Viết – một tưởng tượng về bản sắc (Kỳ I)
Những kẻ tin vào tính sáng rõ của trật tự thế giới và sức mạnh của lý tính không thể hiểu được tại sao người ta say mê tìm kiếm cái vô hình, cái u uẩn, tìm cách níu giữ những tồn tại thoáng qua của sự sống và sự chết, tìm cách mở rộng vô số con người trong chính con người mình để nhận lấy sự hoang mang, thậm chí khốn quẫn.
Sự viết, không phải như một “sản phẩm” cơ học của chủ thể viết, mà có thể như một thứ bản ngã song trùng đầy hoang mang trong mối quan hệ với chủ thể ấy, hay cũng có thể là một phiên bản khác của chính hiện thực trong trang viết, cái hiện thực như dòng sông cuốn trôi mọi tồn tại trong khi cuốn trôi chính bản thân nó. |
Những kẻ tin vào tính sáng rõ của trật tự thế giới và sức mạnh của lý tính không thể hiểu được tại sao người ta say mê tìm kiếm cái vô hình, cái u uẩn, tìm cách níu giữ những tồn tại thoáng qua của sự sống và sự chết, tìm cách mở rộng vô số con người trong chính con người mình để nhận lấy sự hoang mang, thậm chí khốn quẫn. Người viết, bị thả nổi trong sự đa bội đầy mâu thuẫn của các bản sắc, tìm cách quên lãng chúng, đẩy chúng trôi nổi trong dòng sông thời gian.
Vậy là từ những biện giải đạo đức về kẻ “kí hợp đồng với quỷ” mang tính chất faustian gắn với huyền thoại về cuộc chiến đấu của bản ngã hướng sáng tới cuộc phiêu lưu hoảng loạn, đầy nguy hiểm của tâm thần phân rã trong tác phẩm của Dostoyevsky, (tôi chưa dành được sự yên tĩnh để nói về nỗi bồn chồn vô vọng của Kafka), trò chơi lãng quên và nhân bội của Borges, văn chương không tìm cách triệt tiêu đi, không rao giảng về các phương thức chống đỡ “căn bệnh nguy hiểm” trong tâm thần con người, mà ngược lại, dường như càng ngày càng tìm cách khuếch tán các cấu trúc tâm thần rối loạn ấy. Nỗ lực kiến tạo, nỗ lực “thêm vào” thế giới, như một cách chúng ta tưởng nhớ bông hồng vàng của Borges, không phải là một sự thất bại của con người trước “tình trạng bệnh tật” của tâm thần, hay sự bất khả tìm ra vẻ đẹp bản nguyên, nhất thể, trong sáng đầu tiên, mà có thể là một nỗ lực không ngừng phá vỡ những giới hạn của nhà tù da thịt và các thiết chế bọc nó, để giải phóng chính nó.
***
Sự viết, không phải như một “sản phẩm” cơ học của chủ thể viết, mà có thể như một thứ bản ngã song trùng đầy hoang mang trong mối quan hệ với chủ thể ấy, hay cũng có thể là một phiên bản khác của chính hiện thực trong trang viết, cái hiện thực như dòng sông cuốn trôi mọi tồn tại trong khi cuốn trôi chính bản thân nó, như Borges nhận ra từ khẳng định của Heraclitus, hẳn phải có một lý do sâu kín, một nguyên lý nằm trong bản thân sự tồn tại thiết yếu của nó trong đời sống loài người. Ở đây tôi muốn tìm động lực của sự viết nằm trong một mạch chảy không ngừng nghỉ của nó từ những nét khắc chạm đầu tiên trong các hang động cổ. Lý do sâu kín đó, cái huyết mạch cho phép các trang viết tồn tại, không bao giờ hiển hiện sáng rõ như những vật dụng chúng ta trông thấy được, không bao giờ chỉ đơn giản là “mặt vật chất” sinh lợi như tiền bạc hay danh vọng, có lẽ cũng không phải là “lý do tinh thần” như sự tìm kiếm chính mình, sự khẳng định cái tôi hay một lý do nào đó chỉ liên quan tới cá nhân một người viết, một con người xương thịt nào đó trong kiếp nhân sinh nhỏ bé, luẩn quẩn và chóng tàn. Suy tư này cho phép tôi tin rằng, mọi trang viết thực sự đều có tiềm năng vượt qua cái cá nhân đơn lẻ, cho dù nó mang vẻ cá nhân hơn hết, ngay cả khi nó từ chối đề cập đến những vấn đề chung của cộng