Tủ sách văn học tinh hoa và việc tôn vinh các nhà văn lớn

Trong lĩnh vực văn học, Pháp có lẽ là nước đầu tiên nghĩ ra việc xây dựng Bibliothèque de la Pléiade (1), một dạng Tủ sách Tinh hoa, để tôn vinh các nhà văn lớn và cũng là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người đọc. Sau đó, học theo Pháp, Mỹ đã cho ra đời Library of America, gồm những tác phẩm xuất sắc nhất của các nhà văn nước này.

Từ Bibliothèque de la Pléiade…

Năm 1931, Jacques Schiffrin, một nhà xuất bản trẻ người Nga gốc Do Thái, chủ công ty xuất bản Les Editions de la Pléiade/J. Schiffrin & Cie, đã thổi vào ngành xuất bản Pháp luồng sinh khí mới bằng việc thành lập Bibliothèque de la Pléiade – Tủ sách Pléiade – và đưa vào đó những tác giả kinh điển như Baudelaire, Racine, Voltaire, Edgar Allan Poe, Laclos, Musset, Stendhal… Khi Schiffrin gặp khó khăn về tài chính, André Gide, bạn của ông và cũng là người đã cùng ông dịch các truyện ngắn của Pouchkine sang tiếng Pháp, đã hối thúc Gaston Gallimard sáp nhập Tủ sách Pléiade vào NXB Gallimard.

Tủ sách tập hợp các tác phẩm lớn về văn học và triết học, của Pháp cũng như của thế giới. Sách được in giấy kinh thánh (2), bìa bọc da, chữ mạ vàng, khổ nhỏ, vừa sang trọng vừa dễ đọc. Tác phẩm được lựa chọn từ các bản thảo, bản in hay tài liệu đáng tin cậy nhất; lời tựa hay lời giới thiệu do các chuyên gia giỏi nhất viết. Mỗi tác phẩm thường có rất nhiều chú giải, bình phẩm, và cả bản viết tay hay tài liệu liên quan. Các chuyên gia có thể mất nhiều năm để hoàn tất bản thảo. Tủ sách này không những nhắm đến các độc giả thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các nhà nghiên cứu văn học và triết học; không chỉ chú trọng các nền văn học phương Tây mà còn mở rộng ra các nền văn học phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ (3)…

Giám đốc hiện nay của NXB, ông Antoine Gallimard, cháu nội của Gaston Gallimard, nhận xét về tủ sách Pléiade như sau: “Các tác phẩm lớn thường bỏ qua thị hiếu đương thời, thách thức thời gian và biết cách cuốn hút từng thế hệ mới trong cuộc tìm kiếm tương lai.”
Cho đến nay Tủ sách Pléiade đã in trên 550 đầu sách của 195 tác giả; trung bình mỗi năm bán được khoảng 310 nghìn bản, giá mỗi bản vào khoảng 53 euro.

… đến Library of America

Nhà văn, nhà phê bình Edmund Wilson từng mong ước Mỹ cũng có một tủ sách như thế. Mãi đến năm 1979, ước mơ của người được xem như một trong những nhà phê bình lớn nhất nước Mỹ ở thế kỷ 20 mới trở thành hiện thực. Quỹ Khoa học nhân văn Quốc gia và Quỹ Ford đã quyết định thành lập Tủ sách Hoa Kỳ (Library of America – LoA), phỏng theo Tủ sách Pléiade của Pháp. Bản thảo được các chuyên gia tuyển chọn, sàng lọc, sửa lỗi cẩn thận, chính xác bằng cách tham khảo một cách khoa học các bản in trước. Sách cũng được in bằng giấy kinh thánh, dày hàng ngàn trang mà vẫn nhỏ gọn, dễ cầm. Khác với sách của Pháp, bìa sách LoA được bọc bằng vải loại đẹp và bền. Cho đến nay, LoA đã có hơn hai trăm đầu sách, với các tác giả nổi tiếng như Mark Twain, Philip Roth, Nathaniel Hawthorne, Saul Bellow v.v… Mỗi năm LoA bán ra hơn 250 nghìn bản.

Việt Nam thì sao?

Ở nước ta không phải chưa từng có các nhà xuất bản hay các trí thức có tâm huyết nghĩ đến việc xây dựng các tủ sách. Năm 1927, Nguyễn Văn Vĩnh đã cùng Vayrac thành lập tủ sách Âu Tây tư tưởng. Ở Miền Nam trước năm 1975, Nguyễn Hiến Lê đã đề xuất việc xây dựng tủ sách Đông – Tây, ở miền Bắc có dự án xây dựng tủ sách “Lê Quý Đôn”…

