Vũ Trọng Phụng trích dẫn Maupassant, hay một ví dụ về liên văn bản

Sự tiếp nhận Số đỏ sẽ ít nhiều bị thiếu hụt nếu ta không biết tới hai truyện ngắn La Patronne và  Le crime au père Boniface của Maupassant.

Hãy mặc định là ta đang đọc Số đỏ

Đã đến chương XIX (ta gọi “chương” đã là lạm quyền, vì tác giả chỉ đặt tên cho mỗi đoạn truyện một thứ tự bằng chữ số La Mã). Lại cũng đã qua cái chuyện thứ nhất của chương này: sự việc dân chúng Hà Thành đón rước hai vua Việt và Xiêm từ ga Hàng Cỏ về phủ Toàn quyền, tại đây, Xuân Tóc Đỏ bị kẻ tình địch thuê người lén bỏ truyền đơn vào túi quần, nhưng đã biết trước và kịp thời chia đôi nắm truyền đơn ấy rồi bỏ sang túi quần hai nhà quán quân quần vợt Bắc Kỳ là Hải và Thụ, khiến cả hai bị bắt giam. Xong rồi, Xuân trở về nhà bà Phó Đoan, nơi Xuân được sắp xếp một căn phòng riêng trong thời gian lưu lại đây để… trông nom việc chữa bệnh cho cậu Phước “em chã”.

Lạ là ngày hôm ấy, bà Phó Đoan không ra phố, không đi đón vua, cũng không đi xem thiên hạ đón vua. Xuân hỏi đến bà thì bà bưng mặt khóc! Xuân phải quát lên: “Mợ làm nũng vừa vừa chứ…!” Bà liền phân trần bằng cách đưa ra hai tờ tuần báo Con Vẹt trên đó có đăng hai truyện mà bà bảo với Xuân “Họ viết chuyện họ riễu chúng mình đấy!” Bà tức lắm, chỉ muốn đi kiện cho cái nhà báo ấy một mẻ! Bà bảo Xuân đọc đi, nhưng Xuân cầm đến hai tờ báo rồi vứt xuống: “Thôi đi đừng bịa! Họ dịch của Tây, xem làm thèm vào!” – “Ờ! Thế mà sao lại y như họ nói anh và tôi! Xấu hổ lắm đấy…”

Ở tình tiết này của Số đỏ, tên tờ tuần báo Con Vẹt chắc chắn là một cái tên hư cấu. Trong các danh mục báo chí tiếng Việt trước 1945 không hề có tờ nào có tên như vậy, tuy có những tên khác, khá gần nghĩa với tên ấy, ví dụ các tờ trào phúng Con ong, 1939-1940, của chủ nhiệm Nghiêm Xuân Huyên, Vịt đực, 1938-1939, của chủ nhiệm Vũ Đình Chí. [1] Tuy nhiên, hai cái truyện dịch mà người kể chuyện cho biết là được đăng trên tờ báo hư cấu ấy thì xem ra lại là hai tác phẩm có thật, tuy thật ra chưa hề được dịch in. Trong Số đỏ viết rõ: đó là truyện La Patronne, được dịch là  Bà chủ, và truyện Le crime au père Boniface, được dịch là  Vụ án mạng của bác Phắc-tơ, đều là truyện ngắn của nhà văn Pháp Guy de Maupassant (1850-1893).

Không khó để tìm thấy hai tên truyện La Patronne và  Le crime au père Boniface trong danh mục tác phẩm của nhà văn G. de Maupassant trên trang mạng Wikipedia.org chữ Pháp, và cũng không khó để tìm được toàn văn hai truyện này trên trang mạng Wikisource.org. Truyện La Patronne được đăng trên tờ Gil Blas ngày 1/4/1884, ký tên De Maufrigneuse, sau đó được đưa vào tập sách Les Sœurs Rondoli gồm 15 truyện ngắn, ký tên Maupassant, do nhà xuất bản (l’ éditeur) Paul Ollendorff ấn hành cũng trong năm 1884; truyện Le crime au père Boniface được đăng trên tờ Gil Blas ngày 24/6/1884, sau đó được đưa vào tập sách Contes du jour et de la nuit gồm 21 truyện, ký tên Maupassant, do Marpon-Flammarion ấn hành năm 1885.

Tôi đã đưa cả hai truyện ngắn chữ Pháp kể trên nhờ nhà văn Châu Diên dịch giúp; sau một tuần, ông đã gửi lại bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh. Rất cảm ơn ông.

Quả là sự tiếp nhận Số đỏ sẽ ít nhiều bị thiếu hụt nếu ta không biết tới hai truyện ngắn này của Maupassant. Ít nhất, ta cũng sẽ được biết thêm rằng tác giả Số đỏ có dụng ý “trích dẫn” hai truyện của nhà văn Pháp để nối chúng với văn mạch câu chuyện Số đỏ.

Xin lược qua hai truyện ngắn trên.

La Patronne (Bà chủ) là câu chuyện do nhân vật chính, Georges Kervelen tự kể. Chàng trai quê này được cha mẹ cho lên Paris học trường Luật, lại thuê sẵn cho trọ ở lầu năm một ngôi nhà chật chội ở phố Saints-Pères; bà chủ Kergaran, trạc bốn mươi tuổi, quản lý các khách trọ rất nghiêm khắc. So với mấy sinh viên cùng trọ, Kervelen tỏ ra bất trị hơn trước những yêu sách quản lý khá nghiêm ngặt của bà chủ, nhưng chính vì vậy chàng và bà ta lại hơi thân nhau. Rồi chàng trai quê ở giữa Paris sớm có mẩu “tình vụn” với một cô gái làm công cho một nhà hàng. Chàng tìm cách đưa cô Emma ấy về phòng riêng lúc 11 giờ đêm để… uống trà! Rất khó leo lên hết 5 tầng cầu thang mà không gây tiếng động, tuy vậy cả hai cũng đã ở trong căn phòng. Vào lúc trên mình Emma chỉ còn chiếc váy trắng ngắn thì cửa bật mở, bà Kergaran cầm nến bước vào, trên mình bà cũng chỉ mỏng manh như Emma. Bà yêu cầu chàng trai giúp cô gái mặc nhanh quần áo để cô ra khỏi ngôi nhà của bà ngay lập tức. Cô gái lúng túng vội vàng mặc lại áo váy, quên cả đôi giày, vừa chạy xuống thang vừa khóc. Chàng sinh viên chạy theo, nhưng Emma đã bỏ chạy ra đường. Bà chủ mời Kervelen vào phòng bà để bảo cho chàng biết rằng chàng đã vi phạm quy chế nhà trọ, rằng bà có nghĩa vụ bảo vệ danh tiếng của ngôi nhà này, danh tiếng doanh nghiệp của bà, v.v… Trong khi bà diễn thuyết dài dòng, chàng sinh viên lại chỉ nhìn vào bà chủ, nhận thấy khi mặc hở hang thế này, thân thể bà trẻ trung hấp dẫn hơn rất nhiều. Cơn hứng vừa bị ngắt quãng trước đó ở chàng lại bừng dậy, chàng ta bèn ôm lấy bà mà hôn, bà chỉ phản đối chút ít bằng câu “Tên vô lại!”. Rồi chàng ta bế xốc bà vào giường… Một giờ sau, bà chủ trở dậy thay cây nến đã tàn, vẫn lẩm bẩm câu “À, tên vô lại, tên vô lại”, nhưng với giọng mãn nguyện và có vẻ hàm ơn nữa!

