Xa mãi Phi châu

Để gói gọn châu Phi, có lẽ chỉ cần một câu của Ryszard Kapuściński - nhà báo/ nhà văn đã lang bạt nơi đây suốt 30 năm, là đủ, rằng: “Châu lục này quá lớn để có thể miêu tả nó. Đó là một đại dương riêng biệt, một hành tinh riêng, một vũ trụ vô cùng phong phú và đa dạng. Chúng ta gọi ‘châu Phi’ cho tiện, một cách vô cùng giản lược. Trên thực tế, ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại”.

Bức họa “La Bohémienne endormie” của danh họa Pháp Henri Rousseau (1844–1910) vẽ năm 1897.  Nguồn: wikipedia

Châu Phi không tồn tại, điều đó có lẽ đúng, nó chỉ là một giấc mơ của thời trai trẻ mà ta không bao giờ nắm bắt được, như giấc mơ mà lão ngư Santiago của Hemingway vẫn hằng mơ về giữa những chuyến ra khơi thất bại, với huyễn mộng về những đàn sư tử dọc bờ biển ông đã thấy khi còn là một cậu bé con. Châu Phi là nguồn cội, là nguyên sơ, là khởi thủy, là lời thách đố, là ẩn dụ. Phần lớn người ta vẫn tin đây là nơi nhân loại đặt những bước chân đầu tiên trong hành trình trở thành con người. Ấy thế mà, nó dường như cũng là nơi bí hiểm nhất, với những thần thoại đại ngàn khó tin nhất, nơi chặn đứng mọi sự hiểu biết logic của Tây phương.

Isak Dinesen (bút danh của nam tước phu nhân Karen Blixen) đến châu Phi năm 1913 cùng chồng, mua một đồn điền cafe dưới chân rặng Ngong, nơi cuộc sống như giữa không trung và vào mỗi buổi sáng, người ta thầm nhủ “ta đang được sống ở đúng chỗ phải sống”. Bà sống ở đó 17 năm tới khi cuộc Đại Khủng hoảng đánh sập thị trường cafe. Sau này, khi đã trở về cố quốc, bà viết Out of Africa – Châu Phi nghìn trùng (theo bản dịch của Hà Thế Giang) như một “tiếng nức nở của lòng tôi”.

Xứ núi mênh mông nơi Phi châu của Isak Dinesen là một vườn địa đàng Eden thơ ngây tưởng như nằm ngoài định luật của sự băng hoại, nơi đó, những bầy sếu bay rợp trời như vũ điệu ballet tao nhã, sư tử vẫn còn đó để đi săn, linh dương có thể ở với con người và được yêu chiều như một nàng công chúa, đom đóm như những vì sao phiêu lưu đơn độc. Thế giới nơi đây làm nhũn mọi tri kiến cứng nhắc và thô kệch mà con người văn minh tự hào, sự hỗn độn trật tự của nó như một tấm gương soi khiến luật pháp và y học cũng phải hổ thẹn vì sự chính xác của mình sao mà nghèo nàn, buồn tẻ và hèn mọn. Nơi xứ ấy còn lại tất cả những gì mà văn minh da trắng đã đánh rơi từ tay nải hành lý trên vạn dặm vơ vét tiến về phía hiện đại hóa: thần thoại và huyền học, những dụ ngôn, niềm tin vào Kinh thánh và Thượng đế,  sự tương liên giữa người và muông thú, sự ủy thác mình vào một đại số phận.

Phương Tây kiêu hãnh về kỷ nguyên Khai Minh, về ánh sáng, nhưng lục địa đen là một buổi chạng vạng tờ mờ, với khoa học là những ngọn núi lửa ngủ yên.

