Trò Xuân Phả

Một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử thì quá khứ không bao giờ mất đi, mà ẩn hiện dưới rất nhiều hình thức văn hóa. Một ngôi chùa, ngôi đình, một điệu dân ca, hay một điệu múa...nếu chỉ nhìn thoáng qua thì bất quá chúng ta chỉ cảm nhận chúng như một thắng cảnh, một trò chơi thưởng ngoạn, nhưng nếu xem xét kỹ chúng chứa đựng nhiều ký ức cổ xưa, nhiều ký hiệu mà ngay cả những người trình diễn nó cũng không biết hết.

Trò Xuân Phả, một làng nhỏ ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa hiện còn lưu lại năm điệu múa Ngũ quốc, nói về năm quốc gia, hay năm phương đến chúc mừng nhà vua sau khi khải hoàn. Có lẽ sự tích và nội dung của năm điệu múa đó lại không quan trọng bằng hồn cốt của dân tộc và của một thời lắng đọng qua những hành vi rất cổ xưa, tới mức người ta có cảm giác, người Xuân Phả và những điệu múa của họ chứa đựng những thông tin quá khứ bí ẩn nhất của người Việt.


Các bô lão tế lễ trong hội làng Xuân Phả

Khi xem những bức ảnh do người Pháp chụp cách đây có lẽ từ 100 đến 70 năm về các dân tộc và phong tục đặc sắc ở Việt Nam do gia đình họa sỹ Nguyễn Thanh Sơn một họa sỹ chuyên sống và vẽ về Tây Nguyên lưu trữ, tôi chú ý đến những tấm ảnh có hình người Bắc bộ múa mặt nạ. Những chiếc mặt nạ bằng gỗ chỉ che nửa mặt từ đỉnh mũi trở xuống, còn hai mắt cắm lông công. Năm 1996, 1997 tôi mò đến làng Xuân Phả ngày lễ hội, và vẽ lại một bức tranh điệu múa Hoa Lang, tức là những người Hà Lan đến múa và chào vua Việt Nam. Tôi bỏ bẵng việc này hơn mười năm, rồi năm nay, quyết tâm quay lại Xuân Phả cùng họa sỹ Phan Bảo, một nhà Thanh Hóa học. Thực ra tài liệu sớm nhất về trò Xuân Phả có lẽ do ông Đỗ Ơm một nhà giáo công bố vào năm 1935, trên báo Tràng An. Ông Phan Bảo cho biết cũng trong thời Pháp thuộc, người Pháp đã định đưa đoàn múa Xuân Phả sang Mỹ trình diễn, nhưng mới vào đến Sài Gòn, đoàn này có những bất đồng nên quay về. Bên cạnh những công trình nghiên cứu về trò Xuân Phả ngày càng nhiều, nhiều đoàn sân khấu đã học trò Xuân Phả đưa vào trình diễn hiện đại, nhưng theo người Xuân Phả không đoàn nào thành công cả. Như vậy, trò Xuân Phả có một nền tảng văn hóa nhất định, có những quy cách truyền thừa, và có những gốc rễ tinh thần ngấm vào máu thịt người Xuân Phả, để họ bật thành những động tác mà ngày nay họ cũng khó lý giải được. Năm điệu múa trong hai ngày, với hơn 200 người tham gia, quả là một cuộc trình diễn lớn.

Theo truyền thuyết, thời Đinh, có giặc quấy nhiễu nơi biên thùy, vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài. Quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì gặp giông tố phải ngụ lại. Đêm ngủ sứ giả được thần thành hoàng làng báo mộng về cách đánh giặc. Sứ về tâu vua, quả nhiên thắng trận, vua bèn ban thưởng những điệu múa hát hay nhất cho làng. Đó là các điệu Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục hồn Nhung. Từ đời này qua đời khác người Xuân Phả vẫn truyền nhau các điệu múa và tổ chức lễ hội hằng năm vào mùng 10, 11 tháng hai âm lịch. Theo trình tự hội lễ thì ngày 10 diễn trò Hoa Lang, Ai Lao, Tú Huần, ngày 11 diễn trò Chiêm Thành và Ngô Quốc.


