Từ truyền thuyết đi vào chính sử: Cuộc chiến Sơn Tinh, Thủy Tinh

Sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh vừa mang ý nghĩa dân tộc học, lại vừa có ý nghĩa lịch sử nên Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại như một cố sự ở thời đại Hùng Vương, cũng là một dấu gạch nối để liên kết giữa thời đại Hồng Bàng sang kỷ nhà Thục. Dĩ nhiên nội dung phải được sàng lọc, canh cải qua ngòi bút của sử gia để truyền tải thông điệp nào đó.


Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Tranh: Tạ Huy Long © Lĩnh Nam Chích Quái, NXB Kim Đồng, 2017

I. THẦN NHÂN HAY PHÀM NHÂN?

 

Sơn Tinh – Thủy Tinh là một ca khá hóc hiểm trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Nói không ngoa thì người Việt Nam già trẻ lớn bé không ai không biết về sự tích này, nó xuất hiện trong cả văn học và lịch sử. Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái được coi như những văn bản cổ xưa nhất chép lại câu chuyện này, bên cạnh đó còn có các truyền thuyết dân gian, mỗi bản lại có nội dung khác nhau ít nhiều làm biến đổi ý nghĩa của câu chuyện.

Lĩnh Nam chích quái – truyện Núi Tản Viên kể Sơn Tinh là Đại vương Sơn Tinh vốn họ Nguyễn “vô cùng linh ứng”, “khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai, trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm”, có phép “chỉ núi, núi lở, ra vào trong đá không có gì trở ngại”; còn Thủy Tinh có phép “lấy nước phun lên không biến thành mây mưa” (Chích quái, trang 152, 155). Việt điện u linh tập – Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Linh Ứng Đại vương kể ngắn gọn hơn: “Vương có thuật xem suốt ngọc đá; Thủy Tinh có thuật nhập vào nước lửa; người nào cũng có tài linh thông” (Việt điện, trang 39). Kết hợp với danh hiệu có chữ “ – tinh (chỉ thần linh, yêu quái), ta thấy hai văn bản đều coi Sơn Tinh và Thủy Tinh không thuộc giống người mà là thần tiên, hợp với cốt truyện kén rể trong Việt điện: “tìm kẻ nào có kỳ tài dị thuật mà gả cho làm rể”. Đó cũng là tiền đề để dùng cuộc chiến Sơn Tinh – Thủy Tinh để ám chỉ công cuộc trị thủy chống lụt của nhân dân ta. Toàn thư không đi theo motif ấy. Mỵ Nương được nhắc tới là hậu nhân của Âu Cơ, là người tiên (nguyên văn: 此女是僊種– thử nữ thị tiên chủng), nên Hùng Vương muốn kén người đủ tài đức (nguyên văn: 才德兼備者 – tài đức kiêm bị giả). Còn hai ứng viên tuyển tế là những phàm nhân, và “đều ở trong cõi cả” (nguyên văn: 皆在境内 – giai tại cảnh nội). Mục đích của lần kén rể này là để phòng bị cho sự trả thù của người phương Bắc – Thục vương vì bị từ chối thông hôn (Toàn thư, trang 134).

Trong lần từ chối gả con cho người Thục, Chích quái trung thành với “chủ nghĩa Hoa tâm”, coi việc từ chối Thục vương không phải bởi vấn đề Nam Bắc mà là do “Thục vương Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền”; Việt điện và sau đó được Toàn thư kế thừa, đặt sự việc trong khung cảnh mang tính lịch sử hơn: Thục vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu cản rằng: ‘Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó.’” (Việt điện, trang 38). Và như một hệ quả của sự thiếu tính logic trong các truyện thần thoại khi đặt thành một chuỗi, câu hỏi thường trực mà độc giả đặt ra là: Nếu Hùng Vương từ chối gả con cho Thục vương Phán rồi kén vị thần Sơn Tinh làm rể, thì sau đó (không xa), người Thục đem quân đánh Văn Lang thì Sơn Tinh ở đâu? Sao ông ta với bao nhiêu tài cao phép lạ, lại không hiện diện để cứu nguy cho nước nhà, cho cha vợ?

Đến đây thì ta phải thừa nhận là ngọn bút của Ngô Sĩ Liên thực quá tài tình khi gạt hết các yếu tố thần thoại mà biến Sơn Tinh (và Thủy Tinh) đều là phàm nhân, và bởi là người phàm nên họ có tuổi thọ nhất định. Thế rồi Toàn thư tiếp tục cắt bỏ tên Phán khỏi Thục vương, biến người bị từ hôn thành ông nội của Thục vương Phán: “Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước” (Toàn thư, trang 135). Sử Trung Quốc chép rằng năm 316 TTL, nước Tần diệt nước Thục, biến Thục vương làm tước hầu (Tư trị thông giám, trang 98). Nghĩa là sau năm đó không còn vị nào mang danh hiệu Thục vương nữa. Khoảng cách từ đó cho tới lúc An Dương Vương chiếm Văn Lang (tức năm 257 TTL) là 60 năm, rất khó để có chuyện chàng rể hụt sau 60 năm quay trở lại trả mối thù xưa. Việc “lùi lại” hai đời Thục vương, khiến sự “mất tích” của Sơn Tinh trong cuộc xâm lược của người Thục trở nên hợp lý. Còn với Hùng Vương thứ 18, với truyền thống trường thọ của dòng tộc mà người ta có thể chấp nhận 18 đời vua Hùng kéo dài 2.622 năm (tương đương mỗi đời vua kéo dài trung bình 145 năm), thì nhà vua sẽ sống thọ hơn phàm nhân Sơn Tinh, đủ để chờ đợi sự quật khởi của đứa cháu Thục vương – người bị từ hôn năm nào.

