Trẻ con nói

Cách nói của trẻ con đơn giản dễ hiểu, thẳng thắn, ngây thơ không bị vướng bận vào sai đúng. Những điều này người lớn không làm được. Trẻ con không biết nên không sợ, chính vì vậy mà trẻ con nói được những điều mà người lớn sợ. Trẻ con không “chấp”, trẻ con tự tính đã “tề vật luận” nên đối với trẻ con cao thấp cũng bằng nhau. Trong đầu trẻ con không có khái niệm tục nên trẻ con nói tục cũng vẫn thanh.

Phim hoạt hình (của người lớn làm) cho trẻ con thì đã đành nhưng phim hoạt hình cho người lớn thì không thấy ở nước mình. Phim hoạt hình có thế mạnh riêng của nó. Ngôn ngữ hoạt hình là ngôn ngữ của trẻ con, cách nhìn, cách nói của trẻ con. Đó là một phép mầu.
Với những suy nghĩ như vậy nên tôi hay để ý và lưu lại những câu thoại của trẻ con. Sau đây là vài ba câu làm ví dụ:
Một cậu bé lên bảy, thấy bố, ngày nào cũng soi gương, chải đầu trước khi đi làm, nó hỏi: Bố ơi, có bao giờ người ta nhìn thấy mặt thật của mình không ạ? Cậu bé đó bây giờ đã 49 tuổi, tôi hỏi cậu có nhớ câu trả lời của bố mình không. Cậu bảo, không nhớ và bố cậu ấy cũng không nhớ. Tôi thì tôi nghĩ có những câu hỏi không cứ phải cần trả lời. Bản thân câu hỏi được nêu lên đã là đủ, nó gợi ý và mở ra những câu chuyện khác.
Thêm một trường hợp nữa, tác giả Cơ hội của Chúa, nhà văn Nguyễn Việt Hà đèo cô con gái rượu đi ăn cỗ ở nhà vợ về, lúc đó cháu 8 tuổi. Đến ngã tư, khi chờ đèn xanh đỏ, cháu hỏi: Có ngã hai không hả bố? Hà là người nổi tiếng hoạt ngôn nhưng cũng đành cấm khẩu và cười trừ lảng sang chuyện khác.
Bài văn sau đây của cháu Nguyên Nhật, tên gọi ở nhà là Bin. Bác cháu là cô giáo dạy văn trường Chu Văn An. Cháu nghỉ hè, bác dạy thêm, ra đề tập làm văn, tả bầu trời. Sau một buổi chiều, cháu nộp bài: Trời xanh như Bin nói.
Bài văn chỉ có mấy chữ như vậy. Tất nhiên bác của Bin chỉ cho 1 điểm nhưng điểm 1 đó tôi nghĩ nó giá trị hơn cả điểm 10. Anh T, bạn tôi, cán bộ ngành giáo dục về hưu non, khi nghe kể chuyện này, anh bảo: nên cải cách giáo dục làm sao để có được nhiều điểm 1 như thế. Dạy văn là để các cháu biết nói những cảm nhận của mình và nói bằng cách nói của mình.
Cháu Cẩm Nhi, con gái họa sỹ Trịnh Tú, năm lên 6, cháu ngồi nghe lỏm các chị tập đàn, cháu quay sang hỏi mẹ: Có phải chỉ những người tốt mới được chơi đàn đúng không mẹ? Chả cứ làm nghệ sỹ, làm nghề gì đi chăng nữa, trước tiên phải làm người tốt đã. Nói cách khác làm người đã rồi muốn làm gì thì làm.
Vợ chồng họa sỹ S, bạn tôi, dạo này chuyển sang buôn đất, quanh năm ngày tháng quay cuồng tiền tiền nong nong. Con cái khoán hết cho người giúp việc. Cháu Cò, 5 tuổi khóc mếu mãi mới được bố cho đến Bảo tàng Quân đội xem máy bay tàu bò, xe tăng, súng ống. Thế mà tới nơi, được chừng mươi phút, Cò nằng nặc đòi về. Cháu bảo: Chán lắm, ở đây toàn đồ chơi hết pin.
Làm nghệ thuật là đi tìm cái đẹp ở trong những cái bình thường, trong những điều hằng ngày, nhìn được cái lớn trong những điều nhỏ bé. Con mắt của nghệ sỹ là con mắt có khả năng phát hiện, mắt mỗi lần mở đều phải là lần đầu tiên và thú vị ở chỗ, nghệ sỹ phải nói ra được, viết ra được, vẽ ra được những điều ai ai cũng biết nhưng vẫn làm họ thấy mới, làm họ phải ngạc nhiên. Cách đây 35 năm tôi được nghe một câu của một cậu bé 4 tuổi bên hàng xóm. Bữa đó, cậu ta ngồi “giúp” bà nhặt thóc trước khi mang gạo đi vo. Bỗng dưng tôi thấy cậu ta đứng bật dậy, hét lên sung sướng: Bà ơi! Trong hạt thóc có hạt gạo.
* Đón đọc bài 2: Người lớn nói

Tác giả