Văn nghệ -cơ chế- thị trường – hội nhập ?
Hội thảo về Văn hóa, nghệ thuật cơ chế thị trường và hội nhập được tổ chức tại TP. HCM vừa qua với thành phần dự chủ yếu là các quan chức và cựu quan chức văn nghệ của ban Tuyên Huấn, của các Hội văn nghệ, những người chỉ đại diện cho một phần ba đời sống nghệ thuật, hoàn toàn không có tiếng nói của những ai đang thực sự tạo ra và hoạt động hằng ngày với thị trường văn nghệ và hội nhập. Do vậy, Hội thảo chỉ nêu được phương hướng chung chung và đề đạt nguyện vọng, không đề xuất được một giải pháp có tính khả thi.
Quan điểm chủ trương luôn luôn đúng
Phát biểu tại Hội thảo: “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” vừa diễn ra tại TP HCM, đồng chí Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tinh thần cơ bản của Nghị quyết chuyên đề về văn học nghệ thuật của Bộ Chính trị được ban hành tháng 6 vừa qua là: “Đảm bảo quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ”.“Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc”, “vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy và phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Từ đó lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật phải thực sự tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy nguồn sáng tạo của văn nghệ sĩ”. Đồng thời ông cảnh báo: “…các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra sự “tự diễn biến” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa trong xã hội ta”. Do vậy cần: “…tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa từ bên ngoài”. (Lao Động 18/11)
Có thể nói Đảng đảm bảo tự do sáng tạo– là một thành tựu căn bản của tư duy đổi mới khi chuyển từ chiến tranh và bao cấp với những người nghệ sĩ chiến sĩ, nghệ sĩ cán bộ, nghệ sĩ tuyên truyền dân vận sống trong biên chế ăn lương hành chính sang hoà bình, kinh tế thị trường với người nghệ sĩ độc lập, tự do sáng tạo sống trong cơ chế thị trường.
Tư duy thế thủ và thị trường tự phát
Thị trường văn nghệ đã hình thành 20 năm nay trong một hoàn cảnh đặc biệt là toàn cầu hoá và hội nhập cùng sự phát triển vũ bão, hoàn toàn mới mẻ của các phương tiện, các kênh sản xuất, tiêu dùng, hưởng thụ văn hoá văn nghệ. Nhưng hầu như chính quyền, hệ thống chính trị đã bị động trong quá trình hình thành thị trường văn nghệ đó. Nếu trong kinh tế Đảng và chính quyền liên tục chủ động đưa ra các chính sách, các biện pháp, giải pháp, đã có những bước tiến dài trong xây dựng cơ chế, thì quản trị văn nghệ vẫn nguyên hình thái cách thức thời bao cấp, vẫn bảo thủ, giậm chân tại chỗ. Vậy nguyên nhân sâu xa của sự bảo thủ này nằm ở đâu?
Nếu trong kinh tế hàng loạt mô hình được thể nghiệm, chủ động liên tục có những thay đổi thì thị trường văn nghệ phát triển rất tự phát. Chính quyền, quy chế, biện pháp chỉ chạy theo sau, lo giải quyết những sự vụ và hậu quả mà mình không mong muốn. Thí dụ sự hình thành thị trường sách, xuất bản với các đầu nậu lúc đầu sau là liên kết và các công ty văn hóa truyền thông tư nhân. Các hãng phim tư và quốc doanh không có cạnh tranh lành mạnh, các cửa hàng bán tranh không có luật lệ buôn bán nghệ thuật dẫn tới nạn chép, nhái, làm giả, việc nhập phim và phát giờ vàng trên TV, quảng cáo và tượng đài, các lễ hội, festival… Đó là tư duy thế thủ, lo sợ (“đầy ắp lo âu”), thiếu tự tin, thiếu tin tưởng vào tài năng sáng tạo và sự tự điều chỉnh của thị trường. Sự xâm lăng văn hóa là có thật và là một nguy cơ nhưng không thể chống lại nó bằng cách phòng thủ. Muốn hội nhập kinh tế, muốn tăng trưởng chỉ có một cách là sản xuất nhiều hàng hoá, dịch vụ hơn với chất lương cao hơn. Văn nghệ cũng hệt như vậy. Không thể cấm xem phim ngoại hay hơn phim nội, không thể cấm dịch những tác phẩm nước ngoài để bảo hộ văn học nội…Trong lịch sử văn hóa dân tộc những lần hội nhập mạnh mẽ chủ động luôn thành công dẫn tới những thành tựu vĩ đại nhất. Hội nhập với Chăm và Đông Nam Á góp tạo ra giai đoạn Lý – Trần đặc sắc và văn hóa Phú Xuân. Du nhập mạnh Khổng giáo và tiếp xúc với phương Tây lần thứ nhất giúp tạo ra văn hóa Lê-Trịnh-Nguyễn và Nguyễn rực rỡ. Hội nhập với châu Âu qua Pháp và Nga dẫn tới văn nghệ thế kỷ 20 mạnh chưa từng có. Chẳng có lý do gì để thế thủ và bi quan mặc dù những cảnh báo về sự nô dịch, lai căng, mất gốc lúc nào cũng là cần thiết. (Tiểu thuyết diễm tình, tranh sơn dầu, cái áo dài, hàm răng trắng…cũng từng bị kêu là mất gốc, lai căng, suy đồi…). Văn nghệ Nhật, Trung, Hàn cũng nhờ hội nhập không run sợ mà có thế thượng phong trên thế giới như ngày nay. Nghệ sĩ của họ tung hoành ngang dọc khắp thế giới, không mặc cảm và không tự tôn chỉ làm một nghệ sĩ bình thường của thế giới ngày nay mà thôi. Ta thiếu hẳn tâm thế đó. Tự tôn và tự ti đều quá đà.
