Vú thiêng, vú phàm và một lịch sử của văn minh

“Lịch sử vú” là một cuốn sách “có chủ đề vô tiền khoáng hậu và thành công ngoạn mục trong việc hòa trộn giữa mỹ học và chính trị”1, viết về bộ phận được cho là mang chở nhiều ý nghĩa biểu tượng nhất trên cơ thể phụ nữ.

Bức tranh The Birth of the Milky Way (Sự ra đời của dải Ngân hà) do họa sĩ Peter Paul Rubens vẽ vào thế kỷ 17.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

(Bánh trôi nước –

Hồ Xuân Hương)

Công trình mở đầu cho nghiên cứu liên ngành về cơ thể

Trước khi thấu cảm nội dung của cuốn sách này, bạn sẽ gặp giọng điệu và tâm hồn của một người phụ nữ, nói với bạn những điều tha thiết về thân phận của giới mình. Tác phẩm mở đầu bằng một nhận định có thể gây sốc: “Tôi có ý định làm cho bạn suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây”. “Khởi thủy là vú” linh thiêng, khi các nữ thần, nữ tư tế, những người phụ nữ trong kinh thánh và Đức Mẹ đồng trinh được tôn vinh, kính ngưỡng vì đã trao bầu vú của mình đem lại sự sống cho nhân loại. Ta cũng được nghe về các huyền thoại kỳ thú, chẳng hạn sự tích dải Ngân hà là do dòng sữa của Hera (vợ thần Zeus) phun ra trong cơn giận dữ, vì nữ thần phát hiện có một đứa trẻ không phải do mình sinh ra “bú trộm” khi bà đang ngủ, hòng có được khả năng bất tử của thần linh. Bước vào đời sống thế tục, vú trở thành vú gợi dục, hiện thân nơi các tình nhân của hoàng gia, các cô gái thanh lâu hạng sang tử tế, có người nhờ tài năng và nỗ lực, đã vươn lên địa vị cao quý, tham gia vào hoạt động sáng tạo ý nghĩa văn hóa thông qua văn học. Đến thời hiện đại, ở Hà Lan, ở Pháp, vú trở thành “vú quốc dân” biểu tượng cho sự phồn thịnh, hay nữ thần tự do dẫn đường cho dân tộc. Trong diễn ngôn khoa học, vú đi vào lĩnh vực tâm lý học và y học, là ngọn nguồn của mọi khao khát, dục năng hướng về sự sống cũng như đe dọa cái chết. Vú cũng trở thành động lực quan trọng của các hoạt động kinh doanh thương mại, từ coóc-xê đến tình dục qua mạng. Và chỉ đến rất gần đây, vú mới mang những sắc diện mới của vú tự do trong chính trị, thi ca và tranh ảnh. Ở thế kỷ XX, vú dự phóng khả thể mới của sự giải thoát khỏi những quan niệm áp đặt lên mình từ bao vòng kiềm tỏa của xã hội và văn hóa, dù sự giải phóng thực sự vẫn còn nằm ở thì tương lai.

Dẫu cách phân loại theo thời gian và không gian cụ thể của Yalom có phần võ đoán (lần lượt theo các chương là “vú linh thiêng”, “vú gợi dục”, “vú quốc dân”, “vú chính trị”, “vú tâm lý”, “vú thương mại”, “vú y học”, “vú tự do”, “vú trong khủng hoảng”), song cái nhìn liên ngành cho phép người đọc có được hình dung khá toàn diện về việc một bộ phận thân thể đã được diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau kiến tạo như thế nào. Từ đó, ta hình dung ra diện mạo của vú trong văn hóa phương Tây. Lịch sử vú, vì thế, còn là lịch sử của văn minh. Dù đa dạng và trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn với hai ý nghĩa trái ngược, tạo nên sức căng cho cả chủ thể nữ – người mang vú – lẫn những chủ thể chiếm dụng vú cho các mục đích riêng: thiêng liêng và phàm tục; cho bú và tình dục; nuôi dưỡng và khơi lên dục vọng; đẹp đẽ, cao quý và gây hiềm khích, nguy cơ; tốt và xấu; mang lại sự sống và hủy diệt sự sống.