Hiện nếu có một tủ sách tinh hoa đúng nghĩa thì đó là Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới của NXB Tri Thức, hẳn được khởi xướng từ đề xuất tâm huyết của Ngô Tự Lập trong bài báo “Kế hoạch 500 cuốn sách”. Cho dù vậy, tủ sách này không, hay chưa, chú trọng đến các tác phẩm văn học mà chỉ tập trung các loại sách kinh điển trong các lĩnh vực triết học, kinh tế học, xã hội học, sử học v.v…

Đúng là đã có một số nhà xuất bản bỏ công in tuyển tập của một số nhà văn, nhưng hình như chưa có nhà xuất bản nào nghĩ đến việc xây dựng một bộ sưu tập các tác phẩm văn học của các tác giả lớn của Việt Nam, rồi đặt cho bộ sưu tập đó một cái tên và nâng nó thành một cái tên thực sự danh giá, có tính trường tồn. Cái tên đó có thể là “Tủ sách Tao Đàn”, “Tủ sách Nguyễn Du” hay bất kỳ một cái tên có ý nghĩa nào khác, miễn là nội dung của nó khiến người ta phải trầm trồ…

Để làm được điều đó thật không dễ. Trong cơ chế thị trường, các nhà xuất bản như các nhà buôn bán lẻ: bán cả sách chất lượng đấy nhưng cũng bán cả giấy phép xuất bản! Vì cứ bỏ tiền là được in nên sách kém chất lượng trôi nổi khắp thị trường.

Muốn xây dựng một tủ sách tinh hoa, thiết nghĩ nhà văn cần được tôn vinh như một đối tượng khoa học đúng nghĩa, tức là các khâu tuyển chọn, xử lý bản thảo đều phải được thẩm định bởi một hội đồng uy tín, chính xác, minh bạch và khoa học. Bên cạnh đó, phải xét đến quan hệ của bộ sưu tập danh giá này với bạn đọc. Phải làm sao để bạn đọc, những người chọn các cuốn sách đó theo thị hiếu thẩm mỹ, không phải lăn tăn về chất lượng, vì chất lượng được xem như là giá trị mặc nhiên và lâu dài.

Người già, như ông biết đấy, có những ám ảnh nhỏ nhặt. Ám ảnh của tôi là được vào Pléiade (tủ sách của Schiffrin) và được in sách bìa mềm ở NXB của ông… Tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi đã dạm hỏi ông 20 lần rồi. Đừng cố thuyết phục tôi rằng đó là do Hội đồng, v.v và v.v Tất cả những điều đó chỉ là biện hộ, trẻ con, là trò ông bày ra… Ông mới là Người Quyết Định.”
Thư của Louis-Ferdinand Céline gửi Gaston Gallimard, tháng 10/1956

Tủ sách Pléiade hay LoA đều là những hình mẫu tốt mà chúng ta nên học theo. Ở Pháp, riêng việc có tiểu thuyết được in ở NXB Gallimard đã là một vinh dự chứ chưa nói đến được đưa vào Tủ sách Pléiade. Gallimard luôn có ý thức trau dồi, giữ gìn thương hiệu và hướng đến tính hàn lâm trong chính sách xuất bản. Sách in ở Gallimard phải là sách CHUẨN về mọi phương diện, trong đó có phương diện ngôn ngữ. Gallimard không bao giờ in những cuốn sách có vấn đề về tiếng Pháp, kể cả bản dịch.

Cái mà LoA chưa sánh kịp Tủ sách Pléiade của Gallimard, đó là khâu tuyển chọn tác giả. Vì vội vàng nên LoA đã đưa vào một số tác giả chưa xứng đáng, đồng thời lại bỏ sót một số tác giả xứng đáng, gây nên nhiều tranh cãi như Malcolm Jones nêu trong bài báo “Jumping the (Literary) Shark” đăng trên Newsweek hồi tháng 4 năm ngoái. Xây dựng một tủ sách cỡ Tủ sách Pléiade của Gallimard đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tâm huyết và tiền bạc. Nhưng không ai cấm chúng ta thôi hy vọng về một “Tủ sách Tao Đàn” trong tương lai không xa, một tủ sách không những tôn vinh các nhà văn lớn của đất nước, nâng cao vị thế của các thế hệ cầm bút mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc và học thuật của người Việt Nam.


1. The Pléiade là tên một nhóm các nhà thơ Pháp thời Phục hưng, cũng là tên một nhóm gồm bảy nhà nhơ, nhà viết kịch của thành Alexandria thế kỷ thứ 3 trước CN, ứng với bảy ngôi sao trong chòm sao Pleiades. Năm 1323, một nhóm gồm 14 nhà thơ (bảy nam và bảy nữ) ở Toulouse cũng lấy tên này đặt tên cho nhóm của mình.

2. Giấy kinh thánh là một loại giấy mỏng dùng để in những cuốn sách dầy như Kinh thánh, bách khoa thư, từ điển. Nó thuộc loại giấy bột hóa không tráng, mỏng nhưng rất bền vì thành phần thường có sợi bông hoặc sợi lanh.

