Đón đọc Tia Sáng số 19 năm 2021

Nếu coi mỗi số báo là một cuộc gặp gỡ, trò chuyện, gửi trao những suy nghĩ và ý tưởng của những người trong thế giới khoa học, văn hóa với bạn đọc thì số báo này thực sự là một cuộc gặp gỡ đặc biệt… Bởi chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những người đặc biệt.

Trước tiên, đó là “Giáo sư Phan Đình Diệu: Anh Cả của Tin học Việt Nam” qua hồi ức của giáo sư Hồ Tú Bảo… Ông chính là “tạo ra một không khí làm việc say mê của Viện trong hoàn cảnh đất nước còn vô vàn khó khăn; mặt khác, nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển một ngành khoa học mới và đa dạng, mới ngay cả với chính mình, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và tự học những lĩnh vực rất mới và thay đổi rất nhanh của ngành”. Có lẽ, hiếm ai được như giáo sư Phan Đình Diệu, khi “gạt bỏ những theo đuổi và đam mê cá nhân về toán học để bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới với mình nhưng rất cần cho đất nước, cùng một số người đi đầu, dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo xây dựng nền Tin học nước nhà”. 

Tuy nhiên câu chuyện về giáo sư Phan Đình Diệu không chỉ là câu chuyện về một nhà khoa học, một nhà quản lý khoa học. Hiển hiện trong những dòng hồi ức kìm nén cảm xúc ấy là hình ảnh một trí thức với cái tâm sáng “nghĩ xa và sâu hơn người, luôn thẳng thắn nêu những chính kiến của mình”… Có lẽ, thật đáng quý khi qua những trang báo, chúng ta có thể “nhìn gần” một người như ông và hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của nước nhà…

Những con người khác mà Tia Sáng giới thiệu trong số báo này ít nhiều cũng được mọi người biết đến, đặc biệt trong những ngày Nobel. Vì sao họ lại đoạt giải Nobel chứ không phải những người khác? Vì sao họ được ghi nhận? Vì họ có những đóng góp mang tính nền tảng cho lĩnh vực hóa học, vật lý…? Tất cả chỉ có thế thôi ư? Nếu như vậy thì khoa học mãi ở trong “tháp ngà”của mình. Khoa học là để phục vụ cuộc sống này. Tất cả các câu chuyện xoay quanh các nhà khoa học được giải Nobel là những câu chuyện thú vị về những đóng góp thầm lặng của họ, không chỉ để thỏa mãn trí tò mò mà còn để cứu mạng người. Đó là “Bài toán mô phỏng khí hậu và biến đổi khí hậu trong Nobel Vật lý” (Ngô Đức Thành), “Giải Nobel Hóa học: Khi các nhà hóa học ‘bắt chước’ Mẹ thiên nhiên”…

Cũng trong dòng ký ức về chân dung khoa học, “Sự mong manh của khoa học và phận người” sẽ đưa chúng ta trở về với thế kỷ 18, nơi Antoine Lavoisier – người đặt nền móng cho ngành hóa học hiện đại và một người theo chủ nghĩa nhân đạo, bị hàm oan. Giữa vòng xoáy lịch sử, có biết bao tài năng như ông đã vĩnh viễn mất đi cơ hội cống hiến nhiều hơn… Số phận bi thảm của ông đã được lật giở lại, qua cái nhìn sâu hơn của khoa học vào bức tranh chân dung nổi tiếng của ông treo tại bảo tàng Met…

Trong dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta không thể không thấy những khuôn mặt khác cũng như chính mình – những con người đương đại sống giữa sự bủa vây của đại dịch. Qua “Chống dịch trong thời gian tới: Để không trượt vào vết xe cũ”, TS.BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney, Úc, trao đổi với chúng ta những suy nghĩ và giải pháp của chị trước những diễn biến khó lường của đại dịch với những vùng an toàn, vùng xanh, người xanh… Tất cả xuất phát từ việc “chúng ta chuẩn bị, tăng năng lực cho hệ thống y tế từ cấp cơ sở thì không chỉ tốt cho việc quản lý dịch bệnh COVID mà còn tốt cho cả quản lý hậu đại dịch tới đây và các bệnh tật khác”, và hơn cả là “nghiêm thì vẫn phải nghiêm nhưng buộc phải đặt lòng nhân hậu, quan tâm đến con người một cách thực sự”.

Đó cũng là mối lo của những nhà khoa học khác. Trong “COVID-19: Bất bình đẳng tăng nhiều lần” vẽ ra, chúng ta thấy hiển hiện tình trạng bất bình đẳng giữa các nhóm giàu nghèo, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, giáo dục và vị trí địa lý: đại dịch làm 82% hộ gia đình nghèo hơn bị ảnh hưởng nhưng khối tài sản của năm tỷ phú hàng đầu đã tăng thêm 102 tỷ USD, nghĩa là tổng tài sản của họ đã tăng thêm 26%. 

Những thông tin về đại dịch, về khoa học hay về văn hóa trong số báo lần này, suy cho cùng cũng là những mảnh ghép của bức tranh cuộc sống hôm nay, giữa ngổn ngang đau thương, đói nghèo, bệnh dịch, giữa những gam màu tăm tối là những tia sáng ấm áp của tình người, của khoa học và cả cái đẹp của cuộc sống. 

Tất cả gói gọn trong gần 60 trang nội dung Tia Sáng, đủ để chúng ta cùng đọc và suy ngẫm…

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả