Wozzeck, cuộc cách mạng trong sáng tác opera

Kể từ khi được Alban Berg hoàn thành vào ngày 16/7/1922, sự thành công của Wozzeck vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Là vở opera cấp tiến nhất thời bấy giờ và vẫn mang âm hưởng hiện đại đầy ấn tượng khi đã được 100 năm tuổi, Wozzeck trở thành một trong những vở opera có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, cùng với Salome của Richard Strauss và Pelléas et Mélisande của Claude Debussy.

Kiệt tác trong kiệt tác

Ngày 5/5/1914, Berg tham dự buổi ra mắt tại Vienna vở kịch Wozzeck của nhà viết kịch người Đức Georg Büchner, vốn nguyên tác là Woyzeck nhưng bị phiên âm sai do Karl Emil Franzos biên soạn lại từ bản thảo rất khó đọc của Büchner, thậm chí còn phải sử dụng hóa chất để can thiệp. Ngay từ thời điểm đó, Berg đã biết được rằng mình sẽ sáng tác một vở opera dựa trên tác phẩm này. Nhà soạn nhạc đã lựa chọn 15 từ tổng số 27 cảnh của vở kịch để tạo thành một cấu trúc nhỏ gọn hơn với ba màn, mỗi màn gồm năm cảnh. Đích thân Berg viết kịch bản với mong muốn giữ lại “đặc điểm cốt yếu của vở kịch, với nhiều cảnh ngắn, ngôn ngữ thô lỗ và đôi khi cục súc”. Đây cũng chính là giai đoạn mà quá trình sáng tác của Berg đã có những chuyển biến tích cực, ông kế thừa Schoenberg trong việc sáng tác âm nhạc vô điệu tính, nhưng phát triển ở mức cao hơn trong những tác phẩm có quy mô lớn.

Wozzeck dựa trên câu chuyện có thật về Johann Christian Woyzeck, một thợ cắt tóc ở Leipzig, người sau đó nhập ngũ. Trong một cơn cuồng ghen và ảo giác, anh ta đã giết chết Johanna Christine Woost, một quả phụ 46 tuổi mà Woyzeck đang sống cùng. Sau đó, Woyzeck bị hành hình công khai vì tội ác của mình. Khi Büchner qua đời vào năm 1837, vở kịch của ông vẫn trong tình trạng các mảnh ghép rời rạc. Trong vở opera của Berg, Wozzeck được miêu tả là “30 tuổi và 7 tháng, một quân nhân và người lính bắn súng hoả mai của trung đoàn 2, tiểu đoàn 2, đại đội 4, không được giáo dục, thiếu hiểu biết”. Berg bắt đầu làm việc với Wozzeck từ năm 1914, ngay sau khi chứng kiến vở kịch. Tuy nhiên, công việc đã bị gián đoạn do cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Nhà soạn nhạc phải gia nhập quân ngũ và chỉ dành thời gian sáng tác khi trung đoàn của ông được nghỉ phép vào mùa hè năm 1917 và 1918.

Những kinh nghiệm mà Berg tích lũy được trong chiến tranh rõ ràng đã ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sáng tạo Wozzeck. Trong một lá thư gửi cho vợ mình vào tháng 6/1918, Berg cho biết: “Có một chút gì đó của anh trong tính cách của anh ta, vì anh đã trải qua những năm chiến tranh này với tư cách phụ thuộc vào những người anh ghét, bị xiềng xích, bệnh tật, bị giam cầm, kìm hãm, trên thực tế, bị làm nhục”. Thư từ và sổ ghi chép của Berg trong những năm tháng chiến tranh cho thấy những nỗi ám ảnh đau đớn của nhà soạn nhạc khi sáng tác Wozzeck. Berg đã hoàn thiện sơ bộ màn I tác phẩm vào mùa hè năm 1919, màn II vào ngày 2/8/1921 và màn III hai tháng sau đó. Việc phối khí tác phẩm kéo dài trong sáu tháng và Berg đã kết thúc công việc của mình vào tháng 4/1922. Tuy nhiên, ông đã có thêm một số chỉnh sửa và Wozzeck được chính thức hoàn thành vào ngày 16/7/1922. So với câu chuyện ngoài đời thực, vở kịch của Büchner cũng như Wozzeck có một số thay đổi nhỏ. Tên Johanna Christine Woost được thay thế bằng Marie, họ có với nhau một đứa con chung và sau này Woyzeck không bị chém đầu mà anh ta đã chết đuối khi nhảy xuống ao.

