“Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu”

Phát biểu nhân dịp nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu sáng 17/5 tại Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng chia sẻ suy nghĩ, đối với ông điều gì là thú vị trong nghiên cứu khoa học và vì sao ông lại ví nghiên cứu khoa học như môn chạy Marathon.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao giải thưởng Tạ Quang Bửu lần thứ nhất cho hai nhà khoa học: GS. TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (trái) và PGS. TS Nguyễn Bá Ân.

Kính thưa các quý vị, 

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trao cho tôi vinh dự được nhận Giải thưởng khoa học danh giá này lần thứ nhất. Đặc biệt, tôi chân thành cảm ơn Hội đồng Giải thưởng ngành Toán đã giới thiệu tôi như đề cử duy nhất của ngành.
*
* *

Tạ Quang Bửu là một trí thức lớn, dù ông không có bằng cấp cao. Ông là một trong những hình mẫu của người trí thức tham gia cách mạng giải phóng dân tộc.

Khi tôi còn là một học trò và sau này là một giảng viên trẻ, thì ông là Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Giữa lúc “Chủ nghĩa lý lịch” đang ở thế thượng phong, ông đã ghi đậm dấu ấn cá nhân trong việc tuyển chọn người tài cho đất nước. Thứ nhất, từ năm 1970 ông đặt ra kỳ thi vào đại học, kỳ thi này tiếp nối đến ngày nay. Thứ hai, ông cứu giúp không ít người học giỏi, và sinh ra trong gia đình có lý lịch không được xem là tốt. Tôi không thuộc số những người được ông cứu giúp, nhưng hành động của ông là sự động viên lớn đối với cá nhân tôi và bè bạn cùng trang lứa.

Riêng với môn Toán, Tạ Quang Bửu có sự ưu ái đặc biệt. Sự định hướng và cổ vũ của ông cho Toán học là một trong những lý do chính khiến Việt Nam có nền Toán học tiến bộ đáng kể so với trình độ kinh tế. 

*
* *
Tôi được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu về một bài báo dài 40 trang, đăng trên Mathematische Annalen, một trong những tập chí Toán học hàng đầu, bắt đầu xuất bản từ 1868, cùng thời vua Tự Đức của nước ta. 

Việc tôn vinh một người Việt, GS Huỳnh Mùi, người hướng dẫn tôi làm Luận án Tiến sĩ 35 năm trước, trong một khái niệm, “Đại số Dickson-Mùi”, xuất hiện ngay trên đầu đề của bài báo, tại một tạp chí hàng đầu, là một sự kiện có ý nghĩa.

Khi một kết quả đã được công bố, nó có cuộc sống tự thân, không phụ thuộc ý muốn tác giả của nó. Riêng với cá nhân tôi, mọi kết quả của tôi đã được công bố đều không còn thú vị nữa. Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu.

*
* *

Nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu, tôi có đôi điều suy ngẫm về việc làm khoa học.

Bộ KH&CN 5 năm gần đây đã tài trợ đáng kể cho nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ NAFOSTED, trên cơ sở đó đã làm cho số công bố ISI của Việt Nam trong những ngành được tài trợ tăng hàng năm vào khoảng 30%. Đó là một thành công lớn.

Mặt trái khó tránh khỏi của sự việc trên là hiện tượng có một số không nhỏ các tác giả nhận tài trợ NAFOSTED có xu hướng chọn in bài trên những tạp chí ở gần cận dưới của giới hạn ISI. Nói cách khác, trong khi số lượng công bố ISI của nước ta tăng đáng kể, thì chất lượng các công bố đó có xu hướng giảm đi. Số các tác giả đủ bản lĩnh để chỉ chú tâm vào việc mình cần làm, không chạy theo số lượng, phải nói là không nhiều. 

Chạy Marathon 42,195 km là môn thể thao mà hồi còn nhỏ tôi rất ghét, vì nó nặng nhọc và buồn chán; nhưng càng trưởng thành thì tôi càng thích. Tôi dần dần hiểu ra rằng Marathon chính là môn thể thao gần với cuộc đời nhất: Nặng nhọc và buồn chán chính là những thuộc tính của cuộc đời, nói riêng là thuộc tính của việc nghiên cứu khoa học. Khi đã vượt được chừng 30 km thì mỗi người chạy marathon chỉ còn đua với chính mình, sự ganh đua với người khác dường như không còn đáng kể. 

Bài học mà môn marathon dạy tôi là cố gắng làm tốt nhất khả năng của chính mình, không để tâm nhiều đến các yếu tố bên ngoài. Nói rõ hơn, thay cho việc cố gắng công bố nhiều bài ISI để nhận tài trợ NAFOSTED, tôi cố gắng công bố trên những tạp chí có chất lượng cao, thà ít mà tốt. 

Vĩ thanh

Bài báo của tôi được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu là bài cuối cùng tôi đã viết khi còn được hưởng sự săn sóc của vợ tôi. Tôi muốn dành bài báo này để ghi ơn Mẹ tôi và Vợ tôi, hai người phụ nữ hết mực dịu hiền của đời tôi, nay đã không còn nữa.

Xin chân thành cảm ơn các quý vị. 

 

Tác giả