 

II. CUỘC CHIẾN SƠN THỦY

 

Lĩnh Nam chích quái – truyện Núi Tản Viên kể:

Thủy Tinh đến sau, không thấy Mỵ Nương, cả giận đem loài thủy tộc định đánh để cướp lại. Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy Tinh bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh Vương. Dân ở chân núi thấy thế bèn cắm một hàng rào thưa để đón đỡ, đánh trống gõ cối, hò reo để cứu viện. Thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi tắc cả khu sông (Chích quái, trang 156, 157).

Bản dịch Chích quái có một điểm khiếm khuyết nho nhỏ, dễ gây nhầm lẫn cho độc giả, đó là nguyên tác dùng “Vương” để chỉ Hùng Vương thứ 18, và dùng “Đại vương” để chỉ Sơn Tinh. Còn bản dịch dùng “vua” chỉ vua Hùng và “vương” chỉ Sơn Tinh, khiến cho độc giả đọc lướt qua lẫn lộn hai nhân vật này. Trong cuộc chiến trên, Chích quái kể rằng Thủy Tinh sau khi thấy Mỵ Nương được gả cho Sơn Tinh, thì đem thủy tộc đuổi đánh. Và Sơn Tinh giăng lưới sắt ở Từ Liêm cản lại. Khi Thủy Tinh mở đường từ Hoàng Giang vào sông Đà để đánh úp thì dân ở chân núi cắm rào, gõ trống, bắn tên để hạ thủy quái. Một cuộc chiến hoàn toàn của riêng Sơn Tinh và dân miền núi mạn Bắc nước ta chống lại Thủy Tinh và bầy thủy quái.


Khác với Lĩnh Nam Chích quái, Mỵ Nương trong Toàn Thư không phải là người phàm mà là hậu nhân của Âu Cơ, là người Tiên. Ảnh: Duy Torao

Việt điện u linh tập chép rất ngắn gọn: “Thủy Tinh đại nộ đem quân đuổi theo, toan muốn nghiền nát núi Lôi Sơn. Vương dời lên ở trên chóp núi Tản Viên, đời đời cùng với Thuỷ Tinh là kẻ thù” (Việt điện, trang 39).

Phiên bản truyện cổ Việt Nam có rất nhiều dị bản, đại thể Thủy Tinh dâng nước lên cao ngập nhà cửa ruộng đồng, Sơn Tinh bốc từng quả núi ném chặn dòng nước, Thủy Tinh sai thủy quái quấy nhiễu, Sơn Tinh cùng dân chúng họp nhau chống trả…

Tựu trung, cả ba phiên bản Chích quái, Việt điện và truyện cổ đều thống nhất rằng Thủy Tinh ghen tức nên dâng nước, xua thủy quái đuổi theo và đánh nhau với Sơn Tinh. Người lãnh đạo nhân dân chống Thủy Tinh và thủy quái là Sơn Tinh. Chúng ta không thấy sự hiện diện của vua Hùng trong buổi nạn nước ấy, dường như vua Hùng gả con xong là hết phận sự. Như vậy có phải bậc Thiên tử trị dân có phần vô trách nhiệm quá không? Và bởi Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh, Sơn Tinh ném đá chặn dòng (như trong phiên bản cổ tích) nên câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh được ghép với ý nghĩa hiện tượng lũ lụt và nhân dân chống lũ lụt.

Toàn thư không miêu tả cuộc chiến theo hướng như vậy. Kế thừa nội dung trong Chích quái, Ngô Sĩ Liên sửa lại trận chiến này như sau:

Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Lý Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người Man, đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên (Toàn thư, trang 134, 135).

Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa hai văn bản Toàn thưChích quái là thứ bậc tôn ti giữa vua Hùng (xưng là Vương) và Sơn Tinh (không hề được chép kèm tước hiệu Đại vương). Bên cạnh đó là sự hiện diện của vua Hùng trong cuộc chiến. Khi Thủy Tinh đuổi đánh, “vua và Sơn Tinh (nguyên văn: Vương dữ Sơn Tinh) lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại”, như vậy người lãnh đạo cuộc chiến theo thứ tự được nhắc đến, đầu tiên là vua Hùng rồi thứ đến Sơn Tinh. Sau khi hướng tấn công này bị chặn đứng, Thủy Tinh chuyển qua “từ Lý Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà”, bấy giờ Sơn Tinh mới tách khỏi quân Hùng Vương mà độc lập tác chiến.