Wozzeck thực sự là một cuộc cách mạng trong việc sáng tác opera. Đây là vở opera đầu tiên sử dụng ngôn ngữ vô điệu tính, không tuân theo hệ thống sử dụng giọng trưởng, thứ vốn đã rất quen thuộc kể từ âm nhạc thời kỳ Baroque, Cổ điển và Lãng mạn. Theo bước người thầy Arnold Schoenberg của mình, Berg đã sử dụng âm nhạc vô điệu tính để thể hiện cảm xúc và thậm chí là cả quá trình suy nghĩ của các nhân vật trên sân khấu. Để thiết lập tính liên tục và cấu trúc của tác phẩm, Berg đã sử dụng lặp lại các quãng âm nhất định. Ví dụ, tritone, quãng bốn tăng (còn được gọi là quãng của quỷ dữ) Si-Pha, đại diện cho Woyzeck và Marie hay sự kết hợp Si giáng-Rê giáng (quãng ba thứ) thể hiện sự liên kết giữa Marie và đứa con của mình. Bằng cách này, sự trở lại của các quãng đồng nghĩa với việc đánh dấu các sự kiện quan trọng trong cốt truyện.

Wozzeck tiêu biểu cho Sprechgesang (tiếng Đức, có nghĩa là hát nói, một kỹ thuật hát có liên quan đến recitative, trong đó các cao độ được hát nhanh và thả lỏng như nói). Ngoài ra, Berg còn sử dụng các kỹ thuật âm nhạc khác để tạo nên sự thống nhất và mạch lạc. Trong đó nổi bật là leitmotif (mô típ chủ đạo, là một đoạn âm nhạc ngắn, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đại diện cho một người, địa điểm hoặc ý tưởng cụ thể nào đó). Những nhân vật thứ chính như Đại úy, Bác sĩ hay Thiếu tá Trống đều có những leitmotif nổi bật của riêng mình. Đối với Wozzeck, có tới hai leifmotif được dành cho anh ta. Một xuất hiện mỗi khi Wozzeck xuất hiện hoặc rời khỏi sân khấu. Leitmotif còn lại thể hiện sự đau khổ và bất lực trước những sức ép của cuộc sống mà anh phải trải qua. Trong vở opera này, Berg cũng không sử dụng các hình thức opera truyền thống như aria, duet hay trio, theo cái cách mà Richard Wagner đã thực hiện. Thay vào đó, mỗi cảnh tạo ra sự liên kết bên trong nó thông qua các hình thức thông thường kết hợp với âm nhạc của dàn nhạc. Ví dụ như cảnh 4 màn I là một passacaglia (một hình thức âm nhạc có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 17 ở Tây Ban Nha, được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Baroque), còn cảnh 2 màn II là một khúc prelude kết hợp với một phức điệu ba bè hay cảnh 4 màn II là một scherzo. Berg đã sử dụng một dàn nhạc đồ sộ dưới hố nhạc, đó là chưa kể ba dàn nhạc khác xuất hiện trên sân khấu: dàn quân nhạc trong màn I cảnh 3, dàn nhạc thính phòng trong nàm II cảnh 3 và một ban nhạc quán rượu trong màn II cảnh 4. Tổng thời gian cho vở opera vào khoảng 90 phút.

Wozzeck thực sự là một cuộc cách mạng trong việc sáng tác opera. Đây là vở opera đầu tiên sử dụng ngôn ngữ vô điệu tính, không tuân theo hệ thống sử dụng giọng trưởng, thứ vốn đã rất quen thuộc kể từ âm nhạc thời kỳ Baroque, Cổ điển và Lãng mạn.

Sau 137 buổi tập luyện, cuối cùng Wozzeck đã được ra mắt tại Berlin State Opera vào ngày 14/12/1925 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Erich Kleiber. Bất chấp sự “phá cách” của vở opera và một số tranh cãi xung quanh nó, Wozzeck nhanh chóng thu hút được sự quan tâm và thích thú từ phía khán giả và những nhà phê bình. Tác phẩm đã ngay lập tức tạo dựng được một ví trí vững chắc trong số các vở opera tiêu chuẩn và thường xuyên xuất hiện trên khắp các nhà hát nổi tiếng tại châu Âu.