Các thủ lợn ngậm đuôi do các giáp dâng lên ban thờ

Tinh thần của nhà Đinh còn đọng lại trong tiết mục Kéo hội, do hai giáp trong xã cử hai tốp thanh niên trai tráng bận áo đỏ và xanh, cầm cờ xúy hình đuôi nheo, lúc đầu dàn quân hình chữ Á (giống chữ thập) đi vào, sau đó chạy lồng vào nhau hình chữ ất ba vòng. Năm nay tốp trai được chọn toàn là đồng nam chừng 15 tuổi, nói lên cái khí thế cờ lau tập trận của Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên trong bốn điệu múa của bốn quốc gia trên, thì Hà Lan có lẽ không thể đến Việt Nam vào thời Đinh, thế kỷ 10. Ông Phan Bảo cho rằng múa Ngũ quốc một do ông Trịnh Quý Thuật, con thứ chín của ông Trịnh Khả, một người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đem về Xuân Phả, còn ông Nguyễn Mộng Tuân, người cùng thời với Nguyễn Trãi đem về Đông Sơn. Như vậy ít nhất một hai trò trong múa Ngũ quốc xuất hiện trong thế kỷ 15, và nhất là đến thế kỷ 17 mới có các thương thuyền Hà Lan đến quan hệ với đàng Ngoài. Các điệu múa có thể hình thành dần trong quá trình hội lễ và lịch sử. Điệu múa Lục hồn Nhung và hai điệu Chiêm Thành, Ai Lao có lẽ cổ xưa nhất.
1. Lục hồn Nhung, còn gọi là điệu Tú Huần, chữ lục hồn nhung hiện không ai rõ nghĩa chính xác là gì. Theo Phan Bảo có thể nó chứa đựng ý nghĩa về thời hỗn mang, tăm tối. Điệu múa bắt đầu từ ông cố già nua, và một bà cố già sống sót sau cuộc diệt chủng nào đó. Bầy con trẻ tất cả đều đầu đội mũ tre và các bó lạt chẻ xơ ra như tóc rối, đeo mặt nạ có chấm như bị bệnh đậu mùa có số răng từ một chiếc đến năm chiếc. 10 con chia thành từng đôi, xếp hai hàng, tiến lùi theo mẹ, mỗi lần nhảy lại hú lên, khi hát thì xoạc chân chèo, và gõ phách theo nhịp múa.
2.Điệu Chiêm Thành, thể hiện đoàn sứ của vương quốc Champa vào chúc mừng, gồm có ông Chúa, bà Nàng , một người hầu, hai phỗng hầu, và 16 quân. (Theo Đỗ Hứa là 10 quân ). Sau khi Chúa đọc văn tế và hai phỗng dâng hương đoàn quân, ngậm mặt nạ gỗ kỳ dị, bắt đầu nhảy múa thành hai hàng. Khi đứng, khi quỳ khụy các tư thế chuyển nhanh và cương hoạch như các thế võ, các thế tay vặn ngược không khác gì các tư thế trong các tượng Chàm cổ xưa.
3. Điệu Ai Lao, thể hiện đoàn vương quốc Vạn tượng xưa do đích thân vua vào chúc mừng. Đi đầu là voi và hổ múa cùng những người thợ săn. Vua Ai Lao tuổi già đường xa nên có người theo sau đấm lưng. 10 quân múa thành hai hàng với những điệu mang tính săn bắn hái lượm rất uyển chuyển.
4. Điệu Hoa Lang, đi đầu là con kỳ lân, thực ra giống con thủy quái ở biển, múa sát đất như bơi lội. Đoàn người Hoa Lang có cô gái Việt ra đón tiếp, đầu đội mũ Kê pi cao, ngậm mặt nạ mũi thẳng, kết thúc là điệu bơi chèo. Họ vượt biển đến rồi lại trở ra biển để đi.
5. Điệu Ngô Quốc, tức là đoàn múa Trung Hoa, có cô gái Việt ra đón, và hiện tại ăn mặc như người Mãn Thanh. Kết thúc cũng là điệu chèo thuyền.
Trong năm điệu múa, thì chỉ ba điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần có mặt nạ, đặc biệt trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa không đeo, mà ngậm mặt nạ nửa mặt bởi một chột gỗ vào miệng. Điệu Tú Huần, Hoa Lang và Ngô Quốc có bài hát, và riêng hai đoàn Hoa Lang và Ngô Quốc có nữ Việt ra tiếp đón.
Tôi không có chuyên môn về nghệ thuật múa để phân tích các điệu, mà chỉ có thể cảm nhận theo bản thân. Ở đây có sự liên hệ sâu sắc giữa nghệ thuật tạo hình Champa có thể thấy được ở Trung Nam bộ với các động tác mang tính thần bí, các cách bẻ chân tay trái chiều và cách vung động tác gần với hành vi tối cổ. Có thể thấy các hành vi hái lượm, gieo trồng, gặt hái, săn bắn, đánh võ và chèo thuyền lồng vào trong các động tác. Và chúng cũng rất gần với các tư thế múa trên trống đồng Đông Sơn, còn các cô tiên thì giống các tư thế trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16-18. Từ các hành vi khi thì toát ra vẻ hoang dã man dại của những người còn sống trong các công xã thị tộc, khi thì mạnh mẽ biến đổi có hàng lối kiểu chiến trận phong kiến. Những mặt nạ lại là một gợi ý khác về số phận, tính phồn thực dân gian, và tính siêu hình trong tôn giáo cổ xưa. Có thể nói từ trò Xuân Phả người ta có thể lần ra nhiều ý nghĩa của tâm linh Việt Nam từ lâu đã chìm vào quên lãng, hay chỉ có thể đọc ra ít nhiều từ các bức tượng cổ. Nghệ thuật múa đem lại sự gợi ý sống động khác mà điêu khắc cổ không thể nào có được. Đó là tính liên kết từ các động tác múa, tính tích chuyện, và sự gợi ý vô hình của các hành vi không nhất thời có thể cắt nghĩa.