Cơ chế lủng củng
Trong cơ chế thị trường văn nghệ tự phát như hiện nay, mọi vụ xử lý, không cấp giấy phép, thu hồi, xử phạt hành chính mang màu sắc xin cho, tùy tiện và dễ cho hình ảnh mất dân chủ và bị các thế lực thù địch lợi dụng. Sự lúng túng này quá rõ khi ông chủ tịch hội Nhạc sĩ VN yêu cầu (trên TT&VH) Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương phải “như cảnh sát 113” ứng cứu kịp thời! Và ông Vụ trưởng vụ quan hệ Quốc tế Bộ VHTT (trước đây) nói tại một hội thảo của Viện Goethe rằng đã nghiên cứu nhiều mô hình quản lý văn hóa các nước nhưng chưa tìm ra mô hình nào cho VN! Hiện ta vẫn quản trị chồng chéo Bộ-Hội (tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp)- Ban Tuyên Giáo (Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng) và An ninh văn hóa (CP 25). Giấy phép của Bộ, ý kiến chỉ đạo thường có tính chất quyết định của Ban, ý kiến tư vấn của Hội (thường ba phải, rụt rè) và quyết định dừng, tạm dừng hay thu hồi… của An ninh văn hóa! Muốn biết mình được làm gì, không được làm gì người sáng tạo thực không biết hỏi ai. Khi bị “xử lý” họ cũng không biết hỏi ai, kêu ai hay kiện ở chỗ nào, nhất là với những nghệ sĩ hành nghề tự do.
Tình hình rối hơn khi thị trường văn nghệ hiện không đồng bộ. Nó gồm ba mảnh tách rời, có khi mâu thuẫn nhau và cạnh tranh không sòng phẳng. Khu vực bao cấp với tiền của Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Sở Tài chính “rót” qua các Hội văn nghệ. Báo Lao Động ngày 18/11 có bài đầy tinh thần thế thủ: “Đâu sức để đề kháng…” có nêu “đầu tư văn hóa văn nghệ nước ta là quá thấp, bình quân mỗi người chi dùng cho văn hóa chưa quá 1USD/năm. Hệ thống cơ sở vật chất quy mô nhỏ, lạc hậu…”. Không rõ đây có hoàn toàn là tiền Nhà nước đầu tư hay không và theo đường nào. Còn các Hội, nơi tổ chức phong trào thì chỉ được rót khoảng 20 tỷ/năm, nhưng lại được coi là khu vực duy nhất chính thống, nhận các hợp đồng Nhà nước, (đầy nguy cơ và thực tế tham nhũng như tượng đài ĐBP, các phim “cúng cụ”…) đưa ra xét duyệt các giải thưởng, danh hiệu… với các chuẩn khá lạc hậu và không thiếu tinh thần ăn chia (một tranh chép lại một tranh cũ của Liên Xô cũ mới đây từng được trao giải nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, các vụ khiếu nại về giải thưởng HCM, giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật… từng om sòm báo chí…) .
