Giáo dục khai phóng và sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ

Mặc dù có truyền thống giáo dục khai phóng lâu đời nhưng gần đây nước Mỹ đang có xu hướng cổ vũ cho giáo dục STEM đến mức cực đoan là hạ thấp những ngành nhân văn.

Vì vậy, các biên tập viên của tạp chí khoa học Scientific America đã viết một bài phản đối lại quan điểm này. Họ cho rằng, giáo dục toàn diện về cả công nghệ và nhân văn đã đem lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Mỹ.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Holywood và Silicon Valley là minh chứng rõ ràng nhất cho sự gắn kết mật thiết giữa những gì mà nhà khoa học và tiểu thuyết gia C.P. Snow gọi là “hai nền văn hóa” của nghệ thuật và khoa học. Là một ví dụ điển hình, Steve Jobs, được mệnh danh người hùng công nghệ trong hàng thập kỉ, chưa bao giờ là lập trình viên hay kỹ sư phần cứng. Ông nổi bật trong giới tinh hoa công nghệ bởi ông đem đến sự nhạy cảm nghệ thuật trong thiết kế những chiếc điện thoại và những chiếc máy tính bàn vốn cục mịch trước đó. Jobs đã từng khẳng định rằng: “Trong AND của Apple, công nghệ là không đủ mà đó là hôn phối giữa công nghệ với nghệ thuật khai phóng, với ngành nhân văn để tạo ra những sản phẩm khiến trái tim mình cất lên tiếng hát”.

Nếu nhìn kĩ vào chương trình học các ngành STEM, sẽ thấy rằng các học sinh tốt nghiệp sau bốn năm học Vật Lý cộng thêm thơ ca, trên thực tế sẽ là những ứng cử viên sáng giá trong mắt các nhà tuyển dụng. Vào năm 2013, Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Mỹ công bố kết quả khảo sát 318 nhà tuyển dụng có từ 25 nhân viên trở lên chỉ ra rằng hầu hết đều thấy năng lực “suy nghĩ phê phán, diễn đạt rõ ràng, giải quyết những vấn đề phức tạp” – chính xác là mục tiêu giảng dạy của giáo dục khai phóng, quan trọng hơn cả kiến thức chuyên môn của các ứng cử viên. Những kĩ năng đó, cũng chính là những gì một người cần để kết hợp nghệ thuật thiết kế với các yếu tố kĩ thuật để tạo ra những chiếc xe ô tô, quần áo, điện thoại cao cấp nổi bật trước các đối thủ cạnh tranh. Đó cũng chính là những kĩ năng không bao giờ bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của máy tính, của robot và những “công nghệ chiếm việc” khác.

Những sinh viên có khả năng thiết kế lịch học của mình kết hợp giữa ngành STEM và nhân văn sẽ gặt hái nhiều thành tựu lớn trong tương lai. Chính người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg là một học sinh xuất sắc trong môn tiếng Hy Lạp và tiếng Latin từ khi còn ở trường phổ thông bên cạnh việc học thêm ngôn ngữ lập trình.

Có lẽ, có một sự liên hệ giữa đổi mới sáng tạo và các môn học khai phóng. Ngoài Mỹ, ở hầu hết các nước khác trên thế giới, chương trình đại học vẫn chỉ tập trung vào học những kĩ năng hướng tới một ngành nghề cụ thể. Nhờ vào giáo dục khai phóng, mà nền kinh tế Mỹ mới có được sự năng động và đổi mới mạnh mẽ, thể hiện ở tỉ trọng các cơ quan trong khối nhà nước áp dụng công nghệ cao lớn nhất thế giới vào năm 2014. Điều này khiến cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore phải học theo mô hình khai phóng của Mỹ.   

Khuyến khích một nền công nghiệp công nghệ cao ở một vùng nào đó, không thể bằng cách chê bai Voltair hay Camus mà tốt hơn cả là xây dựng một hệ thống giáo dục hàng đầu và giảm đỡ gánh nặng tài chính để sinh viên dù có xuất thân khiêm tốn đến mấy cũng có thể được học. Nghề nghiệp sẽ từ đó mà phát triển – dù là trong khối nhà nước hay là tạo ra những startup công nghệ đình đám.    

Hảo Linh lược dịch
Nguồn:https://www.scientificamerican.com/article/stem-education-is-vital-but-not-at-the-expense-of-the-humanities/

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)