Ủ Tết

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu như mọi thứ cây trên trần gian đều có trong khu vườn ấy, từ cây cỏn con bé mọn như me đất, diếp cá, rêu xanh cho đến cây cao lớn quý hiếm như giáng châu, hải đường, cổ mai, nguyệt quế... đều được có đất nơi ấy để nẩy mầm, có nắng để đơm hoa, có gió để chải mướt, có mưa để trù mật nồng nàn. Hoa trong vườn quanh năm như theo tiếng dạt dào sông nước dòng Hương trước ngõ mà hé cánh hồn nhiên.


Trong ký ức trẻ thơ, vườn bà là cả vũ trụ bí nhiệm vô cùng, là thế giới bao la đi hoài không hết, nghe hoài không cùng, nếm hoài vị lạ không dứt, rung động bất tận nơi muôn vàn va chạm tóc tơ giữa người và vạn vật, ngẩn ngơ trước biến ảo sắc màu trong phút giây kỳ ngộ hồn mai bóng quế nghìn năm. Giấc ngủ êm đềm trong lòng bà thường như những chuyến bay của cánh bướm thấp thoáng đó đây, bất chợt dừng lại nơi một nụ hoa nào đó, giữa tiếng thì thầm kể chuyện, nên hoa cũng trở thành cổ tích, có gương mặt đẹp như trăng, đầy ắp tình người tha thiết với hương cau tinh khiết buổi sớm, lá trầu cay nồng nàn buổi chiều, chói lói mặt trời cười buổi trưa đến rớt hết răng như chú trâu bỏ chàng Cuội mê mải Hằng Nga… 
Rồi trời mưa và mưa mãi, long lanh kết thành từng chuỗi thời gian, gió lộng muôn chiều vút đến sao khuê… Tưởng như nơi ấy bất tuyệt với con tim không hề biết lạnh…
Thế mà nghe lạnh mấy mươi năm sau trở về… vườn bà xác xơ, tôi viết bơ vơ lạc lõng: 
Cỏ dại mọc tràn
Mất lối…
Rồi đi rồi về, lần thứ mấy mươi…khu vườn câm, lá hoa quên tiếng, lối cũ chìm khuất dưới lá khô. Nhưng bỗng một hôm hoa mộc lên hương…nhắc thầm lặng chuyện lá hoa ngày trước.
Tôi trở về…như chim sâu nhỏ trở lại vườn với vài cọng rơm lợp mái, đi từng bước dò tìm vết cũ, “đi về này những lối này năm xưa”. Như thấy dáng bà bên cạnh bếp lửa đêm ba mươi rực sáng với nồi bánh chưng bốc hơi trong gió lạnh, nghe có hương gừng phảng phất đâu đây trong căn bếp ẩm thiu mùi rạ, thoáng gương mặt ngọc sau hơi gừng ửng hồng màu hoa, nghe tiếng cười con trẻ ấm ngày cuối năm dù mây dù mưa, thấy dáng mẹ đi chợ Tết về với áo mới ngày xuân, nghe tim tở mở với tiền lì xì mừng tuổi. Như vừa hôm qua mà đã phôi pha tự bao giờ…
Duy gốc mộc còm hoa gượng nở, cây vải cổ thụ ngày nào đổ bóng cho những đứa trẻ tìm xác ve vào buổi trưa hè biến mất, gốc hải đường nơi bình phong, diệu vợi cổ phong, cũng đã tàn tạ từ lâu. Chim sâu nghiêng đôi mắt nhìn vào thùng nước mưa sâu ngái, thấy cả linh hồn khu vườn thời thơ dại, trong vang vọng tiếng xưa nghe có lời ước mong thấy lại cây cỏ ngày xưa. Cánh bướm lẻ có đủ gọi chùm thạch thảo rộn ràng một thuở? Cánh mộng ngày thơ theo bướm trắng có đủ sức bay về…?
Và Huế vẫn mưa… và mưa…cỏ lướt thướt xanh màu phỉ thúy, những cơn mưa nồng hơi đất mẹ  lắm khi làm choáng say, lảo đảo. Vườn cây nghe hơi xuân đến từ nỗi khao khát đi tìm…bỗng như choàng tỉnh… Sứ giật mình đơm lá nhỏ, nguyệt quế còn lóng lánh châu đỏ duyền quyên, và hải đường hiện về trong “ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”. 

