Xã hội vui vẻ

Lời giới thiệu. “Cụ Hinh” là một nhân vật vui vẻ, không còn trẻ nhưng cũng chưa già nhiều. Có người tưởng Cụ Hinh xưng “cụ” với mọi người, thật ra không phải. Chữ “Cụ” luôn luôn được viết hoa, bởi nó thuộc về tên riêng của Cụ Hinh, bao gồm cả chữ “Cụ”. Tuy nhiên có lúc có bạn lười, nên gọi gọn là “Cụ”, đấy không phải là lỗi của Cụ Hinh nha. Cụ Hinh hy vọng sẽ được chuyện trò thi thoảng, nhưng đều đặn với các bạn gần xa trên Tia Sáng.

Người dân xứ ta vốn là dân vui vẻ, Cụ Hinh rất tin như vậy. Có điều gần đây dân ta hay cáu gắt, bực bội, bận rối, cẩu thả, bừa bãi, ồn ĩ khôn nguôi.
Vậy thì phải tìm cách trở về vui vẻ thôi.
Muốn gỡ rối thì đầu óc mình phải không rối. Nghĩa là lúc đầu óc mình đang rối thì đừng có lao vào gỡ rối nghen. Vứt đó, để lúc khác đi.
Để đầu óc mình không rối thì nhiều chuyện phải dứt khoát.
Đầu tiên là không được rối mọi chuyện với chính trị, Cụ Hinh xin ra điều kiện trước.
Không hiểu từ bao giờ người ta nhiễm phải cái thói quen cứ suy luận vòng quanh mọi chuyện thành chính trị, “bẻ quả chuối xanh làm rung chuyển hòa bình thế giới”. Nếu quả là thế thì chán quá, không bao giờ ta có thể nói cái gì được nữa, kể cả tỏ tình gái trai.
Ngược lại nhiều người cũng cho rằng có chính trị thì giải quyết được hết mọi chuyện. Thế thì dễ quá, khỏi phải học hành gì khác nữa, ngoài toàn dân ngồi tụng kinh môn này.

Xã hội vui vẻ thì nhiều chuyện để làm lắm. Hôm nay nói chuyện vui nhạc thôi.
Cụ Hinh tìm gọi chúng bạn để chơi đàn. Hết một tháng tìm tòi, không thấy ai.
Vài vị biết đàn thì “đang rất bận”, “có gì sau này hẵng hay!”.
Vài vị hay đánh kiếm tiền thì “Cụ Hinh ứng tiền cho anh em tập nhá!”.
Mấy bạn trẻ thì “đang mùa thi cử học thêm Cụ ạ!”.
Mấy bạn cao niên thì “tay chân cứng hết rồi!”.
Còn lại rất đông thì “thôi, karaoke cho nhanh gọn ạ!”

Hàng triệu người bị giam trong các thành phố, ấy thế mà không thấy có trường nhạc nào cho đại chúng cả!
Chuyên nghiệp và nghiệp dư khác gì nhau?
Trình độ ư? Có thể, nhưng chưa chắc. Các thầy tổ của nhạc blues đều chơi đàn gỉ và không thật sành lý thuyết nhạc, nhưng họ đã được ghi tên dát vàng trong lịch sử âm nhạc.
Chuẩn phân biệt xã hội học về chuyên nghiệp và nghiệp dư chỉ là sống, lao động kiếm tiền chuyên trong nghề nhạc hay không mà thôi.
Các trường nhạc có thể được mở ra rộng khắp toàn quốc, bắt đầu từ địa bàn phường xã, hay quận huyện trở lên.
Học sinh có thể từ sáu đến 99 tuổi, nếu ta hạn chế tuổi chỉ ở hai chữ số.
Chương trình học và thi cử là hai việc không trùng làm một. Cùng một lớp, người thiết tha tiến lên có thể thi lấy bằng, người muốn có hiểu biết thì không nhất thiết tham dự các kì thi.
Các lớp làm việc về nhạc (chơi tập thể, sáng tác, cảm hứng) được tổ chức tự do hơn với sự hướng dẫn của các giảng viên dày dạn hiểu biết và nhiều kinh nghiệm “chinh chiến”.
Và mỗi năm học là những chương trình để rồi biểu diễn, lưu diễn, ta đàn hát cho bạn bè ta.
Kinh phí đến từ đóng góp học phí, tài trợ doanh nghiệp, và từ đầu tư cho văn hóa của quỹ công trích từ thuế, của Nhà nước, tỉnh, huyện, xã…
Các trường nhạc liên kết nhau thành mạng lưới rộng khắp, liên kết với các trường phổ thông, các cơ sở văn hóa khác, kết nghĩa ra cả ngoài nước.
Học sinh và gia đình cũng từ đó liên kết nhau thành một nền tảng văn hóa rộng khắp.

Như thế, hết giờ đi học, đi làm, già trẻ gái trai vui vẻ đến trường học nhạc, chơi nhạc.
Trong dàn nhạc, có cả thiếu niên lẫn người về hưu, cả nam thanh nữ tú chơi cùng nhau.
Sao cứ phải nhăm nhắm học chỉ vì để sẽ làm ra tiền, sẽ thành tiến sĩ, giáo sư?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)