Tự do cá nhân và quyền lực công cộng

Cái tháp quyền lực ngàn xưa ở xứ Đông đem đối lập quyền lực công cộng, tạm gọi như vậy, với tự do cá nhân. Đây là một câu chuyện để phải tư duy.

Đừng vội nghĩ đến triều đình với Nhà nước. Công quyền rộng hơn, ngay từ các lĩnh vực gia đình, họ hàng, làng xã trở đi, thậm chí giữa bạn bè.
Nhìn xa ra nữa, thì công quyền chính là ý thức nền tảng của mỗi người tham gia tạo dựng nên nó, họ vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là tác giả. Nghĩa là trong mỗi cá nhân của cái cộng đồng này họ chỉ mong mình được tự do, nhưng không muốn chấp nhận người khác được tự do.
Như vậy, mỗi người vừa sợ hãi, vừa lợi dụng tập tục để lấn át cái riêng tư của mỗi cá nhân khác.
Theo đuổi triết lý này thì chỉ có vua nhà, vua họ, vua làng, vua nước thì mới có tự do, mà cũng chỉ rất tương đối. Họ có rất nhiều quyền lực, nhưng cũng rất khó vượt ra ngoài các khuôn khổ đã bị quy định, sống như một nhân vật trên sân khấu theo kịch bản đã định, từ cách ăn mặc đến nói năng, chân tay ra sao, lưng khom thế nào, luôn luôn như đang bị phán xét cả.

Tự do ở phương Tây có những giá trị rất tốt, tự do làm những gì mình thích, mình theo đuổi, không quan tâm thọc mạch vào chuyện của người khác, không cần phải để ý người khác nghĩ mình như thế nào, nhưng không bao giờ coi thường người khác, vẫn tôn trọng nhau. Nhưng cũng có điều hình như không tốt lắm, đó là sự vô cảm và hình thức. Còn người Việt mình có điều dở như cụ Hinh đã chỉ ở trên, nhưng cũng có những giá trị tốt đẹp riêng của mình trong văn hoá, đó là sự yêu thương, quan tâm và tính cộng đồng rất tốt đấy chứ nhỉ.
Chỉ tiếc là nền kinh tế thị trường và việc tiếp thu nền văn hoá Âu, Mỹ mà chưa biết chọn lọc, cái tốt đẹp của họ, nhất là thế hệ trẻ, đang dần phá huỷ đi rất nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc.
                KSV

Tôi đã từng dự đám ma ở xứ Đoài, đám ma bà cụ mẹ ông bạn “Minh Sơn”, Michel. Một số người thân thiết với Michel, ra nghĩa trang. Mỗi người thả một nhành hoa và một viên đất tượng trưng xuống huyệt. Không một bức ảnh, không một thước phim, cũng không một lời nói. Ánh mắt là đủ. Sau đó về nhà ông Michel nướng chả, mở rượu, bàn tất cả các chuyện trừ chuyện đám ma, suốt từ giờ Ngọ đến giờ Tý.
Người xứ Đông thì ma chê cưới trách, coi đây là việc làng chứ không phải việc mình. Trong đám ma lại còn thuê người khóc nỉ non, cố lăn ra đường để khoe chữ hiếu. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Lúc nào cũng cảm thấy cái búa rìu dư luận công quyền trên đầu.
Vài người xứ Đông cũng có khát vọng tự do.
Tự do khi ấy chỉ còn là bầu rượu túi thơ ở góc nào đó, nói góc bể chân trời cho oai. Mà rồi cũng phải ép nhau “trăm phần trăm” cho đến vật vã, nôn thốc nôn tháo thì mới gọi là thành công thành nhân.
Tự do khi ấy chỉ còn là rút đi ở ẩn, mà ở ẩn thật sâu trong rừng rồi có khi vẫn chưa yên, người ta đốt cả rừng để xem có chui ra không.
Tự do khi ấy là đổi tên với họ, thả thuyền đi về miền đất khác câu cá bắt tôm, không còn ai biết là đâu.
Ấy thế mà ông Nguyễn Trãi dù đã đi ở ẩn, vẫn bị nhỡ nạn tru di ba họ.
Phải đặt lại quan niệm sống.
Phải làm sao khuyến dụ được mỗi cá nhân tự do phát triển các năng lực, sở thích, nhân cách của mình trong sự tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, tôn trọng toàn xã hội.
Và chính công quyền, quyền lực công cộng, phải gánh lấy việc đó, làm nền tảng và là người bảo vệ sự phát triển tự do cá nhân.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)