Le crime au père Boniface (Tội ác đối với bác Boniface) là chuyện kể từ ngôi thứ ba. Bác bưu tá Boniface đang trên đường tới phát thư cho vùng quê quanh thị trấn Virville. Bác vừa phát báo và thư từ tại xóm Sennemar xong, lại băng đồng để đem thư và báo đến cho viên thu ngân ở một ngôi nhà cách thị trấn chừng một cây số. Ông này tên là Chapatis, mới cưới vợ. Bác bưu tá mở túi, lấy tờ báo mà viên thu ngân đặt mua ra xem rồi bị cuốn hút bởi các trang đăng chuyện vặt, nhất là chuyện tội ác tại nhà viên gác rừng nọ, một người hái củi đi ngang nhìn thấy chút máu ở bậu cửa, nghĩ là đêm qua có ai hạ được con thỏ, nhưng tới gần thì thấy nhà viên gác rừng bị bẻ khóa, vội chạy về làng báo cho viên xã trưởng gọi thêm mấy người nữa trở lại ngôi nhà. Họ thấy ông gác rừng bị cắt cổ trước lò sưởi, vợ ông bị cắt cổ trên giường, đứa con gái 6 tuổi của họ thì chết nghẹt giữa hai chiếc nệm. Câu chuyện vừa đọc gây xúc động cho bác bưu tá. Bác nhét lại tờ báo vào túi và đi tiếp, trong đầu vẫn đầy những hình ảnh về tội ác. Chẳng mấy lúc đã tới nhà viên thu ngân Chapatis, bác bưu tá bước qua thanh chắn vào vườn, rồi bước lên thềm nhà. Cửa vẫn đóng, nhìn đồng hồ thấy mới 7h10’ sáng. Thế là bác bưu tá đi vòng quanh ngôi nhà, không thấy gì khả nghi, chỉ thấy có dấu chân to của đàn ông trên một luống dâu. Đi ngang một cửa số, bác bưu tá bỗng khựng lại vì sợ: trong nhà có tiếng ai rên. Bác tới gần, áp tai vào bậu cửa, nghe rõ tiếng thở dài đau đớn, khò khè, vật vã, rồi tiếng rên rõ dần, gấp gáp hơn, trở thành tiếng kêu. Bác bưu tá nghĩ một tội ác đang diễn ra tại nhà viên thu ngân. Thế là bác vội chạy đến đồn cảnh binh gần đấy. Viên đội và một người lính vội cùng bác trở lại ngôi nhà. Viên đội áp tai vào cửa sổ, hai người kia đứng đợi. Bỗng thấy ria mép viên đội nhếch lên, đôi má nhăn lại như khẽ cười, ông ta quay ra, bảo bác bưu tá lùa thư và báo qua khe cửa ra vào, rồi ra khẽ ra lệnh cả ba đi ra. Khi đã ra khỏi vườn ngôi nhà ấy, viên đội mới bảo bác bưu tá: ông ranh ma thật đấy! Bác bưu tá ngạc nhiên, thề tôi có nghe thấy… Viên đội không nhịn được, phá lên cười ngặt nghẽo không thôi. Hai người kia không hiểu gì, viên đội vẫn chưa hết cơn cười, chỉ hất đầu về phía ngôi nhà và dùng tay ra hiệu kiểu đàn ông rằng có cái “chuyện ấy” đang diễn ra trong ngôi nhà. Đến lượt người lính hiểu ra và phá lên một trận cười kinh hoàng. Bác bưu tá vẫn ngây ngô không hiểu. Viên đội khi qua được trận cười, bèn xoa bụng ông đưa thư già mà bảo: Ông là tên hề vĩ đại, tôi sẽ nhớ mãi, đây là cái tội ác do bác Boniface bịa ra! Bác bưu tá vẫn chưa hiểu ra, lại thề có nghe thấy tiếng rên. Viên đội hỏi: Thế vợ bác cũng bị bác ám sát cách này hay sao? Bác bưu tá bảo vợ bác thường la lên khi bị đánh, thế hóa ra ông Chapatis đánh vợ ư? Viên đội vẫn cười ngặt nghẽo đưa tay xoay tròn bác bưu tá và khẽ nói điều gì vào sát tai bác. Bác ngẩn người ra: không, vợ tôi chẳng la lên như thế bao giờ, la lên như thế có chăng là hạng đàn bà tử vì đạo! Rồi bác vừa ngượng vừa hoang mang trở về, trong khi hai người cảnh binh vẫn cười và ném theo bác những câu đùa lính tráng.

Trở lại tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Hai truyện ngắn kể trên của Maupassant liên hệ ra sao tới mạch truyện Số đỏ mà khi đọc xong, bà Phó Đoan cảm thấy đấy là viết chuyện xảy ra giữa bà với Xuân?

Nói rõ ra, đấy là các diễn biến ở “chương” XVII (vốn có tiêu đề: “Người vị hôn phu – Một vụ cưỡng bức – Cuộc điều tra của nhà chức trách”).

