Sách hóa nông thôn: Thành công từ sự bài bản

Nhờ nghiên cứu bài bản và hoạch định truyền thông chiến lược, chương trình Sách hóa nông thôn đang chứng minh rằng đây không là một một phong trào hô hào nhất thời mà thực sự sẽ góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về việc đọc sách một cách bền bỉ.


Học sinh đọc sách ở lớp 1A1, Tiểu học Đô thị Việt Hưng. Nguồn: Đỗ Tiến Thành.

Khởi đầu từ một tủ sách ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cho đến nay, chương trình Sách hóa nông thôn đã có hơn 20.000 tủ sách trên khắp cả nước. Người sáng lập chương trình – anh Nguyễn Quang Thạch, đã dành 10 năm để nghiên cứu các mô hình thư viện cũng như xây dựng chiến lược truyền thông, nhằm đảm bảo rằng các mô hình tủ sách của anh sẽ “sống” trong dân chúng và thật sự thay đổi nhận thức xã hội về việc đọc sách.

Một nghiên cứu bài bản

Trước khi diễn ra buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 1A1, Tiểu học Đô thị Việt Hưng, anh Đỗ Tiến Thành đã đi khảo sát một số phụ huynh trong khu vực về việc xây dựng tủ sách trong lớp học, và đã bị phản đối với lý do: “Sách ở nhà đầy mà cháu có đọc đâu, lập tủ sách ở lớp làm gì?”.

Câu chuyện sẽ kết thúc ở đây nếu như anh Đỗ Tiến Thành – vị phụ huynh kể trên, không quyết định rằng hàng ngày sẽ đến trường cùng con và dành 15 phút đầu giờ để đọc sách cho các bạn học sinh trong lớp nghe. Ban đầu chỉ có một, hai bạn nhưng lâu dần, rất nhiều bạn nhỏ thích thú, nhiều phụ huynh ngạc nhiên và đăng hình ảnh “chú thành đọc sách cùng các con lên facebook”. Câu chuyện này đã làm cảm động nhiều phụ huynh trong lớp và mọi người quyết định rằng sang đầu học kỳ 2 sẽ trang bị tủ sách cho các con. Cuối cùng, “trái ngọt” đã đến – trong buổi họp phụ huynh đầu năm, khi anh Thành đề xuất làm tủ sách trong lớp thì được giáo viên và các phụ huynh đã hết sức ủng hộ. Ngay sau đó, lớp 1A1 đã xuất hiện một tủ sách khang trang với hơn 200 đầu sách, tất cả đều do các phụ huynh góp tiền ủng hộ, còn các bạn học sinh thì hào hứng tự mang thêm sách đến đóng góp.  

Ý tưởng đọc sách cho các bạn nhỏ được anh Thành đưa ra dựa trên kết luận từ nghiên cứu hành vi nằm trong khuôn khổ Sách hóa nông thôn – chương trình anh Thành đang tham gia tích cực. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc đọc của trẻ em được kích thích khi các bạn xung quanh cũng cùng đọc sách, bởi hình ảnh về sách lặp đi lặp lại trước mắt bạn trẻ. Đây chỉ là một trong nhiều nghiên cứu được tiến hành bài bản do Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự thực hiện, nhằm tìm hiểu hành vi đọc sách của nhóm đối tượng là những người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, được thực hiện từ năm 1997 và tới năm 2007 thì số lượng được khảo sát lên tới gần 10.000 người.

Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu dưới dạng phỏng vấn, bắt đầu từ những sinh viên học trường ĐH Vinh, sau đó mở rộng ra nhiều tầng lớp và ngành nghề khác như học sinh, nông dân, công nhân,… trải từ Bắc vào Nam, từ vùng thành thị như Hà Nội, Vinh cho đến miền núi Con Cuông (Nghệ An), Yên Bái. Thậm chí, anh Nguyễn Quang Thạch còn xin vào làm công nhân ở nhà máy giày Tramashoco (Vũng Tàu) hay phỏng vấn cả những cô gái “bán hoa” miền Tây ra Vinh hành nghề để tìm hiểu thói quen đọc sách của họ.

Các kết quả rút ra từ các nghiên cứu đó có có tác động rất lớn tới cách xây dựng các mô hình tủ sách sau này. Ví dụ như kết quả nghiên cứu cho thấy tần suất tiếp xúc mắt của con trẻ với sách càng cao sẽ kích thích việc đọc càng lớn được ứng dụng vào mô hình tủ sách lớp em – đặt tủ sách trong lớp thay vì thư viện, để trẻ em được tiếp xúc với sách nhiều hơn, nhờ đó đã tăng số đầu sách bình quân đọc hàng năm từ 0,5 cuốn lên mức 10 cuốn/trẻ [Số liệu năm 2017 của tỉnh Thái Bình]. Hay việc lựa chọn nhân rộng mô hình nào đều dựa vào đánh giá tính khả thi sau nghiên cứu và thí điểm. Ví dụ như ý tưởng tủ sách do Hội Phụ nữ xây dựng đã dừng lại sau khi kết quả phỏng vấn chứng minh là không khả thi, chiến lược này đã giúp chương trình tránh khỏi lãng phí nguồn lực vào các mô hình chắc chắn thất bại.

