Trên một trung đạo của thời thế

Lẩy một câu Kiều chia ra bốn tiểu tiết để làm đầu đề cho bốn chương: Khi tựa gối, Khi cúi đầu, Khi vò chín khúc, Khi chau đôi mày – tác giả của văn tập, GS. Cao Huy Thuần, bày tỏ một hình ảnh con người phong nhã lắng nghe những khúc đoạn trường của nhân thế và thời thế bằng hai mươi mốt bài viết, bài nói chuyện và trả lời phỏng vấn báo chí.

Hình ảnh con người lắng nghe, một cách ưu mẫn và phong nhã, là hình ảnh về người trí thức: câu mở đầu của bài mở đầu, “Rất khó định nghĩa thế nào là một người trí thức,…” (tr.11) và mấy câu khẳng định ở gần cuối bài cuối cùng trong văn tập, khẳng định ý nghĩa bài học từ một người thầy, “…hãy đứng về phía kẻ bại, kẻ yếu, kẻ thất thế. Kẻ chết đuối vớ bóng cây. Đó là chỗ đứng của người trí thức.” (tr.313), hầu như đã tóm lược chủ đề xuyên suốt của tập sách này.

Nhưng quả đúng là rất khó nói xem người trí thức là người gì, chẳng hạn nếu nhìn một lượt những tên tuổi, những quan niệm lớn mà cây bút này đã phác dựng làm cỗ xe chở đạo: mở đầu là A.Malraux và A.Camus, chủ đề quen thuộc “trí thức dấn thân”; tiếp theo là tụng ca tinh thần tự do đầy cảm hứng lãng mạn cổ điển với V.Hugo đối vị Napoléon Hoàng đế; thái độ trí thức trước lịch sử thông qua chiến tranh, với hai bài thơ của L.Aragon và A.Rimbaud, với “Chiến tranh trong Trịnh Công Sơn”; tản mạn về hạnh phúc và mùa xuân bằng thơ Tế Hanh, Xuân Diệu,…, thơ P. Verlaine và tranh C.Monet; rồi suốt cả chương thứ hai với các biểu trưng Phật giáo, từ “Chén trà” đến Ba-ngàn-Danh-hiệu-Phật, thiền Đạo Nguyên và thiền Trần Nhân Tông,…; chương thứ ba khá ngắn nhưng nặng trĩu với các tuyên ngôn độc lập nổi tiếng để nói về hạnh phúc, cách mạng và công dân với hình ảnh Đặng Thùy Trâm, về quyền lực với tham chiếu J.Locke hay J.J.Rousseau,…; tinh thần hoài nghi của lý tính với C.Darwin. Tuy nhiên, một quan niệm về trí thức gây ấn tượng hơn cả lại nằm trong hai bài trò chuyện về chủ đề “Tin cậy” và hòa giải hòa hợp – những thảo luận và một thái độ đạo lý điển hình, một đạo lý “từ trái tim”, mà “trái tim” này, như có thể thấy, đã lựa chọn cái minh triết Phật đạo.

Lý lẽ của lựa chọn đó cũng nằm ngay trong bài viết mở đầu, được đặt tên “Giữa đất và trời”; thậm chí cũng nói được rằng bài viết đó được chọn để toát lên cốt lõi ý hướng đằng sau những bài khác trong sách này. Tình thế được diễn đạt rõ ràng sau những chiêm nghiệm so sánh hành động “dấn thân” xem như trái ngược nhau của hai văn hào người Pháp: “Trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ đã sống qua hai chiến tranh, khó mà không thiên về Sartre, khó mà không đồng tình với sự chọn lựa hiệu quả của Malraux.” nhưng “Đã qua rồi giai đoạn đặc biệt trong đó người trí thức có khi đã vui lòng chấp nhận tuyệt đối. Trong đời sống bình thường và nhiệm màu trong chính bình thường, hãy mở lòng để cho họ sống với những sự thật tương đối, điều kiện tất yếu của sáng tạo, của tiến bộ.” (tr.25)

Liệu có thể có gì bên trong âm vang dễ chịu của một diễn đạt bóng bẩy như “nhiệm màu của đời bình thường”? Chỉ bằng một “tương đối luận tuyệt đối” (- A.Compagnon) của đời sống mới kéo được đời sống vào đám mây “màu nhiệm” của chính nó, và đấy là cái cách thức phổ biến cho việc đưa những “tuyệt đối” của đạo lý thành các tiêu chuẩn soi chiếu “những sự thật tương đối” hàng ngày.

Văn phong trau chuốt của tác giả trong những bài viết ở đây cùng các tên tuổi đã yên vị trong điện danh nhân, cùng các quan niệm lớn đã vào hàng cổ điển của thời hiện đại (- đặc biệt là một số quan niệm thuộc về nguồn Phật giáo -) đem lại một hàm ngụ sáng rõ về “những sự thật tương đối” khả dĩ phác một định nghĩa về “người trí thức”, ít nhất cũng thông qua “chỗ đứng” của người ấy. Bởi chương sách thứ ba – “Khi vò chín khúc” – đau đáu nói về những ý niệm hạnh phúc, niềm tin trong bối cảnh các giao cắt rối bời của lịch sử, ta thấy cái vương vấn đặc trưng trong đó vẫn là về một số những tín điều đầu thế kỷ trước, về “Lựa chọn”, về “Tự do” v.v. mà tính “tương đối” chỉ có nghĩa từ vựng, cũng như cách chọn vị thế ở “giữa đất và trời” luôn luôn chỉ có giá trị một bài học kinh nghiệm để thông báo. Dường như bởi vậy mà trong bài “Thư đầu năm”, chương thứ hai – “Khi cúi đầu” – tác giả đã đem quan niệm “cái KHÔNG” của Phật giáo để giải quyết một câu hỏi nóng của đương thời về tính bức thiết của “cạnh tranh”.

Những quan niệm Phật giáo vạch nên chân trời cho tất cả các luận giải và chiêm nghiệm ở đây, ngay ở mức từ vựng, chính là đã xác lập một cái khung lý thuyết cho việc nhìn nhận một “trung đạo” cho cái-người-trí-thức-ấy vừa ở giữa “đất và trời” vừa “đứng về phía kẻ bại, kẻ yếu, kẻ thất thế”.

Chỉ có điều, con đường gọi là “trung đạo” theo nhà Phật lại hoàn toàn không phải là một lý thuyết, không có tính tương đối, không có tính lựa chọn.



(*) Văn tập của Cao Huy Thuần, NXB Văn học và Nhã Nam ấn hành tháng 8/2011)

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)