Trương Đăng Dung, thơ như là “thỏa thuận” ý nghĩa

Những kỷ niệm tưởng tượng* của Trương Đăng Dung, không dày, nhưng đủ đầy trong suy nghiệm về thời gian, đau khổ và cái chết qua thứ ngôn ngữ "thỏa thuận" (như Heidegger buộc phải sử dụng ngôn ngữ siêu hình học để nói lên tư tưởng).

Xao xuyến (angoisse) – một khám phá lớn của triết học hiện sinh, là nỗi sợ hãi căn nguyên. Sợ hãi không gì cả, không đối tượng cụ thể, không thể nắm bắt. Nỗi sợ vô hình. Nó có đó, nhưng không thể gọi tên. Khi ta muốn gọi tên nó, khi ta ý định giải thích nó thì nó liền lẩn mất. Lẩn mất, mà vẫn ở lại. Đột ngột xuất hiện trở lại, và gây xao xuyến, khắc khoải.

Chỉ có vài sinh thể ưu tư thâm trầm mới bắt gặp sợ hãi căn nguyên này. Một bắt gặp không cần biến cố lớn lao trong cuộc sống, mà là rất tình cờ. Khi ta lang thang lơ đễnh một mình giữa đồng không mông quạnh, hay khi nửa đêm chợt tỉnh bất ngờ ta thấy ta bất chợt có mặt trên đỉnh núi lạ lẫm. Hay như trên một chuyến tàu đêm nơi một thành phố xa lạ:

Một chuyến tàu hối hả
chạy về đâu trên đất lạ trong đêm.
Tôi thức với trái tim
những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực
không còn đủ sức
chạy theo con tàu.

Khi ta thoát khỏi thao túng hay bận tâm của sự vật quanh ta. Bằng hữu, anh chị em, đồ đạc quen thuộc trong căn phòng quen thuộc.

Khoảng cách bỗng dài thêm
đêm choàng hết những gì còn lại
đâu đó còn ai thức với tôi không?

            (“Đêm ở Roma”)

Không gì cả. Tất cả vật thể đều trôi đi. Chỉ một mình ta ở đó. Ta “thấy” nó và, “được” nó. Như một tặng vật, đặc ân ban tặng cho kẻ trầm tư. Ban tặng không như một chiếm hữu nó, mà ngược lại, chính nó chiếm hữu ta. Lay động ta dữ dội ở thẳm sâu nhất tâm thức ta, cả con người ta. Chối bỏ không được. Chạy trốn càng không.

Đạo Phật cho rằng chỉ khi nào con người vượt qua nỗi sợ hãi căn nguyên này, họ mới đạt đến hạnh phúc viên mãn. Các bậc tu hành với bản lĩnh tu tập và quả phước từ ngàn kiếp trước mới đạt đến cõi đó. Con người phàm trần thì cực khó. Thi sĩ càng không, có lẽ. Không có vấn đề hơn hay kém ở đây, mà khác đi: thi sĩ không muốn “đáo bỉ ngạn”.

Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung đầy tràn nỗi xao xuyến, khắc khoải đó. Thời gian, cái chết (“lũ quạ” mang ý nghĩa tượng trưng) và đau khổ (qua, với và trong “bức tường”) như thứ ám ảnh – ba trong một, một mà ba – đi xuyên suốt tập thơ mỏng này.

Những bức tường, những bức tường, những bức tường là nhịp ba đập liên lỉ, lặp đi lặp lại không dứt. Những bức tường chính là nguyên do của nỗi khổ ải tạo thêm nhiều dòng sông đau khổ gọi mời phụ lưu đau khổ khác đổ thêm bao đau khổ vào bể khổ cuộc đời – mênh mông, bất tuyệt.

Có những bức tường ta xây
và ta phá,
có những bức tường ta không xây
và không nhìn thấy.

Nhìn thấy hay không nhìn thấy thì vẫn vậy. Dù ý thức hay không ý thức, chủ hay khách, tác nhân hay nạn nhân, buồn hay vui, chia tay hay sum họp, khóc cười, yêu ghét, hồ hởi bắt tay hay xoay lưng lánh mặt hoặc đầu gối tay ấp… ta đều dựng lên bức tường. Những bức tường tạo đau khổ. Tôi khổ, em khổ, anh khổ, chúng tôi khổ, các anh khổ… Tất cả đều bị bao quanh, bị khu trục – không thoát ra được.

Vậy thì làm sao?

Đức Phật ban phát Tứ diệu đế hòng đưa con người thoát khỏi vòng trầm luân của kiếp nhân sinh. Krishnamurti đơn giản hơn: hiểu tức là giải thoát. Nhưng thế nào là hiểu?

Hiện thực thời hậu hiện đại chỉ còn là vật thế vì giả tạo (simulation) đã mất hết hệ quy chiếu với hiện thực như thực mà chỉ quy chiếu đến các kí hiệu khác rồi kéo theo vô vàn kí hiệu khác nữa, trùng trùng duyên khởi tạo tác từ chính ngôn ngữ và hình ảnh đang ngập tràn thế giới ta sống.

