Xem tranh Thành Chương

Nói và viết về hội họa của Thành Chương là một việc khó, bởi ông là một trường hợp phức tạp, một con người đa tài và cũng đa tật... Nhưng có gì đó ở ông và hội họa của ông một bản sắc rất điển hình của Việt Nam.

Tôi có may mắn được biết Thành Chương khá lâu, biết từ những bức tranh đầu tiên của ông treo tại triển lãm vào những năm 80 thế kỷ trước, cho đến những triển lãm cá nhân thời đổi mới. Sau này, tôi vẫn thường xuyên nhìn thấy tranh của Thành Chương treo ở một số gallery của Hà Nội, nhiều nhất là các bức sơn mài.

 
Tình bạn – Sơn mài 2007

Phải nói rằng Thành Chương là một họa sĩ có tài và thông minh (điều này thì nhiều người thừa nhận, và họ còn nói rằng ông thông minh quá mức cần thiết nữa là khác). Khả năng chính của ông nằm ở lĩnh vực vẽ tranh đồ họa- minh họa báo. Thành Chương minh họa cho báo Văn nghệ là chính, và được đặt hàng vẽ bìa trang Tết cho rất nhiều tờ báo khác trong nhiều năm nay. Ông vẽ đẹp. Về minh họa báo, không một ai có thể phủ nhận tài năng của Thành Chương. Họa sĩ có tư duy hình nét và bố cục hết sức linh hoạt. Ông thay đổi, lộn ngược lộn xuôi, tung hứng đủ kiểu như làm xiếc, mà vẫn chưa hết trò. Chủ đề- nội dung nào ông cũng có thể diễn đạt một cách dễ dàng theo ngôn ngữ “minh họa” riêng của mình, một thứ ngôn ngữ rất đặc trưng Thành Chương, không lẫn vào đâu. Chính thứ ngôn ngữ vừa có tính đồ họa- minh họa này được họa sĩ áp dụng vào các tác phẩm sơn dầu hay sơn mài, “phóng to” thoải mái cho các bức tranh kích thước cỡ lớn, với đủ các chủ đề khác nhau.
Vậy ngôn ngữ hội họa đặc trưng của Thành Chương là gì?

