Văn học queer ở Việt Nam: Hướng đến một dòng văn học thiểu số

Nhan đề của bài viết này, thoạt nghe, có thể gây thắc mắc bởi lẽ “queer”1 (tạm dịch là đồng tính, dù cách dịch như thế đã thu hẹp nghĩa của từ này khá nhiều, thậm chí còn chưa thật chính xác, vì theo nhiều lý thuyết gia, “queer” không đồng nghĩa với “homosexuality” - đồng tính) vốn dĩ đã là một cộng đồng thiểu số rồi.

Nhưng chữ “thiểu số” ở đây được hiểu theo ý nghĩa mà Gilles Deleuze và Félix Guattari nhận thấy từ văn chương Franz Kafka. Văn chương thiểu số không đồng nhất với văn chương của một cộng đồng thiểu số, được viết bằng một thứ ngôn ngữ thiểu số. Đó là thứ văn chương nằm ngoài dòng chính, nó luôn ở trong quá trình trở thành khác, nó chối từ sự đóng đinh vào những quy phạm mặc định, những định nghĩa hoàn tất, nó làm lung lay độ rắn chắc của những đối lập nhị phân trong ý thức văn hóa, nó làm phát huy sự phong phú, dị biệt vốn có trong ngôn ngữ. Văn chương thiểu số, như thế, rõ ràng là một thứ văn chương của tương lai.

Văn học đồng tính, dẫu vậy, vẫn cần đến một hình dung cơ bản nhất về nó. Ta có thể nghĩ đến một định nghĩa “lỏng” về nó: đó không phải là dòng văn học được xác lập bởi một nhóm tác giả đặc thù hay xoay quanh những nhân vật có độ nhiễu về bản sắc giới tính. Văn học đồng tính nên được xem như một dải phổ của những biểu hiện về tình trạng mơ hồ và xu hướng lệch chuẩn về giới tính vốn rất đa dạng, phức tạp từ quan hệ luyến ái đồng giới, hiện tượng giả nam/giả nữ, hiện tượng bị thiến, hiện tượng đổi vai “giới” trong nghệ thuật tự sự, các hình thức ngụy trang giới tính… Đó là dòng văn học không chỉ được xác lập bởi một lối viết đặc biệt mà còn kết quả từ sự tưởng tượng của một lối đọc đặc biệt: lối đọc queer.

Văn học đồng tính ở Việt Nam, nếu căn cứ theo định nghĩa lỏng nói trên, không phải chỉ là một hiện tượng thời sự mà đã sở hữu một lịch sử xuyên suốt nhưng dễ bị chìm lấp, bị vô hình hóa nếu như ta không thử dùng lối đọc queer để phát lộ nó. Ý nghĩa của thuyết đồng tính (queer theory) một phần quan trọng cũng nằm ở điều này: nó kháng cự lại nguy cơ bị tước mất lịch sử, bị hư vô hóa của những chủ thể bị xem là thiểu số trong đời sống. Văn học đồng tính ở Việt Nam đã có một lộ trình đi từ những hình thức ngụy trang giới tính, những phương thức chuyển vị dục cảm đồng giới mang tính ám thị, biểu trưng, gây nhiễu đến những tự thuật công khai thú nhận giới tính, những tác phẩm mà nhân vật đồng tính xuất hiện trực diện trong nhiều tác phẩm đương đại. Con số tác phẩm, tác giả của dòng văn học đồng tính đương đại không phải là một con số khiêm tốn, thậm chí đã có những tác giả đi sâu vào mảng đề tài đồng tính như Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang… và cũng đã có những tác phẩm gây được dư luận, thu hút sự chú ý của công chúng. Từ chỗ phải nép trong những ký hiệu biểu đạt kín đáo, tinh vi, người ta không ngại ngần dùng những từ ngữ quy chiếu trực tiếp về chủ thể đồng tính làm tên sách: Bóng, Điếm trai, Lạc giới, Một thế giới không có đàn bà, Đời Callboy…

