“Việt Nam” và thơ ca Mỹ
Đau lòng, nhưng là sự thật: chiến tranh hiện hữu cùng lịch sử con người. Những người săn thịt, thủy tổ của chúng ta, đã liên kết sức mạnh để chiến thắng con thú to lớn hơn bản thân họ, cũng đã đánh giết nhau để tranh con mồi. Chiến thắng có nghĩa là sống còn và giành được chiến lợi phẩm cùng ưu thế sinh tồn. Từ những trận đánh giết tranh mồi đó cho đến những cuộc chiến tranh vĩ đại sau này, ý nghĩa, qui mô, hình thức, hệ lụy của chiến tranh có nhiều biến đổi, phức tạp. Các sử gia, các nhà quân sự, chính khách, các học giả, triết gia, văn nghệ sĩ, cả những nhà khoa học, người kinh doanh, đã dành ra nhiều vô kể công sức để tìm hiểu, biện minh, phản kháng, miêu tả, khiêu chiến, lên án, ca ngợi, kinh tởm…, mà đau lòng thay, chiến tranh vẫn là một hoạt động tiếp diễn trong xã hội con người. Chiến tranh vì vậy là một chủ đề thuộc loại xưa nhất trong thơ ca. Những anh hùng ca của Homer là thí dụ. Sử thi Ấn Độ Mahabharata là một thí dụ khác. Những áng văn chương xuất sắc đầu tiên trong văn học sử Việt Nam cũng ra đời trong bối cảnh chiến tranh: Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, mặc dù Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi không dụng ý làm văn nghệ, mà làm chính trị. Thơ chiến tranh, hơn bất cứ chủ đề nào khác, mang tính chính trị. Trong hay ngoài một cuộc chiến, hay vượt lên trên, đứng ra xa cuộc chiến, dù chỉ miêu tả khách quan hay khái quát nó ở tầm nhân loại, sự đề cập đến chiến tranh luôn thể hiện một quan điểm chính trị. Trong một xã hội thống nhất một lý tưởng chính trị thì làm thơ chiến tranh rất khó, bàn về thơ chiến tranh càng khó. <span s
Lâu nay, cách khôn nhất là tránh phứt cho yên.
Đằng nào tôi cũng không phải là nhà phê bình văn học. Nhưng là người chào đời và lớn lên trong chiến tranh, tôi có một nhu cầu tự nhiên là tìm hiểu về cuộc chiến như một trong những quá trình tìm hiểu chính mình. Tìm hiểu về các phe tham gia chiến tranh, kể cả “đối phương”, “kẻ thù”, cũng là một trong những động tác của nỗ lực đó. Tôi đọc, chủ yếu cho bản thân. Những phần trích dịch dưới đây là do yêu cầu “chia sẻ” của những người bạn ra đời khi đã kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cuộc chiến tranh mà Mỹ gọi là “Vietnam”.
Đây là một “Vietnam – tháng hai, 1967” của W. D. Ehrhart:
Không khí nặng mưa và ẩm
Trời đầy mây ám
Nhơm nhớp mùi rác
Muỗi ruồi như thảm bay cưỡi gió
Ruộng lúa như những mẫu chăn vá
Sông uốn lượn, suối trào
Trâu cày những cánh đồng
Chân trời in bóng núi cao
Máy bay quần đảo rú như sấm
Đường chật lính và xe nhà binh
Tiếng pháo gầm xa xa
Cánh tay nhỏ bật tiếng gãy giòn.
Xe đò ọp ẹp đầy nhóc người
Chòi tranh mái rạ
Đàn bà gánh thúng ra chợ
Một đứa trẻ rách rưới trố mắt nhìn
những người lính đi ngang.
