Trung thu nói chuyện chơi…

Từ những ngày tháng Bảy âm lịch sụt sùi ngâu, đường phố đã tràn lan muôn vàn hình sắc của các loại bánh. Bước sang tháng Tám lại càng ngầy ngà hơn, một “tháng hội” bánh nửa mùa trong tiếng súng điện tử, tiếng đồ chơi Trung Quốc vừa inh tai vô vị. Xã hội đang làm thay tư gia cái phần việc săn sóc tuổi thơ khi đến kì thưởng nguyệt. Lúc chơi có vui đấy, reo hò đấy nhưng đọng lại trong kí ức các cô cậu bé là gì? Một tháng huyên náo rồi cũng mau chóng tàn với muôn vàn loại rác mẹ bắt mang đi đổ.

Các cụ ta thường nói: Nghề chơi cũng lắm công phu. Ấy là những thú chơi tao nhã mang phong thái người ẩn dật mà chúng ta có dịp thưởng thức qua bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời. Nhưng đằng sau những hình ảnh mĩ lệ với nhịp kể chậm, xúc cảm sâu lắng ấy là một quan niệm “chơi” với tinh thần luân lí cao cả.

Đó là những câu chuyện chòm chèm một thế kỉ trước. Còn giờ đây, đứng trước những dịp lễ tết, hội hè, đình đám hay đơn giản hơn là tiệc cưới, sinh nhật… dường như ta vẫn lúng túng trong cách hưởng ứng và thậm chí là a dua theo những hướng đi sai lệch. Nhiều người đã không phân biệt được giữa chơi và quậy. Giữa sự sôi nổi và gây náo loạn. Điều ấy không chỉ làm mất đi sự thi vị của mỗi ngày vui mà còn khiến cho những thế hệ sau có cái nhìn sai lệch về những giá trị ấy. Bạn đừng quên, văn hoá luôn được cảm nhận ở hình thức trình diễn và sự truyền đạt của cộng đồng.

Nhân ngày Trung thu xin đơn cử một câu chuyện: Trung thu vốn là ngày tết (tiết) của tất cả mọi người, khi được du nhập vào nước ta, theo thời gian, nó đã trở thành một cái tết riêng cho trẻ em. Dưới bầu trời  xanh cao, gió nhẹ thoảng hương lúa đã chắc hạt ngoài đồng, người ta bày lên mâm cỗ những thứ quả ngọt lành đã đến kì thu hoạch. Quy mô và tính chất của ngày tết này không chỉ nói lên sự quan tâm của cộng đồng với thành viên nhỏ bé nhất mà còn gắn với việc tạo lập cốt cách cho cả một đời người. Cô bé, cậu bé ấy dẫu mai này khôn lớn có đi khắp bốn phương tám hướng vẫn nhớ về đêm trăng rằm cùng gia đình thưởng trăng, rước đèn.

Theo năm tháng, cùng với biến thiên của lịch sử, những ngày lễ tết cũng nương theo điều kiện của cuộc sống mới để tồn tại. Những đêm trăng rằm tháng Tám không còn bó hẹp trong tư gia nữa mà đã bước ra với phố phường, cộng đồng trong sự tương tác và hưởng ứng. Quỹ thời gian sinh hoạt tinh thần trong một đời sống hiện đại bị thu hẹp lại, những không gian lưu không để vui chơi bị co thắt khiến người ta phải tìm đến những hình thức dịch vụ và thú vui hướng tâm. Cháu gái tôi mới ngấp nghé tuổi trăng rằm nhưng Messenger box trong điện thoại của cháu luôn đầy ắp những tin nhắn chúc mừng Trung thu mà đáng ra phải dành cho một cô gái trưởng thành trong ngày lễ Valentine. Cháu bảo: chẳng còn nhớ ngày rước đèn gì nữa, ba mẹ mải làm ăn suốt ngày, có mua bánh dẻo, bánh nướng đầy tủ nhưng cháu chán, không muốn ăn. Thôi thì Trung thu cũng là ngày để nhận lời yêu thương mà chú.

Quả thực, Trung thu đã không còn thuộc về những tầm tay bé xíu nữa. Từ những ngày tháng Bảy âm lịch sụt sùi ngâu, đường phố đã tràn lan muôn vàn hình sắc của các loại bánh. Bước sang tháng Tám lại càng ngầy ngà hơn, một “tháng hội” bánh nửa mùa trong tiếng súng điện tử, tiếng đồ chơi Trung Quốc vừa inh tai vô vị. Xã hội đang làm thay tư gia cái phần việc săn sóc tuổi thơ khi đến kì thưởng nguyệt, điều ấy không cần phải bàn cãi. Nhưng dường như đang hướng tuổi thơ theo hướng quậy và phá mà cả người được chơi và người “bị chơi” đều đáng thương. Năm nào cũng cảnh trẻ em lăm lăm súng phun nước với những cuộc rượt đuổi quẩn quanh và vô nghĩa. Cũng là tiếng phàn nàn của những cô gái bị rơi vào ổ phục kích của những túi nilông nước. Bà cụ hàng xóm hết giật mình vì bị đứa cháu hù bởi diện mạo của mặt nạ Trung Quốc lại đến váng đầu bởi tiếng đồ chơi chạy bằng pin. Lúc chơi có vui đấy, reo hò đấy nhưng đọng lại trong kí ức các cô cậu là gì? Một tháng huyên náo rồi cũng mau chóng tàn với muôn vàn loại rác mẹ bắt mang đi đổ. Có lẽ sự lúng túng, qua quít trong thái độ ứng xử với các ngày tết sẽ còn kéo dài đến chừng nào chúng ta chưa có một thái độ chơi đáng tầm.

Cảm thông với một quãng thời gian dài nhiều gia đình, nhiều bậc phu huynh luôn thường trực một bản ý thức mưu sinh. Đời sống dần một khá lên, sự dư giả giúp họ có thể chi tiêu cho những đồ lễ tết và thú chơi nhiều hơn nhưng chưa bao giờ họ coi đó là một điều nghiêm túc. Bạn đừng quên rằng với trẻ em chơi chính là điều nghiêm túc nhất, thú chơi ấy đem lại một tâm hồn, nhân cách đẹp. Được chơi với đúng nghĩa và đủ độ sẽ tạo luồng sinh khí giúp trẻ học tốt, chăm ngoan và biết làm người. Hãy giúp trẻ chơi và hãy chơi như trẻ. Chơi như thế cũng hữu ích lắm chứ!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)