Tiền bản quyền từ Wozzeck đã mang lại cho Berg một cuộc sống sung túc và an nhàn. Trong suốt những năm sau đó, nhà soạn nhạc đã dành rất nhiều thời gian để tham dự các buổi biểu diễn và thuyết trình về vở opera, mãi cho đến khi Đức Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933 và xếp Wozzeck vào danh sách của “âm nhạc suy đồi” và cấm biểu diễn tác phẩm. Vở opera thành công đến nỗi Berg bắt đầu đặt câu hỏi thực sự về giá trị của Wozzeck. Nhà triết học, âm nhạc học người Đức Theodor W. Adorno cho biết Wozzeck đã thực sự “an ủi ông về thành công của mình”.

Phá vỡ quy tắc để tạo vẻ đẹp mới

Được sáng tác trong và ngay sau Thế chiến Thứ nhất, vở opera miêu tả cuộc sống hằng ngày của những người lính và người dân của một thị trấn nông thôn nói tiếng Đức. Các chủ đề nổi bật về chủ nghĩa quân phiệt, bóc lột xã hội và sự nhẫn tâm được thể hiện một cách không khoan nhượng, phản ánh tâm trí đang bị bào mòn của một người lính cam chịu mà còn cả một thế hệ cam chịu.

Ngoài việc đổi mới táo bạo mang tính cách mạng về mặt âm nhạc, sức hút mạnh mẽ của Wozzeck còn đến từ cốt truyện của nó. Woyzeck, một người lính nghèo khổ, không được giáo dục bị Đại úy của mình ngược đãi, bị Bác sĩ đem ra làm vật thí nghiệm và anh ta phẫn nộ khi nghi ngờ người phụ nữ của mình, Marie đang không chung thủy với sự xuất hiện của vị Thiếu tá Trống. Woyzeck đang dần bị những người xung quanh làm cho phát điên. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi, anh ta đã giết chết Marie và nhảy xuống ao tự tử. Tấm màn sân khấu khép lại khi đứa con của họ vẫn đang cưỡi trên một chú ngựa gỗ chơi đùa, không hề biết tới bi kịch của bản thân. Không biết được rồi liệu cậu bé có thoát khỏi số phận của cha mẹ mình, cũng như các lực lượng khác đang chịu đựng điều mà Woyzeck gọi là “chúng ta những người nghèo khổ”?

Trong vở kịch gốc, Büchner miêu tả việc Woyzeck rơi vào trạng thái điên loạn như là hệ quả tất yếu của nỗi kinh hoàng hiện sinh của anh ta. Lời thoại của nhân vật chính được đẩy lên một cường độ mạnh mẽ, khi Woyzeck cho thấy diễn biến tâm lý của mình từ lúc là nạn nhân của vụ thí nghiệm, một kẻ bị phản bội dẫn đến việc trở nên điên loạn và giết người rồi tự tử. Trong vở opera, khán giả đã trải nghiệm những tầm nhìn nội tâm theo quan điểm của Woyzeck. Việc tạo ra âm nhạc này đòi hỏi một bước nhảy vọt sáng tạo của nhà soạn nhạc, một bước tiến đáng kinh ngạc cho đến tận ngày nay.