Nhưng văn học đồng tính ở Việt Nam, bất chấp diện mạo phong phú nếu nhìn bề ngoài như thế, có lẽ về cơ bản vẫn là văn chương của/về một cộng đồng thiểu số hơn là một thứ văn chương thiểu số như nó nên là. “Queer” được xác định chủ yếu như một đối tượng, một đề tài, một phạm vi hiện thực vốn bị xem nằm ở ngoại biên và cách khai thác đối tượng hay mảng hiện thực ấy vẫn theo hướng tự dị lãm hóa (exotic), bị chi phối bởi thế giới quan dị giới. Ta có thể thấy điều này ngay ở cuốn Bóng – tự truyện của Nguyễn Văn Dũng, do Đoan Trang và Hoàng Nguyên chấp bút, cuốn sách tự thú công khai giới tính đầu tiên được xuất bản (năm 2008) và do đó, xứng đáng được kể đến như một cột mốc của dòng văn chương đồng tính đương đại.

Cuốn sách xuất hiện khi hình ảnh người đồng tính không còn là một cái gì quá xa lạ trên truyền thông đại chúng, nhưng đồng thời hình ảnh ấy cũng thường được lặp lại theo những công thức nhất định, tạo thành những định kiến phổ biến. Nói khác đi, truyền thông đại chúng vừa tạo ra không gian chính thống để người đồng tính công khai khẳng định giới tính của mình, không cần nép vào tôn giáo để hợp thức hóa giới tính đồng thời, khi biến người đồng tính thành hình ảnh, biên tập hình ảnh ấy theo những áp lực của kiểm duyệt và nhu cầu của thị hiếu đại chúng, truyền thông, đến lượt mình, lại tạo ra một sự trấn áp đối với người đồng tính bằng việc tạo ra những bản kẽm về họ. Trên sâu khấu hài kịch, sự gây cười bởi độ lệch tông được cường điệu trong phương thức biểu hành giới tính dẫn đến sự đóng đinh hình dung về người đồng tính: gay tức là ẻo lả, ngoa ngoắt, điệu đà… Ở điện ảnh và phim truyền hình, người đồng tính muốn được thừa nhận như một giá trị phải sở hữu những thứ quyền lực khác để có thể thao túng kẻ khác: thường đó phải là nhân vật sống ở môi trường đô thị, có tiền, có quyền, có tài, có thân thể đẹp, thích gây chú ý… Trên truyền thông báo chí, người đồng tính gắn liền với những gì thái quá. Chỉ cần đọc nhanh những mẩu tin về các vụ án mạng liên quan đến người đồng tính, ta dễ nhận thấy một cấu trúc tu từ phổ biến, theo đó, đồng tính thường sở hữu những xúc cảm tâm lý thái quá, gắn liền những dục vọng mãnh liệt về nhục cảm và bởi thế, đồng tính thường dễ mù quáng, quá khích, dã man. Đó là cách tu từ thiên về gây kịch tính mà truyền thông sử dụng để thu hút sự hiếu kỳ của công chúng. Những bản án dành cho người đồng tính, do vậy, thường ở khung hình phạt rất nặng.