Phụ lục
Về Trò xuân Phả từ các tài liệu của Đỗ Ơm đăng trên báo Tràng An số 80 ngày 03 và 17/12/1935, cùng tài liệu của Đỗ Hứa, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

1.Trò Hoa Lang gồm có 1 ông Chúa, 1 bà Nàng ( vợ Chúa ), 1 người hầu, 10 quân (có hai người cưỡi ngựa ).
Đồ dùng làm trò: Mũ da bò 11 cái, có chạm rồng ở mũ Chúa, chạm mặt nguyệt ở mũ quân. Mặt nạ 11 cái, bằng da bò sơn trắng, mắt bằng lông công, vẽ mồm. Áo vải màu lam 11 cái, thêu hổ phù và rồng, mây vàng, dưới có sóng thủy ba. Bà nàng mặc áo đỏ, thắt lưng xanh, đi dép cong, đội nón quai thao( Có thể trai giả gái ). Ông Chúa và quân tay đeo hoa giấy ngũ sắc, cầm khăn đỏ, đôi quạt, chân đi bít tất, bỏ quần dài. Ngựa hai con đan bằng nứa bịt giấy có thể lồng vào người múa. Mái chèo 10 cái. Nhạc gồm 1 trống lớn, hai nạo bạt, 1mã la, 1mõ tre.
Cách múa
Chúa vào múa, dạo bước lên quỳ, bái, chờ hai ngựa lên dờn xong đều múa mà lui xuống, để rước đàn em lên. Múa, dạo, bái đủ bốn lần thì múa siêu đao. Siêu đao bằng gỗ, cán sơn đen, lưỡi sơn trắng, có đeo hoa giấy bên sống.
Múa cờ lệnh. Cờ lệnh bằng giấy trắng.
Múa mạn: múa bằng tay, dìa góc chân đủ bốn góc chiếu.
Quân hai người lên ngựa đấu bằng roi tre dài một mét.
Tám người sau múa ba cấp( điệu ):Múa một tay, một tay chống hông. Múa một tay có khăn đỏ, một tay cầm quạt xếp. Múa hai tay có quạt mở.
Tất cả chúa và quân múa xong, dạo trống bắt đầu xắp mái chèo chèo đò. Lúc đó trống lớn đánh theo mấy nhịp, cùng mõ và mã la: rập thùng thùng, rập thùng thùng, rập rập thùng thùng thùng.

