Từ James Joyce đến Nguyễn Công Hoan: Lịch sử của thị dân

Thành phố có trước hay người thành phố có trước? Nếu xét về bình diện ngôn ngữ, thì từ “city” – thành phố - trong tiếng Anh bắt nguồn từ civitas trong tiếng Latinh, mà civis nghĩa là công dân. Còn trong vở “Coriolanus”, William Shakespeare cũng viết: “- Thành phố là gì, nếu không phải con người? - Phải, con người chính là thành phố.” Vậy tức là có thị dân rồi mới có thị thành.

James Joyce đã ký thác lại một Dublin u mang qua 15 câu chuyện mà xếp riêng truyện nào ra cũng có thể đặt vào hàng kiệt tác

Thành phố, quả vậy, không tạo nên nhờ những đại đế giễu võ giương oai hay những triết gia siêu phàm mẫn tiệp, thành phố là một không gian hình thành nhờ những thói quen của những người thị dân bình thường, thậm chí tầm thường, bé mọn, khốn cùng. Lịch sử đô thị cũng không bao giờ là một lịch sử đơn tính. Nó luôn là một tập hợp những mẩu chuyện từ rất nhiều người, rất nhiều những kẻ đã sinh ra, đã sống, đã chết. Và có lẽ bởi thế chăng, mà những văn sĩ khi muốn bắt lấy cái linh hồn của một thành phố, thì thường lấy truyện ngắn, rất nhiều truyện ngắn, làm phương tiện biểu đạt? 

Jan Neruda đã làm sống dậy một Prague nhộn nhạo qua tập truyện ngắn “Những câu chyện về khu phố nhỏ ven sông” (tên gốc “Povídky malostranské”). Alberto Moravia cũng nhờ 60 truyện ngắn trong tập “Racconti romani” (Những câu chuyện thành Rome) mà lột tả được khí sắc thành Rome thời hậu chiến. Aziz Nesin sẽ mãi mãi là “chú bé thành Istanbul” nhờ hàng ngàn lát cắt cười ra nước mắt về đời sống thành phố giữa hai bờ lục địa. Và đại văn hào vĩ đại bậc nhất thế kỷ 20 là James Joyce đã ký thác lại một Dublin u mang qua 15 câu chuyện mà xếp riêng truyện nào ra cũng có thể đặt vào hàng kiệt tác. Còn nhắc tới Hà Nội, chúng ta chẳng phải cũng có Nguyễn Công Hoan hay sao?

Lịch sử là lời bộc bạch của những thị dân

Jan Neruda đã làm sống dậy một Prague nhộn nhạo qua tập truyện ngắn “Những câu chyện về khu phố nhỏ ven sông”

Thế kỷ 19, nằm dưới một lâu đài tráng lệ, khu phố nhỏ Malá Strana nơi tả ngạn con sông vắt qua Prague tập hợp đủ hạng người. Họ là những quý bà trung niên ngồi lê đôi mách, những phú ông sắp chết già, những tên ăn mày mạt hạng, những cặp tình nhân, những gã ế vợ, những thanh niên nổi loạn âm thầm. 

Đó cũng là một thế kỷ bản lề của Prague và vùng đất Séc. Nền quân chủ lưỡng hợp Áo – Hung thành lập. Ở Bohemia, mâu thuẫn giữa người Séc và Đức không thể nào trị dứt điểm hoàn toàn. Phong trào hồi sinh văn hóa Séc nổ ra, những người cấp tiến đấu tranh cho ngôn ngữ, tính danh Séc đã dần bị đồng hóa từ thời Harbsburg. Thế nhưng, trong những hang cùng ngõ hẻm của Malá Strana, những người thị dân vẫn ơ hờ với đổi thay xã hội. Họ bận bịu làm thơ tán tỉnh người tình trong mộng, họ bận bịu đánh bạc, bận bịu hóng hớt đám ma của một người giàu có. 

Thế mà rồi, trong cái nhịp đời bất tận của những hỉ nộ ái ố tầm thường ấy, vẫn hằn in những vết chân của một niên đại lịch sử đầy biến động. Truyện ngắn “Chiến trận đánh nước Áo” chẳng hạn, một lũ trẻ con bốn đứa vắt mũi còn chưa sạch bày đặt… chiếm cứ lại thành Prague, lật đổ nước Áo. Chúng lên cả một kế hoạch tính toán chi li lắm, nào là đánh lúc nào, đánh ở đâu, đánh bằng cái gì, chúng còn đưa 6 zloty cho một lão già bán thịt gà, nhờ ông mua hộ thuốc súng. Ấy thế mà cuối cùng, chúng lại bị lão già khôn lỏi lừa mất luôn 6 đồng tiền xương máu ấy. Cái hay của truyện là, dẫu biết bọn trẻ chỉ là một bọn nít ranh, người ta vẫn cứ nghĩ biết đâu chúng lại chẳng làm nên chuyện. Mà cuối cùng chúng thất bại vì cái gì kia chứ? Vì cái thói tham vặt của một lão con buôn! Đó, lịch sử đã luôn thất bại vì những lão con buôn như thế đó.