Giữa những diễn ngôn phổ biến như vậy về người đồng tính trong văn hóa đại chúng, một tự thuật như Bóng thực sự có ý nghĩa xã hội đáng ghi nhận. Mục đích của cuốn tự thuật, như Nguyễn Văn Dũng tâm sự, là muốn đem đến một nhận thức đúng hơn về người đồng tính: đồng tính không phải là một tình trạng bệnh hoạn, không phải một sự lạc loài đáng xấu hổ và buộc phải che đậy cả đời. Một trong những nội dung quan trọng của cuốn sách là mô tả quá trình tự ý thức về giới tính của Dũng. Có lẽ đây chính là điều làm Dũng cảm thấy hơi tiếc vì anh không thể trực tiếp dùng lời văn để kể lại đời mình, đặc biệt là diễn biến tâm lý của chính anh. Nhưng câu chuyện của Dũng, ở chừng mực nào đó, có thể làm trực quan cho những luận điểm không dễ nắm bắt của thuyết biểu hành giới tính. Cái gọi là “đàn ông”, “nam tính” trên thực tế là một bảng phân vai gắn liền với những việc phải làm: là đàn ông, anh phải đảm nhiệm vai của đứa con trai độc nhất trong nhà, phải có nghĩa vụ kết hôn, có con để nối dõi tông đường; khi đi học, để hòa nhập với đám con trai, anh phải biết chơi những trò được mặc định là dành cho con trai, làm những công việc mà thầy giáo bảo là “việc của đàn ông”; trong một xã hội mà vấn đề an ninh quốc phòng luôn được đề cao, đến mức quốc phòng còn trở thành môn học trong trường phổ thông, làm đàn ông nghĩa là còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, “đàn ông”, như một tính từ thể hiện đẳng cấp, phải được thể hiện qua khả năng chinh phục đàn bà. Chính ở câu chuyện về mối quan hệ giữa Dũng với hai nhân vật nữ trong cuốn sách tên Hoa và Hương trong cuốn sách, ta có thể thấy được tính chất bạo lực trong diễn ngôn hằng ngày về “đàn ông”, “nam tính”, trong đó, đàn bà được xem như một thứ “vật” mà đàn ông cần phải chiếm đoạt và phô trương để khẳng định đẳng cấp của mình, để được thừa nhận là đàn ông đích thực.

Trong một xã hội dường như sự thành thực, dù là thành thực với chính mình, là điều dường như đang khan hiếm thì tự thú của Nguyễn Văn Dũng, hay bất cứ người đồng tính nào qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đều có ý nghĩa tích cực: nó thể hiện sự can đảm của những người dám sống là chính mình. Tuy nhiên, tự thuật Bóng, thẳng thắn để nhận xét, vẫn không thoát khỏi hệ quy chiếu lấy đàn ông, lấy người dị giới làm trung tâm. Điểm nhìn của cuốn sách, ngay từ chương đầu tiên, đã xác định là điểm nhìn của nạn nhân. Sẽ là bất nhẫn nếu phê bình điều này vì đó là thực tế những gì Dũng và những người đồng tính nếm trải. Nhưng điều quan trọng là nhãn quan nạn nhân ấy mang một màu sắc định mệnh: xuyên suốt cuốn tự thuật là ám ảnh của nhân vật tình trạng không có tương lai và sự bất hạnh mà nhân vật coi như số phận của mình cũng là bất hạnh được chiếu từ điểm nhìn của người dị giới, xem cuộc sống được coi là bình thường của người dị giới như là khuôn mẫu của hạnh phúc. Bản thân cuốn tự thuật cũng được kết cấu như một lộ trình mà nhân vật cùng những người đồng tính như anh cố gắng để được xã hội công nhận giá trị.

Tự thú đồng tính của Nguyễn Văn Dũng, dù rất ý nghĩa và đáng trân trọng, vẫn là một tự thú nhiều mặc cảm. Và nhìn rộng ra, mặc cảm ấy là điều dễ bắt gặp, dễ phát hiện trong văn chương đồng tính Việt Nam. Dòng văn chương ấy cần thêm sự táo bạo để khiêu khích, để chất vấn các ý niệm bản chất luận về giới tính: khiêu khích, chất vấn không phải nhằm đến sự độc tôn theo chiều hướng ngược lại mà để mở ra quan hệ mới, bình đẳng hơn, tôn trọng nhau hơn giữa các chủ thể trong xã hội. Và một điều quan trọng hơn, “queer” không chỉ nên được ý thức như một đối tượng, một đề tài, mà có thể còn như một cái nhìn, một lập trường, một thế giới quan chứa đựng không ít ưu thế vì nó thoát ra khỏi sự đối lập nhị phân về giới vốn hạn chế đi nhiều những lựa chọn khác để sống của con người.

Gilles Deleuze quan niệm, viết là sự trở thành khác: khi viết, người ta trở thành đàn ông, đàn bà. Nhưng đó không phải là sự trở thành đàn ông, đàn bà theo những hình ảnh đã mặc định mà là một kiểu đàn ông khác, đàn bà khác. Diễn giải mệnh đề “viết như sự trở thành khác” của Deleuze trong trường hợp này, ta có thể suy ra: sự viết luôn tiềm tàng khả năng cho phép người ta trở thành “queer”.