Trong suốt cuộc chiến này, cả Toàn thưChích quái đều thống nhất ở một điểm: Sơn Tinh không trực tiếp giao chiến. Với Chích quái, giao chiến với thủy tộc là “dân dưới chân núi (nguyên văn: sơn hạ dân)”, có thể hiểu là dân bản bộ, thuộc hạ của Sơn Tinh. Nhưng sang Toàn thư, văn bản đã được tinh tế sửa đi chút ít, rằng Sơn Tinh có phép thần, “gọi người Man (nguyên văn: hô đắc Man nhân)”. Có nghĩa là Man nhân không phải người bản bộ, thuộc hạ của Sơn Tinh, mà là người Man ở đâu đó được gọi tới.

Cũng theo Toàn thư, đạo quân thủy tộc của Thủy Tinh không mang nhiều hình ảnh lũ lụt như phiên bản Chích quái hay đặc biệt là phiên bản truyện cổ1. Đạo quân ấy được Toàn thư mô tả rất mang tính người, từ việc Thủy Tinh điều binh, cho tới “nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp”, rồi bỏ chạy khi bị bắn: “các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả”. Trong khi Chích quái mô tả chúng hoàn toàn là thủy quái: việc đào sông khoét vũng là “để mở lối đi cho quân thủy tộc”, và khi bại trận thì “thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi tắc cả khu sông”.2


Trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh ở Toàn Thư, vua Hùng có vai trò lãnh đạo. Ảnh: Duy Torao

Như vậy, chỉ bằng đôi điểm cải biến, sử gia nhà Lê đã hướng chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, từ giao tranh giữa các thế lực siêu nhiên trở thành cuộc chiến giữa giữa các thế lực trong nước. Ở đó, vua Hùng là vị vua công bằng chứ không thiên vị như trong phiên bản truyện cổ. Nếu như truyện cổ nhắc tới sính lễ “một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi” đều là sản vật của miền đồng bằng khiến cho Thủy Tinh thua ngay từ màn thách cưới, thì Toàn thư đã kế thừa Chích quáiViệt điện, chép rằng lễ vật tùy nghi “ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy”. Và vai trò của nhà vua trong cuộc chiến chống giặc được đẩy lên khác biệt hẳn so với phiên bản Chích quái hoặc truyện cổ. Quan trọng hơn cả là một vị thần linh Sơn Tinh đã mang tính “người” hơn, đóng vai trò như một viên tướng, triệu tập đạo quân Man nhân giúp người Kinh đánh giặc.

Theo quan điểm cá nhân, người Man mà vua Thánh tông và sử thần nhà Lê nhắc tới là có ý ám chỉ tộc người không phải Kinh Lộ. Hay nói cách khác, là một thoáng mơ hồ liên tưởng tới người Mường đất Trại, tức đạo quân Lam Sơn đã vùng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, thu lại toàn bộ giang sơn đất nước. Khi giặc đánh vào tận kinh đô nước nhà, thì người Trại sẵn sàng tuân theo lời hiệu triệu của triều đình, sát cánh cùng người Kinh chống lại quân thù. Một thông điệp rất đẹp về tinh thần đoàn kết dân tộc. □

——

Tài liệu tham khảo

Đại Việt sử ký toàn thư – tập 1 – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 1998.

Lĩnh Nam Chích quái – Nhà xuất bản Kim Đồng – 2017.

– Sách giao khoa môn Ngữ văn lớp 6 – tập 1 – Nhà xuất bản Giáo Dục – 2019.

– Tư trị thông giám – tập 1 – Nhà xuất bản Văn học – 2018.

Việt điện U linh tập – Nhà xuất bản Văn học – 2008.

Và một số trích đoạn trong các bộ sử Trung Quốc mà tác giả tự dịch, lấy từ website www.ctext.org

——

1Toàn thư chỉ nhắc duy nhất một lần “kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập” ở đầu cuộc chiến, trong khi ngược lại, Chích quái dùng cụm “Thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh [Đại] Vương”, và ghi chép trong các phiên bản truyện cổ, nhấn mạnh việc “nước dâng bao nhiêu thì núi cao lên bấy nhiêu” lại càng thể hiện rõ tính phi nhân.
 

2 Có cảm giác như Toàn thư đang mô tả đạo quân thủy quái của Thủy Tinh mang hơi hướm của một đạo thủy binh xâm lược từ ngoài biển đi theo cả ngả sông tấn công nước ta. Gặp quân dân ta chống trả quyết liệt, chúng phải bỏ chạy tháo thân. Cuối thời Trần và cuối thời Hồ, nước ta nhiều phen phải chịu các cuộc ngoại xâm của Chiêm Thành và Trung Quốc. Tất cả các lần đó, đại quân của giặc đều theo đường biển để tiến sâu vào nội địa.

Tác giả

(Visited 42 times, 1 visits today)