Ừ, vậy thì… Một cú chạm phi nhân

Ai cũng biết thành viên thứ tư trong đội biểu diễn ngẫu hứng của mình là một người ngoài hành tinh. Cái sự thật ấy đã được lăng-xê trên tất cả các quảng cáo ở đủ các kênh truyền thông, thậm chí, còn được in chình ình lên tấm pa-nô quảng cáo ngay trước rạp hát. Thoạt tiên, phải nói là vụ này hút khách ầm ầm: ai mà chẳng muốn tìm hiểu coi một vở ứng tác sẽ ra làm sao nếu một phần trong đội diễn thuộc về một giống loài khác, tới từ một hành tinh khác.

Một cảnh trong vở “Holidazed & Confused Revue” của Đoàn kịch ứng tác Second City, một trong những đoàn kịch ứng tác lớn nhất hiện nay. Ảnh: Cindy Play

Ai cũng biết thành viên thứ tư trong đội biểu diễn ngẫu hứng của mình là một người ngoài hành tinh. Cái sự thật ấy đã được lăng-xê trên tất cả các quảng cáo ở đủ các kênh truyền thông, thậm chí, còn được in chình ình lên tấm pa-nô quảng cáo ngay trước rạp hát. Thoạt tiên, phải nói là vụ này hút khách ầm ầm: ai mà chẳng muốn tìm hiểu coi một vở ứng tác sẽ ra làm sao nếu một phần trong đội diễn thuộc về một giống loài khác, tới từ một hành tinh khác.

Nhưng một khi họ đã thỏa trí tò mò rồi, thì có mấy ai buồn quay lại. Việc người ta chấp nhận chịu đựng ngồi coi tất cả những sự không thể kết nối và không thể thấu hiểu một cách tủy tiện nực cười, trong khi lại chẳng có nổi một khung sườn kết cấu để mà suy đoán, có lẽ cũng chỉ có mức độ của nó. Svvibiblan, cái nhân vật người ngoài hành tinh ấy, quanh đi quẩn lại chỉ nói được mỗi, “Đây là một quả cam”, hay cùng lắm thì: “Tớ mang cho cậu con nhện này”. Mỗi thế thôi mà nói đi nói lại hàng đống lần, tới nỗi khán giả chả thấy gì là buồn cười nổi nữa, thậm chí còn thấy nó nhạt hơn nước ốc, dẫu cho những người diễn cùng, quả thực, cũng đã cố hết cách mà xoay xở, chỉ mong cái vở kịch họ đang dự phần có nổi một cốt truyện ra hồn. Thế mà lần diễn nào cũng chả khác gì một con sao quả tạ giáng thẳng vào những nguyên tắc của thể loại kịch ứng tác. Kể ra cũng có đôi ba nhà siêu thực theo nghĩa nghiêm khắc nhất tỏ ra thích nó. Số còn lại thảy đều bỏ đi coi cái khác.

Bex, Mickey và Trav nghĩ rằng họ nhất định phải làm gì đó khác – “Trở về với kịch ứng tác đích thực thôi”, Mick nói. “Không thì kịch độc thoại cũng được”, Trav đề xuất. Nhưng có phải một mình họ là quyết định tất thảy được, lúc nào cũng vẫn còn cái nhân vật cuối cùng kia – và mọi nỗ lực thay đổi đều thất bại thảm hại.

“Thì tôi cũng biết chả có gì buồn cười khi Svvibiblan hỏi chim cút là cái giống gì, nhưng tụi mình cũng bày một đống lốp lủng ra để chuẩn bị cho phân cảnh ấy rồi,” Bex nói ở hậu trường, giữa đám cảnh dựng sẵn. “Thế mà rồi vô ích. Tôi chưa bao giờ đứng trước một công chúng dửng dưng lạnh lùng đến thế”.

Trav bồn chồn đi tới đi lui. “Thì đấy, chính đấy là vấn đề của kịch ứng biến. Cái này không được thì phải thử cái kia. Nhưng tối nay? Biết phải thử cái gì bây giờ. Tôi đến cạn kiệt mọi ý tưởng rồi”.

Mickey ngẫm nghĩ. “Trò chơi nào thực chất cũng đều là một ý tưởng hay, Svvibiblan đúng ra đã khá là khớp được với biến thể của trò Đứng-Nằm-Ngồi1 rồi đấy chứ. Nhưng phản ứng của khán giả cũng chả khá hơn được chút nào. Nếu tới cả trò Đứng–Ngồi–Té nước mà khán giả thấy vẫn còn nhạt thếch, Mickey nghĩ, thì cái gì mới làm vừa lòng họ được?

Svvibiblan cất tiếng từ cái hốc tường, nơi họ nhồi nhét cả đống cảnh giả. “Tôi cũng đồng ý là như thế, đám đồng nghiệp cứ trơ ra chả phản ứng gì, đến là bất thường. Chúng ta phải hy vọng một sự kết nối hơn từ đám đông trong tương lai”.