Trong khi đó, Alberto Moravia, người mà ta thậm chí có thể ngợi ca như một Vittorio De Sica của văn chương, dữ liệu của Moravia về một thành Rome nhếch nhác hậu Thế chiến thứ hai khi phát xít Ý thua cuộc là gì nếu không phải là một ông chồng phẫn chí cứ đến mùa hè là chỉ muốn bỏ nhà ra đi, nếu không phải là hai tay thợ cạo phải cạo lông tóc cho nhau chỉ vì nước Ý khốn khổ lắm rồi, người Ý làm gì còn tiền mà đi cắt tóc, hay một kẻ thò tay vào miệng người chết những mong lấy cái răng vàng, thế rồi bất ngờ cái miệng người chết đóng phập lại, và hắn ta cùng đồng bọn liền xộ khám? 

Thành phố là một không gian hình thành nhờ những thói quen của những người thị dân bình thường, thậm chí tầm thường, bé mọn, khốn cùng. Lịch sử đô thị cũng không bao giờ là một lịch sử đơn tính. Nó luôn là một tập hợp những mẩu chuyện từ rất nhiều người, rất nhiều những kẻ đã sinh ra, đã sống, đã chết.

Cũng tương tự vậy, những truyện ngắn về Hà Nội của Nguyễn Công Hoan cũng là tiểu vi lịch sử của một đô thành bốc mùi thối hoăng của chế độ thực dân, chế độ phong kiến, một đô thành đang rữa nát vì những cuộc khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng hiện sinh. Đó là cái thời của bọn nhà báo bồi bút tối ngày hút thuốc phiện rồi chọc ngoáy thiên hạ bằng chữ nghĩa vô lương tâm, là thời của những tên quan nha kẻ cắp, những kẻ trí thức đớn hèn, phường tân thời phóng đãng.  

Còn Aziz Nesin, người sinh ra dưới chế độ Ottoman, thì sao? Trong hàng trăm những truyện ngắn mà ông từng viết, tôi vẫn còn nhớ “Đừng mua dây thun cho quần đùi nhé”. Truyện chẳng có gì, chỉ là về một anh công chức quèn ngày ngày đi làm hay bị hàng xóm nhờ vả mua cái này cái kia, hết mua cà phê, mua xà phòng lại mua quần đùi, bít tất. Môt hôm, tẩu hỏa nhập ma thế nào, anh lại viết một lô một lốc danh sách hàng hóa đó vào thông tư gửi lãnh đạo. Ấy thế mà, ông giám đốc cũng chẳng phát hiện ra và ký bừa vào thông tư anh gửi. Và lại ấy thế mà, ông ta để nhầm thông tư vào phong bì và rồi đến lượt bưu điện cũng gửi nhầm lại cho văn phòng anh công chức. Thế đấy, lịch sử một giai đoạn của Istanbul đã lồ lộ trong một dây chuyền xã hội đãng trí, quan liêu, trì trệ ấy đấy, nào có cần một bản hùng biện hay bút ký tỉ mỉ nào về những chính khách hay lãnh tụ?

Nhưng, có lẽ đỉnh cao của kỹ thuật đại tự sự về một thành phố thông qua những tiểu tự sự bên trong nó phải là Dubliners, một đỉnh cao văn chương do James Joyce chắp bút, mà ở Việt Nam vừa ra mắt thêm một bản dịch mới của Thiên Lương mang tên “Dân Dublin”.

Dublin của Joyce, một Dublin ảm đảm và u buồn

Dublin của Joyce, một Dublin ảm đảm và u buồn, ảm đạm và u buồn đến mức giữa những năm tháng chủ nghĩa dân tộc Ireland lên đến đỉnh điểm, Dublin vẫn ảm đạm và u buồn như thế. Tất cả những bóng người lang thang nơi Dublin mà Joyce mô tả, từng người từng người một là phiên bản thu nhỏ, là sự phản ảnh của tự thân thành phố Dublin. Họ tù đọng trong cuộc sống thường nhật như Dublin tù đọng dưới áp lực của người Anh và của nhà thờ, họ đốn ngộ về đời mình như Dublin vùng lên với những phong trào hồi sinh ngôn ngữ, văn hóa bản địa, nhưng rồi họ lại vẫn tê liệt như chính Dublin những năm tháng ấy không thể tìm được lối ra khỏi những mâu thuẫn chính trị. Thậm chí, Joyce tinh tế đến mức đặt nhân vật của ông vào cảnh huống ăn một bữa ăn với đĩa đậu và một ly bia gừng. Tinh tế ở điểm nào? Tinh tế ở điểm, đậu màu xanh, bia gừng màu cam, quốc kỳ của Ireland chính gồm ba màu xanh, trắng, cam. Và khi tên giang hồ ấy ngấu nghiến vào bụng “lá quốc kỳ” của Ireland, ta sẽ tự hỏi, liệu chăng đó có phải một ẩn dụ cho cuộc khủng hoảng danh tính của người Ireland và sự mong manh của niềm hy vọng về một đất nước Ireland hoàn toàn độc lập.