Nội dung khiêu dâm, thứ nối kết giữa tình dục và bạo lực, và do đó góp phần vào nỗi sợ hãi bị xâm phạm thực sự của phụ nữ, sẽ không thể phát triển dưới ngọn cờ tự do ngôn luận.

Từ việc phân tích các ý nghĩa được kiến tạo này, tác giả đưa ra những quan điểm nữ quyền sâu sắc và táo bạo của mình, với tư cách vừa là người nghiên cứu, vừa là người trực tiếp trải nghiệm việc quy gán ý nghĩa. Bao quát một phạm vi tư liệu rộng, Marilyn Yalom đưa người đọc vào chuyến du hành vượt thời gian (khoảng 25.000 năm, từ thời cổ đại đến hiện đại), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ…), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…).

Những quan điểm nữ quyền sâu sắc và táo bạo

Câu hỏi đầu tiên mà Marilyn Yalom đặt ra trong phần dẫn nhập vào cuốn sách là “Vú thuộc về ai?”. Và các dữ liệu cùng phân tích cho ta câu trả lời: trong lịch sử, vú đã luôn nằm dưới bàn tay kiểm soát của nam giới: “Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đô la. Các nhà chức trách tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức, như thể nó là phiến đá nguyên khối không thay đổi. Tính đa nguyên này của ý nghĩa gợi ra vị trí đặc quyền của vú trong trí tưởng tượng của con người”. Không chỉ về mặt ý nghĩa, bầu vú lý tưởng trong lịch sử còn thay đổi về hình dáng (lúc như quả ngư lôi, lúc mang hình viên đạn, lúc là trái táo, khi là trái dâu tây…) và kích cỡ (lúc càng to càng tốt, khi càng nhỏ càng sang). Tác giả, bằng cái nhìn đậm sắc thái hài hước, còn nói với ta: bạn muốn vú to lên hay nhỏ đi ư? “luôn có các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, và thậm chí cả những nhà thôi miên hứa hẹn thay đổi kích cỡ vú thông qua sức mạnh của tinh thần. Một nhà thôi miên nói rằng anh ta có thể nâng vú bạn lên trong một chương trình kéo dài 12 tuần với giá 375USD; dưới trạng thái thôi miên, anh ta đưa khách hàng trở lại tuổi dậy thì và yêu cầu họ “giải phóng sự ức chế vú” mà họ đã từng trải qua khi còn là con gái. Vâng, các lang băm vẫn đầy rẫy quanh đây, như thường. Nhưng những người chữa bệnh chân chính cũng vậy. Nói theo cách giống như Proust, tin vào y học thì điên rồ lắm, mà không tin vào nó thì còn điên hơn”.

Điều đáng chú ý là tác giả còn đưa ra những quan điểm vô cùng sâu sắc và đáng suy nghĩ về cơ thể, về nội dung khiêu dâm, về quyền tự do, cũng như ý nghĩa của việc làm người. Phản hồi với cuộc tranh luận đương thời về việc nên hay không nên tồn tại nội dung khiêu dâm nhân danh tự do biểu đạt, bà đưa ra quan điểm của mình: “Cuộc chiến quốc gia hiện nay chống lại phim ảnh khiêu dâm phản ánh sự đối lập ngầm giữa hai khái niệm tự do được người Mỹ yêu mến: tự do ngôn luận và tự do thoát khỏi sợ hãi. Trong bầu không khí bạo lực đang thịnh hành ở Hoa Kỳ, nhiều người, bao gồm cả tôi, tin rằng phim ảnh khiêu dâm không được kiểm soát, giống như thứ vũ khí không được kiểm soát, sẽ làm suy yếu quyền tự do thứ hai. Tự do khỏi nỗi sợ bị xâm hại – khỏi bị lạm dụng tình dục, bị bắn, bị đánh đập và bị hãm hiếp – là mối quan tâm thường xuyên của nhiều phụ nữ, và đó là mối quan tâm xứng đáng được pháp luật bảo vệ nghiêm cẩn. Theo tôi, nội dung khiêu dâm, thứ nối kết giữa tình dục và bạo lực, và do đó góp phần vào nỗi sợ hãi bị xâm phạm thực sự của phụ nữ, sẽ không thể phát triển dưới ngọn cờ tự do ngôn luận.” Và ý kiến của bà nhận được nhiều sự đồng tình.