Để lý giải cho sự thành công lâu dài của Wozzeck cũng như ảnh hưởng thực sự của nó là gì, nhiều nghệ sĩ đã có những ý kiến của riêng mình. Yuval Sharon, giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Opera Detroit cho biết: “Wozzeck là vở opera đầu tiên khiến tôi tin rằng opera như một loại hình nghệ thuật khả thi. Đó là sự diễn giải âm nhạc khổng lồ về cuộc sống của những người thực sự yếu thế. Nghĩ được rằng opera có thể kể không chỉ là những câu chuyện của một người có vị trí ưu việt, mà còn có thể thực sự đại diện cho một quan điểm khác và làm điều đó với trí tưởng tượng đáng kinh ngạc, đã mở ra những khả năng mà opera có thể làm được”. Còn giọng nam trung người Đức Christian Gerhaher, người từng nhiều lần hát trong vai chính Woyzeck thì nhận xét: “Bạn có một tác phẩm liên quan đến một chủ đề kinh khủng. Điều gì đang diễn ra thật là khủng khiếp, nhưng với tư cách là một ca sĩ và cả khán giả, bạn có niềm vui tuyệt vời này khi thấy những suy nghĩ được gửi gắm vào lời nói và âm nhạc một cách chính xác như vậy. Thực tế, không nghi ngờ gì nữa, nó là kiệt tác của thế kỷ 20. Không có gì là trang trí; không có gì là không thể bỏ qua; mọi giai điệu đều quan trọng; mỗi từ đều quan trọng. Đó là bản chất của một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, đó là sự hiện đại”. Giọng nữ cao Christine Goerke trân trọng những gì Berg đã sáng tạo: “Những gì Alban Berg đã làm trong việc biến câu chuyện trở nên cô đọng và cảm xúc mãnh liệt – tôi nghĩ cho đến tận ngày nay, mọi người vẫn hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện, đặc biệt là ở phần cuối. Chúng ta luôn có một sự đồng cảm rất lớn với trẻ em và khi cậu bé đó bước ra và hát ‘Hopp, hopp!’ đó là điểm cao trào nhất. Nếu bạn có bất kỳ cảm xúc nào của con người, bạn sẽ rơi lệ”. Christine Goerke cũng so sánh phong cách sáng tác của Berg với một nhà soạn nhạc tiên phong của trường phái mười hai âm, Schoenberg: “Khi viết nhạc mười hai âm, Schoenberg không bao giờ phá vỡ các quy tắc mà mình đặt ra. Berg thì đã làm, bởi vì Berg là một thiên tài trong nhà hát, giống như Mozart, nên đôi khi bạn phải phá vỡ các quy tắc để có tác động mạnh mẽ hơn”.

“Khi viết nhạc mười hai âm, Schoenberg không bao giờ phá vỡ các quy tắc mà mình đặt ra. Berg thì đã làm, bởi vì Berg là một thiên tài trong nhà hát, giống như Mozart” (soprano Christine Goerke).

Có lẽ, những lời đánh giá đẹp nhất về Wozzeck sẽ được nối dài theo thời gian, ngay cả tác phẩm đã 100 năm tồn tại và là một vở khá kén khán giả. Vừa mới chỉ huy Wozzeck với Opéra national de Paris, nhạc trưởng Susanna Malkki đánh giá tổng quát về tác phẩm: “Mọi người nói về độ khó của nó và điều đó không hoàn toàn sai sự thật, nhưng tôi nghĩ chủ yếu là về sự dày đặc, phong phú và sâu sắc. Bạn có một số lớp vỏ bọc khiến tác phẩm trở nên thú vị mỗi khi bạn nghe nó. Cá nhân tôi đã rất ngạc nhiên, vì cuối cùng tôi đã nhận được tổng phổ và bắt đầu nghiên cứu nó, để xem có bao nhiêu sự ấm áp và vẻ đẹp và thậm chí là sự hài hước ở đó. Tác phẩm hoàn hảo một cách đáng sợ. Tất nhiên, Berg cực kỳ thông minh. Nhưng khi câu chuyện trở nên không thể chịu đựng được trong nỗi buồn về gần cuối, ông ấy thực sự đơn giản hóa âm nhạc, cho chúng ta không gian để thực sự cảm nhận nỗi đau và số phận cũng như tất cả những điều đó. Ông ấy cho chúng tôi thời gian để tìm hiểu mọi thứ và tất nhiên là cú đánh cuối cùng sẽ đến. Nó thực sự khủng khiếp”.

Những gì mà Berg đã thực hiện trong Wozzeck đã thực sự vượt xa những phương thức quen thuộc của opera cổ điển. Gần một thế kỷ sau khi được công diễn lần đầu tiên, ngày nay, Wozzeck vẫn duy trì được vị trí của mình tại các nhà hát danh giá trên toàn thế giới, thường xuyên được biểu diễn, bất chấp những thách thức mà nó đặt ra cho các đạo diễn, nhà thiết kế sân khấu và nghệ sĩ biểu diễn. Tài năng đặc biệt của Berg trong việc biến Wozzeck trở nên điên loạn cũng như lòng trắc ẩn của nhà soạn nhạc khi chia sẻ sự đau khổ của nhân vật sẽ mãi đảm bảo cho việc Wozzeck luôn được ca ngợi.□

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:

https://theconversation.com/decoding-the-music-masterpieces-alban-bergs-wozzeck-an-apocalyptic-descent-into-madness-107896

https://www.metopera.org/globalassets/discover/education/educator-guides/wozzeck-19-20/wozzeck.19-20.guide.pdf

https://www.nytimes.com/2022/03/11/arts/music/wozzeck-opera-berg.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)