Bởi châu Phi là một vùng đất bất khả tri, nên Isak Dinesen đã chọn một lối kể chuyện lắt léo vắt qua mọi thể loại văn chương, có khi là theo cấu trúc vở bi kịch năm hồi tạo thành một đường parabol theo đúng nguyên tắc kịch Hy Lạp, có khi là những mẩu chuyện đồng quê với nỗi buồn râm ran theo phong cách Ivan Turgenev trong Bút ký người đi săn, có khi là những mẩu du ký, phóng sự, có khi là những truyện lồng trong truyện, những cách ngôn, ngụ ngôn, những ghi chép như một nhà nghiên cứu tự nhiên, những hồi tưởng mang tính tự truyện, và cả những tìm sâu triết học.

Trong một tiểu đoạn, Isak Dinesen nói về nhật thực, một hiện tượng thiên văn đơn thuần đã bị giải mã, nhưng trong mắt người bản địa, đó là bảy ngày ánh dương tàn lụi. Con người của văn minh đã có được một thế giới sáng quắc bởi máy móc, cơ giới hóa và tốc độ, nhưng để có nó, ta đã đánh đổi những gì nếu không phải là lòng can đảm, thú vui nhàn tản khi chăn ngựa (“Vì sao cái thú chậm rãi đã biến đi đâu mất rồi? Ôi, họ đâu rồi, những chàng lười của thời xưa?”, một mai Milan Kundera sẽ thán ca như thế) trí tưởng tượng vô bờ khi nghe tiếng thơ mà nghĩ đến tiếng mưa rơi, niềm thành kính như nhất với Chúa trời?

Cảnh một cụ già bộ tộc Kikuyu hỏi Isak Dinesen và người tình của bà rằng khi bay bằng máy bay, bà có thấy Chúa không, bà đáp không, ông gặng hỏi nếu bà bay cao hơn thì liệu bà có thể thấy Chúa không, bà đáp bà chẳng rõ, và ông kết luận lại rằng nếu không thấy Chúa thì ông không hiểu hà cớ gì hai người cứ bay mãi thế, cảnh ấy là một cú giáng vào biểu tượng hãnh tiến nhất của phương Tây, trí tuệ siêu việt nhất của phương Tây – một giấc mơ bay, chống lại trọng lực và những gì ràng níu bên dưới.

Không, người châu Phi không cần bay để thấy mình tự do, họ không tìm kiếm điều gì vĩ đại và cao cả hơn Thượng đế, tất cả những gì vĩ đại và cao cả nhất đã ở trên mặt đất này. Những con người đã bị văn minh làm hỏng, ta đặt niềm tin vào sự bay, nhưng bay rồi thì sao? Tôi nhớ trong tập truyện ngắn The Illustrated Man của Ray Bradbury, tác giả của cuốn tiểu thuyết vĩ đại Fahrenheit 451, ông đã nhìn thấy trước một thế giới của nhiều năm sau nữa, khi con người bay liên hành tinh và bay ra khắp vũ trụ dễ dàng như lái ô tô trong thành phố, họ bay rất xa tới những tinh cầu khác nhưng bay mãi cũng không thoát được khỏi nỗi đau nhân tính và ký ức làm người. Phương Tây mãi mãi chỉ giải quyết sự tự do bên ngoài, sự tự do mô phỏng, sự tự do giả hiệu, mắt họ đã lòa trước cái linh thiêng. Có lẽ đó là lý do mà Chúa trong một mẩu truyện của Châu Phi nghìn trùng, ở một thiên niên kỷ mới, ngài bày tỏ với môn đồ rằng chỉ muốn đi lại quãng đường từ Praetorium nơi ngài bị xử chết đến đồi Sọ để bị hành hình. Ngài muốn được chết lại một lần vì địa đàng lại đã mất.

Nhiều thập niên sau nhìn lại, với sự tan rã của những đế quốc và chủ nghĩa thực dân, với sự nổi lên của thế hệ nhà văn gốc Phi viết về châu Phi, Châu Phi nghìn trùng từ một bản văn tràn đầy lòng yêu châu Phi bỗng bị kết án. Nó bị kết án là “một trong những cuốn sách nguy hiểm nhất từng được viết ra về châu Phi”.