Dù không liên quan gì đến ngực nhưng những quảng cáo như xe hơi, nhà cửa thường “tận dụng” hình ảnh gợi cảm của phụ nữ. Nguồn ảnh: blogxe.


Nói về ý nghĩa của đời sống con người, của việc tiếp xúc với nhau về mặt thân thể, bà cũng có những suy tư rất sâu sắc: “Đặt vấn đề sức khỏe sang một bên, việc tăng kích thước vú và dương vật là những thú nhận đáng buồn của việc chúng ta không thể kết nối với nhau như những con người trọn vẹn. Nếu chúng ta không phải là gì hơn là vú và dương vật, thì sao không chỉ đơn giản là mua, cho nam giới, một trong những búp bê cao su có kích thước như người thật như “Milky Maid” và “Lastex Lass”, được cung cấp bởi những nơi được gọi là cửa hàng người lớn, hoặc, mua cho nữ một cái dương vật giả có chiều dài mong muốn?”.

Thông điệp đầy nhân văn mà Marilyn Yalom muốn truyền đạt đến chúng ta là hãy yêu thương và quý trọng cơ thể mình. Hãy đủ tỉnh táo để nhận ra những ý nghĩa được kiến tạo và áp đặt lên cơ thể. Cùng với việc chỉ ra vú được “triều đại của dương tượng” kiến tạo như thế nào, bà cũng dành những trang viết rất xúc động về cách người phụ nữ tự biểu đạt mình, trong thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh, nơi dường như vú không còn bị phân mảnh. Và có lẽ phần tươi sáng nhất của cuốn sách là phần hình dung về tương lai của bầu vú được giải phóng:

“Là máu thịt của phụ nữ, vú xứng đáng được tôn trọng không kém sự tôn trọng dành cho các bộ phận của cơ thể con người mà những người văn minh được trông đợi là sẽ khoe ra. Phải thừa nhận rằng, một số bộ phận trên cơ thể có sức hấp dẫn nổi bật hơn những bộ phận khác. Mặc dù vú vẫn mang trong mình gánh nặng của những kỳ vọng về văn hóa và tình dục, nhưng nhiều phụ nữ hy vọng sẽ thấy ngày mà vú của họ không phải chịu đựng một gánh nặng như thế. Có thể ngày đó sẽ đến khi vùng ảnh hưởng xung quanh vú sẽ được quy giản hợp lý xuống mức của sự kích thích tạo ra bởi cái đầu gối hay đùi mà thôi. Có lẽ các cháu gái của chúng ta thậm chí sẽ có thể để hở vú, nếu chúng lựa chọn như thế, mà không sợ bị chỉ trích về đạo đức, bị tòa án xử lý hoặc bị cưỡng hiếp.

Cách đây không lâu, phụ nữ đã liều lĩnh phản ứng như vậy khi để hở chân. Vào giữa thế kỷ XIX, một số gia đình trung lưu của Mỹ và Anh thậm chí còn che chân đàn piano bằng vải và gọi chúng một cách trang trọng là “chân”. Mặc dù chúng ta có xu hướng quên đi, nhưng sự giải phóng đôi chân của phụ nữ là một hiện tượng rất gần đây thôi. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những bức ảnh gia đình để nhớ lại, trong và ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đôi chân đã trút bỏ xiềng xích của đôi bốt cao và những chiếc váy dài, nặng nề vướng víu nhanh như thế nào. Ngày nay, khi đôi chân để trần đã thành một điều hiển nhiên trong thế giới phương Tây, có những khu vực mới cần được khám phá. Liệu bầu vú được giải phóng của thế kỷ XXI có đòi hỏi và đạt được quyền khỏa thân nơi công cộng hay không?”

