Tranh của AI: Liệu có phải là nghệ thuật?

Cuộc triển lãm “Trí tưởng tượng nhân tạo” và “Tưởng tượng về quần đảo Faroe” với những bức tranh do thuật toán AI sáng tạo hoặc hỗ trợ làm ra đã làm dấy lên một câu hỏi: Vậy những tác phẩm ấy có phải là nghệ thuật?

Vào tháng chín vừa qua, một cuộc triển lãm tại Phòng tranh quốc gia của quần đảo Faroe đã khiến một số người có gu nghệ thuật bảo thủ phải ngạc nhiên khi trưng bày 40 tác phẩm do Midjourney, một chương trình AI tạo ra dựa trên những gợi ý từ tranh của các danh họa như Vincent van Gogh, Claude Monet, Hilma af Klint, Andy Warhol, Anna Ancher, Pablo Picasso, Dorothea Tanning, Henri Matisse, Louise Bourgeois và những người khác. Bằng việc phân tích hàng tỉ dữ liệu sáng tạo của họ để nhận diện được các mẫu hình đặc trưng trong phong cách vẽ, Midjourney đã tạo ra được phiên bản mới của một bức tranh do Monet hay Picasso vẽ. Do đó là ngay cả khi Picasso hay Hilma thậm chí còn chưa tới quần đảo Faroe nhưng AI đã có thể tưởng tượng được ra cách các họa sĩ đó, nếu tới nơi này, có thể tái hiện phong cảnh Faroe như thế nào.

Đó là “Đêm đầy sao” theo đúng phong cách của van Gogh trên nền phong cảnh biển cả, những quầng sáng màu vàng ở rìa chân trời, những ngôi sao ở giữa các cuộn xoáy kỳ ảo trên nền trời thẫm như mặt biển êm đềm, ở giữa là vách núi sừng sững; những bông hoa vàng cam vươn lên theo phong cách của nữ họa sĩ trừu tượng và huyền bí Thụy Điển Hilma af Klint (có lẽ là mao lương, quốc hoa của Faroe và là một loài cây lưu niên có bộ rễ rất khỏe); những đám mây rực rỡ phản chiếu nhiều sắc độ ánh sáng được biến đổi theo thời gian giống như trong “Ấn tượng mặt trời mọc” của Claude Monet.

Tiếp theo sự kiện này, “Trí tưởng tượng nhân tạo”, một cuộc triển lãm khác ở San Francisco, Mỹ, đưa người ta bước vào thế giới nghệ thuật khác do tám nghệ sĩ sử dụng chương trình tạo ảnh AI mang tên DALL-E 2 để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Ở đây, DALL-E 2 đã giúp chuyển nội dung văn bản mà các nghệ sĩ mong muốn thành những hình ảnh số, đôi khi những hình ảnh đó nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Phương pháp áp dụng AI của các nghệ sĩ hết sức phong phú. Một số đưa vào công cụ AI dữ liệu để lựa chọn, qua đó tạo ra những tác phẩm trọn vẹn của mình; một số lại tạo ra những hình họa hoặc tượng trên cơ sở đề xuất của AI.

Tiêu biểu trong số này là hai tác phẩm của họa sĩ 23 tuổi sống ở Los Angeles, August Kamp – một nhà du hành vũ trụ da đen đang trải qua cơn đau tim và một diễn giải âm nhạc mơ hồ của một nhạc cụ điện tử. Kamp chia sẻ trên sfgate.com, những từ cô đưa vào DALL-E 2 là “nhưng anh đã hứa” cùng “nhà du hành vũ trụ đang trải qua một cơn đau tim ở một hành tinh khác”. Bất cứ ai cũng có thể gõ phím những từ này và nhận được kết quả tương tự. Bản thân Kamp thấy việc không xác định được chính xác quyền sở hữu tác phẩm thuộc về ai chính là yếu tố khiến cô bị hút về công nghệ này. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác.