đồng, hay khi cả người viết và các trang viết nhất định từ chối can dự trực tiếp vào các biến cố xã hội thấy được mà người đọc thường trông đợi đọc thấy một lý giải từ văn chương, nghệ thuật. Khi Borges từ chối tính chính trị của văn chương để làm một người mơ mộng, để giữ lương tri chỉ với các giấc mơ của mình, có lẽ phải hiểu ông từ chối một sự can dự thô bạo của các ý thức hệ, các định kiến, các tham vọng cải biến, các nền tảng đạo đức, các lối tư duy, hay sự can thiệp của chính chủ thể viết vào chính cái hiện thực của trang viết; mà hiện thực của trang viết, với ông, nó độc lập, sống động, cũng như hiện thực của đời sống, và cũng luôn biến đổi vô định, nó không cho phép một thiết chế sắt thép siết cổ nó, ngăn cản những mạch máu đang chảy tự do, hỗn loạn. Cũng vậy, tôi cảm thấy tính chất “vô chính phủ” trong trang viết của Dostoyevsky nuôi dưỡng sự sống của tồn tại hơn mọi thứ trật tự. Một động lực viết sâu xa trong mạch sống của nhân loại, có lẽ chính là nỗ lực bứt khỏi mọi thứ dây trói tàn bạo mà những kẻ thù vô hình giăng mắc khắp nơi.
...tôi tin rằng, mọi trang viết thực sự đều có tiềm năng vượt qua cái cá nhân đơn lẻ, cho dù nó mang vẻ cá nhân hơn hết, ngay cả khi nó từ chối đề cập đến những vấn đề chung của cộng đồng, hay khi cả người viết và các trang viết nhất định từ chối can dự trực tiếp vào các biến cố xã hội thấy được mà người đọc thường trông đợi đọc thấy một lý giải từ văn chương, nghệ thuật. |
Nhưng lý do sâu kín của sự viết ấy, sẽ ra sao khi chạm trán từng cá nhân? Những tra vấn về viết, dù luôn tiềm tàng nguy cơ trở nên sáo rỗng hay trở thành những tra vấn bất lực, thường đẩy người viết tới vị trí chênh vênh nguy hiểm của kẻ leo dây, thì câu hỏi về sự viết vẫn thường trở lại, theo cách này cách khác. Sự khó nhọc của việc tìm ra một ý tưởng khả dĩ cho câu hỏi “vì sao bạn viết” nằm ở chỗ nó sẽ dẫn tới những truy vấn rong ruổi về hành động viết, về sự tìm kiếm bút pháp, về nhu cầu của sự viết với cá nhân và sự tham dự trong cộng đồng văn chương của một tác giả… Hãy đồng thuận rằng, mỗi chúng ta đang tìm một câu trả lời cá nhân. Sự tra vấn về bản sắc cá nhân– cách trả lời này dường như dễ dàng quá. Bản sắc cá nhân, cái personal identity ấy, là gì? Có phải nó đã có sẵn và được quy định bằng dấu vân tay, bằng thể trạng sinh học, bằng tiểu sử gia đình, bằng chủng tộc, bằng quốc gia? Nó là thiết yếu cá nhân, nhưng nó liên thông ra sao với mọi tồn tại bên ngoài cá nhân đó? Sự lặp lại bất tận để tạo thành cái gì tưởng như là cố định nằm trong bản thân mỗi chúng ta, là sự thật, là sở hữu của một cá nhân, là cái để phân biệt với một cá nhân khác, là cái mỗi chúng ta tự kiểm soát được, tự xác định được, hay luôn là cái đang rối loạn, đang phân rã, mất mát, phai lãng, và mỗi chúng ta vừa nỗ lực vừa vô vọng gọi tên nó? Phải chăng mỗi cá nhân có thể tìm kiếm được bản sắc đích thực của mình? Phải chăng chúng ta có thể tìm lại được cái ban sơ? Phải chăng chúng ta có thể truy nguyên? Phải chăng chúng ta không thấy dấu vết của mình ở mọi tồn hữu của vũ trụ, cái vũ trụ hiện hình ở những thứ ta thấy được, bằng mắt, bằng tim, bằng óc, và cả những thứ còn là dạng tiềm năng cho mọi quan sát? Mọi nỗ lực định nghĩa và tự định nghĩa, phải chăng sẽ mãi là những tra vấn mang tính chất “siêu hình học”, và chúng ta sẽ cứ sống cùng nỗi băn khoăn về những mâu thuẫn không dứt về bản chất, ý nghĩa của tồn tại, các nhân tố đích thực cấu thành nó, tính thiết yếu hay ngẫu nhiên của nó?