Và cho đến những dòng cuối cùng trong tập truyện của Joyce, khi tuyết nhè nhẹ rơi trên khắp thế gian, “lên tất cả những người còn sống và những người đã khuất”, Dublin dù đã đối mặt với phút giây hiển lộ, vẫn là một Dublin bế tắc, ứ trệ, phi hành động, cũng như mỗi kẻ sống trong lòng Dublin trong toàn bộ tác phẩm, sau khoảnh khắc khai minh, lại lựa chọn trở về với gông cùm đã đeo mang từ tiền kiếp, người thiếu nữ lại từ bỏ người tình để về căn nhà đày ải, kẻ ăn chơi lại tiếp tục đánh bài, người chết vẫn tiếp tục nằm yên dưới ba tấc đất. Có ai bộc bạch được lịch sử thành phố tường minh hơn những tiện dân đang kéo lê đời mình trong thành phố đó?

Tiện dân thế nào, thị thành thế ấy

Nhưng có phải đâu chỉ người Dublin bị trì níu trong vũng bùn của vòng đời trơ trơ, vô vị và nhạt toẹt của cuộc đời?

Người Prague cũng thế cả thôi. Đọc lại thiên truyện ngắn “Những người hàng xóm”, vẫn trong tập truyện về khu phố cũ Malá Strana mà xem. Một luật sư tập sự ba mươi tuổi hăm hở chuyển tới cố quận Malá Strana nên thơ yên tĩnh những mong tập trung ôn thi lấy chứng chỉ hành nghề. Trời ơi! Anh ta vạch ra bao nhiêu là kế hoạch, mỗi ngày sẽ học gì, học gì, và chẳng mấy chốc sẽ xong xuôi. Thế mà khốn nỗi, sống giữa láng giềng phiền nhiễu, anh sau rốt cũng bị kéo vào cuộc đời vô thưởng vô phạt của họ, những kẻ cả ngày chẳng biết làm gì ngoài buôn chuyện, đưa chuyện và gây chuyện. Cái chí tiến thủ của anh ngày nào còn hừng hực, vậy mà giờ đây, giờ đây nó bốc hơi tận đâu đâu. Anh sau rốt lại rơi vào cái bẫy hiện sinh của một cuộc đời “phi lý” mà sau này triết gia Camus đúc kết.

Mà rồi người thành Rome hay Istanbul cũng thế thôi. Moravia hay Nesin cũng chẳng thiếu nhân vật cùn mòn. “Giá không có ruồi ấy à, tôi sẽ làm việc phải biết nhé! Cứ gọi là làm như điên chứ không nói chuyện.”, họ có đủ lí do lí trấu để mà mãi giậm chân tại chỗ. Cái lịch sử tính riêng biệt của mỗi thành thị cuối cùng lại gặp gỡ nhau ở điểm này, tính cách thị dân. Đúng thế, tiếp điểm của mọi nền văn minh trên thế gian này hình như đều ở cả đấy, ở cái “chí thú thấp hèn, kiến văn thô lậu” của tầng lớp thị dân. Cụm từ “chí thú thấp hèn, kiến văn thô lậu” là mượn từ một tài liệu phê phán thói xấu người Việt do Đông Kinh Nghĩa Thục soạn năm 1907, mà sau được tác giả Vương Trí Nhàn tập hợp thành cuốn “Người xưa cảnh tỉnh”,  năm rồi vừa “tái xuất giang hồ”. 

Những truyện ngắn về Hà Nội của Nguyễn Công Hoan cũng là tiểu vi lịch sử của một đô thanh trước năm 1945. 