Bài hát
Trò tôi ở bên Hoa Lang
Tôi nghe chính đức tôi sang chèo chầu
Khoan là khoan, thuyền đà tới bến, quan ta chèo
Các quan ta, ta gác mái lên, ta chèo cho đều
Đố ai bắt được thì theo mái này
Dô hụy dô, ta nghe tiếng hồ, ta đẩy thuyền lên
Chúc mừng tuổi vua vạn niên
Ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa
Khoan là khoan, tay trên mở túi hồng nhan ăn trầu
Chúc mừng đại đức thánh minh
Lịch triều phong tặng tối linh đại từ
Xinh là xinh, hai tay nâng lấy chén quỳnh nâng lên
Chúc mừng quan viên xã ta
Ơn trên lại được vinh hoa quý quyền
Khoan là khoan, mừng người tiến chức thăng quan từ rầy
Chúc mừng quan lão xã ta
Phơ phơ tóc bạc buồng hoa trên đầu
Xinh là xinh, chúc mừng quan lão hiển vinh thọ trường
Chúc mừng văn võ hai hàng
Văn chiếm bảng vàng, võ chiếm quận công
Khoan là khoan, chúc mừng văn võ thăng quan từ rầy
Chúng tôi mừng cả bảy thôn
Mở tiệc khôi hài vui thật là vui
Hay là hay, mấy khi vui vẻ thế này chèo chơi
Chúng tôi hát chúc đã rồi
Nay xin đánh trống trò chơi huê tình
Xinh là xinh, mỗi năm một cuộc sân đình chèo chơi
Từ ngày anh chống thuyền vào
Mặt em hớn hở như đào trên cây
Từ ngày anh chống thuyền ra
Mặt em rười rượi như hoa gẫy cành
Dô hụy dô, ta nghe tiếng hồ ta đẩy thuyền ra.