Việc nghiên cứu và rút kinh nghiệm của các sáng kiến tủ sách ở nông thôn trước đó như tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách ở nhà văn hóa thôn đã giúp Sách hóa nông thôn thoát khỏi cảnh “chết lâm sàng”. Những tủ sách này thất bại vì một cá nhân/một nhóm phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm, như bưu điện văn hóa xã phải làm chức năng “bưu điện” hay ông trưởng thôn đã phải làm rất nhiều việc hành chính cấp thôn thì lấy thời gian đâu để quản lý tủ sách?

Ngoài ra, khía cạnh tài chính cũng đã được Sách hóa nông thôn nghiên cứu kỹ lưỡng. Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án xã hội khác, dù đã quyên góp được số tiền tương đối “khủng” nhưng không thúc đẩy được người dân tự giác tham gia và cuối cùng rơi vào cảnh “bỏ dở giữa chừng” nên Sách hóa nông thôn đã giới hạn mức đóng góp cho những người muốn ủng hộ chương trình là 240.000 đồng/năm – khoản tiền tương đối vừa phải, phù hợp với những người bình dân trong xã hội để mọi người có thể đóng góp thường niên, tránh việc mọi người chỉ góp một lần rồi thôi. Có thể thấy rằng những dự án xã hội đến nay vẫn đang chứng minh được sự “dài hơi” của mình đều có chung một tầm nhìn: nguồn lực của nó không đến từ riêng cá nhân hay tổ chức nào, mà dựa vào vốn xã hội, nghĩa là xã hội tự đóng góp cho chính xã hội. Như nghệ sĩ Trang Trịnh – sáng lập dự án Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu, từng chia sẻ trên Tia Sáng: “dự án không muốn hợp tác với các “đại gia”, họ có thể cho rất nhiều tiền nhưng thường không lâu dài. Tôi muốn đó là dự án của cộng đồng… Một dự án thiện nguyện không đi từ cộng đồng thì nó không thực sự tồn tại được.” Đây hẳn cũng là tôn chỉ của những người làm Sách hóa nông thôn.

Tính toán chiến lược truyền thông

Sách hóa nông thôn giới thiệu cho công chúng nhiều mô hình đa dạng như tủ sách dòng họ, phụ huynh, giáo xứ, hậu phương chiến sĩ,… Nhưng ít ai biết được rằng lộ trình ra mắt các loại tủ sách cũng đã được thiết kế kỹ càng, đảm bảo rằng sự xuất hiện của tủ sách này sẽ rải thảm cho tủ sách kế tiếp.

Tủ sách dòng họ được thực hiện đầu tiên bởi đây là mô hình khả thi nhất và dễ thành công nhất vào thời điểm năm 2007. Lúc đó, anh Nguyễn Quang Thạch đã phỏng vấn và tiếp xúc với nhiều giáo viên, quản lý ngành giáo dục và nhận ra sự trì trệ, thủ cựu đang hiện hữu sẽ là rào cản lớn cho việc “xâm thực” của tủ sách [nhiều lãnh đạo ở phòng giáo dục địa phương thờ ơ với khuyến đọc và các trường hầu hết đã có tủ sách nhưng học sinh không được mượn vì giáo viên lo sách mất, rách]. Trong khi đó, nhiều dòng họ, đặc biệt ở miền Bắc, có sự tương tác giữa những người cùng tộc mạnh mẽ, thậm chí có cả quỹ khuyến học, đây là các yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng tủ sách dòng họ. Đặc biệt, mô hình này có khả năng tự nhân rộng, khi một dòng họ này có tủ sách thì những người của dòng họ sẽ khác biết đến và cũng muốn đóng góp tương tự cho dòng họ của mình để không bị “kém cạnh”.

Hiệu quả từ tủ sách dòng họ sẽ được truyền thông thông qua báo chí, từ đó tạo ra nhận thức xã hội của người dân cả nước về việc đọc sách. Thậm chí, việc chọn Thái Bình trở thành địa điểm truyền thông quen thuộc của Sách hóa nông thôn cũng nằm trong tính toán chiến lược của anh Nguyễn Quang Thạch, bởi vị trí gần Hà Nội, tạo thuận lợi cho báo chí thường xuyên lui tới tác nghiệp. Sau tủ sách của dòng họ Đỗ Xuân và có bài đăng trên báo Tiền Phong, kể từ đó đến nay đã có khoảng 100 tủ sách dòng họ thuộc Sách hóa nông thôn trên cả nước, riêng xã An Dục (Thái Bình) có 11 tủ.