W. D. Ehrhart |
Trong quyển Lịch sử văn học Mỹ, Richard J. Gray nhận xét “Những bài thơ hay nhất về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là của những tác giả như Jarrell, Shapiro, và Simpson, những người thực sự tham chiến, và phần lớn, nhìn nhận cuộc chiến là tàn khốc nhưng cần thiết. Ngược lại, nhiều bài trong số những bài thơ hay nhất về chiến tranh Việt Nam là của những nhà thơ không có mặt tại chiến trường, mà chỉ can dự tưởng tượng, và quyết chí dốc sức mình để chấm dứt cuộc chiến. Adrienne Rich khẳng định “Chiến tranh chẳng ích gì cho kẻ chết”. Robert Bly chất vấn “Tại sao họ chết?” Allen Ginsberg thì loan tin: “Nay tôi tuyên bố chấm dứt chiến tranh.” Những tuyên ngôn đó thật tiêu biểu. Thi sĩ Mỹ cảm thấy họ phải dự phần; họ bị cuốn hút vào vì những điều họ đọc, họ xem trên truyền hình, những gì họ cảm thấy diễn ra trên đường phố, và xảy ra cho tuổi trẻ đất nước họ. Họ cũng có một niềm tin chắc chắn, như được gợi ra trong những bài thơ như “Dân Á đang chết” của W. S. Merwin và “Bàn thờ ngoài đường” của Denise Levertov, rằng cuộc chiến có thể được chấm dứt bằng sự góp sức của ngôn ngữ thơ ca.”
Đó là cái nhìn của một văn học sử gia, đặt bộ phận văn học chiến tranh trong tổng thể văn học Mỹ rất nhiều giai đoạn, trường phái, bút pháp, ảnh hưởng, thể loại, đề tài, v.v. Từ góc nhìn khác, xem xét thơ ca như một khía cạnh trong sự nghiên cứu toàn diện cuộc chiến tranh này, trong quyển “Bách khoa toàn thư về Chiến tranh Việt Nam: Một Lịch sử quân sự, xã hội, và chính trị” do Spencer C. Tucker chủ biên ( Encyclopedia of the Vietnam War: A Political , Social, and Military History), John Clark Pratt viết:
John Clark Pratt |
“… Những nhà thơ Mỹ, cả những người là cựu chiến binh và những người không tham chiến, qua hàng ngàn bài thơ được viết trong thời chiến lẫn thời hậu chiến, đã ghi nhận theo năm tháng sự biến chuyển, thường là kinh nghiệm và thái độ xung khắc của những người đã chiến đấu ở Đông Nam Á. Thơ của họ bao gồm từ những bài tục ca lê thê được bọn phi công chiến đấu Mỹ hát nghêu ngao, mà Joseph E Tuso sưu tập trong cuốn Hát điệu buồn Việt Nam (Singing the Vietnam Blues, 1990) đến những bài vè ngắn ngủn khôi hài in trên những tạp chí châm biếm như Grunt hay Sọc và Sao Thái Bình Dương, đến những tác phẩm xúc động, khát vọng lớn lao, sánh ngang thơ ca hay nhất của thời đại.”
Pratt chia thơ Mỹ về cuộc chiến của họ ở Việt Nam thành ba hạng mục: “thơ phản kháng chính trị, thường của các nhà thơ đã thành danh nhưng chưa từng đến Việt Nam; tiểu thuyết vần, trong đó những bài thơ kết nối theo thứ tự thời gian miêu tả kinh nghiệm chiến tranh của một cá nhân; và hàng trăm bài thơ trữ tình cá nhân, thường ngắn, trình bày sự kiện, hoàn cảnh riêng tư, phác họa tính cách”.
Những tập thơ phản kháng chính trị đáng kể là Đọc thơ chống chiến tranh Việt Nam (A Poetry Reading against the Vietnam War, 1966), Đâu là Việt Nam (Where Is Vietnam?, 1967), Thoát ra cái bóng chiến tranh (Out of the Shadow of War, 1968) và Thơ chống chiến tranh (Poetry against the War, 1972). Thập niên 1960 và 1970 cùng với báo chí, truyền hình là phương tiện truyền thông phổ biến đã đem cuộc chiến ở Việt Nam vào tận trong nhà của mỗi gia đình Mỹ. Những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến hiển hiện trên màn ảnh nhỏ đã tác động đến tình cảm và lương tri người Mỹ. Pratt nhận định: “Thơ trong các tập này phản ảnh quan điểm của các nhà văn đối với sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam qua những tham khảo về bối cảnh chính trị và cuộc chiến được chiếu trên truyền hình, chủ đề chung là chống chiến tranh. Những tuyển tập thơ này và vô số bài thơ riêng lẻ khác được xuất bản nhằm thể hiện và khẳng định tinh thần phản chiến của giới trí thức nói chung.”