Từ việc các robot tạo ra nghệ thuật của chính mình đến các công cụ tạo hình ảnh bắt chước phong cách của các danh họa, AI đang nhanh chóng xâm nhập vào các không gian sáng tạo và làm dấy lên rất nhiều câu hỏi: đó là một phương tiện truyền đạt hay một phương pháp, một công cụ hay một kỹ thuật? Và liệu một nghệ sĩ có thể sở hữu một cách toàn vẹn tác phẩm nghệ thuật của mình nếu họ không tự thiết kế nên chính công nghệ đó?

AI có lấn át nghệ sĩ?

Trong khi chất lượng của các công cụ AI liên quan đến nghệ thuật đang được cải thiện một cách mau lẹ, những cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra mà chưa có câu trả lời xác đáng. Rõ ràng, kỹ thuật sáng tác và phong cách của các nghệ sĩ giờ đây đã được các mạng thần kinh sao chép để tái tạo ra những tác phẩm mới. Nhưng liệu những tác phẩm mới đó có phải là nghệ thuật thực sự? Khi một công nghệ mới có thể thay thế kỹ năng sáng tác thì sáng tạo nghệ thuật của con người có còn ý nghĩa?

Chẳng bao lâu nữa, tất cả các công việc liên quan đến nghệ thuật có thể do một người không phải nghệ sĩ thực hiện với sự hỗ trợ của các công cụ chứa những thuật toán AI quyền lực, nhờ đó có năng lực tạo ra hàng trăm hình ảnh ở từng phong cách mà người ta có thể tưởng tượng ra trong vài phút. Đây không phải là lời cảnh báo về một tương lai đen tối xa xăm nữa.

Có lẽ, chưa có một câu trả lời làm hài lòng tất cả mọi người. Ở mỗi góc nhìn khác nhau, người ta có những đáp án riêng. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách rộng mở thì có thể thấy điểm lợi của công nghệ, đó là “cho phép nhiều người có ý tưởng và suy nghĩ rõ ràng hình dung được những gì họ khó đạt được nếu như không có nhiều năm tập luyện hoặc tuyển dụng được những nghệ sĩ giỏi”, Jason Juan, một cựu giám đốc nghệ thuật và nghệ sĩ chuyên về game cho những khách hàng như Disney và Warner Bros, nói với Forbes. Ông cũng đưa ra một nhận xét khiến nhiều người hoang mang “Định nghĩa về nghệ thuật cũng đang tiến hóa, kể từ khi việc thuê được người có kỹ thuật giỏi không còn là điều thiết yếu nhất nữa”.

Nhiều nghệ sĩ cảm thấy lo ngại. Mới đây, Greg Rutkowski, một họa sĩ sống bằng nghề vẽ minh họa cho ngành công nghiệp game và nổi tiếng với những bức vẽ đậm chất kỳ ảo, đã được tìm kiếm hàng trăm nghìn lượt qua các truy vấn nhanh về hình ảnh trên cơ sở dữ liệu ảnh Librarie.ai. Điều đó có nghĩa là hàng trăm nghìn hình ảnh đã được tạo ra theo phong cách đặc biệt của anh. “Tôi vô cùng lo ngại về điều này”, Rutkowski chia sẻ trên Forbes. “Là một nghệ sĩ kỹ thuật số hay bất cứ nghệ sĩ nào khác, trong kỷ nguyên mà chúng ta tập trung vào việc ghi nhận trên internet, nguy cơ rủi ro theo kiểu như này rất lớn. Hiện tại khi anh gõ tên tôi, anh sẽ thấy nhiều phần tác phẩm của AI hơn cả tác phẩm mà tôi đã thực hiện, thật khủng khiếp. Sẽ mất bao lâu để AI nhấn chìm tác phẩm của chính tôi và khiến không thể phân biệt được với những gì do chính tay tôi vẽ?”.

Trong số các họa sĩ đã tiên phong sử dụng AI như Sean Michael Robinson và Carson Grubaugh – họ mới xuất bản một truyện tranh mang tên The Abolition of Man với hình ảnh do Grubaugh tạo ra từ lời gợi ý trên nền tảng của Midjourney – đều tỏ ra bi quan. “Kiểu công việc mà tôi làm, vẽ tranh và hình minh họa, đang chuẩn bị biến mất vì nó”, Robinson nói. “Cho đến giờ thì AI vẫn còn chưa hoàn toàn lành nghề nên việc kể chuyện theo chuỗi kiểu truyện tranh vẫn cần có sự can thiệp của con người nhưng dường như mọi thứ sẽ dần thay đổi”.

