Từ cuộc hạnh ngộ với Cô Nguyễn Thị Bình… đến những lời cam kết xuyên thế hệ của Trí tuệ Việt Nam

Trong cuộc đời hình như mọi việc đều tùng duyên khởi, nên cuộc gặp gỡ đầu xuân do Tia Sáng và Không gian sáng tạo Trung Nguyên tổ chức cũng đã bắt đầu như thế.

Mùng 9 Tết, anh Đặng Lê Nguyên Vũ từ miền Nam bay ra và mời tôi đến tham dự buổi gặp gỡ với giới trí thức tại Hà Nội vào ngày đầu Xuân, với 3 chủ đề mở liên quan đến giá trị của một quốc gia: Văn hóa, Chiến lược và Thể chế. Dù bận rất nhiều việc của năm mới, nhưng tôi cũng quyết đến dự không chỉ vì nội dung có liên quan đến lĩnh vực chuyên trách của mình, mà còn vì danh sách gần 50 khách mời quá hấp dẫn. Trong số các VIP đến dự, ngoài những vị tôi thường biết qua báo đài, nổi bật có mặt Cô Nguyễn Thị Bình, người nữ anh thư của Hiệp định Paris 1973 đã đại diện cho MTGP Miền Nam Việt Nam, nay dù tuổi của bà đã ngoài 80 nhưng sức hấp dẫn của lịch sử dân tộc hào hùng vẫn còn đó. Tôi muốn được một lần nhìn thấy cô bằng xương bằng thịt ở ngoài đời mặc dù rằng đã tự căn dặn lòng mình sẽ không đến chào cô, để giữ mãi cái khoảng cách kính trọng ấy với một con người của lịch sử.

Dự tính là như thế, nhưng mọi việc lại không hoàn toàn như thế…. Cuộc họp mặt và những chia sẻ đã đưa tôi từ ngạc nhiên này đến xúc động khác.


Cô Nguyễn Thị Bình tại Hiệp định Paris 1973 (Thái Hòa sưu tầm tài liệu lịch sử)

Sau lời khơi đầu của nhà báo Văn Thành từ Ban tổ chức, cô Nguyễn Thị Bình mở lòng rất nhẹ nhàng, khiêm tốn: “Trong tình hình chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự trì trệ của Việt Nam đang làm cho khó khăn tăng gấp bội, mà trí tuệ Việt Nam lại phân tán quá, đây thật sự là lúc đất nước chúng ta cần người trí thức Việt Nam lên tiếng, tôi rất hoan nghênh tinh thần yêu nước của cuộc hội thảo này…” Tôi chưa kịp cảm thấy khâm phục cho sự minh mẫn của người phụ nữ cao niên thì ngay tiếp sau đó là những sự kinh ngạc khác.

GS lão thành Vũ Khiêu, vị giáo sư hàng đầu của “nhân sĩ Bắc Hà” đã khơi dậy niềm tin và kêu gọi các thế thệ trí thức Việt Nam góp sức cho đất nước. Vị Giáo sư vừa bước qua tuổi 97 khẩn thiết: “Xã tắc lâm nguy, Sĩ phu hữu trách”, ông cũng nói rõ nỗi băn khoăn về trí tuệ Việt Nam khi được biết hôm nay trên báo chí người ta vui mừng về số lượng luật sư tăng vọt của Hội Luật Gia Việt Nam (!). Cụ khẳng định Việt Nam đã và luôn phải là đất nước của “pháp trị và đức trị”. Ông cùng với GS Hoàng Tụy kêu gọi giới trí thức và các nhà lãnh đạo nên: “đóng cửa 3 ngày, 3 đêm để suy nghĩ về các giải pháp của đất nước sao cho hợp với lòng dân, hợp với đạo trời, đừng đi nữa, đừng nói nữa!”. Nếu không được tận mắt gặp gỡ hôm nay, tôi không tưởng tượng được sự anh minh của những vị tiền bối ở tuổi “cổ lai hy” như thế.