Thể loại tiểu thuyết vần, đáng kể có Đơn giản Việt Nam (Vietnam Simply, 1967) của Dick Shea; Audie Murphy chết ở Việt Nam như thế nào (How Audie Murphy Died in Vietnam, 1972) của McAvoy Layne, và Những cuộc thẩm vấn (Interrogations,1990) của Leroy Quintana. Những cuốn này trình bày sự chuyển biến của những thanh niên từ nhận thức ngây thơ đến trải nghiệm vỡ mộng về sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam. Thể loại tiểu thuyết vần và những bài thơ riêng phần lớn do chính những người lính Mỹ tham chiến viết trong và sau cuộc chiến.
Tuổi trung bình của lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam là trên dưới 20, nhiều người sinh trưởng ở những thị trấn êm đềm bên Mỹ bị quăng vào đầm lầy rừng núi Việt Nam, từ những chàng trai ngây thơ biến thành kẻ giết người, và suốt đời bị ám ảnh. Họ đã tin họ chiến đấu để bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ thế giới tự do, giúp dân chúng Việt Nam chống lại Cộng sản. Đến Việt Nam họ ngộ ra một thực tế mà W. D. Ehrhart tả trong bài thơ Chiến tranh du kích:
Hầu như không thể nào
phân biệt thường dân
với Việt Cộng.
Không ai mặc quân phục.
Tất cả bọn họ nói
cùng một ngôn ngữ,
(mà nếu họ không chung tiếng nói
Mày cũng chẳng hiểu gì sất.)
Họ nhét lựu đạn
bên trong áo quần
mang theo chất nổ
trong giỏ đi chợ.
Đến cả đàn bà cũng đánh;
cả những thằng oắt con,
cả những bé gái.
Thực tế là không thể
phân biệt thường dân
với Việt cộng
thành ra sau một hồi,
mày khỏi mất công phân biệt.
Theo Pratt, chủ đề chuyển biến từ ngây thơ đến từng trải có lẽ là chủ đề thông thường nhất trong thơ của lính Mỹ. Nhiều người đã từ ghế nhà trường đi tới chiến trường ở Việt Nam, hoặc đến Việt Nam như những kẻ phản kháng theo lương tâm, sau đó trở lại giảng đường học tiếp rồi trở thành giảng viên. Trước 1975, nhiều thi sĩ – cựu chiến binh Mỹ đã tham gia những tổ chức phản chiến, dùng thơ ca để chống chiến tranh, không chỉ chiến tranh nói chung, mà cụ thể là chiến tranh Việt Nam.
Kevin Bowen |
Những chủ đề khác thường gặp trong thơ chiến tranh Mỹ vừa phổ thông vừa đặc biệt hiện đại: nỗi kinh hoàng của chiến tranh, thương vong của thường dân vô tội, kết thúc bi thảm của những cuộc đời trai trẻ, và sự phân lập chung của những giá trị đạo đức, lương tâm. Prat viết: “ Thể hiện ý thức của thập niên 1960 và 1970, một số lớn các bài thơ phản ánh cảm xúc của tất cả những kẻ tham chiến rằng cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ càng lúc càng không thể chiến thắng: cảm thức mất mát của từng cá nhân, mặc cảm tội lỗi vì đã can dự, sự bất khả tri của mọi người về toàn bộ sự trải nghiệm, sự nhận thức bị quyền lực cấp cao phản bội, và thường nhất là nỗi tức giận và cay đắng cảm nhận điều mà nhà văn Larry Heinemann gọi là “miếng thịt trên bàn” chứ không được là con ốc trong cỗ máy.”
Như bài thơ Đếm xác: Người chết ở Tây Ninh của Kevin Bowen:
Chúng tôi chẳng còn chỗ đặt họ
cho nên họ được chất thành đống, giày đinh
chỉa lên trời,
bên cái lều nát.
Họ về suốt cả ngày.
Tôi thấy một gã chạy ra khỏi cơn lốc bụi mịt mù,
ngồi bên cạnh họ, và cái nhìn của gã
khi nhận ra chỗ gã đang ngồi.
