Văn chương dạy chúng ta điều gì?

Theo mấy nghiên cứu gần đây thì việc đọc sách văn học khiến cho người ta thông minh hơn, giàu tình cảm hơn, và văn minh hơn. Báo New York Times bèn đặt cho một số nhà văn và học giả câu hỏi: “Văn chương dạy chúng ta điều gì về tình yêu?”

Trong những câu trả lời được tuyển đăng ngày 6/2/2014, tôi tán thành ý kiến của nhà văn Ann Patchett. Tạm dịch:

Năm 21 tuổi tôi đọc “Anna Karenina”. Tôi thấy Anna và Vronsky đúng là bạn tâm giao. Họ rất yêu nhau và do đó phải được ở bên nhau. Tôi cho là Karenin độc ác và áp bức vợ khiến cho số phận của nàng không được thỏa đáng. Còn Levin và Kitty và những người nông dân làm tôi phát chán. Tôi đọc những phần đó rất nhanh.

Năm ngoái, tôi tới tuổi 49, và tôi đã đọc lại cuốn sách. Lần này, tôi yêu Levin và Kitty. Tôi yêu tình tiết này: sau khi chị từ chối lời cầu hôn của anh, anh chờ đợi một thời gian dài cho nỗi đau của mình nguôi ngoai rồi lại cầu hôn chị một lần nữa. Tôi thích chi tiết chị đã trưởng thành trong thời gian đó và giờ đây cảm thấy có phước khi có được cơ hội thứ hai. Còn Anna và Vronsky trở nên chán phèo. Tôi cảm thấy nàng Anna ích kỷ và nhõng nhẽo. Tình cảm của tôi thiên về chàng Karenin đáng thương, một người đàn ông đã cố gắng làm người tử tế.

Văn học đã dạy tôi điều gì về tình yêu? Văn học (cùng với kinh nghiệm) đã dạy tôi rằng tình yêu là những thứ khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của chúng ta, và khi già đi chúng ta thường thiên về những câu chuyện hiền lành hơn, tĩnh lặng hơn, và nhận ra chúng phong phú hơn lúc ban đầu mình tưởng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)