“Không phải đám đồng nghiệp, Svvibiblan ạ”, Bex nói, co chân đá vào cái hình biểu tượng chiến thắng một cú hoàn hảo. “Mà là đám đông khán giả”.

“Ừ,” họ nói. “Đám khán giả đồng nghiệp. Học hỏi được lẫn nhau thì tốt quá”.

Trav trợn mắt lên, nhưng Mickey thì lắc đầu quầy quậy. “Khán giả của mình là ai chứ, Svvibiblan?”

“Mấy ông bạn nghiên cứu nhân chủng học của tôi”, Svvibiblan đáp. “Mấy ông chuyên ngành người ngoài hành tinh thì phải – nếu hội ấy đang nghiên cứu tôi. Thật ra thì chỉ có mình tôi là nhà nhân chủng học duy nhất trong phòng. Nhưng việc họ đang làm có thể coi là khởi đầu của ngành nhân chủng học đấy, kiểu như, suy đoán coi thời điểm tôi tới đây là hồi nào này. Công việc ấy cũng khá gần, có thể coi là đồng nghiệp được”.

Trav huýt một tiếng. “Mèng đéc ơi. Té ra chúng ta lại hút hội nghiên cứu nhân chủng học kia à?”

“Hừm,” Bex cằn nhằn, “mới họ chả tới đây để mà vui vẻ gì đâu”.

Mickey bĩu môi. “Chà. Để coi coi chúng ta làm được gì nào. Kể cả có là nhà nhân chủng học thì cũng phải biết cười trước một cái gì đó chứ”.

Nhưng mọi thứ hóa ra lại chẳng được như họ mong đợi. Họ tăng thời giờ diễn tập. Họ xem nhiều phân cảnh của những vở ứng tác thành công, họ ra sức kiếm tìm những điểm kết nối tương đồng với Svvibiblan. Họ học cả tiếng cười chói tai của Arcturan trong trò chơi hát ứng tác. 

“Các cậu thích cái trò này à?” Trav hỏi, nhăn nhó trước viễn cảnh phải hát.

“Buồn cười ghê, đúng là những con linh trưởng”, Svvibiblan nói.

“Tớ – không”, Mickey nói. “Không phải vì thế đâu”.

“Chà, tớ lại nghĩ là phải đấy”, Bex nói.

Họ thử trò hát ứng tác với các khán giả nhân chủng học, bất chấp sự hồ nghi của Trav. Thế mà, chả ai buồn chia đội hay chọn chủ đề. Giữa bóng tối của khán phòng chỉ sáng lên màn hình của các nhà nhân chủng học đang miệt mài ghi chú. 

“Một trong những nguyên tắc chính của kịch ứng tác là bạn phải nhận lấy thứ mình được trao cho rồi xây dựng trên nó”, Bex nói sau đó. Ừ-vậy thì2, chúng ta ai chả biết cái nguyên tắc ấy. Lúc nào cũng là đón lấy thứ mà người trình diễn cùng trao cho mình. Nhưng khán giả cũng là một phần trong đó. Với một đám khán giả toàn những là nhà nhân chủng học thế này, chúng ta có thể nhận được gì từ họ cơ chứ. Chả lẽ cứ tiếp tục thế này mãi?” 

Trav nheo mắt như vẫn chưa tin lắm vào ý tưởng của mình. “Hay là thêm những cảnh có chủ đề nhân chủng học?”

“Xong sẽ để Svvibiblan khởi động bằng mấy chuyện cười về nhân chủng học. Được đấy. Cứ cho họ muốn nghiên cứu về chúng ta thế nào thì làm, nhưng tôi muốn họ vừa cười vừa làm việc ấy”.

“Phải, công việc của chúng ta là làm họ vừa nghiên cứu vừa cười,” Mickey nói. “Tớ đồng ý với cậu”.

“Cậu nghĩ sao, Svvibiblan?” Trav nói. “Cậu thấy vụ kể mấy chuyện cười mào đầu như thế ổn không?”

Họ tỏ vẻ đăm chiêu. “‘Ừ-thì’ là một nguyên tắc căn bản của kết cấu kịch kiểu này. Chắc Bex sẽ là người phân tích nó tỏ tường nhất. Chúng ta sẽ thử xem sao. Nếu không ổn thì”. Không khí rít qua bộ phận máy tạo ẩm, “Chúng ta sẽ thử cách khác sau”.

“Tinh thần là thế nhé, Svvibiblan”, Bex nói.

Người ngoài hành tinh không muốn cho những con người diễn cùng thấy trước cảnh độc thoại của mình, điều ấy khiến ba bạn diễn còn lại lo lắng lắm. Cả ba đứng chụm lại sau cánh gà, nín thở xem màn gây cười đầu tiên. Svvibiblan lướt nhẹ về phía chiếc micro.

“Điểm khác biệt giữa nhân tính và sữa chua là gì nhỉ? Sữa chua thì đâu có cần tới cả một thiên niên kỉ để làm cái việc phát triển văn hóa làm gì”.