Và hàng loạt các ý kiến đóng góp tuy có phần khắt khe nhưng rất chân tình và nhìn thẳng vào hiện thực của Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Khó khăn này phản ánh sự đổi thay của Thế giới mà Việt Nam cần phải biết cách tiếp cận, nắm bắt cơ hội. Nếu không thì vừa tái cấu trúc xong lại phải tái tiếp lần nữa (?)”. Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết mong ước: “tập hợp trí tuệ Việt Nam để giúp sức cho chính phủ làm lại từ đầu”. TS.Lê Đăng Doanh tha thiết: “tái cấu trúc cần thay đổi tư duy, hệ thống chính trị cần thay đổi thể chế”. TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng đồng tình và cho rằng: “phải tập trung xây dựng lại thể chế và hệ thống luật pháp Việt Nam cho phù hợp với thời đại mới”. Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “đây là thời khắc phải thức tỉnh để nhận rõ tái cấu trúc là sửa sai hay làm lại?” Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “rất lo lắng về nền giáo dục Việt Nam và sự giả dối tràn lan trong xã hội. Ngành Giáo dục hiện đang chỉ làm nhiệm vụ đối phó”. Anh Trần Đình Thiên cho rằng những vụ việc gần đây như việc thay đổi chức năng tổ chức VPF & VFF của Bóng Đá, vụ khủng hoảng đất đai tại Tiên Lãng, Hải Phòng l
à “những tín hiệu của thay đổi bắt buộc”.

Được mời phát biểu đại diện cho lớp trí thức trẻ nhất tại Hội thảo, tôi xin phép nêu 3 ý chính: Một, là sự trở về quê hương của tôi, một trí thức trẻ sau 21 năm xa xứ vào đúng thời điểm “đáy” của khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam thực ra là một thách thức có toan tính rất kỹ lưỡng. Vì tôi tin đây là lúc để đóng góp hữu hiệu nhất, là lúc cần cháy hết mình hơn 12 giờ mỗi ngày cho công việc để khẳng định gía trị của mình.

Hai, là linh hồn của tư duy trí tuệ Việt Nam phải là Nghiên cứu phát triển R&D (Research & Development). Nếu không có R&D và sự thay đổi tư duy về sáng tạo thì đất nước chúng ta sẽ mãi mãi sống kiếp gia công nô dịch.

Ba, là sự lo lắng về một thế hệ lãnh đạo cấp trung (Middle Manager) của Việt Nam đang rất cần đầu tư, chăm chút toàn diện. So sánh với bạn bè thế giới, họ thiếu quá nhiều thứ: từ niềm tin đến nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan của thời đại. Chiến lược phát triển đất nước phải ưu tiên việc đào tạo chất lượng cho thế hệ những người thực thi và triển khai (Doer) này hơn là cứ sa đà vào bằng cấp, lý thuyết suông.

Cô Phạm Chi Lan tiếp lời: “phải đặt niềm tin vào giới trẻ để có cái nhìn tích cực hơn. Cần lắm những diễn đàn cho người trẻ”. GS Phùng Hồ Hải nhắc nhở: “giới trẻ đang rất cần sự cổ vũ của các bậc tiền bối”. TS trẻ Nguyễn Đức Thành tự tin rằng: “hoài bão trẻ thời nào cũng có và đang đón nhận kinh nghiệm của các thế hệ trước rất tích cực theo sự vận động tự nhiên của xã hội”. Kiến trúc sư trẻ Hoàng Thúc Hào tuyên bố: “giới trẻ không hề khủng hoảng niềm tin và vẫn không ngừng sáng tạo, tìm lối đi riêng cho mình. Họ đang cố gắng làm việc hết sức mình và tin rằng có thể làm việc ngang tầm quốc tế”.