Vườn bà tôi sống lại với cành ngọc lan non, thêm đôi khóm mộc đầu tường, thêm chuối góc nhà, thêm khóm trà hoa bên hiên, hoa trang đơm ngõ, huyết dụ bên tường, hồng hoa, đồng tiền, trần bì, mãng cầu nhãn vải ngay cả cây bơ, xin đến đây nhiều cho với! Nhiều cây non tuổi mới chen với cây già trăm tuổi. Rất nhiều bất chợt đến với khu vườn, lắm khi không hẹn mùa, và… huyên náo xáo trộn thời gian, đông lan hồng đang ẩn nhẫn đợi mưa bỗng rộn ràng trỗi dậy trong nắng hanh vàng, lan gót hài lâu không trở lại bỗng dạo gót ghé qua, nhánh quỳnh bỏ quên nơi góc bỗng tung xiêm múa khúc nghê thường, ngọc lan vừa đến đã trao cho những nụ ngọc ngà vào giờ không đợi và cả thanh long cũng uốn mình kết trái hồng tươi… hoa chuối hát bản dân ca thương yêu lành nhất trần gian, và cau trổ buồng tinh khôi những sớm mai không hẹn, cây nhãn cổ thụ đã mấy năm tắt hoa bỗng vỡ oà chi chít đơm hoa… và cỏ và lá đang mượt xanh mỗi phút giây mở cửa nhìn ra sân…
Hình như có số nhiều (như rừng, như cây) đang trải trên trang giấy, nhưng số ít còn ẩn náu trong tim. Số ít ấy là nỗi bí nhiệm giấu kín… bởi không vì một nguyên do nào khác hơn là… chính vì nó bí nhiệm, ẩn giấu, không lời. Có cả một thứ im lặng chìm sâu trong vô tận, nằm sâu tận đáy của trời và đất… nó đi rất chậm mà rất hối hả mỗi buổi sớm mai, vào giờ hoa lá còn mơ… Hoa vừa hé mắt là đã bắt gặp, đã đón bước nhìn – ánh nhìn vừa tới – nhìn chăm nhìn chút vào từng ngọn lá vừa nhú khỏi cành, từng búp còn phong nhụy, từng gai lá vừa sắc cạnh, từng vệt mốc trên thân, từng giờ lá non hồng biến màu xanh ngọc… nơi mỗi cây mỗi lá là nỗi thầm thì, hãy sống, hãy lớn lên, hãy xanh, hãy ra hoa. Cây hải đường trước bình phong, thế chân cây cũ, mới được vun năm ngoái, nó khó sống nhất trong các cây, nó được đến thăm sớm nhất vào buổi ban mai, được nhìn thật kỹ, thật ấm thật nồng như nhắn lời, như dỗ dành hoa lá…
Tháng mười Một, Huế mưa một tháng tròn qua tháng mười Hai, trời vẫn mưa và mưa chi mà mãi, đến phải cười… còn hơn khóc. Nụ cười của chị và tiếng cười lanh tanh qua màn mưa, đẹp lạ lùng. Ấy là lúc chị bưng rổ me tươi chuẩn bị làm mứt cho ngày Tết, món mứt me đầu tiên trong các món mứt của Tết Huế ngày xưa. Cuối vườn có cây me dạo ấy sây trái, chị và các o xắn quần, cười ròn rã dưới nón, lội mưa đi hái me, những món me dầm và mứt me ngào của chị và các o làm, nhớ lại còn nhỏ dãi! Cây kim quật (cây quất) như bà tôi thường gọi, ở chái hông nhà, trái cũng vừa vàng cam, bà nhắc đừng quên món mứt quý hiếm nên làm để dâng cho bà cố hay làm quà dâng bà Từ Cung mẹ vua. Bà Từ Cung thường bảo mứt kim quất bà tôi làm khéo nhất. Và cả mứt trần bì, ngon lạ và trị ho tốt nhất trong mùa mưa. Ngày ấy có ai ngại mưa đâu, trời càng mưa ngồi bên bếp lửa ngào mứt vào những ngày trước Tết mới biết hạnh phúc đơn sơ hồng như đôi má tuổi mười sáu…Và mới hiểu được các o cười trong mưa khi bà nhắc nhở đi hái trái trong vườn vào dịp chuẩn bị đón xuân. Từ bếp lửa nhìn ra mưa mới biết ấm lạnh, sướng khổ là hai giọt nước theo nhau, như chị tôi cười trong mưa và khóc khi về nhà chồng, oái ăm nụ cười kẻ hỏng thi và giọt nước mắt ngày vu quy! Đó là… mưa… Huế.  
Những cơn mưa vào tháng Chạp vừa phủ phàng lại như vừa nuôi nấng. Màu xanh cây lá chập chùng lướt thướt, cơ hồ ngất lịm trong màn mưa, tưởng sẽ chết đuối dưới mưa, nhưng hình như trong cái lạnh cóng, mơ hồ một chút nồng ấm của đất mang mang, ướp màu xanh giữ mãi xanh tươi, thầm lặng thổi hơi, gây mầm cho sự sống. Có lẽ trong các loài cây, hải đường là cây thương mưa, cần mưa nhất, không có cây nào khổ vì nắng và hạnh phúc với mưa như hải đường. Suốt cả tháng mưa cây hải đường khó sống trong vườn, mưa dội ào ạt, lá hải đường trỗi xanh mạnh mẽ, nụ hồng tròn chắc ngẩng đón mưa, và sắc hoa rực rỡ, đẹp nồng nàn. Tôi cảm câu thơ của Nguyễn Du,… “càng gió càng mưa càng nồng”, đượm nhất chính trong những ngày nhìn mưa rơi trong khu vườn cũ. Trời mưa mãi đến người muốn khóc, nhưng hải đường dường như mỉm cười, đón mưa, hưởng mưa, những đoá điểm long lanh hạt mưa có lẽ đẹp bằng nụ cười của chị trong mưa. Có lẽ hải đường xuân nhất trong các loài hoa, như chị tôi thuở thiếu thời. Cho nên lặn lội mình tôi, mỗi sáng tinh mơ, việc thứ nhất là đội nón lội mưa ra thăm hải đường, biết bao lần ngẩng nhìn những nụ non yếu ớt trên cao, lặng gửi những tia nhìn ấm nhất, đôi lúc nghe mình nguyện thầm với hoa, nằn nì thêm lá, thêm nụ thêm hoa… và bất chợt cầu trời… cứ mưa – (mà nói thầm không bị mắng!).     
Và những ban mai, những bước đến, những thủ thỉ với cây trong vườn, những khi ngẩng nhìn nụ hoa hi vọng mùa xuân cao nhất, tôi như nghe hơi thở của bà của mẹ của chị thoảng tóc mai, gần kề bên tôi…

Bài và ảnh: Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)