Vào khoảng trưa, đau yếu và không lết nổi
những kẻ lỡ tàu
trừng mắt hoài nghi.
Họ nằm cận kề đến nỗi dối trá quá dễ.
Họ ngủ; họ đâu có chết thật.
Một mai chiến tranh qua đi họ sẽ thức.
Với họ thì vậy thôi.
Hoàng hôn, những kẻ cuối cùng trở về từ
Cánh đồng Thiên Thần;
cỏ đã bén lửa.
Xác họ đen thui và cong giòn trong ánh sáng tím.
Bình minh, chúng tôi cho họ bay đi trong những túi đựng xác,dọn dẹp mớ bầy hầy để khoe.
Yusef Komunyakaa |
Vấn đề chủng tộc, xung đột màu da (vàng, trắng, đen) cũng là một chủ đề được khai thác. Không chỉ là xung đột đương nhiên giữa lính Mỹ và dân Việt, mà những phức tạp trong lịch sử kỳ thị chủng tộc của đất nước gọi là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được thể hiện trong thơ các tác giả Mỹ da đen. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, thì tỷ lệ lính Mỹ da đen chiến đấu ở Việt Nam là cao. Tử vong thương tật cũng nhiều. Cùng lúc với cuộc chiến diễn ra ở Việt Nam, trên đất Mỹ diễn ra cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, đòi dân quyền. Người lính Mỹ da đen từ cuộc chiến trở về đối mặt với nhiều vấn đề xã hội hơn một lính Mỹ da trắng, có chăng cái gì chung thì đó là sự mất mát, nỗi đớn đau. Trên bức tường Tưởng niệm Cựu binh Vietnam (Vietnam theo nghĩa cuộc chiến tranh Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam) ở thủ đô Washington, Mỹ, ghi tên tất cả những người Mỹ đã chết trong cuộc chiến này, chỉ vỏn vẹn cái tên mà thôi, trên nền đá hoa cương đen tuyền, bóng láng như một tấm gương, người đứng trước bức tường để đọc những cái tên đó có thể thấy ẩn hiện bóng mình, và những người khác. Yusef Komunyakaa, một nhà thơ lính Mỹ da đen, viết về vấn đề chủng tộc trong bài thơ Đối mặt nó :
Cái mặt đen của tôi mờ đi
ẩn vào bên trong mặt đá đen
Tôi nói tôi không đời nào,
mẹ kiếp: đừng khóc.
Tôi là đá. Tôi là thịt.
Cái bóng u ám của tôi ngó tôi
như con chim săn mồi, ánh của đêm
xiên ngược buổi sáng. Tôi quẹo
lối này – đá để tôi đi
Tôi quanh lối kia – tôi lại ở bên trong
bức tường Tưởng niệm Cựu binh Vietnam,
tùy ánh sáng mà
thay đổi.
Tôi dò xuống 58.022 cái tên,
nửa mong gặp
tên mình bằng những chữ cái tựa khói sương
Tôi chạm cái tên Andrew Johnson;
Tôi thấy cái nháng trắng lóa của bẫy mìn
Những cái tên lung linh trên áo người đàn bà
Nhưng khi bà bước đi
những cái tên ở lại trên tường.
Vụt ra từ bụi rậm, cánh chim đỏ
cắt ánh mắt tôi nhìn đăm đăm.
Bầu trời. Bầu trời có một máy bay.
Bóng một cựu binh trắng lướt
đến gần tôi, rồi đôi mắt anh nhợt nhạt
nhìn thấu mắt tôi. Tôi là khung cửa sổ.
Anh đã mất cánh tay phải
bên trong tường đá. Trong mặt gương đen
một bà đang cố xóa những cái tên:
Không, bà đang xoa đầu một đứa bé.
McAvoy Layne |
Bruce Weigl |
Đa số những bài thơ riêng lẻ mang nét đặc trưng “ngồn ngộn” chi tiết về kinh nghiệm chiến trường: “chiến trận, bạn bè chết, mùi của rừng già, hỏa tiễn dập, bị thương, thấy đàn bà trẻ em Việt Nam bị giết, xác người bọc trong túi ny long, hiếp dâm, đến và di khỏi Việt Nam, cảnh đường phố, vẻ đẹp của nông thôn, ký ức về chiến tranh sau khi hoàn thành thời hạn ở Việt Nam, những phi vụ ném bom, những lá thư nhà. Thẳng thắn một cách tàn nhẫn, ngôn ngữ của nhiều bài thơ tiêu biểu cho thực tế ngôn từ thịnh hành đương thời, đầy tiếng lóng và lời lẽ báng bổ của lính, thường phải dùng tới bảng chú giải để hiểu bởi vì liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử cũng như nhân vật và địa danh đặc biệt.”