Là một Việt kiều 40 năm tại Nhật Bản, với kinh nghiệm 17 năm làm việc cho Liên hiệp quốc, anh Nguyễn Trí Dũng là người đau đáu một nỗi lòng chưa trọn vẹn “Giấc mơ Việt Nam”. Anh chỉ muốn xin một điều giản dị là phải: “được quyền tự hào là người Việt Nam”. Theo kinh nghiệm của anh: “Khoa học và sáng tạo phải là sự nghiệp của từng người dân, không phải trách nhiệm riêng của Nhà nước”. Anh luôn trăn trở cần phải giải mã cho đúng: Ẩn số Tư duy Việt”. Phát biểu của anh gây cho mọi người một phút phải trầm ngâm, thấm thía.

Anh Giản Tư Trung đến từ Trường PACE và Viện IRED thì chia sẻ những ưu tư đối với giáo dục trong việc đào tạo ra “con người” và “công dân”. Theo anh, một khi đã làm được người và làm được dân thì không có gì là không thể làm được. Khi đó, quan ra quan, dân ra dân, người ra người, thầy ra thầy, trí thức ra trí thức, doanh nhân ra doanh nhân… Và chắc hẳn hai khái niệm quan trọng nhất và nền tảng nhất của thời nay đó là “con người” và “công dân”.
 
Còn anh Liên Phương (Học viện Doanh nhân, Hà Nội) nói rằng “xin hãy thương quý các doanh nhân như những người lính thời bình”.

Anh Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đăng đàn và đề xuất 3 giải pháp cho Việt Nam trong thời đại mới:  “Thứ nhất, Chiến lược Việt Nam phải gắn kết cả dân tộc phải nhìn về một hướng, cùng một nỗi lo chung; Thứ hai, Việt Nam phải giữ vai trò dẫn dắt trong ASEAN; Thứ ba, Việt Nam phải bằng mọi giá trở thành trung tâm, điểm hội tụ của Thế giới (như trường hợp của Dubai, Hong Kong,…). Ba mục tiêu này cần cả dân tộc phải cùng nhau suy nghĩ và phấn tích sâu vào các khía cạnh: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”.

Phát biểu sau cùng, GS Thái Quang Trung đã nhận xét thật chân tình về cảm xúc của buổi Hội thảo đầu Xuân này bằng một niềm tin sắt đá vào Trí tuệ Việt Nam: “Chắc ít có quốc gia nào có được một dòng suy nghĩ sẻ chia liền lạc của trí tuệ từ ông cụ 97 tuổi đến các em sinh viên mới ra trường như Việt Nam hôm nay. Trong cái thế giới đang chuyển mình vô cùng phức tạp này, đây sẽ là cánh phao cứu sinh tuyệt vời nhất của lòng tin, của những lời cam kết xuyên thế hệ”.

Vâng, từ nhiều năm sống tại hải ngoại, cứ mỗi lần đứng trước sự phồn vinh của Cảng biển Hong Kong trên Đại lộ Ngôi sao ở khu Tsim Sha Tsui, tôi lại thấy tự ái dân tộc trỗi lên, lại một lần thầm tự vấn: Tại sao? Tại sao? và Tại sao? Vịnh Hạ Long của chúng ta còn đẹp gấp trăm lần những nơi này. Họ cũng là người “da vàng mũi tẹt” đấy chứ, trí tuệ của chúng ta cũng nào có kém gì họ?

Ngày hôm nay, đứng ngay trên mảnh đất thủ đô thân yêu, tôi lại thêm một lần tự vấn: “Với những tấm lòng của trí tuệ Việt Nam như thế, chúng ta không thể nghèo? Chúng ta không thể chịu  làm gia công mãi, không thể yếu hèn?”

Và đến cuối bài viết này tôi lại nghĩ đến việc phải cám ơn Cô Nguyễn Thị Bình, người đã đưa tôi đến cuộc hội thảo này bằng sự hấp dẫn của lịch sử, để tôi được bước ra về với niềm tin mới bằng những lời cam kết xuyên thế hệ của trí tuệ Việt Nam.

Cám ơn Tia Sáng, cám ơn anh Đặng Lê Nguyên Vũ và các người bạn đồng hành đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh và hành trang để tiếp tục bước vào đời như một cuộc hành hương…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)