3. Thoạt đầu, Tủ sách Pléiade chỉ giới thiệu các tác giả Pháp nhưng từ năm 1960 đã mở rộng ra các tác giả nước ngoài và đến nay đã in tác phẩm của 20 ngôn ngữ khác nhau.

Để cao cấp không phải là xa xỉ

Trao đổi với Tia Sáng về việc xây dựng một tủ sách tinh hoa, ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Nhã Nam cho rằng đó là tham vọng của bất kỳ người làm xuất bản nào nhưng nếu không được chuẩn bị chu đáo cho sự ra đời, bản chất “cao cấp” của nó sẽ chỉ còn là “xa xỉ”.

Ông nghĩ sao về những tủ sách tinh hoa như Bibliothèque de la Pléiade hay Library of America?

Bất cứ ai làm xuất bản cũng đều hy vọng ra được những tủ sách như vậy. Nó có rất nhiều ý nghĩa, vừa là tôn vinh các tác giả, vừa là đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bạn đọc… Tủ sách tinh hoa sẽ thách thức thời gian bằng những giá trị lâu bền, nhất là vào những thời điểm các giá trị đích thực không được nhìn nhận đầy đủ bởi các yếu tố khách quan.

Từ khi hoạt động đến nay, có thể nói Nhã Nam đã xuất bản rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài có giá trị. Việc xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị khác với việc xây dựng một tủ sách tinh hoa như thế nào?

Nhã Nam luôn dành ưu tiên lớn nhất về nhân lực và tài chính cho các tác phẩm có giá trị. Trong văn học dịch, mặc dù chưa xuất bản nhiều kiệt tác văn học cổ điển nhưng đối với văn học đương đại, năm nào chúng tôi cũng cho ra những tác phẩm của những tác giả “nặng ký” như Orhan Pamuk, Salman Rushdie, Margaret Atwood, Raymond Carver, Ian McEwan, Kertész Imre, Márai Sándor, Italo Calvino… và gần đây nhất là Mario Vargas Llosa (Nobel 2010). Đó là về nội dung. Còn về hình thức, tuy không được đầu tư một cách quá đặc biệt, nhưng những cuốn sách này được sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất của Nhã Nam – giấy tốt và bìa sách đẹp, nhã nhặn.

Tuy nhiên, nhiều quyển sách hay đặt cạnh nhau cũng chưa đủ làm nên một tủ sách tinh hoa. Trong tương lai chúng tôi muốn xây dựng một tủ sách cao cấp, theo đúng nghĩa của nó. Tức là một tủ sách ngoài sự tuyển chọn tinh tường, khoa học, mang tính hệ thống và có giá trị lâu dài, còn thỏa mãn những yêu cầu khắt khe về in ấn, chẳng hạn được in bằng giấy thửa khác biệt, có một format riêng, và có một logo nhận dạng riêng… Tủ sách đó sẽ phải đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn về chất lượng và tiện nghi cho việc sử dụng, lưu trữ.

Việc xây dựng một tủ sách như thế đặt ra cho Nhã Nam những thách thức nào?

Thách thức chủ yếu, theo tôi nghĩ, đó là một tủ sách như vậy có được độc giả Việt Nam ủng hộ hay không. Thị trường đọc ở phương Tây đã phát triển ở mức rất cao, trong khi ở Việt Nam thị trường sách còn quá bé nhỏ, chưa nói đến việc các NXB luôn phải đau đầu chống chọi với sách nhái, sách giả, sách photocopy… Không có độc giả thì tủ sách này chỉ còn là tủ sách xa xỉ.

Ngoài ra, thị trường xuất bản Việt Nam hiện nay hầu như chỉ tiêu thụ mạnh các loại sách mang tính giải trí, độc giả đọc sách cao cấp rất ít. Không có thực lực và quyết tâm ưu tiên kinh phí và nhân lực sẽ không thể có được tủ sách đòi hỏi cao này.

Chúng tôi được biết với một số đầu sách đặc biệt, Nhã Nam in thêm 100 bản giấy đẹp có đánh số để dành cho những người chơi sách. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Chúng tôi làm xuất bản nhưng cũng là người chơi sách và thích sách đẹp. Những bản in đẹp có đánh số cũng học từ các cụ nhà mình cả thôi. Việc này bên cạnh ý nghĩa tôn vinh tác giả, còn tạo điều kiện cho bạn đọc thích sưu tầm sách lưu giữ những cuốn sách đặc biệt của các tác giả mà mình yêu mến. Hiện nay Nhã Nam vẫn tiếp tục truyền thống này, chọn lựa một số ít tác giả tiêu biểu để làm các bản in đặc biệt. Việc này chỉ để “chơi” chứ không có nhiều lợi ích về mặt thương mại.

Xin cảm ơn ông.       
                PV  thực hiện

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)