Nhiều nhà thơ cựu chiến binh Mỹ đạt được những thành tựu văn học xuất sắc. Có thể kể một số nổi bật: Yusef Komunyakaa là một, tác giả tập thơ Dien Cai Dau (1988), nhiều bài thơ tuyển lại từ tập này được in lại trong tập Neon Vernacular: New and Selected Poems (1993), được trao giải thưởng Pulitzer năm 1994; Walter McDonald, tác giả tập thơ Sau âm thanh của Sài Gòn (After the Noise of Saigon, 1988); Bruce Weigl, tác giả tập thơ Bài ca Napalm (Song of Napalm, 1988); W. D. Ehrhart, với tập thơ Một thế hệ hòa bình ( A Generation of Peace, 1977); John Balaban, tác giả tập thơ Núi Lam (Blue Mountain, 1982); và Kevin Bowen, tác giả Chơi bóng rổ với Việt Cộng (Playing Basketball with the Viet Cong, 1994).
Tác phẩm của họ xuấn bản, gây được tiếng vang và đạt giải thưởng. Nhiều tuyển tập nhiều tác giả được liên tục xuất bản trong những thập niên qua. Các tuyển tập đáng kể: Lắng nghe: Chiến tranh (Listen: The War, 1973), Vùng phi quân sự: Cựu binh sau Vietnam (Demilitarized Zones, 1976), Hòa bình là sự nghiệp của chúng ta (Peace is Our profession, 1982), Mang theo bóng tối: Thơ ca chiến tranh Việt Nam (Carrying the Darkness: Poetry of the Vietnam War, 1985). Khi chủ biên một tuyển tập thơ nữa về chiến tranh Việt Nam, Lòng bác ái đột xuất (Uncustomed Mercy) W.D. Ehrhart lý giải vì sao cuộc chiến đã qua rồi mà nhu cầu về những tập thơ này vẫn còn: “Tôi tin là người ta có thể tìm thấy nhiều sự thật trong những bài thơ này hơn bất kỳ trang sử nào từng được viết ra. Có nhiều điều học được từ thơ ca, và những nhà thơ đó là những người thầy có năng lực.”
Chúng ta, người Việt, với hai phần ba dân số ra đời sau chiến tranh, không còn bận lòng nữa với quá khứ, với tâm thế kẻ chiến thắng, đã tiếp tục lịch sử lâu dài của mình trong hơn ba thập niên thanh bình. Nhưng với nước Mỹ sau Vietnam là những cuộc chiến khác. Những nhà thơ lính Mỹ, dù nay đã già, không thể ngủ yên, như trong Cõi dế của Bruce Weigl:
Bởi vì nó là con dế cuối cùng còn sống
trong thế giới thủy tinh mà con trai tôi dựng lên
cho mấy con thằn lằn của nó
con dế bèn hát
bằng mấy cái chân lưỡi cưa lóng lánh
Trên nhánh chĩa ba chúng tôi cắt ra từ cây vân sam,
mấy con thằn lằn đè lên nhau ngủ
và chớp chớp như thể con nào cũng
khám phá được một ngôi sao để bám vào
Bụng chúng no nê,
chúng không còn nghe cũng chẳng ưa gì
bài ca con dế
nghe như tuyên ngôn rành rọt chống lại thời gian.
Từ dưới hòn đá duy nhất
Con dế cuối cùng kể chuyện.
Tất cả những con dế khác,
chúng ta chẳng nhắc tên làm gì vì những cái tên đã mất,
đã ra đi trước đó như thế nào.
Họ chẳng để lại giận hờn, hay nuối tiếc.
Thế giới này vắng họ cũng chẳng thêm hay bớt
Bởi vậy con dế cuối cùng phải cất tiếng ca.