Bên cạnh các trang dữ liệu và phân tích phong phú, cuốn sách còn có 99 hình minh họa, lấy từ nhiều phương tiện truyền thông trong lịch sử phương Tây. Thật ngẫu nhiên là số hình minh họa này dừng ở con số 99 (thay vì 100), như một mở ngỏ để chúng ta, cùng với tác giả, tiếp tục suy tư.

Marilyn Yalom và chúng ta

Là một công trình khảo cứu rất công phu, cuốn sách cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi. Benjamin Roberts cho rằng Yalom đã đơn giản hóa nam giới khi dồn toàn bộ khoái cảm của họ chỉ vào bầu vú2. Ông đưa ra ví dụ, chẳng hạn trong phim Bệnh nhân người Anh (The English Patient – 1996), trái tim của chàng bá tước Almasy đã loạn nhịp không phải trước bầu vú trần, mà là trước vết hõm trên xương ức ẩm ướt nằm ngay dưới yết hầu của người yêu. Londa Schiebinger, dẫu thừa nhận rằng quả tình Yalom thuyết phục ta rằng vú có đời sống của riêng mình, cuốn sách của bà vẫn có một số điểm cần bàn thêm3. Thứ nhất là bà không biện minh vì sao không đề cập đến vú của nam giới, trong khi có những thảo luận, chẳng hạn ở thế kỷ XVIII, về việc nhiều bác sĩ có xu hướng lập luận rằng nam giới cũng có thể cho con của họ bú, hoặc vì sao một số nam giới phát triển vú rất lớn. Thứ hai là bà đã không bàn đến lịch sử phong phú của chế độ thuộc địa và nhân học hình thể, nơi vú đóng vai trò đặc biệt trong việc quy cho con người trên cả địa cầu vị trí của họ nơi chuỗi giá trị được cho là tự nhiên và đạo đức. Hơn nữa, cuốn sách cũng không cung cấp nhiều so sánh xuyên văn hóa, ngoại trừ phần về cấy ghép silicone có nhắc đến Pháp, Mỹ, Argentina và Brazin. Một công trình đậm đặc dữ liệu như thế này đồng thời cũng làm nảy sinh một nhu cầu có các công trình lý thuyết chỉ ra mối quan hệ giữa các dự án nghiên cứu cơ thể từ quá khứ đến hiện tại.

Ngày nay, khi đôi chân để trần đã thành một điều hiển nhiên trong thế giới phương Tây, thì liệu bầu vú được giải phóng của thế kỷ XXI có đòi hỏi và đạt được quyền khỏa thân nơi công cộng hay không?

Chính trong bối cảnh này, tôi tin rằng các nghiên cứu ở Việt Nam sẽ góp phần cung cấp thêm dữ liệu xuyên văn hóa, khi trong lịch sử, chúng ta cũng có vật ái mộ của riêng mình mà không phải là vú (“Trăm quan mua lấy miệng cười/ Nghìn vàng không tiếc tiếc người răng đen” – Ca dao). Vật ái mộ này ám ảnh các nam nhân trí thức (chẳng hạn Phạm Quỳnh, Vũ Trọng Phụng…) không chỉ đầu thế kỷ XX, mà cả đến thời kỳ kháng chiến chống pháp (Thơ Hoàng Cầm: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”). Trong văn học truyền thống, ta có những câu ca dao hài hước về vú “Vú em chum chúm núm cau/ Cho anh sờ tí hễ đau anh đền/ Ngày mai đi chợ Cầu Dền/ Anh mua vú khác anh đền vú em”. Trong cơn lốc của việc cấy ghép silicone để làm to vú dưới ảnh hưởng của truyền thông phương Tây, xã hội Việt Nam cũng có những trường hợp làm rúng động dư luận như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, và những bộ phim giải trí đình đám xoay quanh việc phẫu thuật thẩm mỹ như Scandal 2 của Victor Vũ (2014)… Trong thời đại khi mạng xã hội là phương tiện giao tiếp chính và con người dựa rất nhiều vào hình ảnh để “phục trang bản ngã” như hiện nay, việc quan tâm đến các nghiên cứu lý thuyết về biểu đạt cơ thể ở Việt Nam thực sự cũng là cần thiết.