 
Ngắm trăng- Sơn mài 2007

Họa sĩ chỉ dùng đường nét để tạo hình là chính. Tranh của ông nhiều hình kỷ hà như: tròn, trụ, oval, chữ nhật, tam giác, lập thể… hoặc các đường nét tự do chạy trên các mảng dẹt. Ảnh hưởng Picasso ư? Đúng, Thành Chương công nhận. Ông thích Picasso ngay từ khi còn là sinh viên trên ghế nhà trường mỹ thuật. Một chút Malevitch hay Joan Miro nữa ư? Rất có thể. Nói chung, ngôn ngữ hội họa của Thành Chương có sự ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật mô đéc phương Tây đầu thế kỷ 20. Ông bỏ tả thực trường qui để quay sang lập thể hóa và mô đéc hóa ngôn ngữ hội họa của mình. Về màu sắc, ông cũng hay dùng những mảng màu nguyên, sặc sỡ, tương phản mạnh, nhiều tính trang trí, như cách dùng màu của Matisse và nhóm họa sĩ Dã thú.
Cái khác biệt và tài năng của Thành Chương là ở chỗ bởi quá thông minh và cá tính mạnh nên ông đã tiêu hóa rất nhanh món nghệ thuật mô đéc phương Tây, để rồi từ đó tạo nên một thứ ngôn ngữ hội họa của riêng mình, rất nhuần nhuyễn, một phong cách riêng mang nhãn hiệu Thành Chương- Việt Nam. Không ai bảo rằng tranh của Thành Chương là “Tây” mà họ bảo đó chính là tranh Việt Nam. Còn tôi thì tôi cứ nghĩ rằng đó là tranh Việt Nam hiện đại với những bản sắc “dân gian mới”.
Tôi thấy nhiều tranh của Thành Chương có những trẻ chăn trâu, những cánh diều, cái nón, mặt trăng, chân dung tự họa, những hình hài đan chéo vào nhau thành các bố cục lập thể ngẫu hứng bất ngờ, những cái mặt ngửa lên trời hoặc lấp ló hoặc nghẹo đầu rất kiểu “dân gian”, nhiều tính ước lệ giống như ở các hình chạm khắc đình làng Việt Nam, nơi các phường thợ xưa kia nhiều khi do bản gỗ hẹp mà phải tùy tiện co kéo hình, bất chấp tỷ lệ, thế mà sản phẩm lại trở nên vui nhộn, dí dỏm. Tranh dân gian Việt Nam đôi khi cũng có gì đó đùa nghịch nghiêng ngả từa tựa như vậy. Về màu sắc thì Thành Chương dùng đủ những màu sặc sỡ nhất, táo bạo nhất, đôi khi có thể nói là lòe loẹt như màu phẩm. Đó là những màu như cánh sen, đỏ son, đỏ điều, xanh nõn chuối, cánh chả, vàng kim, vàng hòe… (loại màu mà các họa sĩ sơn dầu thường e ngại, tránh dùng). Rất tiếc, đó cũng lại là những màu sắc ta thường thấy ở trang phục và trang trí lễ hội làng quê Việt Nam, mớ ba mớ bảy- tung tẩy sặc sỡ. Con mắt người làng cho rằng càng nổi bật bao nhiêu càng đẹp bấy nhiêu.
Tranh Thành Chương vì thế mà chứa đựng một tinh thần dân gian nào đó, từ chủ đề nội dung cho đến cách dùng màu sắc, dùng nét và mảng phẳng, nhiều tính trang trí ước lệ… Tôi tạm gọi đó là tranh dân gian hiện đại. Thành Chương dường như là người bắc cầu nối bản sắc dân gian Việt Nam với tính đồ họa hiện đại quốc tế. Mà trên thế giới thì từ lâu rồi, có thể nói từ đầu thế kỷ 20 tới nay, người ta đã không còn phân biệt gì lắm giữa đồ họa và hội họa. Tất cả đều được gọi chung là nghệ thuật.
Khi nói đến việc bắc cầu nối nghệ thuật Việt Nam nhiều tính dân gian với nghệ thuật hiện đại thế giới thì không thể không nhắc đến trường hợp danh họa Nguyễn Tư Nghiêm- người đi đầu trong sự khai mở này. Ông Nghiêm đã khai thác nhiều mô típ nghệ thuật cổ, từ Đông Sơn cho đến chạm khắc đình làng thế kỷ 17… và chuyển hóa nó thành ngôn ngữ hiện đại. Các bức Múa Cổ, Gióng, Tiên nữ… của ông mang đầy tinh thần uy nghiêm, trầm mặc, thăng hoa của đời sống tâm linh, tín ngưỡng.
Thành Chương không khai thác vốn cổ ở cùng một khía cạnh tinh thần như danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, mà khai thác chất dân gian từ đời sống thường nhật bình dị. Hội họa của Thành Chương nhuốm màu đồng dao, nhuốm màu sinh hoạt đồng quê, nhuốm màu sắc lễ hội, hân hoan phới phới, kết hợp với con mắt nhìn hình mới mẻ, ngộ nghĩnh, giàu trí tưởng tượng, nhiều tính trang trí hiện đại.
Bên cạnh sự thông minh khôn ngoan của đường nét bố cục, bên cạnh trò chơi tung hứng biến hóa khôn lường của hình thể tạo nên sự ngộ nghĩnh, hài hước, tươi vui của chủ đề, Thành Chương cũng mắc phải một số căn bệnh trầm kha khác của nghệ thuật dân gian như sự xuề xòa, dễ dãi, tuềnh toàng, tơ hơ, đùa cợt…, điều dễ dẫn đến sự hời hợt nào đó về cảm xúc cũng như thiếu vắng một chiều sâu ý tưởng. Nghệ thuật của Thành Chương để trang trí là chủ yếu. Ông làm rất nhiều tranh, dường như ý nghĩ và nét vẽ trôi ra khỏi đầu nhanh quá tới mức không kịp kiểm tỏa. Màu sắc thì hay lòe loẹt. Với đầu óc tư duy luôn thay đổi, Thành Chương không cần lặp lại mình và lặp lại các bức tranh. Song do cách làm việc, cách vẽ quá nhanh và quá nhiều về số lượng (cũng có thể do nhu cầu kiếm tiền chăng?) nên các bức tranh của ông tạo cảm giác hao hao vẫn vậy, ít được đầu tư suy nghĩ, chỉ khác nhau một chút về bố cục và đường nét. Nhìn nhiều cũng thấy chán.

 
Tự họa- Sơn mài 2007

Tranh của Thành Chương vẫn bán được. Bán chạy. Nó dường như phù hợp với nhu cầu trang trí nhà cửa cho vui mắt của một đại chúng công nghiệp mệt mỏi, với một thị hiếu không quá cầu kỳ và một túi tiền không quá đòi hỏi. Hay cũng có thể đó là một đại chúng đã chán chường vô cảm với văn hóa hậu hiện đại và hoài niệm khôn nguôi về thời hoàng kim của nghệ thuật mô đéc?. Hay cũng có thể đó là sự khao khát cái tươi mát dân gian đồng quê tiềm ẩn sâu xa trong ký ức tuổi thơ nhân loại? Và còn rất nhiều cái có thể khác nữa…
Tranh của Thành Chương gây nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Thế nhưng, công bằng mà nói, sự trở về làng ào ạt với những trâu, bò, nón lá, niềm vui đồng dao, tình cảm ngây thơ- naiv của hội họa thời kỳ này cũng có phần nào ảnh hưởng từ ngôn ngữ hội họa của Thành Chương. Bằng ngôn ngữ và phong cách cá nhân riêng biệt, có bản sắc riêng, nhuốm tinh thần dân gian- hiện đại, Thành Chương đã để lại dấu ấn nào đó trong mỹ thuật Việt Nam hôm nay./.
———
* Năm 2000 là Năm quốc tế những người tình nguyện, tranh của họa sĩ Thành Chương- Việt Nam được Liên hợp quốc chọn làm biểu tượng cho năm này và in thành tem. Đó là một sự kiện văn hoá và là vinh dự lớn cho họa sĩ.

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)