Nhớ một người yêu tiếng Việt

Lần đầu tiên tôi được gặp ông Cao Xuân Hạo, đó là vào một ngày cuối mùa mưa năm 2003, tại Sài Gòn. Khi đó, nhóm phóng viên truyền hình chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện một bộ phim chân dung về ông. Mọi công việc liên lạc, thu thập tư liệu, lên kịch bản v.v... đều đã xong, chỉ còn một việc phải làm trước khi ghi hình là trực tiếp gặp nhân vật để thống nhất về thời gian và những địa điểm cụ thể.

Phải thú thật rằng, tuy gặp ông vì công việc, nhưng lúc ấy trong tôi không chỉ có chút “tinh thần trách nhiệm” của một công chức báo hình. Đó còn là cảm giác tò mò xen lẫn hồi hộp và sung sướng của kẻ hậu sinh vô danh khi lần đầu tiên được đối diện với bậc tiền bối danh giá. Tôi đã được đọc những Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy), Tội ác và trừng phạt (Dostoyevsky), Người con gái viên đại úy (Puskin), Con đường đau khổ (Alexei Toltoy), Khải hoàn môn (Remarque), Đèn không hắt bóng (Watanabe Dzunichi) v.v… qua phần chuyển ngữ (mà ai nấy đều cho là) tài hoa của Cao Xuân Hạo. Tôi đã được biết ông là trưởng nam của cụ Cao Xuân Huy – vị sư biểu đáng kính của giới Hán học Việt Nam kể từ sau năm 1954 – và là cháu trực hệ của hai vị Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn là Cao Xuân Tiếu và Cao Xuân Dục. Tôi đã được nghe nói về ông như một trong số rất ít những nhà ngôn ngữ học Việt Nam có thể đối thoại được với giới ngôn ngữ học quốc tế (thậm chí, qua những nghiên cứu của ông về âm vị học, có nhà ngôn ngữ học người Pháp đã ca ngợi ông như một Copernicus trong ngôn ngữ học hiện đại!). Rồi còn nhiều nhiều những câu chuyện truyền tụng về cái khả năng ngoại ngữ thiên bẩm của ông. Bấy nhiêu đó có lẽ đã đủ để giải thích cho tâm trạng nói trên của tôi.
Cao Xuân Hạo sống trong một căn nhà nhỏ nằm ở tít cùng một con hẻm cụt trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp. Khi tôi đến, ông cũng vừa trở về nhà sau một buổi dạy cho trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy đã năm giờ chiều, mưa rả rích như thể mưa mùa ngâu ở ngoài Bắc. Ngoài trời tối dần, trong nhà còn tối hơn, nhưng dường như ông chủ nhà không hề quan tâm đến việc phải bật đèn. Vậy là chúng tôi nói chuyện trong cái không gian nhập nhoạng chẳng rõ mặt người. Đúng hơn là ông nói, tôi nghe. Thực ra thì tôi cũng không thu lượm thêm được thông tin nào mới hơn so với những gì tôi đã biết về ông trước đó. Nhưng tôi bị ấn tượng bởi cách nói và giọng nói của ông. Một cách nói đều đều, thong thả, như trên đời này chẳng có gì phải vội vàng, cách nói của người luôn đo lường được sức mạnh lời nói trên cảm thức của người nghe. Một giọng nói cao, mảnh, pha kim, không hẳn đã hấp dẫn nhưng lại khiến người ta phải chú tâm. Chính cách nói và giọng nói đặc biệt ấy đã làm tôi chợt nhận ra vài điều nằm ở đằng sau những chi tiết tiểu sử của nhân vật mà tôi tưởng đã nắm rất rõ. Một cách ngắn gọn, tôi thấy sức mạnh chi phối của cái ngẫu nhiên trên đời người, thấy cả cái giá trị phập phù tương đối của những biến cố trong đời sống. Ví như, Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học đầy tài năng, ai cũng công nhận điều đó. Nhưng thực ra khi bước chân vào học giới, ông lựa chọn lý luận văn học chứ không phải ngôn ngữ học: năm 1956, do nhu cầu của khoa Văn trường ĐHTH Hà Nội và theo đề nghị của ông Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo đang giảng ở tổ lý luận văn học thì được điều sang giảng ngữ âm học ở tổ ngôn ngữ học – nghề ngôn ngữ bắt đầu từ đó. Hai năm sau, ông lại “được” chuyển sang làm công việc của một cán bộ biên dịch rồi gắn bó với nghề này suốt 20 năm (1958 – 1978). Tôi phải để chữ được trong ngoặc kép, vì việc điều chuyển này thực chất là một án kỷ luật. Tái ông thất mã, trong cái rủi có cái may. Với cái nghề mới: nghề dịch thuật, trong 20 năm, ông đã dịch hơn 30.000 trang sách từ hai ba thứ ngôn ngữ nước ngoài. Hầu hết những công trình dịch thuật ấy đã đưa ông trở thành một trong số ít ỏi những dịch giả khẳng định mình như một dịch giả văn học cự phách.