Đột phá của Sách hóa nông thôn đến vào năm 2010, khi Nguyễn Quang Thạch tổ chức đi xe máy xuyên Việt ngay ngày mùng Một Tết và lên sóng truyền hình Việt Nam kêu gọi mọi người đưa sách về dòng họ. Sự kiện này đã tạo ra hiệu ứng truyền thông rất lớn. Sau đó đã có khoảng 300 bài báo đã viết về sự kiện này và lần đi bộ xuyên Việt kế tiếp vào năm 2015, điều đó không chỉ tác động tới nhận thức của người dân về việc đọc sách mà còn đánh thức trách nhiệm của các nhà quản lý. Năm 2015, Bộ Giáo dục đã ra Công văn 6841 gửi các sở GD khuyến khích nhân rộng tủ sách đến các lớp học.

Nhờ những nỗ lực truyền thông bền bỉ, mang tính chiến lược, Sách hóa nông thôn đã dần hình thành được một mạng lưới những người không chỉ góp tiền ủng hộ mà còn tích cực đi xây dựng tủ sách ở các địa phương. Trong đó phải kể đến chị Vũ Thị Thu Hà – thành viên tích cực của chương trình. Ban đầu chỉ là hưởng ứng lời kêu gọi cựu học sinh tặng sách cho trường cũ, tuy nhiên chị nhận ra rằng: “Khi đi tặng sách mới thấy có quá nhiều việc phải làm chứ không chỉ đưa sách tặng cho trường cũ là xong…”, và tiếp tục vận động nhiều người khác cùng tham gia xây dựng tủ sách ở nhiều địa phương như Nam Định, Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đăk Lăk ,… Chị còn thực hiện chương trình “Bán trái cây – Xây tủ sách”, kinh doanh và trích 5.000 đồng mỗi cân trái cân bán được để xây tủ sách ở Tây Nguyên.

Quan trọng hơn, chính những người hưởng lợi từ tủ sách – nông dân, trẻ em đã tự nuôi dưỡng thói quen đọc sách và góp tiền xây dựng tủ sách cho bản thân. Thậm chí, trẻ em ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã dùng tiền mừng tuổi để mua cho mình hơn 70.000 đầu sách trong năm 2017 – 2018 và khoảng 300.000 người Việt trong và ngoài nước đã tham gia vào tiến trình xây dựng các tủ sách. Những số liệu như vậy củng cố lòng tin là dù người nhóm lửa Nguyễn Quang Thạch không thể tiếp tục thì chương trình vẫn “sống”.

Cần tiếp tục đánh giá định tính

Hiện nay, khoảng 1.000.000 người ở nông thôn và đô thị có cơ hội hưởng từ tủ sách. Số lượng sách được mượn tăng từ 0.4-2 đầu sách/năm lên 10-30 đầu sách/năm tại các vùng mục tiêu điển hình. Đây là một vài đánh giá định lượng về các kết quả đạt được của chương trình. Ngay từ khi lên kế hoạch xây dựng, Sách hóa nông thôn đã được xác định rằng nó không phải một phong trào nhất thời mà sẽ “đi lâu, đi dài”, vì thế cần thường xuyên được đánh giá, đo lường, để khắc phục và tự cải thiện hiệu quả của mình. Việc thống nhất cách ghi sổ quản lý đối với các tủ sách cùng loại ở mọi nơi là điều bắt buộc để tạo thuận lợi cho công tác thống kê sau này. Ngoài ra, nhìn vào danh mục mượn có thể biết được xu thế đọc của các độc giả, làm cơ sở để bổ sung thêm sau hợp thị hiếu sau này.

Tuy nhiên bên cạnh đánh giá định lượng, đội ngũ thực hiện Sách hóa nông thôn mong muốn có thêm những đánh giá định tính từ bên thứ ba nhằm khách quan hơn và cũng vì nguồn lực (cả năng lực và vật lực) của chương trình không đủ để thực hiện. Kế hoạch trước mắt là mời đơn vị nghiên cứu giáo dục độc lập tham gia thực hiện đánh giá định tính hiệu quả của chương trình sau 10 năm phát động.

Ngoài ra, hiện nay các đầu sách mới chỉ được phân loại theo các nhóm như sách văn chương, khuyến nông, lịch sử,… và căn cứ vào đối tượng của tủ sách để đưa ra các loại thích hợp, trong dó chú trọng tính nhân văn, tinh thần thực học thực làm. Nhóm cũng giới thiệu cho những người quản lý tủ sách ở địa phương các nhà sách uy tín đang hợp tác với chương trình. Tuy nhiên bản thân nhóm làm Sách hóa nông thôn phải thừa nhận rằng chưa thể nghiên cứu bài bản về những loại sách phù hợp cho từng đối tượng. Vì vậy, chương trình kiến nghị các chuyên gia giáo dục và thư viện nên ngồi lại với nhau, thảo luận và đưa ra danh mục sách khuyến nghị phù hợp với từng độ tuổi, để việc đọc sách thực sự có tác động tới tri thức và tâm hồn.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)