Không phải ngẫu nhiên Deleuze dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề đồng tính và gắn kết nó với ý niệm “thiểu số” được ông xác lập với nội hàm riêng. Deleuze đã nghiên cứu văn chương của một nhà văn đồng tính công khai người Pháp, Guy Hocquenghem, và nhận thấy ở nhà văn này, viết không phải sự xác nhận một bản sắc gay có sẵn, cố định trước đó mà viết là quá trình trở thành gay: “Trở thành gay, trước hết và hơn hết, liên quan đến dục cảm chứ không phải bản sắc… Dục cảm đồng tính không ngừng tự chuyển hóa, và do đó, đối với Deleuze, không có một bản sắc nào tồn tại sẵn trước đó để tự chuyển hóa. Chỉ có một cái nhãn được cho sẵn bởi cộng đồng đa số mà cá nhân người gay nhận lấy.”2 Trong trường hợp này, theo Deleuze, Guy Hocquenghem vừa là gay, vừa không phải là gay; ông ta luôn ở trong trạng thái đang trở thành. Cùng với việc tự định vị mình trong trạng thái luôn trở thành này, lôi viết của Guy Hocquenghem còn thể hiện một nỗ lực thoat ra khỏi diễn ngôn của đa số về tính dục và định nghĩa duy danh về đồng tính, để tạo ra một thứ diễn ngôn khác, phá vỡ cấu trúc tâm-biên trong ngôn ngữ vốn không nhằm phục vụ cho giao tiếp mà chỉ để quy định (prescription). Những gì mà Hocquenghem đã thể nghiệm cho thấy “queering”, về bản chất, chính là một động thái chất vấn, phản tư. “Queer”, lúc này không còn là một cái gì nhược tiểu, mặc cảm nữa: quá trình “queer” hóa giải cấu trúc độ rắn, tính xác định của những ý niệm sẵn có về giới, giải phóng áp lực về giới lên sự viết, lên ngôn ngữ. “Queer” hóa sự viết cũng chính là cách để hình thành chủ thể tự do, những cách biểu đạt tự do.

Trên thực tế, “queer” hóa trong văn học, từ lối đọc, sẽ giúp ta hình dung một được thứ vi lịch sử khác của những con người tưởng như bị vô hình hóa, bị nhấn chìm trong bạo lực của ngôn ngữ vốn luôn diễn ra công nhiên trong đời sống; từ lối viết, đó là cách tự giải phóng của chủ thể sáng tạo, làm uyển chuyển, phong phú ngôn ngữ. Người ta không còn thấy mình như một thân phận không thể thay đổi mà trái lại, khi queering thế giới và queering chính bản thân, ta đang trao cho ta một không gian linh hoạt, cơ động hơn, để được sống với nhiều chiều kích khác. Ta đang trao cho ta nhiều tự do hơn. Một tinh thần hiện sinh kiểu “queer” như thế là điều còn thiếu văn ở văn chương đồng tính Việt Nam hiện nay.

—-

1 Trong tiếng Anh, từ “queer” vốn có nghĩa gốc sự lệch chuẩn, lệch pha so với những chuẩn mực được kỳ vọng, mong đợi. Nó được dùng như một từ lóng để chỉ những người có xu hướng lệch chuẩn về giới tính, tình dục. Trong bài này, từ “queer” hay “queering” chúng tôi tạm để ở tiếng Anh trong một số trường hợp vì lúc này “queer” vừa có nghĩa về giới tính, vừa có nghĩa như là động thái làm lệch chuẩn.

2 Verena Andermatt Conley, “Thirty-six Thousand Forms of Love: The Queering of Deleuze and Guattari” (Ba vạn sáu ngàn hình thức của tình yêu: Động thái “queering” của Deleuze và Guattari) in trong Deleuze and Queer Theory, Chrysanthi Nigianni và Merl Storr biên soạn, Edinburg University Press 2009, trang 26.

Tác giả

(Visited 126 times, 1 visits today)