Liên tục trong vài ngày sau lần gặp đầu tiên đó, tôi ở bên cạnh ông Cao Xuân Hạo hết nơi này đến nơi khác trên đất Sài Gòn. Để làm phim về ông. Với tư cách một “diễn viên”, ông tỏ ra rất “chuyên nghiệp” khi tái diễn những phần đời của chính mình. Hàng chục lần phải đi lên đi xuống, phải đóng cửa mở cửa, phải đọc sách, phải gõ bàn phím, phải suy tư v.v… để có một cảnh quay ưng ý, ông đều thực hiện không một chút ta thán, cho dẫu những việc ấy chẳng hề là nhẹ nhàng đối với một ông già tuổi ngoại thất thập. Thú thực là tôi cũng hơi lấy làm ngạc nhiên về điều này. Một học giả vang danh cả trong nước và quốc tế, một nhân vật trí thức vào hàng elite đầy kiêu hãnh mà cũng chuyên tâm với việc để hình ảnh của mình lọt vào mắt khán giả truyền hình đến thế ư? Phải chăng cái nỗi ám ảnh về sự bất tử – mà Milan Kundera đã nói tới trong cuốn tiểu thuyết cùng tên – cũng đã bám rễ trong ông, một cách vô thức? Cho đến bây giờ, khi ông đã ra người thiên cổ, tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi này.
Hoàn tất công việc ghi hình, tôi không còn có dịp gặp lại ông một lần nào nữa. Nhưng đó là nói về sự gặp gỡ theo nghĩa trực tiếp, cụ thể, mà thôi. Sau khi làm phim về Cao Xuân Hạo, tôi đã bỏ thời gian để “nghiền” mấy cuốn trong số sách ngôn ngữ học đã xuất bản của ông: Âm vị học và tuyến tính (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa (NXB Giáo dục, 1998), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (NXB Trẻ, 2001). Nhu cầu ở đây là sự muốn hiểu cho thật đúng, thật đủ, đến mức có thể về con người mà mình vẫn khâm phục. Chẳng dễ một chút nào. Hai cuốn đầu, tôi hầu như không hiểu được. Nhưng cuốn thứ ba thì thật sự là thú vị. Đọc nó, tôi nhận thấy một điều: Cao Xuân Hạo là người yêu tiếng Việt đến vô hạn. Không phải thứ tình yêu có tính chất tiên nghiệm (a priori) theo kiểu “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” (Phạm Duy), mà là thứ tình yêu lý tính, tình yêu trên cơ sở của một sự hiểu biết thấu đáo về bản chất của ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong cuốn sách, ông khiến tôi – và hẳn nhiều người đọc khác cũng vậy – phải giật mình khi biết rằng cả trong nói và viết, mình đã sử dụng tiếng Việt tùy tiện đến thế nào. Khi nào thì dùng “tìm” và khi nào thì dùng “kiếm”? Khi nào thì dùng “dù”, “tuy” và “mặc dầu”? Khi nào thì dùng “vân vân” (v.v…) và khi nào dùng “chấm lửng” (…)? v.v… Tất cả những phân biệt rất tế vi ấy trong tiếng Việt hầu hết đều bị người ta bỏ qua. Do cẩu thả, nhưng chủ yếu là do một quan điểm nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt sai lầm mà ra. Hơn ai hết, Cao Xuân Hạo là người kiên trì và kịch liệt đấu tranh với sai lầm này. Tốt nhất, tôi sẽ trích một đoạn văn của ông: “Cho đến bao giờ người Việt mới được học tiếng Việt thực sự, chứ không phải tiếng Pháp được minh họa bằng những thí dụ tiếng Việt, do đó chỉ biết 20% các kiểu câu tiếng Việt, chỉ gồm có những câu thật giống các kiểu câu của tiếng Pháp mà thôi, còn 80% kiểu câu còn lại, tuy rất thông dụng trong tiếng nói hàng ngày và trong các thể loại văn thơ dân gian, cổ điển và hiện đại, thì không hề được học, nên không biết cách phân tích và do đó không biết cách dùng? Đã đến lúc chúng ta thực sự bắt tay vào quan sát tiếng Việt như nó được người Việt nói và viết hằng ngày, chứ không phải tìm xem những từ loại, những chức năng cú pháp, những kiểu câu của một thứ tiếng châu Âu quen thuộc nào đó có tồn tại trong tiếng Việt hay không, và nếu có, thì nó được thể hiện như thế nào. Cách làm thứ hai này dễ và nhanh hơn nhiều, vì bao giờ cũng có thể tìm thấy đầy đủ những cái mà mình đi tìm theo hướng đó; nhưng đó cũng là cách tốt nhất để sai lầm và để chặn đứng mọi bước tiến trên con đường tìm hiểu tiếng Việt” (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Tr 199). Không chỉ là nêu vấn đề, mà trên thực tế, Cao Xuân Hạo đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để khắc phục tình trạng mà ông gọi là “dĩ Âu vi trung” này trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt. Tiếp sức với ông còn có nhiều nhà ngôn ngữ học thuộc thế hệ sau, những người đã chịu ảnh hưởng bởi quan điểm khoa học cứng cỏi và táo bạo và bởi tình yêu tiếng Việt đến vô hạn của ông. Tôi nghĩ, đã có thể nói đến một học phái ngôn ngữ học mang tên Cao Xuân Hạo ở Việt Nam!
Gặp gỡ thoảng qua nhưng ấn tượng để lại có lẽ thật lâu bền. Bài viết nhỏ này xin được xem như một nén tâm hương mà kẻ hậu sinh thắp lên để tưởng nhớ một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một dịch giả văn học tài hoa vừa mới qua đời. Nơi chín suối, mong ông nhận lấy một tấm lòng.

Hoài Nam

Tác giả