Trưng bày các bản đồ thú vị từ “Trò chơi vương quyền”, “Chúa nhẫn”…

Để tôn vinh một trăm năm ngày ra đời tác phẩm “Ulysses” của nhà văn James Joyce, một cuộc triển lãm ở San Marino, California đã đưa những vị khách tới bảo tàng bước vào một cuộc hành trình mang đậm chất văn học.

Bản đồ từ “Odyssey” của Homer, ấn bản năm 1935.  © Oxford University Press, Inc./Reproduced with permission of the Licensor through PSLclear/Courtesy of The Huntington Library, Art Museum, and Botanical Gardens.

Các tấm bản đồ thường không chỉ giúp người sử dụng định hướng đi của chính mình trong cuộc sống thực mà còn có thể giúp những người khác thoát khỏi thực tại. Trong nhiều thế kỷ, nhiều nhà văn nổi tiếng đã đưa các bản đồ hư cấu của mình vào trong các trang bản thảo như một cách mời các độc giả chìm đắm vào các thế giới tưởng tượng mà mình vẽ ra.Chúa nhẫn của nhà văn J.R.R. Tolkien từng vẽ ra những địa điểm kỳ thú trong những khu rừng Elven và những ngôi nhà của người hobbit trên khắp vùng đất Trung địa do ông tưởng tượng ra.

Những khách thăm bảo tàng hiện thời có thể khám phá những bản đồ trong những cuốn tiểu thuyết thú vị của minh tại Bảo tàng nghệ thuật, thư viện và vườn thực vật Huntington ở San Marino, California. “Mapping Fiction” là tên một triển lãm được trưng bày cho đến ngày 22/5/2022, kết nối 70 tác phẩm từ các bộ sưu tập văn học khác nhau của bảo tàng.

Cuộc triển lãm này được lên chương trình trong sự kết hợp với kỷ niệm 100 năm tiểu thuyết hiện đại Ulysses mà James Joyce viết vào năm 1922, Karla Nielsen, nhà giám tuyển của các bộ sưu tập văn học tại Huntington, lưu ý trong phần hướng dẫn triển lãm. Bảo tàng sẽ trưng bày ấn bản đầu tiên được đánh giá cao của Ulysses cùng với bản thảo đánh máy đầu tiên chương “Penelope” của nó, theo một thông cáo báo chí của Huntington. Triển lãm kết hợp với các hiện vật gốc này cùng với những ấn bản in khắc lõm (intaglio prints) của nghệ sĩ Ireland David Lilburn, người được truyền cảm hứng vào giữa những năm 2000 để tạo ra một chùm bảy “bản đồ” Dublin “chồng lấn” lên các tài liệu tham khảo của cuốn sách. Các bản in này “mô tả Dublin như thể nó chỉ tồn tại duy nhất trong tiểu thuyết của Joyce”, bảo tàng cho biết thêm.

Những bản đồ khác miêu tả loạt truyện khoa học viễn tưởng Parable of the Sower của Octavia E. Butler, Đảo giấu vàng của nhà văn Scotland thế kỷ 19 Robert Louis Stevenson, cái nhìn về địa ngục, thiên đàng của nhà thơ Italia thời kỳ Phục hưng Dante Alighieri… Các bản đồ phức tạp đi kèm với các ấn bản sớm của Chúa nhẫn của Tolkien và Trò chơi vương quyền của George R.R. Martin cũng có mặt, theo Artnet New.

Bản đồ “Đảo giấu vàng” của Robert Louis Stevenson, ấn bản năm 1883. Nguồn: The Huntington Library, Art Museum, and Botanical Gardens

Ulysses của Joyce miêu tả nhân vật chính Leopold Bloom trong một ngày ở Dublin, ngày 16/6/1904 – một ngày mà giờ đây được coi là ngày kỷ niệm sự ra đời của một trong những tác phẩm văn chương có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 với tên gọi Ngày của Bloom.

Trong tác phẩm Ulysses, Joyce đã sử dụng một thủ pháp mang tính tiên phong là tự sự dòng ý thức (stream-of-consciousness), gợi ý đến những tác phẩm văn học khác (ví dụ như The Odyssey của Homer) và khả năng xoay chuyển giữa rất nhiều chiều hướng và góc nhìn của các nhân vật của ông. Vào thời điểm ra đời, tác phẩm này vừa được đánh giá là có tầm ảnh hưởng lại vừa gây tranh cãi. Rất nhiều nơi đã cấm phát hành cuốn sách được cho là có nhiều nội dung tính dục.

Nielsen cho rằng, lựa chọn có chủ ý của Joyce khi không đưa các bản đồ như vậy vào tác phẩm của mình đã khiến cô nghĩ một cách sâu sắc hơn về mối liên hệ giữa tác phẩm hư cấu và các bản đồ cũng như cách các bản đồ có thể ảnh hưởng đến quan điểm của người đọc như thế nào. “Joyce không muốn Ulysses được xuất bản với một lược đồ, một bản đồ Dublin, nghĩa là với bất kỳ một dạng giải thích thực sự nào”, Nielsen cho biết như vậy trong thông cáo báo chí. “Sự phản kháng của ông khiến tôi nghĩ về chức năng của các bản đồ khi được đưa vào một tiểu thuyết được ấn hành. Chúng sẽ ảnh hưởng đến cách các độc giả tưởng tượng về nhân vật như thế nào?”.

Robert Louis Stevenson đã vẽ ra một bản đồ hợp lý đi kèm với tiểu thuyết phiêu lưu Đảo giấu vàng, xuất bản lần đầu vào năm 1883. Khi bản thảo của nhà văn dường bị bị một nhà xuất bản làm mất, ông đã lập ra một cái mới – thậm chí còn nhờ cả cha mình tạo ra một chữ ký của nhân vật cướp biển nổi tiếng trong tác phẩm là thuyền trưởng Flint. “Tấm bản đồ này là một phần trong cốt truyện của tôi”, Stevenson sau đó kể lại.

 “Với cả một bản đồ, Stevenson đã trao cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về những gì mà nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của mình còn chưa biết”, Nielsen viết.

Những điểm nhấn khác của triển lãm bao gồm những ấn bản sớm của Cuộc phiêu lưu của Don Quixote, hiệp sĩ tài ba xứ La Mancha và Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne, được trưng bày bên cạnh một trò chơi với bàn cờ được truyền cảm hứng từ Nellie Bly, một nhà báo nổi tiếng từng du lịch khắp hành tinh trong 72 ngày theo hướng dẫn từ cuốn tiểu thuyết của Verne.

Một bộ sưu tập gồm các biểu đồ viết tay chưa từng được xuất bản của Butler cũng có mặt trong triển lãm. Nhà tiên phong về văn chương khoa học viễn tưởng đã sử dụng các biểu đồ này để thêm thông tin về Parable of the Trickster, cuốn tiểu thuyết thứ ba trong bộ Parable chưa từng được nhà văn hoàn tất và do đó, chưa được xuất bản. Tác giả đã qua đời vào năm 2006 và hiện Bảo tàng nghệ thuật, thư viện và vườn thực vật Huntington đang kêu gọi cộng đồng đóng góp để tiến tới xuất bản cuốn sách này.

Tô Vân tổng hợp

Nguồnhttps://www.smithsonianmag.com/smart-news/explore-literary-maps-of-famous-authors-180979409/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)