Những diễn biến ở chương này có mức tương tự khá cao so với hai truyện ngắn kể trên của Maupassant; chung quy đó là phần truyện “một vụ cưỡng bức” được ghi như một trong ba nội dung trên tiêu đề của chương. Truyện ngắn La Patronne ứng với bề trong, nội tình của sự việc; truyện ngắn Le crime au père Boniface ứng với cuộc điều tra, tức là sự việc ấy nhìn từ bên ngoài. Mức giống nhau rõ nhất là câu chuyện La Patronne so với trường đoạn Xuân và Tuyết ôm ấp nhau rồi bị bà Phó Đoan phá hoẵng, kế đó Xuân “bắt đền” bằng cách ôm ấp bà ta. Còn Le crime au père Boniface thì mức giống nhau với đoạn cuối chương XVII chỉ là phảng phất. Thiên truyện của Maupassant có phần là kiểu truyện nói tục của lính tráng, lại cũng có phần là kiểu truyện về anh ngố hoặc anh ngốc; trong khi đó, đoạn cuối chương XVII Số đỏ vừa miêu tả hành vi che dấu sự việc của hai kẻ hữu quan, – bà Phó Đoan và Xuân Tóc Đỏ, – vừa miêu tả lề thói “cẩm phạt”, phạt lấy được của những nhân vật nhân danh quyền lực quản trị xã hội, – một trong những mạch cảm hứng của tác giả Số đỏ.

Dẫu có độ “giống” ở mức đậm nhạt khác nhau, như đã thấy, hai truyện này của Maupassant rõ ràng là đã được tác giả Số đỏ khai thác. Nhưng đây không phải là hành vi “đạo văn”; Vũ Trọng Phụng không những không che dấu mà còn cố tình để lộ ra, ngay trong văn bản tác phẩm. (Trong khi những người vay mượn hoặc trộm cắp tác phẩm người khác thì thường cố tình che dấu, và sẽ khăng khăng phủ nhận khi bị phát giác).
Vậy thì đây là kiểu hành vi nào trong hoạt động sáng tác?

Tôi gọi hành vi của Vũ Trọng Phụng ở đây là hành vi “trích dẫn” tác phẩm của nhà văn Pháp vào tác phẩm của mình. Sự trích dẫn ở đây được thực hiện theo quy tắc hư cấu: Tác giả Số đỏ hư cấu ra rằng có một tờ báo chữ Việt đăng bản dịch hai truyện ngắn của Maupassant, rồi nhân vật trong Số đỏ của ông đọc đến và thấy hai truyện đó là nói về cuộc tình vụng trộm của mình!

Tất nhiên, để cho nhân vật bà Phó Đoan có thể cảm thấy như bị tố giác khi đọc hai truyện ấy, thì trong hành vi sáng tác, tác giả Số đỏ đã phải mô tả các tình tiết sao cho có mức tương đồng cao so với hai thiên truyện dịch kia. Vậy là tác giả Số đỏ phải ít nhiều vay mượn Maupassant.

Thật ra, tìm hiểu lại những sáng tác đầu tay của Vũ Trọng Phụng sẽ thấy dấu ấn Maupassant đối với nhà văn Việt Nam này là rất rõ. Ngay từ năm 1931, dưới các bút danh Vũ Trọng Phụng hoặc Phụng Hoàng, trên tờ Ngọ báo, ông đã công bố các bản dịch một loạt tiểu luận, tạp văn của Maupassant như Điên, Tư cách nhà phê bình, Lối viết chuyện của phái tả chân, Hiu quạnh, v.v… [2] Hướng sáng tác theo lối tả chân, thậm chí lối tự nhiên chủ nghĩa, ở Vũ Trọng Phụng, cũng ít nhiều có nguồn từ Maupassant.

Đã có nhà nghiên cứu cho rằng toàn bộ tiểu thuyết Số đỏ có thể được xem như một sự “tân biên” tiểu thuyết chữ Pháp của Maupassant nhan đề Bel-Ami (1885). [3]

Trong đề tài ta đang bàn, tam giác yêu đương Tuyết – Xuân – bà Phó Đoan chỉ là một phần thế giới Số đỏ; sự tương ứng của tình tiết ấy với quan hệ tay ba sinh viên Kervelen – cô thợ Emma – bà chủ Kergaran là toàn bộ thiên truyện La Patronne, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong di sản văn học của Maupassant. Trong thao tác này có thể thấy Vũ Trọng Phụng như chơi một trò chơi: gây nên một sự giao cắt giữa thế giới do mình tạo ra với thế giới do Maupassant tạo ra.

