Việt Nam qua mắt một “ông Tây”

Tháng 9/2002, anh chàng Joe (28 tuổi, người Canada, bạn bè Việt Nam hay gọi là "anh Dâu") từ Hàn Quốc sang Việt Nam theo một khóa bồi dưỡng một tháng, nhưng sau một lần ăn nem chua rán ở gần phố Hàng Bông, Joe đã quyết định "Thôi! Sống ở đây cũng được!". Chịu khó học tiếng Việt, viết blog (nhật ký mạng) bằng tiếng Việt, Joe có những nhận xét rất thú vị về Việt Nam mà "người trong cuộc" thường không dễ nhận ra.

Tiền chùa
Sống ở Việt Nam mình thấy rất nhiều điều khó hiểu. Tại sao người biết ít thường giả vờ biết nhiều, và người biết nhiều thường giả vờ biết ít? Tại sao lấy vợ thì phải xem tông và lấy chồng thì phải xem giống? Nói chung 4 năm vừa rồi nhuốm mầu “tại sao”!
Nhưng duy chỉ có một điều là mình thấy khó hiểu nhất. Không phải là vì điều đó “vô lô-gíc” – rõ ràng nó có lô-gíc riêng của nó – chỉ là vì nó rất khác với những gì mình đã từng học từ khi còn rất bé, nên mình thấy nó rất “khó nuốt”. Đó là cách giải quyết vấn đề của người Việt Nam.
Mình xin kể một câu chuyện ngắn nhé. Cách đây hai năm, trong một buổi học tiếng Việt ở trường, thầy dạy bọn mình từ “tiền chùa”. Khi đó tiếng Việt của mình rất “phình phường”, chưa giỏi đâu, nên mình đã hiểu lầm, tưởng từ đó là một từ rất khôi hài, dùng để “làm tươi” không khí. Mấy phút sau, ông chủ nhiệm khoa đến, đi vào lớp và đưa cho thầy một cái phong bì nhỏ. Hôm trước cả lớp đi Bắc Ninh xem người ta hát quan họ, và phong bì đó chỉ là để trả lại tiền xe buýt thôi.
Thấy thế, mình cười, chỉ vào phong bì đó và nói “À! Tiền chùa đấy!”. Thầy choáng… Ông chủ nhiệm khoa bỏ đi, rồi thầy nhìn vào mặt mình và nói “Joe ơi. Đừng có bao giờ dùng từ đó trong những trường hợp như thế nhé!” Khi hiểu ra là mình đã nói gì và từ đó nghĩa là gì, mình thấy rất xấu hổ. Mình xin lỗi thầy, bảo rằng đó chỉ là sự hiểu lầm thôi và mình sẽ lên tầng hai ngay để giải thích như vậy cho ông chủ nhiệm khoa.
“Thôi thôi không được!”, thầy đáp. “Đó không phải kiểu Việt Nam đâu!” Mình bảo với thầy rằng ở bên Tây, nếu có vấn đề như vậy xảy ra thì mình phải xin lỗi ngay, giải thích ngay, như thế thì sẽ hết hiểu lầm. Thầy trả lời rằng ở Việt Nam nếu mình không làm gì thì “chuyện to sẽ trở thành chuyện nhỏ, sẽ trở thành không có gì.” Mấy sinh viên Trung Quốc đang ngồi trong lớp gật đầu đồng ý. Vấn đề là ở chỗ: kiểu Tây là hoàn toàn ngược lại. Nếu mình không làm gì thì chuyện nhỏ sẽ trở thành chuyện to, sẽ trở thành bom hạt nhân luôn!
Tức là theo mình biết, ở Việt Nam nếu mình cứ giả vờ không có chuyện gì thì dần dần sẽ không có chuyện gì thật.