Sự phổ quát của thói xấu thị dân chính là mạch kết nối giữa những tác phẩm tưởng chừng khác biệt. Lẽ thường, không ai có thể xếp James Joyce vào cùng một chiếu với Moravia hay Neruda, Nesin, Nguyễn Công Hoan. Bốn người kia đều xuất thân là nhà báo, văn phong có tính bình dân, châm chọc, chế giễu và quan trọng nhất là tính phơi bày. Còn Joyce, văn chương của Joyce luôn là một bí ẩn, như một câu đố ghép hình nhưng bị ông giấu đi một vài mảnh ghép, đòi hỏi người đọc không ngừng giải nghĩa, suy tư. Kỹ thuật viết của Joyce lại phức tạp, tinh xảo, đầy ẩn ý. Joyce cũng không dùng Dubliners để chê bôi, giễu cợt ai. Dẫu vậy, những mặt tối nơi người thị dân của Joyce, ở một vài khía cạnh, vẫn gặp gỡ những mặt tối trong người thị dân của Neruda hay Nesin hay Nguyễn. Và, điều đấy hẳn có nghĩa tự thân người thị dân đã đầy thói tật, những thói tật ấy dù trong con mắt cảm thông nhất cũng không thể nào biến báo.

Trong tác phẩm “Dạo bước”, triết gia Thoreau có diễn giải từ “villain” (kẻ xấu) có chung gốc cùng từ “villa” (căn nhà), bởi người xưa đã tin rằng kẻ nào không có chí viễn du, cứ mãi quẩn quanh trong một cái nhà, một cái làng, hay rộng ra là một không gian địa lý giới hạn (như một thành phố), thì tất đạo đức kẻ đó sẽ suy vi.

Tính trì trệ là bước suy vi thứ nhất của người thị dân trong những nhát cắt vi lịch sử. Họ đóng khung cuộc đời mình trong những khu phố nhỏ của những tiểu thương chi li toan tính hay những người đàn bà rỗi việc (như Jan Neruda miêu tả), hay trong những tòa soạn không ra tòa soạn, cơ quan không ra cơ quan, rồi những cuộc tổ tôm, đánh chén (như Nguyễn Công Hoan đã viết), thậm chí như trong truyện ngắn “Eveline” của Joyce, một người thiếu nữ đã gần lên tới tàu thủy để rời khỏi Dublin rồi, thế mà khi tiếng còi tàu ngân lên, cô cũng vùng quay trở lại cái ngôi nhà với người cha tàn tệ. Bị trói buộc trong những không gian độc hại ấy, từ bước thứ nhất ấy, họ dần tiến đến bước thứ hai, bước thứ ba, thứ tư, bất kiểm soát. Dần dần, họ cũng trở nên đồng hóa với không gian đó, nhẹ thì trở nên bạc nhược, nặng thì trở thành gian xảo, lưu manh, hèn hạ, dối trá, tham lam, học đòi, trưởng giả, quan liêu.

Họ đớn hèn đến rợn cả người: Hai tay đàn ông trai tráng mà phải nhờ tiền một ả đàn bà. (truyện ngắn “Hai tay chơi” của James Joyce); Một kẻ bán quan tài chỉ mong người ta chết quách đi để y còn lập kế sinh nhai, bởi “ít người chết thì ta sống làm sao được?” (truyện ngắn “Một tin buồn” của Nguyễn Công Hoan); Một kẻ lông bông vì muốn có đôi giày mới liền rủ thêm một tay đầu đường xó chợ đi cướp của (truyện ngắn “Đôi giày” của Alberto Moravia); Một người đàn bà chỉ vì thói đặt điều ăn không nói có đã đẩy một anh bán hàng đi vào chỗ chết (truyện ngắn “Cái tẩu bọt biển” của Jan Neruda). Chính những kẻ như vậy đã khiến bộ mặt của thị thành nếu không nhếch nhác thảm hại như Rome thì cũng nực cười như Istanbul, nếu không nực cười như Istanbul thì cũng thê lương, tù túng như Dublin vậy. 

***

James Joyce sinh thời từng viết thế này: “Với riêng mình, tôi lúc nào cũng viết về Dublin, bởi nếu như tôi có thể đi vào trái tim của Dublin, tôi sẽ có thể đi vào trái tim của mọi thành phố trên thế giới. Trong cái khu biệt đã chứa đựng cả cái toàn thể”.

Trong cái khu biệt đã chứa đựng cả cái toàn thể. Không ai có thể du hành khắp thế gian. Càng không ai có thể tận tường từng chặng đường của lịch sử. Nhưng khi quy nạp những sự kiện lớn lao về những hiện tượng bé mọn trong đời, ta sẽ thấy có những nút thắt nhỏ thôi nhưng thắt cả những rối rắm mấu chốt của cả một thời đại. Và có khi, người ta chỉ cần đọc Dublin thôi mà cũng có thể nhìn được ảnh tượng của cả Istanbul hay Hà Nội. Lại có khi, người ta chỉ cần nhìn bi kịch của một anh bán bột mì thôi mà cũng thấy được cả một thời li loạn của đô thành. 

Tưởng xa mà gần, chính là như thế. 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)