Nhiều thập niên sau nhìn lại, với sự tan rã của những đế quốc và chủ nghĩa thực dân, với sự nổi lên của thế hệ nhà văn gốc Phi viết về châu Phi, Châu Phi nghìn trùng từ một bản văn tràn đầy lòng yêu châu Phi bỗng bị kết án. Nó bị kết án là “một trong những cuốn sách nguy hiểm nhất từng được viết ra về châu Phi”, theo lời văn hào đương đại người Kenya Ngugi wa Thiong’o. Với một người Phi châu chân chính, tác phẩm chỉ là sự bao biện của chủ nghĩa da trắng tàn khốc ngụy trang bởi lòng yêu. Và Châu Phi nghìn trùng của Dinesen, cũng như Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad, chỉ là một phần của dòng chảy “ooga booga” (“anh không được quên ooga booga, nó là cái khiến Phi châu thành Phi châu”, một biên tập viên của New York Times đã nói với phóng viên của mình), hay cái cách mà châu Âu muốn định nghĩa về châu Phi, một miền đất mông muội chưa khai hóa, một thứ “hương xa” trái ngược với lục địa già. Hai tiếng “châu Phi” đã bị ghim chặt và áp đặt vào một hình dung duy nhất của những kẻ ngoại lai.

Sự kết án ấy có cơ sở của nó. Nhưng làm sao có thể tẩy sạch cái đã xảy ra, làm sao có thể tẩy sạch  quá khứ đã từng có những nàng Scarlett O›hara với tư tưởng Lost Cause mơ một ngày Liên minh miền Nam và chế độ nô lệ quay trở lại? Làm sao có thể tẩy sạch quá khứ đã từng có những vị nam tước phu nhân như Isak Dinesen trồng cấy giấc mơ và những vườn Eden của người da trắng nơi Phi châu hùng vĩ?

Đành rằng những nhà văn cũng phải chấp nhận sự phũ phàng của những điểm nhìn mới trong lịch sử. Cuộc chơi lịch sử có thể rất tàn nhẫn với cả văn chương, sự đúng sai thay đổi theo thời đại, và văn chương không bao giờ có quyền chỉ là những áng văn đẹp đẽ. Không thể vin vào bất cứ cái đẹp nào, lòng yêu nào, vần thơ nào để chống lại những bản luận tội của những “quan tòa” của tri kiến mới. Nhưng chẳng lẽ, ngay cả cái đẹp cũng không được khoan hồng, dù chỉ là chút ít?

Đọc đến những hồi cuối của Châu Phi nghìn trùng, khi hai con hươu cao cổ ở Mombasa bị nhốt trong cũi và đưa lên thuyền từ Đông Phi đi Tây Âu, Isak Dinesen viết: “Tạm biệt, tạm biệt, tôi cầu mong các bạn được chết giữa chuyến hải trình, cả đôi cùng chết, để chẳng có cái đầu nhỏ thanh cao đang nghển lên sửng sốt trên nóc cũi giữa trời xanh Mombasa nào phải đơn độc ngoảnh lại ở Hamburg, nơi chẳng kẻ nào biết về châu Phi. Còn với chúng ta, ta sẽ phải tìm ra ai đó đối xử vô cùng tàn tệ với mình, trước khi có thể xin lũ hươu cao cổ miễn thứ cho mình, vì đã nhẫn tâm xử tệ với chúng”. Đó là một đoạn văn có đủ khả năng khiến ta nhỏ lệ vì lời tự thú thành khẩn nhất và lời tự phán xét nghiêm khắc nhất của một người da trắng. Nghiêm khắc hơn bất kỳ bản án nào mà lịch sử có thể giáng xuống đầu những kẻ có tội.

Nói cho cùng, không ai phải nhọc lòng đọa đày văn chương hết, bởi văn chương thực thụ luôn có đủ lương tri để tự đọa đày chính nó.□

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)