2. Trò Ai lao gồm có 1 ông Chúa tế, 2 mái Mường ( hai cô gái ), 2 anh hầu có cáng, một đeo súng, 10 quân ( hai người sau cùng có gánh cỏ cho voi ).
Đồ dùng: mũ 10 cái bằng rễ cây si, cắm rúm vào cái mũ nhỏ. Mặt không đeo gì. Áo bằng vải phá của Mường hình chữ nhật, dài 2m, rộng 0,4m.0,4m đeo vào mình ngoài áo thường, xéo qua vai. Chân đi không, tay cũng cầm đôi xênh. 10 tấm vải phá, 10 đôi xênh. Voi bằng giấy bồi do hai người đội và 1 quản tượng vừa đi vừa đánh cồng. Hổ do 1 người đội lốt bằng vải nhảy nhót như hổ. Cáng chúa bằng tre dài có hai người khiêng, buộc dây làm võng.
Cách múa
Hổ -voi vào mua trước, quân lính đeo súng nhảy chéo chân, nâng súng lên, hạ xuống, chờ chúa vào. Chúa già yếu có người đấm lưng.
Cùng nhau kéo hàng vào gõ xênh, theo nhịp trống ba tiếng một mà đan cài nhau, theo tiếng xênh nói “hí hí hích”. Trống đánh giống điệu Tú Huần, nhưng khoan thai. Chỉ có Chúa ăn mặc khác quân, đầu mũ quan văn đen, không cánh chuồn, áo xanh chàm tay thụng có bối tử, bụng phệ , lưng gù, chân đi ủng. Vào bái một cách sợ hãi.
3.Trò Tú Huần, còn gọi là Lục hồn Nhung, gồm 1 ông lão, 1 anh hầu, mẹ Tú Huần, 10 quân trò
Đồ dùng: 1 buồng quây bằng vải, để mẹ con Tú Huần đứng khi chưa vào trò. 11 mũ tre như rế cài lóng, lạt tre làm tóc bạc, có quai đeo vào cằm, đội trên khăn vuông đỏ bịt đầu.12 mặt nạ gỗ sơn trắng, vẽ mắt mồm đen. Mặt ông cố già và mặt mẹ cũng già. 10 mặt con chia làm hai đôi một trẻ dần. Đôi nhất có một răng, đôi nhì hai răng, đôi ba ba răng, đôi bốn bốn răng, đôi năm mặt trẻ, trắng má hồng, năm răng. Người hầu không có mặt nạ. 13 áo dài năm thân màu lam. Áo ông lão và mẹ già có thêu bông tròn, trong hình hoa ở ngực và lưng. Áo ông cố dài tay thụng. Áo của quân cổ viền đỏ. 13 khăn buộc lưng đỏ có tua. Trống mõ, nạo bạt, 11 đôi xênh bằng tre già.
Cách múa
Vào Nghênh môn đoàn trò vẫn đứng trong màn quây. Nghe hồi trống, màn quây mở đoàn trò lộ ra với hai hàng dọc. Cụ cố già cổ đeo túi trầu, người hầu bên cạnh cầm quạt, cụ lượn hai vòng quanh sân nghè, vái chào rồi vào buồng. Đoàn trò vào sân nghè, bà mẹ gõ xênh nhảy theo nhịp ba, gần ban thờ , quỳ vái, đứng dậy nhảy lùi xuống. Theo nhịp trống, quân lên nhịp ba, mẹ lên nhịp ba, quân lùi một nhịp, mẹ lùi hai nhịp, rồi quân lên một nhịp ngang đều nhau.
Mẹ hú, tất cả đều quỳ, vái đứng lên, rẽ sang hai bên, đi vòng xuống. Ngồi xổm, gõ xênh, nhảy lên vị trí cũ. Hú, quay tại chỗ hai lần. Hú nhảy sang ngang trở lại ngay (2 lần). Hú quỳ sát gối, ngang từng đôi một. Hú giao lưu từng đôi nhìn nhau, lại quay ra (2 lần). Hú đứng một chân, sát từng đôi, giao lưu quay vào quay ra (2 lần).
Hai hàng dọc, mẹ đứng đầu, cầm nhịp hát. Khi hát chân chèo kéo sệt sát đất.
Bài hát
Tú Huần là Tú Huần ta
Sáng sớm rửa mặt đeo hoa ăn trầu
Tú Huần kia hỡi Tú Huần
Mẹ đi đánh trống lấy phần con ăn
Ăn rồi con lại giữ nhà
Mẹ đi đánh trống rước cha con về
Cha con đã về ở tê
Quần quần áo áo, rê rê cả đường
Huê tình kia hỡi huê tình
Yêu kẻ một mình ghét kẻ có đôi
Huê tình sặc sỡ mọi nơi
Gái đương huê nguyệt chẳng chơi cũng hèn
Huê tình chẳng huê tình không
Lại có huê nguyệt ở trong huê tình
Hỡi người cao cổ rỗ hoa
Vào đây đánh trống cùng ta thì vào
Vào đây đánh trống cùng ta
Được tiền ta sẽ chia ba cho mình
Ta chiềng hàng sứ xê ra
Nào người nhân ngãi đường xa thì vào
Ta ghét con mắt ấy thay
Yêu nhau nó rẩng lông mày nó lên.