Con người [thời] hiện sinh vong thân giữa thế giới đồ vật và trong tha nhân; còn hơn thế, con người hậu hiện đại chìm ngập trong vô vàn hình ảnh phi căn nguyên. Trong khi kẻ hiện sinh bất lực và đau khổ và than vãn, thì kẻ hậu hiện đại kêu gọi nhập cuộc chịu chơi.

Thế nhưng, thi sĩ không phải là tư tưởng gia hay đạo sư, hắn có cách khác: cách đặc thù của thi sĩ. “Chỉ chúng ta kẻ ngụ cư ngang thời gian/ là không rớt lại” (Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng). Trương Đăng Dung có cách khác nữa:

Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy những đám mây di chuyển…

            (“Anh không thấy thời gian trôi”)

Nghĩa là chết đi thời gian, chết đi ba phân kì thời gian: quá khứ – hiện tại – tương lại. Chết đi cả kì gian (durée). Biến “sát-na thành thường trụ“. Chết đi với thời gian có nghĩa là hiểu thời gian, cũng có nghĩa là giải thoát khỏi khổ đau và cái chết. Giải thoát không phải là cắt đứt, không là thoát đi, ra đi, bỏ đi mà là ở lại. “Đi – như là ở lại“. Bởi thi sĩ vẫn ở trong cõi người ta, hắn đang bổn phận canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Bố tát là hàng đạt đạo, nhưng khác với A-la-hán quả vị đầu, Bồ tát không bỏ đi mà ở lại. Ở lại và chấp nhận nói ngôn ngữ của cõi người. Ngôn ngữ như là thứ phương tiện thiện xảo của thương lượng, hay của “thỏa thuận” ý nghĩa – nói như Trương Đăng Dung.

Văn chương Việt Nam thiếu tư tưởng, – các tư tưởng nền tảng. Triết lí nếu có, chỉ là mấy lí sự vụn, triết lí cóp nhặt đầy chắp vá. Có được một tác phẩm mang tính tư tưởng là điều hiếm.

Năm năm trước Gửi VB (NXB Hội Nhà văn, H., 2006) là một. Phan Thị Vàng Anh đánh thức sự vật đang có mặt trong sinh hoạt ngày thường giữa đời thường. Đúng hơn, các bài thơ gọi tên sự vật đang thức, những sự vật đang trầm tư. Những phố, chung cư, mưa, con hẽm, chiếc taxi, áo len đỏ, cầu thang, cái điện thoại, ngọn đèn, giường, bàn, máy, đồng hồ trên tường, mọt nghiến chân bàn, lá xanh vươn qua song, những đàn bướm trắng, hoa lít nhít… tất cả sự vật có đó. Với con người. Trong cái mà thi sĩ đã gọi tên qua ngữ ngôn của thi ca. Qua đó thiết lập sợi dây tương liên con người với sự vật gần gũi ngày thường, con người gắn kết mình với mặt đất, và an cư trên mặt đất như là ở nhà.

Tập thơ Gửi VB khá mỏng, nhưng nó rất nền tảng. Như Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, không dày, nhưng đủ đầy trong suy nghiệm về thời gian, đau khổ và cái chết qua thứ ngôn ngữ “thỏa thuận” (như Heidegger buộc phải sử dụng ngôn ngữ siêu hình học để nói lên tư tưởng):

và ngôn ngữ
tự do tạo nghĩa.

Thế giới không thuần nhất
bấp bênh
những ý nghĩa thỏa thuận.

 
Chỉ có thi sĩ đích thực mới có thể sử dụng thứ ngôn ngữ “thỏa thuận” như phương tiện thiện xảo mà không tổn hại đến ngôn ngữ như là ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đó, hắn – như một mục tử – bổn phận đứng canh giữ.

Sài Gòn, 7-8-2011

* Tập thơ của Trương Đăng Dung, NXB Thế giới, 2011

Những bức tường

Có những bức tường ta xây
và ta phá,
có những bức tường ta không xây
và không nhìn thấy.

Anh và em đi trên mặt đất này
giữa những bức tường ta xây và phá
nhưng tất cả đều bị bao quanh
bởi những bức tường không nhìn thấy.

Giữa những cái bắt tay
có một bức tường,
giữa em và người em thấy trong gương
có một bức tường,
giữa hai chiếc gối nằm kề nhau
có một bức tường.
Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường
khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.

Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay,
những bức tường ta không xây
những bức tường không thể phá…
Đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ
cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.


Đêm ở Rome

Một chuyến tàu hối hả
chạy về đâu trên đất lạ trong đêm.
Tôi thức với trái tim
những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực
không còn đủ sức
chạy theo con tàu.

Khoảng cách bỗng dài thêm
đêm choàng hết những gì còn lại
đâu đó còn ai thức với tôi không?
Đấu trường Colosseo lạnh lùng
những bóng ma vất vưởng
những khán đài âm u
đêm khép lại
đâu là lịch sử
đâu là trò chơi?
Mona Lisa mỉm cười
bí ẩn.

Đêm vẫn ôm tôi im lặng
như đất ôm xương người,
bỗng thấy sợ ngày mai sẽ gặp
những bức tượng người đóng giả.
Roma, Roma
trời sắp sáng rồi.

Roma, 8-1996

 

Tác giả

(Visited 117 times, 1 visits today)