Khu vực của các Hội thị phần nhỏ, chất lượng thấp vẫn được bao cấp và vô hình trung đối lập với hai khu vực có thị phần lớn hơn, năng động hơn nhưng lại bị coi là “hạng hai” hoặc đối tượng để phòng ngừa là: Khu tư nhân hoàn toàn theo quy luật thị trường (thí dụ 10.000 họa sĩ và hàng trăm gallery, 30 hãng phim tư nhân và hàng loạt các nhà hát, nhóm sân khấu “xã hội hóa”, hàng chục công ty truyền thông và nhà sách…) mà chưa có luật lệ nên hệ thống các nhà quản lý văn nghệ có cảm giác “không quản được” thành ra họ giữ thế đối lập. Họ dễ dàng thấy nó có nhiều bất cập và thường mang cái khuôn bao cấp của mình ra quy chụp, đồng thời cũng dễ dàng bỏ qua không trân trọng đúng mức các giá trị văn hóa của khu vực thực sự năng động sáng tạo này. Khu vực“liên doanh” có yếu tố ngoại là thực thể hoàn toàn mới ở ta. Người nước ngoài sống, sáng tạo tại VN, một mình hoặc cùng các đồng nghiệp VN, nghệ sĩ VN làm việc ở nước ngoài một mình hoặc cùng nghệ sĩ nước ngoài; các hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh của các quỹ nước ngoài, các nhà văn hóa, tổ chức văn nghệ tư nhân nước ngoài cùng với môi trường truyền thông hiện đại đang ngày càng sôi nổi, góp phần không nhỏ vào đời sống văn nghệ, nhất là lớp trẻ và ham cái mới lại rất khó “quản” theo kiểu bao cấp. Giao lưu văn hóa được Đảng và Chính quyền cổ vũ nhưng các nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nước ngoài thường ta thán, trong làm việc gặp muôn phần khó khăn, khó hơn hợp tác kinh tế nhiều. Đây là kênh cần có cơ chế hợp tác mới, vừa cởi mở vừa chặt chẽ vì nó là đại lộ để ta hội nhập toàn cầu và kêu gọi “đầu tư” đồng thời cũng là nơi kẻ xấu lợi dụng để diễn biến và xâm lăng văn hóa. Cần có tầm cỡ, tâm huyết và tài năng để chủ động khai thác khu vực mới này và thu hẹp dần khu vực bao cấp khô cứng.
Trong 4 khái niệm Văn nghệ-cơ chế- thị trường- hội nhập thì rõ ràng cơ chế là chìa khóa!
Điều tiết vĩ mô không có nghĩa là trở về bao cấp
Hội thảo tất nhiên không đưa ra được phương án hay gói giải pháp cụ thể nào, chỉ dừng lại ở cảnh báo nguy cơ, nêu phương hướng chung chung và đề đạt nguyện vọng. Tuy nhiên cũng không ít điểm không xác thực, thiếu khoa học.
Báo Tuổi Trẻ ngày 19/11 đưa bài tường thuật. Có các đoạn như sau về các đề đạt của văn nghệ sĩ : “công tác Đảng cần nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Cảm hứng của văn nghệ sĩ thì bắt nguồn từ niềm tin và tình yêu nên Đảng cần làm trong sạch môi trường xã hội, tạo niềm tin yêu cho văn nghệ sĩ. Đồng thời Đảng cần xây dựng một hệ thống lý luận văn học nghệ thuật để làm chuẩn. Nhà nước cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành luật, thành cơ chế chính sách để đến được văn nghệ sĩ. Nhà nước cũng cần đầu tư mở rộng hơn nữa cho văn học nghệ thuật. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ được lưu ý là bám sát hơn nữa vào thực tiễn”.
Là một nghệ sĩ độc lập, từng là cán bộ quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp tôi cứ mong tường thuật trên là một sự nhầm lẫn. Không ai nuôi hộ ta cảm hứng sáng tác nếu người nghệ sĩ không tự nhen lửa trong tim mình. Không ai chờ Đảng làm trong sạch môi trường xã hội rồi mới sáng tác! (giống như chuyện vui về anh nhà văn đòi phải diệt hết ruồi rồi mới viết được!). Nghệ sĩ phải làm việc đó vì con người, vì xã hội, thời đại, dân tộc mình. Đảng đòi hỏi đảm bảo tự do sáng tác chứ không trói buôc nghệ sĩ bằng một loạt “chuẩn” giấy tờ. Trong lịch sử của Đảng ta và mọi Đảng khác chưa từng có chuyện thể chế hoá các quan điểm thành luật bao giờ (các luật gia cũng sẽ bó tay). Thể chế hóa là làm ra các luật cho thị trường, tạo khung pháp lý cho hoạt động văn nghệ chứ không phải ra mệnh lệnh, trói buộc nghệ sĩ. Điều tiết vĩ mô là tối cần thiết, chủ yếu là xây dựng cơ chế thị trường phù hợp với tình hình chứ không phải là rót thêm tiền cho cơ chế bao cấp còn lại hiện nay. Nếu cứ chi thêm tiền theo các kênh hiện nay thì chỉ tăng thêm tác phẩm xấu, lãng phí và tham nhũng chứ không thể có tác phẩm tầm cỡ như mong muốn. Xin đừng bao cấp văn nghệ sĩ từ tinh thần đến vật chất mà hãy buộc họ tự do sáng tạo trong cơ chế thị trường!
Cũng có lẽ do Hội thảo về Văn hóa, nghệ thuật cơ chế thị trường và hội nhập mà thành phần dự chủ yếu là các quan chức và cựu quan chức văn nghệ của ban Tuyên Huấn, của các Hội văn nghệ, những người chỉ đại diện cho một phần ba đời sống nghệ thuật, hoàn toàn không có tiếng nói của những ai đang thực sự tạo ra thị trường, hoạt động hằng ngày với thị trường và hội nhập. Với thành phần như vậy, thì việc Hội thảo đề xuất được một giải pháp có tính khả thi là điều không thể.