4.Trò Chiêm Thành, gồm 1 ông Chúa, 1 bà Nàng, 1 người hầu, 2 ông phỗng, 16 quân ( theo Đỗ Hứa là 10 quân).
Đồ dùng: áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân đều buộc khăn ngang lưng, chân đi bít tất giả, giày xanh lam. Anh hầu mang lọng giấy. Bà nàng cũng kiểu áo chung, không múa. 17 người Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công.
Cách múa :
Thoạt tiên phỗng Chiêm Thành dâng hương. Chúa nhảy lên múa bái, đương quỳ lại nhảy phắt lên múa, không phải ngồi dậy nữa. Quân mới vào, chống tay vào hông, giật mình theo trống, sau múa tay xập xóc, cứ ba cái theo nhịp, khi quay vào khi quay ra, gài nhau hai đôi một, đủ ba cấp đứng, vào ba cấp. Trống đánh nhịp ba từ đầu đến cuối: rập rập thùng thùng thùng, rập rập thùng thùng thùng. Không hát.
5.Trò Ngô Quốc, 1 ông Chúa Tàu, 2 cô tiên,1 mệ Nàng, 1 thầy địa lý, 1 thầy lang, 1 anh bán kẹo, 10 quân trò.
Đồ dùng: Chúa áo thanh thiên màu nõn chuối, không thêu vẽ, có hổ phù trước ngực. Cô tiên đầu đội mũ hoa sen, áo xiêm dài, tay có hai mảnh vải đỏ làm cánh, chân đi bít tất trắng. 10 quân áo không thêu vẽ, màu thanh thiên, có hình lá sòi ở cổ, chân đi tất trắng đế đen. Mệ nàng mặc như trò Hoa Lang. Lang y mặc theo lối khách Tàu, đi giày Tàu , cầm dao cầu và đeo rương thuốc nhỏ. Thầy địa lý áo khách màu xanh, tay cầm la bàn, đeo khăn gói đỏ. Anh bán kẹo mặc áo khách xanh, có sàng đeo ở cổ, trong sàng bày bát đĩa, 4 con xúc sắc, mấy đồng tiền, mấy cái kẹo.
Cách múa:
Chúa múa dạo lên lối bái tàu, múa siêu đao, phất cờ, múa tay cùng bà nàng đối diện. Quân múa sạp xòe, dâng cao chân theo tay. Múa xong ba cấp đến chèo đò.
Trống đánh: cắc thùng cắc, cắc thùng cắc, thùng thùng thùng thùng thùng thùng cắc. Cứ cắc thì dậm chân, dậm hai cái rồi bước theo. Trong khi múa và bái có hô tiếng “Xi lô” 10 mái chèo như múa Hoa Lang.
Bài hát
Tu là đi tu
Lần này anh quyết đi tu
Ăn chay nằm mộng ở chùa hồ sen
Thấy cô mình má phấn răng đen
Nam mô di Phật, anh quên mất chùa
Ai mua tiên cảnh thì mua
Còn cái mõ mít treo chùa tam quan
Trống chùa này treo cửa tam quan
Đợi người quý khách hồng nhan vẫy vùng
Trống chùa nay ai gõ thùng thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng
Đầu năm ăn quả thanh yên
Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bồng
Ăn cam nhớ quít, ăn hồng cậy nhau
Trồng chuối, chuối lổ tiêu tàu
Thầy mẹ em chỉ tham giàu mà thôi
Đôi ta như đũa có đôi.
(Chuyển nhịp múa)
Đôi ta như cánh chim hồng
Đẹp duyên mà chẳng đẹp lòng mẹ cha
Bước xuống thuyền anh dậm nhịp ba
Anh dậm nhịp bảy nó ra nhịp mười
Anh chẳng dậm thời thuyền chẳng đi
Dậm ra nát ván thuyền thì long đanh
Ai lên sông Sủ lắm ghềnh
Lên thác đã vậy xuống ghềnh làm sao
Luống công anh đứng mũi chịu sào
Thầy mẹ yêu đến khi nào cũng ơn
Chốn tình cờ du thủy du sơn
Biết bao giờ gặp cho hơn bây giờ
Bạn kim loan kết ngãi tình cờ
Khi nãy gặp đó khi giờ gặp đây
Chốn tình cờ ta gặp nhau đây
Mượn cắt cái áo mượn may cái quần
Yêu nhau xé lụa may quần
Ghét nhau kể nợ kể nần cho nhau
Ai lên Đồng Tỉnh , Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
Ai về chợ huyện Thanh Lâm
Nhắn nhau ngãi cũ tri âm bạn đò
Gần thời chẳng hợp duyên cho
Xa xôi cách mấy lần đò cũng đi
Anh thương nàng như lá lài bi
Ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương
Khen ai khéo nẻo đưa đường
Khen ai mối lái cho nường gặp anh
Đồn đây có con chim xanh
Ăn no tắm mát tìm cành đậu chơi
Hòn đất bụt anh ném lên trời
Chim bay đi mất đất rơi vào chùa
Vào chùa lạy Phật trở ra
Lạy tòa Tam thế vua cha Ngọc hoàng
Túi anh đầy những bạc cùng vàng
Mượn thợ kéo nhẫn cho nàng đeo tay
Nào ai bấm nháy nàng bay
Thời nàng giữ lấy nhẫn này cho anh
Một đêm có năm trống canh
Têm trầu quấn thuốc cùng anh trong nhà
Năm trống canh anh ngủ có ba
Còn hai canh nữa anh ra trông trời
Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi
Chàng về Bắc quốc,em thời An Nam
Mưa đâu chớp đấy cho cam
Mưa qua thành Lạng chớp ngàn mây xanh
Anh khuyên em bốn chữ rành rành
Có thân thời giữ cháy thành vạ lây
Đừng có trách quở anh đây.