Nếu như chúng ta không thể có, và không thể tìm được một bản sắc thực sự, chân thực, đích đáng của mình, nếu như tồn tại của mỗi cá nhân luôn là đa bội hóa, tự nhân đôi, tự phân tách và luôn luôn (bị) biến đổi không ngừng, thì phải chăng có thể tìm kiếm bản sắc đó từ sự viết? Phải chăng có thể nói tới một “phong cách cá nhân” của một tác giả nào đó định hình trong trang viết? Sự suy giảm vai trò của khái niệm “phong cách tác giả”, những cảnh báo “tác giả đã chết”, trong sáng tác và lý thuyết văn chương thế kỉ XX trở lại đây có thể minh họa cho nghi ngờ này. Những mầm mống của tiểu thuyết tự thuật, ở thời cận đại, ắt sinh ra cùng với nhu cầu ý thức về mình như một cá nhân, nhu cầu tự thú, sám hối về chính mình, với chính mình, nhưng sự phát triển thành mảng của nó ở Pháp thế kỉ XX gắn với tên tuổi của các nhà văn, nhất là các nhà văn nữ trong hành trình kiếm tìm “bản sắc” đích thực, không chỉ dẫn tới tình trạng bão hòa về “cái bản thân” trong trang viết mà còn đẩy người viết tới tình trạng không lối thoát trong cuộc truy tìm bản sắc. Xét cho cùng, người đọc có thể tin rằng ít nhiều văn chương đều là tự thuật của một chủ thể viết nào đó, bởi với sự viết, việc cho mình cái quyền tự trưng bày mình, quyền phơi mình ra cho phép người viết tìm thấy một lối thoát dễ chịu và cảm giác được khai phóng. Nhưng, chẳng hạn, việc tự do đưa vào trang viết những chi tiết hữu thực, những mối quan hệ thực tế, các tên người, các sự kiện, hay sự phô bày thân xác và đời sống tình dục có đảm bảo cho sự giải phóng cá tính hay là sự tìm thấy cá tính? Hình thức giễu nhại tự thuật hay hình thức “giả tự thuật”, tự thuật có tính chất hư cấu, ở trong tiểu thuyết, hay ở dạng phim tài liệu – hư cấu (docu-fiction) đã cho thấy sự sụp đổ của xác tín vào cái hữu thực nằm trong các sự kiện, các tên gọi, vài đặc điểm về tâm lý. “Sự thật” từ lâu đã luôn trở thành cái gọi là sự thật. Những khám phá về vô thức và triết học giải cấu trúc đã giải trung tâm niềm tin hay định kiến của con người vào sự tồn tại của một “cái tôi trung tâm” nào đó nằm trong mỗi cá thể. Chúng ta, vì cảm giác an toàn của chính mình, luôn nỗ lực xoay vần và vận động để tìm kiếm “cái tôi trung tâm” đó, nhưng chẳng bao giờ đạt tới. Và câu trả lời về bản sắc có lẽ phải tìm đến những con đường khác khi thế giới trở thành một văn bản hư cấu khổng lồ và luôn giãn nở trong vô tận các hình thù.
(Còn tiếp)