Tranh do Midjourney, lấy cảm hứng từ bức “Ấn tượng mặt trời mọc” của Claude Monet.

Chẳng bao lâu nữa, tất cả các công việc liên quan đến nghệ thuật có thể do một người không phải nghệ sĩ thực hiện với sự hỗ trợ của các công cụ chứa những thuật toán AI quyền lực, nhờ đó có năng lực tạo ra hàng trăm hình ảnh ở từng phong cách mà người ta có thể tưởng tượng ra trong vài phút. Đây không phải là lời cảnh báo về một tương lai đen tối xa xăm nữa. Các dự án công nghệ như Dall-E (MicrosoftMSFT +0.2%- và OpenAI của Elon Musk hợp tác), Midjourney và những dự án khác đã giới hạn việc tuyển dụng nhân công trong nhiều tháng. Grubaugh thấy có những phần trong đội ngũ sáng tạo đang dần bị loại bỏ. “Nghệ sĩ minh họa ý tưởng, nhà thiết kế nhân vật… tất cả đều đã bốc hơi. Ngay cả giám đốc sáng tạo cũng nhận thấy không cần phải trả tiền cho người phụ trách công việc này”. Là một giảng viên nghệ thuật, Grubaugh thấy thất vọng về tác động của AI. “Một cách thành thật là tôi thậm chí còn không biết cần nói với sinh viên cái gì nữa”.

Thậm chí Robinson và Grubaugh còn trao đổi chủ đề này với nghệ sĩ vẽ minh họa nổi tiếng Dave McKean, một trong những người tiên phong chấp nhận các kỹ thuật số vào những năm 1990. “Tại sao phải trả tiền cho một nghệ sĩ thiết kế một bìa sách hoặc bìa album khi anh chỉ cần gõ một vài từ và nhận thấy những gì mình muốn?”, McKean lập luận. “Điều này chỉ dùng để nuôi sự tham lam vô độ của giới marketing”.

Dĩ nhiên, những người làm ra công nghệ đều phản đối suy nghĩ của các họa sĩ. David Holz, người sáng lập và CEO của Midjourney, cho rằng nền tảng họ tạo ra sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nghệ sĩ, các doanh nghiệp và cả xã hội. “Tôi cho là một số người sẽ tìm cách loại bỏ các nghệ sĩ khỏi dự án của mình. Họ sẽ cố gắng tạo ra cái gì đó tương lại ở mức chi phí thấp hơn, tuy nhiên điều này có thể làm cho họ mất giá trong cạnh tranh bởi thị trường sẽ tiến đến hướng yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn, giàu sức sáng tạo hơn”.

AI có làm ra nghệ thuật?

Cuộc tranh luận về mặt lợi và hại của các hệ AI với nghệ sĩ sẽ chỉ ngã ngũ khi người ta giải quyết được vấn đề cối lõi: Các kết quả mà AI tạo ra có được xem xét là các hình thức hiển thị của nghệ thuật?

Nếu nhìn lại lịch sử thì những tranh cãi kiểu này không phải là điều mới. Vào năm 1853, nhiếp ảnh gia John Leighton đã chỉ ra những bức ảnh đang cho thấy sự cạnh tranh với các tác phẩm nghệ thuật nhưng phải đến những năm 1940 thì nhiếp ảnh mới bắt đầu được chấp thuận rộng rãi như một hình thức nghệ thuật đầy đủ. Những cuộc tranh cãi tương tự cũng dấy lên vào những ngày đầu của điện ảnh, trò chơi điện tử, khi chúng được sự ủng hộ của những nhà nghiên cứu như Aaron Smuts về tiềm năng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Với nhiếp ảnh thì hóa ra, người sử dụng nó cũng phải là một nghệ sĩ mới đủ sức tạo ra một tác phẩm lay động lòng người (dĩ nhiên nghệ sĩ này cũng cần phải nắm bắt đầy đủ kỹ năng sử dụng máy ảnh). Cuối cùng thì mọi thứ cũng ổn thỏa và người ta chấp nhận chúng như những hình thức thể hiện mới của nghệ thuật, bên cạnh những hình thức truyền thống mà chúng ta đã biết.