Như thể có một khoảng lặng khi các nhà nhân chủng học nhận thức được điều gi đang diễn ra, và rồi bắt đầu dậy lên những cái khịt mũi, những tiếng khúc khích, những tràng cười lớn, và đây đó cả những tiếng trầm trồ. Hội bạn diễn đứng trong cánh gà, huých vai nhau chờ người ngoài hành tinh diễn tiếp, vẫn nín thở không biết điều gì sắp tới.

Svvibiblan lặng im như thử thách sự chờ đợi của đám con người, rồi nói tiếp, “Một nhà nhân chủng học bước vào quán bar3 và hỏi: cái câu chuyện cười này hài hước ở chỗ nào nhỉ?” Khán giả gào thét, rồi họ nói, “Tuyệt vời, tôi nhất định phải gặp một diễn viên của nhóm kịch sau buổi diễn để hỏi cho ra chuyện”.

“Chà có vẻ cậu ấy đã kích động được công chúng rồi đấy”, Bex nói nhỏ. “Giờ thì tới lượt chúng ta chơi theo vai tuồng của cậu ấy thôi”.

“Tớ đang thử với vài ý tưởng về thuyết tương đối”, Mick nói.

Trav gật đầu. “Tớ nghe nói Franz Boas4 dễ cười lắm. Để coi anh bạn ngoài hành tinh của chúng mình có gây ấn tượng được với ông ấy không. Kể cả có lố bịch đi chăng nữa, thì cũng phải nói là quá tuyệt vời”.□

——-

Truyện đằng sau truyện

Marissa Lingen tiết lộ nguồn cảm hứng để bà viết “Ừ, vậy thì”.

Mỗi gia đình đều có các cách thể hiện tình cảm riêng. Một trong những cách của gia đình tôi là học theo những niềm say mê đến ngờ nghệch của một thành viên khác trong nhà – và cậu con trai đỡ đầu 21 tuổi của tôi có một tình yêu như thế với nhân chủng học. Thế thì một nhà văn khoa học viễn tưởng có thể viết gì đây, nếu không phải là một câu chuyện về người ngoài hành tinh và những chuyện cười kiểu nhân chủng học?

Tôi thực sự thấy thích thú với thể loại kịch ứng tác, với tôi đó là một địa hạt lí tưởng của khoa học viễn tưởng, bởi dòng chảy của tự nhiên trong nó. Tôi không hiểu vì sao ngày càng ít người mặn mà với thể loại này. Thể loại ấy, cùng một sự mở đầu, nhưng lại có thể diễn tiến theo những cách thú vị khác nhau. Nếu một người biểu diễn nào đó hét lớn “Đưa cho tôi một đồ vật”, thì đó có thể là ‘máy chữ’, nhưng cũng có thể là một chiếc ‘điện thoại di động’, cũng có thể là cái ‘tai nghe’, bất cứ thứ gì. Hành động ứng tác vẫn y nguyên, nhưng nội dung ứng tác thì thay đổi. Và có lẽ, cả những người cùng tham gia vở ứng tác ấy cũng thay đổi theo.

Thái Hà dịch

——

1 Stand–Sit–Lie Down (hay: Sit, Lie, Stand): trò chơi (mỗi lượt thường diễn ra trong vòng ba giây) trong đó người chơi (thường là 3 người tham gia) ở bất kì một thời điểm nào trong khi chơi cũng phải đàm bảo được: một người đứng, một người ngồi và một người nằm.

2 “Yes, and” [“Ừ, vậy thì…”] (cũng là tiêu đề của chuyện ngắn này): là một nguyên tắc quan trọng của kịch ứng tác. Đó là nguyên tắc chấp nhận điều một ai đó vừa nói trong cảnh diễn, coi đó là sự thật. Phần “and” (“vậy thì…”) sẽ dựa trên thực tế đã được thừa nhận ấy để xây dựng tiếp câu chuyện.

3 Chi tiết này gợi nhắc đến một câu đùa phổ biến: “Con ngựa bước vào quán bar”, ý chỉ một kẻ lạc lõng giữa đám đông, kể cả khi bước vào một không gian thoải mái giao lưu cũng đứng trơ trơ không thể giao tiếp. Chi tiết này có lẽ cũng gợi tới một tiểu thuyết nổi tiếng đạt giải Man Booker của David Grossman (Con ngựa bước vào quán bar), trong đó, lấy bối cảnh một chương trình hài độc thoại ở Israel diễn ra chỉ trong hai giờ, cuốn tiểu thuyết kể lại câu chuyện về một diễn viên hài phải đối mặt với khủng hoảng cá nhân khi thực hiện công việc thường ngày của mình, dẫn đến một loạt tiết lộ thẳng thắn và lạnh lùng về quá khứ của anh.

4 Franz Uri Boas (1858 – 1942) là nhà nhân chủng học người Mỹ gốc Đức và là người tiên phong của nhân chủng học hiện đại, được mệnh danh là “Cha đẻ của Nhân chủng học Hoa Kỳ”. Công việc của ông gắn liền với các phong trào được gọi là chủ nghĩa đặc thù lịch sử và chủ nghĩa tương đối về văn hóa.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)