Tự do – sức mạnh của ngọn giáo

Những ai phải nhờ cậy “sức mạnh của ngọn giáo” từ kẻ khác để có tự do thì thứ tự do đó không thực chất và khó bền chặt.

“Tự do Sancho ạ sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu!”, đó là lời hiệu triệu của kỵ sĩ Don Quijote nói với người đồng hành Sancho Panza trong  tiểu thuyết nổi tiếng “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616). Lẽ đương nhiên “sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu” đâu phải chỉ ở ngọn giáo, mà sức mạnh đó ắt chủ yếu phải ở nơi người cầm giáo cùng với dũng khí và bản lĩnh của họ! Nếu coi tuyên ngôn trên của đại văn hào Cervantes là một chân lý – có nghĩa là kích cỡ của “không gian tự do” đồng thuận với “sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu” – để xem xét một số khía cạnh của cuộc sống, hẳn cũng thu được đôi điều gì đó về liều lượng và giá trị sử dụng của mỗi không gian tự do. Và bởi sức mạnh của các ngọn giáo chiến đấu khác nhau, nên độ tự do của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc có khác nhau, rằng đó cũng nên coi là một luật chơi của tạo hóa. Nhưng vấn đề còn là ở chỗ, liều lượng của độ tự do là bao nhiêu, thì tương thích với cái sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu?

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta vẫn thường thấy những cá nhân, tổ chức lộng hành, tìm cách áp đặt ý chí của họ lên người khác một cách vô lý. Đó chính là những kẻ ngộ nhận sức mạnh nơi “ngọn giáo chiến đấu” của mình, dẫn đến tự cho mình một không gian sinh tồn cùng những đặc quyền quá mức. Đồng thời, bên cạnh đó lại có không ít những kẻ đi thêu dệt công lao và tài năng không có thực của những kẻ lộng hành nhằm dựa hơi trục lợi.

Trớ trêu thay, hiện tượng ấy ở nước ta len lỏi cả vào những nơi lẽ ra chỉ dành cho sự trung thực và liêm chính, đơn cử như ở các tổ chức khoa học hay các trường đại học lớn. Đã có một thời gian dài tồn tại cảnh vàng thau lẫn lộn, khi không ít kẻ năng lực thực chất yếu kém nhưng lại “điếc không sợ súng” đi “dương oai diễu võ”, lên mặt dạy bảo những người hiền sỹ. Kèm theo đó là những lớp lớp thầy trò mụ mẫm với óc phê phán bị tê liệt, đã thổi phồng những “cây đa cây đề” như những bậc vĩ nhân huyền thoại, để rồi chụp lên đầu họ cái không gian quyền lực to lớn không hề tương xứng với tài đức, năng lực mà họ có trong thực tế. Bởi thế mà từng có chuyện lùm xùm bẽ bàng về một vị lãnh đạo chủ chốt của một trường đại học lớn, bị khui ra cái “ngọn giáo chiến đấu” của ông ta là dởm, gây nhức nhối cho cả ngành giáo dục!

Có lẽ cái tuyên ngôn “Tự do Sancho ạ sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu!” còn hàm chứa một thông điệp rằng chỉ những ai biết chiến đấu bằng chính nội lực của mình, mới đáng được hưởng, và biết hưởng cái không gian tự do, do thành quả đấu tranh mang lại!

Với mỗi cá thể, chúng ta cần nhớ rằng hiến pháp và pháp luật phải đi cùng với sự hiểu biết và dũng khí, mới mong góp phần làm nên “sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu” để mỗi công dân, mỗi quốc gia  tự bảo vệ được cái không gian tự do cho mình.  “Ngu si hưởng thái bình” có lẽ chỉ là thái bình của những kẻ “điếc không sợ súng”, hoặc giả thái bình trong sự áp chế của những kẻ lộng hành. Cũng như vậy, những ai phải nhờ cậy “sức mạnh của ngọn giáo” từ kẻ khác để có tự do thì thứ tự do đó không hề thực chất và chắc khó có thể bền chặt.

Nhìn rộng hơn, điều này đã từng diễn ra trong đời sống cũng như trong lịch sử, với những cá nhân hay dân tộc, và đã để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Trong thời hiện đại, các siêu cường vẫn luôn tranh dành địa vị dẫn dắt thế giới, mở rộng không gian quyền lực của mình, đó là điều không thể tránh khỏi! Vì thế mà nguy cơ chiến tranh vẫn cứ xảy ra, mặc dù ở mỗi siêu cường đều không thiếu gì những bộ óc sáng suốt để nhận ra sự thành bại! Chăng lẽ tạo hóa đã tạo ra nghịch cảnh này, nhằm làm cho hành tinh của chúng ta luôn không bao giờ được ngưng nghỉ (!?)

Nhưng có lẽ càng văn minh, người ta càng nhận thức rõ ràng hơn cái giới hạn của không gian tự do mà họ và người khác xứng đáng được hưởng, và biết bảo vệ, trân trọng, cũng như biết sử dụng hiệu quả! Không gian tự do là hệ quả của sức mạnh ngọn giáo chiến đấu, nhưng biết sử dụng cái tự do có được cũng sẽ tạo ra nguồn lực bổ sung cho sức mạnh của ngọn giáo đó! Và phải chăng, mỗi cá nhân, mỗi dân tộc đều nên gắng định biên cái giới hạn không gian tự do cho phù hợp với “sức mạnh ngọn giáo chiến đấu” của mình, và gắng sử dụng không gian ấy cho thật hiệu quả, âu đó cũng là một tiêu chí quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá này!

Tác giả