Sự phát triển?
Theo thống kê của Trung tâm Dữ liệu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (tên dài như giảng bài) thì có 181 tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động tại Việt Nam. Đa số là tổ chức nước ngoài như “Viện Hàn lâm phát triển Giáo dục”, “Tổ chức Liên giáo hội vì hợp tác phát triển”, hoặc “Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển”. Nhưng theo mình biết thì không có một tổ chức phi chính phủ nào của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài. Thế mới lệch!
Việt Nam muốn học Tây thì okay, chả sao, Việt Nam cứ học Tây đi. Nhưng có rất nhiều điều mà chính Tây nên học Việt Nam: Sự quan trọng của gia đình; cách tôn trọng người già; cách giải quyết vấn đề nhẹ nhàng mà không nhiều người xung quanh bị ảnh hưởng; cách hát karaoke và cách làm bún chả…
Ví dụ, có nhiều tổ chức phi chính phủ của Tây sang đây bảo: “Các trung tâm nuôi dạy trẻ câm điếc, mù ở đây không tốt! Tốt nhất là các em câm điếc và mù học cùng các trẻ em ‘bình thường’ trong không khí bạn bè”. Nhưng lại không có một NGO nào của Việt Nam sang Tây bảo: “Các viện dưỡng lão ở đây không tốt. Tốt nhất là các ông bà sống cùng gia đình trong không khí tình cảm của các con, các cháu”.
Tất nhiên là phải có tiền mới được đầu tư vào xã hội của các nước khác. Nhưng tiền, mặc dù là bạn hiền, cũng không phải là tất cả. Và lẽ ra, sự phát triển toàn cầu không nên quá “một chiều” như bây giờ.
Sự phát triển không phải lúc nào cũng đi đôi với hạnh phúc…

Khi Tiếng Việt là ngôn ngữ… chung!
Sự thật phũ phàng là đa số người Tây sống ở Việt Nam lại không chịu học tiếng Việt. Họ bận. Họ mệt. Họ thấy là không cần. Chuyện này rất bi kịch. Bi kịch vì tiếng Việt – và văn hóa Việt Nam nữa – thú vị vô cùng, tuyệt… cú mèo! Liệu có một ngôn ngữ phong phú bằng tiếng Việt chăng? Liệu có dân tộc nào lại dễ gần, thân thiện như người Việt chăng? (Tất nhiên ngôn ngữ nào cũng phong phú, nhưng mà tiếng Việt thì phong phú một cách rất… Việt Nam!) Và thêm một lý do kinh tế nữa: Chỉ mỗi câu “Đùa! Tôi không phải là ‘gà’ đâu!” lại có thể tiết kiệm cho mình hàng nghìn đô-la mỗi năm khi đi chợ hay mua sắm! (Tất nhiên phải nói đúng ngữ điệu!)
Nhưng mà đời là vậy. Cho dù có nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam mà không chịu học tiếng Việt thì cũng có một cộng đồng người nước ngoài sống ở đây mà rất yêu tiếng Việt! Mình có một số người bạn đến từ nhiều nước khác nhau mà nói tiếng Việt rất giỏi, quá đỉnh luôn! Một nhóm bạn rất đặc biệt – đối với bọn mình thì tiếng Việt là một ngôn ngữ… chung!
Mình có một người bạn đến từ nước Pháp chẳng hạn. Trình độ tiếng Việt của anh ấy giỏi hơn cả trình độ tiếng Pháp của mình, còn trình độ tiếng Việt của mình lại giỏi hơn trình độ tiếng Anh của anh ấy. Thế là nói chuyện bằng tiếng Việt là đương nhiên rồi. Chắc người Việt ngồi xung quanh bọn mình ở quán cafe thấy rất buồn cười – hai người da trắng, mắt xanh (hai người mắt xanh thật!), nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt! Nhưng mà bọn mình phải thế, không có cách nào khác!
Bạn thân của mình (bạn thân nhất ở Việt Nam) là người Nhật mà không biết tiếng Anh. Bọn mình gặp nhau, làm quen với nhau và hiểu nhau bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ thứ hai. Cũng có chuyện hai người nước ngoài sang Việt Nam rồi “cưa” nhau – và cuối cùng yêu nhau – bằng tiếng Việt Nam!

(Joe’s Blog)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)