Từng bước chân nở hoa: Ở khoảng giữa ngôn từ
Nếu Google cụm từ “những tiểu thuyết dựa trên Phật giáo” bằng tiếng Anh, bạn nhất định sẽ không thấy bất cứ ai nhắc tới "Little pilgrim" (hay "Từng bước chân nở hoa", theo bản dịch tiếng Việt của Trịnh Huy Ninh, do Phanbook và NXB Dân Trí ấn hành) của nhà thơ, nhà văn người Hàn Quốc Ko Un, dầu cho cuốn sách được gọi là “báu vật của các trào lưu phát triển những chủ đề và hình tượng của văn học đại chúng Phật giáo trong hàng thế kỷ”.
Nhà thơ Ko Un. Nguồn: BBC.
Là câu chuyện về một cuộc đi, nhưng Từng bước chân nở hoa không phải một cuộc phiêu lưu hấp dẫn, kịch tính, thăng trầm như, chẳng hạn, Tây Du Ký. Mặt khác, dù kể lại một kinh điển trong Phật giáo, tức chuyến đi của cậu bé Sudhana trong chương cuối cuốn Kinh Hoa Nghiêm – một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, nhưng tác phẩm của Ko Un không chỉ là một ngụ ngôn giáo lý hay một bản văn hướng dẫn về triết học tôn giáo.
Cậu bé Sudhana đi dọc khắp miền Ấn Độ, gặp năm mươi ba vị thầy (dù nhiều người trong số đó không ra dáng những vị thầy) để học hỏi về Chân lý. Mặc dù thế, sự trưởng thành của Sudhana có lẽ không phải trọng tâm của câu chuyện, mà chính là sự tiếp biến liên tục, không ngơi nghỉ của hành trình. Ngay kể cả ở chương cuối cùng, Sudhana vẫn đang ở ngoài khơi. Ngay cả ở câu cuối cùng, Sudhana vẫn nói: “Lên đường thôi.” Từng bước chân nở hoa được triển khai theo cách đó, vô thủy vô chung như sự chảy trôi miên viễn của dòng thời gian và những kiếp luân hồi, và không tồn tại một cấp bậc cao nhất mà con người có thể đạt tới hay một nơi an trú vĩnh cửu, bởi còn sống (thậm chí kể cả sau cái chết) là còn phải chìm vào cuộc sống.
Cuốn tiểu thuyết của Ko Un không ra dáng tiểu thuyết hiện đại, không tình tiết, không tâm lí, không thích hợp cho những người đọc sốt sắng hay mong mỏi kiếm tìm ở đó một châm ngôn sáng rõ. Bù lại, nó ngân nga chất thơ và ủ bên trong vẻ đẹp của thiền vị, mỗi chương đều là những đoản khúc ngắn, không nhiều lời, những bài học phi ngôn chỉ có thể được cảm nhận mà không thể diễn giải, và sự minh triết không chỉ chói lọi trong những bậc thầy, những bậc Bồ Tát đã thành chánh quả, mà ở trong mọi người và trong vạn vật, từ những người nông dân, những người đàn bà, trong cả những đứa trẻ hỗn xược, trong cả những tên tướng cướp.
Tác phẩm “Từng bước chân nở hoa”. Nguồn: netabooks.vn/
Trong mỹ học Triều Tiên, có một hình ảnh tượng trưng cho những điều không thốt nên lời, đó là yeobaek, nghĩa là một tờ giấy trắng tinh, không vương một vết mực nào. Ko Un thì ông không hẳn không viện tới ngôn từ, nửa sau cuốn tiểu thuyết, tác phẩm thậm chí còn khá khó đọc với việc thực hành những từ ngữ nặng tính giáo khoa trong kinh kệ, và như chính Ko Un trong một tiểu luận của mình từng viết: “Tôi mơ hồ tin tưởng rằng cùng với sự im lặng đã có từ trước khi có ngôn ngữ và là một phần nguồn gốc của ngôn ngữ, sự không hoàn mĩ của ngôn ngữ tự thân nó cũng có thể coi như một chuyển động của cuộc sống nhằm lí giải thế giới.” Nhưng văn chương hay thi ca của Ko Un luôn đặt ra những khoảng không giữa những ngôn từ, hay những phần “lề trống” (như trong một bài thơ của ông: “Phần lề trống không phải là sự bất toàn thiện […] mà chúng nổi lên từ những thung lũng nơi đam mê cho cái toàn thiện đã tan chảy”) để người đọc lặn vào đó, và chính những thứ không được nói ra – chứ không phải những điều được nói ra – là nơi câu chuyện tỏa sáng rạng ngời.
Thời niên thiếu, Ko Un không bao giờ nghĩ mình sẽ làm thơ. Ông kể lại rằng, mình đã lớn lên như bao đứa trẻ cùng làng. Nhưng một buổi tối đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông, và có lẽ, toàn bộ nền thi ca Hàn Quốc. “Khi ấy trời đã tối, tôi bắt gặp một vật gì đó phát sáng. Nó là một tập thơ hiện đại.” Tập thơ ấy là của Han Ha-un, một thi sĩ mắc bệnh phong, với những áng thơ u buồn ảo não về nông thôn Hàn Quốc. Và Ko Un đã đọc nó suốt đêm, đến sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, ông biết mình sẽ phải trở thành một nhà thơ, không thể khác.
Câu chuyện về tập thơ xuất hiện bí ẩn, huyền hoặc, không rõ nguồn gốc nhưng ẩn chứa nguồn cơn tỉnh thức ấy dường như ít nhiều có sự tương đồng với cách cậu bé Sudhana bắt đầu cuộc hành hương dài vô tận trong Từng bước chân nở hoa, người cũng một sáng nọ tỉnh dậy và thấy mình nằm trên bãi cái ven sông trơ trọi. Và trong khi cậu hét lên đòi về nhà, bởi nơi đó có người hầu, có bạt ngàn đồ ăn và có voi để cưỡi, ông già Majushri – ân nhân đã cứu mạng cậu, người thầy đầu tiên trên hành trình giác ngộ – đã nói rằng: “Không, chẳng có gì mời gọi con trở về cả. Ta sẽ chỉ cho con lối phải đi.”
Và cũng giống như Sudhana và chuyến đi không có chặng cuối cùng, những con đường nối tiếp những con đường không dừng lại, đời thơ của Ko Un cũng miên man không hồi kết. Ở tuổi 87, ông có hơn 150 tập thơ, đáng kinh ngạc hơn cả là tập thơ Maninbo (Mười ngàn cuộc đời) với hơn 30 bộ, gồm tổng cộng 4001 bài, mỗi bài là một chân dung người mà ông từng tương ngộ.
Mặc dù Ko Un khước từ việc được gọi là “một thi sĩ Phật giáo” – ông nhấn mạnh rằng bản thân từ “Phật giáo” không đủ sức hàm chứa những điều nó muốn thể hiện, nhưng một cách nào đó, với Ko Un, có lẽ bản thân thi ca cũng có Phật tính. Bởi cũng như một Đấng Giác ngộ hoàn toàn (nghĩa của từ Buddha) có thể nhìn thấu muôn kiếp, có thể thấy cả vũ trụ trong một hạt sương, thi ca là thứ nghệ thuật có khả năng vượt thoát, vượt thoát từ cõi trần sang cõi siêu phàm, vượt thoát khỏi mọi ràng buộc của không thời gian, để dịch chuyển tức thời qua những rìa vũ trụ, vượt thoát từ kinh nghiệm giác quan thường nhật, để chứng ngộ sự tuệ tri về từng khoảnh khắc trôi qua. □