4

5

6
Kéo hội
4. Các đồng nam dàn quân kéo hội
5. Chạy quân hình chữ á
6. Chạy quân hình chữ ất


7
 
8

9

10

11
Trò Hoa Lang
7. Con kỳ lân mở trò
8. Ông chúa tế và hai kỵ sỹ múa dẫn
9. Đoàn quân Hoa Lang cao chân tiến
vào múa quạt gấp
10. Đoàn quân Hoa Lang múa quạt mở
11. Đoàn quân Hoa Lang múa chèo thuyền

12

13

14

15

16

Trò Ai Lao
12. Múa voi và hổ
13. Chúa Ai Lao vào tế
14. Đoàn quân Ai Lao múa hàng dọc
15. Đoàn quân Ai Lao múa hàng ngang
16. Đoàn quân Ai Lao múa cờ

         


17

18

19

20

21

22
Trò Tú Huần
17. Mẹ Tú Huần bước vào
18. 10 anh em tiến theo nhịp phách
19. Múa gõ tiến
20. Múa nhảy lùi
21. 10 anh em hai hàng quỳ múa
đối nhau
22 . Dâng hàng lên

 

23


24

25

26

27
Trò Chiêm Thành
23.Chúa Chiêm nhẩy vào múa
24. Chúa Chiêm tế và hai phỗng múa
25. Đoàn quân Chiêm đi văn mình
26. Đoàn quân Chiêm múa cao chân
và cao tay
27.Đoàn quân Chiêm múa quỳ thấp và vặn tay

28
 
29

30

 

31


32

 

33

Trò Ngô Quốc
28. Múa dẫn của hai cô tiên
29. Chúa Tàu dẫn quân tiến vào tế
30. Quân Ngô mua cao chân và cao tay
31. Múa dâng cao chân tay
32. Múa chèo thuyền
33. Đoàn quân Ngô múa chèo
thuyền và từ biệt cô gái Việt

Chú thích ảnh: Sông Chu chảy qua huyện Thọ Xuân
(ảnh do Nguyễn Anh Tuấn chụp)

Phan Cẩm Thượng

Tác giả

(Visited 119 times, 1 visits today)