Cũng có thể, nhà văn Việt Nam tính đến một sự bù đắp nhất định, khi mà cộng đồng văn chương xứ ông lúc ấy đang có quá nhiều định kiến với thứ chất liệu bị coi là “dâm uế”. Ngay sự mô tả hành vi Xuân ôm ấp Tuyết ở các bản in đầu vốn đã quá vắn gọn, song cũng đã bị cắt bớt bởi kiểm duyệt trong vùng Quốc gia, Hà Nội 1951, nơi cấp giấy phép tái bản cho nhà Mai Lĩnh, và dấu tích cắt xén này vẫn còn di lại trong hầu như tất cả các bản in Số đỏ phổ biến hiện nay.[4] Hoặc nhà văn Việt Nam chỉ dám hạn chế trong 5 phút cuộc “bắt đền” bà Phó Đoan của Xuân Tóc Đỏ, trong khi Maupassant hào phóng cho cuộc ấy ở chàng sinh viên Pháp với bà chủ trọ dài đến cả 1 giờ! Thế cũng có nghĩa là, nếu ai đọc được La Patronne sẽ tưởng tượng ra cái mạch ngầm sự việc sẽ khiến Xuân trở thành “người tình bí mật” của bà chủ, mối tình sẽ phải trị bằng “thuốc chữa lẳng lơ” của đốc-tờ Trực Ngôn! Ấy là chưa nói đến vụ việc này nhìn từ ngoài, với gợi ý từ Le crime au père Boniface, chuyện xảy ra trong phòng khách nhà Phó Đoan là đáng để bắt vạ hơn hẳn cái lỗi để chó chạy rông!

Trong nghiên cứu văn học Âu Mỹ nửa cuối thế kỷ XX, người ta đề xuất “liên văn bản” như một phương tiện phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Tất nhiên cũng có thể dùng phạm trù này để xem xét các hiện tượng văn học trước đó. Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng có thể được xem như tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực, – như ý kiến số khá đông các nhà nghiên cứu Việt Nam, hoặc thuộc chủ nghĩa hiện đại, như ý kiến một vài tác giả nước ngoài. [5] Nhưng chắc chắn không thể xem nó như tác phẩm thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại. Những chi tiết, tình tiết mà tác giả Số đỏ trích dẫn tác phẩm của Maupassant như đã nêu trên, có thể làm bộc lộ những liên hệ “liên văn bản” giữa một nhà văn Việt Nam cụ thể là Vũ Trọng Phụng, với tác phẩm của một nhà văn Pháp cụ thể là Guy de Maupassant, đồng thời cũng cho thấy những liên hệ “liên văn bản” giữa văn học Việt Nam với văn học Pháp đã hình thành trong thực tiễn sáng tác của các tác giả Việt Nam, những năm 1930-1945.

—————

[1] Nguyễn Thành (2001): Từ điển thư tích báo chí Việt Nam, Hà Nội: Nxb. VHTT., tr. 97, 725.

[2] Lại Nguyên Ân (2001, sưu tầm, biên soạn): Chống nạng lên đường, chùm sáng tác đầu tay của Vũ Trọng Phụng, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 369 tr.; tái bản, 2004, 348 tr.

[3] Tôn Thất Thanh Vân (2013): Ảnh hưởng và việc “tân biên” số đào hoa của Xuân Tóc Đỏ hay cuộc phiêu lưu của “Anh bạn điển trai” ở Việt Nam // Nghiên cứu văn học, Hà Nội, 2013, s. 10, tr. 59-69.

[4] Ít nhất, ở tình tiết này, các bản Số đỏ do Nxb. Minh Đức in (Hà Nội 1946, 1957) còn giữ được những câu miêu tả mà vốn dĩ đã không còn trong các bản in bởi Nxb. Mai Lĩnh (Hà Nội 1951, Sài Gòn 1958). Các bản in Số đỏ hiện nay, theo tôi biết, đều sử dụng bản in của Nxb. Văn học, 1987, vốn in theo bản Mai Lĩnh 1958.

[5] Xem: Peter Zinoman, Vu Trong Phung’s Dumb Luck and the Nature of Vietnamese Modernism. Introduction. Dumb Luck, A Novel by Vũ Trọng Phụng, Translated by Nguyễn Nguyệt Cầm and Peter Zinoman, Ann Arbor, The University of Michigan Press, 2002, p. 1-30.

Tác giả