Còn bây giờ với các hệ AI, chúng ta ứng xử với nó như thế nào? Quả là chưa có tiền lệ. Việc sử dụng máy tính để tạo ra nghệ thuật và âm nhạc – chúng vẫn được gọi là nghệ thuật tạo sinh (‘generative’ art) mới chỉ hiện hình trong vài thập kỷ gần đây. Sự hiện diện của chúng khiến chúng ta nhìn lại bản chất của nghệ thuật vẫn tồn tại trên Trái đất này, đó chính là sự sáng tạo. Các hệ AI chỉ tạo sinh ra hình ảnh dựa trên hiểu biết và sáng tạo của con người. Bởi các quá trình kỹ thuật trên máy tính có thể đem lại hàng trăm nghìn hình ảnh theo sự lựa chọn của những từ khóa do con người gõ vào bàn phím, sau đó chính con người quyết định giữ các hình ảnh ưng ý và loại những thứ mình thấy không đạt, tương tự như cách các nghệ sĩ nhiếp ảnh lựa chọn từng bức hình. Theo nghĩa đó, các chương trình chuyển đổi văn bản thành hình ảnh đơn giản như sự tiến hóa tự nhiên của các chương trình chỉnh sửa đồ họa thay thế hiểu biết về bút vẽ, trộn màu… và trở thành kỹ năng thiết kế của các chuyên gia.

Khi nói về sức sáng tạo của con người, triết gia và nhà khoa học nhận thức Margaret Boden, từng phân chia sự sáng tạo thành ba dạng cơ bản. Đầu tiên là sức sáng tạo kết hợp, tái sắp xếp những yếu tố tồn tại để sáng tạo ra cái mới; thứ hai là sức sáng tạo khám phá, phát hiện ra các ý tưởng mới hoặc hình thức mới bên trong những mô thức đang tồn tại; và thứ ba là dạng sáng tạo mang tính chuyển đổi, trong đó sự sáng tạo không chỉ là một tác phẩm mới hay ý tưởng mới mà là toàn bộ khung nghệ thuật hoặc cách tiếp cận một vấn đề hoàn toàn mới.

Rõ ràng là những công cụ AI có thể được sử dụng để đạt tới hình thức thứ nhất và thứ hai của sáng tạo, trong sự kết hợp của những hình thức và phong cách đã có (“một bức tranh vẽ người rót sữa theo phong cách Vermeer và Monet”) hay sự khám phá những vật thể mới (“một bức vẽ về quán bar hiện đại theo phong cách họa sĩ Toulouse-Lautrec”). Nhưng còn sự sáng tạo mang tính chuyển đổi? Theo quan điểm của TS. Henry Shevlin chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và tương lai của trí tuệ nhân tạo ở ĐH Cambridge, nếu nhìn vào lịch sử phát triển thì có thể thấy các bước nhảy vọt thực sự của trí tưởng tượng nghệ thuật đều xuất phát từ bộ não được bồi đắp bằng những hiểu biết sâu sắc về xã hội, lịch sử, văn hóa. Có thể, trong số các không gian nghệ thuật thống kê trong các mô hình hình ảnh đương đại cũng ẩn giấu một số hình thức biểu diễn trực quan mới mẻ nào đó và chỉ cần chờ những văn bản gợi ý đúng để trình làng. Nhưng ngay cả khi trường hợp này xảy ra thì AI vẫn có giới hạn, đó là thiếu sức tưởng tượng. Do đó, giới hạn duy nhất với sự sáng tạo của AI chính là điều mà con người sẵn có, trí tưởng tượng.□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn:

https://www.forbes.com/sites/robsalkowitz/2022/09/16/ai-is-coming-for-commercial-art-jobs-can-it-be-stopped/?sh=5db6e36154b0

https://www.sfgate.com/local/article/san-francisco-ai-art-exhibit-17552821.php

https://iai.tv/articles/the-artist-is-dead-ai-killed-them-auid-2275

Tác giả

(Visited 93 times, 7 visits today)