trường. 2009. Bài sử khác cho Việt Nam. Văn Mới. USA. tr.222.

3 Tạ Chí Đại Trường. 2009. sdd. tr.224-225. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. 1972. sdd. tr.141-149.

4 Nguyên sử. Q.209. An Nam truyện tr.5b [Chuyển dẫn Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. 1972. sdd. tr. 149].

5 Đặng Xuân Bảng. 2000. Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. Nxb KHXH. H. tr.182.

6 Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. 1972. sdd. tr.162.

7 “Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm hoi đối với các nước trong khu vực, khi người đứng đầu trên thực tế của một quốc gia thực hiện một chuyến thăm hữu nghị đến một nước láng giềng.” [A.B. Poliacop. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch. Nxb. Chính trị Quốc gia. H. tr.242-243].

8 Tạ Chí Đại Trường. 2009. sdd. tr. 234- 235.

9 Tỳ Ni còn gọi là Thi Lị Bì Nại hay Thi Nại (Sri Vinaya), tức là cửa Quy Nhơn ngày nay, là thương cảng lớn nhất của Champa, “là đô thị cổ đại duy nhất và lớn nhất của Champa tồn tại trong suốt năm thế kỷ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV)” [Đỗ Bang. 1986. Dấu tích của Thành Thi Nại của Champa (Nghĩa Bình), trong: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, tr.383; xem thêm Đinh Bá Hòa. 1986. Về vị trí của thành Thị Nại, trong “Những phát hiện mới về Khảo cổ học”, tr.386; Lê Đình Phụng. 1993. Vài ý kiến về thành cổ Chămpa ở Bình Định, trong “Văn hóa Bình Định”, chuyên san Văn hóa Chàm trên đất Bình Định, tr.9; Đỗ Trường Giang. 2007. Sự phát triển của nền hải thương Champa thời kỳ Vijiaya cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XV. Trong “Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI- XVII”. Nxb Thế giới. H. tr. 116-117; Đỗ Trường Giang. 2011. Biển với lục địa – Thương cảng Thị Nại (Champa) trong hệ thống thương mại Đông Á. Trong “Người Việt với Biển”, Nxb Thế giới. H.].

10 Tức công chúa An Tư.

11 Đại Việt sử ký tiền biên. nxb KHXH. H. 1997. tr.406-407.

12 Xem Georges Maspéro: Le Royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928; R.C.Majumdar: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, 2nd-16th century A.D, P. Gyan Publishing House, New Delhi, 1927.

13 Mandala là một thuật ngữ của thế giới quan Phật giáo, là thuyết coi vũ trụ có cơ cấu đa tầng, với nhiều yếu tố hướng tâm. Mô hình thế giới này được áp dụng cho nhiều loại hình nghệ thuật ở Đông Á và Đông Nam Á, như hội họa, kiến trúc, đồ họa cổ…. [Xin xem Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý. Suối nguồn 9- Nxb. Hồng Đức. TP. HCM. ]. Các học giả thế giới hiện nay dùng “mandala” để áp dụng cho các mô hình nhà nước hoặc mô hình kinh tế ở Nam Á thời cổ. [O.W.Wolters. (1982). History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Institute of Southeast Asian Studies; Đỗ Trường Giang. (2009). Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2]. Xem thêm:

14 Dominique Nguyen. 2008. 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa. Champaka số 09/ 2008. tr.40-56.

15 Tạ Chí Đại Trường. 2009. sdd. tr.257.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)