Tóm lại, cuốn sách này dành cho những người quan tâm đến vấn đề cơ thể trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Là một cuốn sách nghiên cứu, song Lịch sử vú hấp dẫn chúng ta bằng thứ văn phong khi nghiêm cẩn, khi trữ tình, khi hài hước. Người dịch trong quá trình chuyển ngữ đã có được rất nhiều niềm vui thú vị, bất ngờ. Và tôi hy vọng chia sẻ những điều này đến bạn đọc.□
————

Marilyn Yalom – một đời học thuật đam mê và ý nghĩa

Marilyn Yalom, tên thời con gái là Marilyn Koenick, sinh ngày 10/3/1932 tại Chicago. Bà lấy bằng tiến sĩ về văn học so sánh tại đại học Johns Hopkins vào năm 1963. Là một học giả xuất sắc, người sáng lập Viện Nghiên cứu về phụ nữ và giới (Institute for Research on Women and Gender) tại Đại học Stanford, nay là Viện nghiên cứu giới Clayman, bà viết rất nhiều cuốn sách hiện đã được dịch ra 20 thứ tiếng, trong đó có thể kể đến: Những chị em ruột: Cách mạng Pháp trong ký ức của phụ nữ (Blood Sisters: The French Revolution in Women’s Memory – 1993),  Lịch sử người vợ (A History of the Wife – 2001), Người Pháp đã phát minh ra tình yêu như thế nào (How the French Invented Love – 2012)… Nghiên cứu của bà tập trung vào các vấn đề hôn nhân, gia đình, tình yêu, tình bạn… của phụ nữ trong lịch sử, bên cạnh chủ đề về nơi yên nghỉ và cái chết mà bà đặc biệt quan tâm về cuối đời. Bà được đánh giá là có đóng góp rất lớn trong sự phát triển của nghiên cứu giới nói chung, nghiên cứu phụ nữ nói riêng, ở một thời điểm khi các khoa nghiên cứu giới còn khá hiếm, và có ít phụ nữ tham gia vào lĩnh vực học thuật. Bà đã sống một cuộc đời đầy đam mê, trung bình ba đến bốn năm ra một cuốn sách4. Cuốn Trái tim say đắm: Một lịch sử phi quy ước của tình yêu (The Amorous Heart: An Unconventional History of Love) xuất bản năm 2018, chỉ một năm trước khi bà qua đời. Ở tuổi 87, khi phát hiện ra mình bị ung thư tủy, Marilyn vẫn cùng chồng – người bạn tâm giao và là người chia sẻ niềm vui trí tuệ trong 65 năm – viết chung cuốn sách xuất bản sau khi bà quyết định dùng biện pháp hỗ trợ y tế để chấm dứt sự sống. Yalom để lại cho chúng ta hình ảnh thật đẹp về cuộc đời một học giả sống đam mê và trọn vẹn, ra đi thanh thản và bình yên khi đã hoàn thành những sứ mệnh của cuộc đời mình5.

——-

* TS. ĐH Sư phạm TP HCM

1 Donna Seaman, “A History of the Breast”, Booklist, vol 93, no. 11, ngày 1 tháng 2 năm 1997, tr. 912.

2 Chi tiết xin xem: Benjamin Roberts, “A History of the Breast”, Journal of Social History, summer 1999, trang 951-953.

3 Chi tiết xin xem: Londa Schiebinger, “A Life of Their Own”, The Women’s Review of Books, Vol. 14, No. 9 (Jun., 1997), pp. 10-11.

4 Bà đã từng nói, nếu không báo nào chịu đăng bài tạp chí của bạn, thì hãy viết một cuốn sách.

5 Bà cũng là một hình ảnh đẹp khi cho ta thấy rằng, cái chết sinh học không hẳn là chấm dứt hoàn toàn sự sống. Hai năm sau khi bà qua đời, hai cuốn sách mang tên bà vẫn được xuất bản, cuốn Innocent Witnesses: World War II Viewed by Children và A Matter of Death and Life (viết chung với chồng).

Tác giả