Lần đầu tổ chức diễn đàn quốc gia về nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới
Đàn ông ít có động lực tham gia vào vấn đề bình đẳng giới, trong khi nếu có sự tham gia của họ, tất cả sẽ được giải phóng khỏi những định kiến về giới một cách thuận lợi hơn.
Ngày 2/3, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) và UN Women đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” nhằm tạo ra một không gian mở để nam giới thảo luận về chủ đề này.
Trong bối cảnh gần như tất cả diễn đàn về bình đẳng giới tại Việt Nam đều hướng đến đối tượng là phụ nữ, ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đánh giá đây là “một sự kiện mang tính lịch sử” khi lần đầu tiên một diễn đàn quốc gia về nam giới được tổ chức.
Ông dẫn báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã từng bị bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế trong cuộc đời, cũng như chịu các hành vi kiểm soát của chồng hoặc bạn tình. “Điều đáng lo ngại hơn là 90% nạn nhân không tìm kiếm sự trợ giúp nào cả”, ông Kamal Malhotra nói.
Ông kêu gọi sự lên tiếng của nam giới khi chứng kiến bất kỳ hành vi phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ hoặc trẻ em, và tiên phong trong việc thể hiện sự tôn trọng, chia sẻ công việc nội trợ với những người phụ nữ trong gia đình,… “Hãy lưu ý rằng, trong cuộc sống hằng ngày, bạn [nam giới] có rất nhiều vai trò với phụ nữ và trẻ em gái, bạn là đồng nghiệp, người chồng, người cha, người anh trai, em trai và là người bạn. Tiếng nói và vai trò tích cực của bạn rất cần thiết trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.”
Nam giới cũng là nạn nhân
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS khẳng định sự cần thiết của việc nam giới tham gia hành trình hướng đến bình đẳng giới.
TS. Khuất Thu Hồng. Ảnh: MH
Đồng thời, bà chỉ ra một thực tế, “trong khi nghiên cứu về nữ giới có rất nhiều thì nghiên cứu về nam giới tại Việt Nam lại khá thưa thớt. Mọi nỗ lực nghiên cứu thường chỉ tập trung vào phụ nữ vì người ta cho rằng nữ giới đang bị thiệt thòi còn nam giới đã có nhiều ưu thế rồi nên rất ổn”. Thế nhưng nghiên cứu “Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) công bố vào tháng 11/2020 lại cho thấy, nam giới cũng đang gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý,… và chịu áp lực từ hình mẫu về “người đàn ông Việt Nam đích thực” như phải là trụ cột gia đình, biết uống rượu bia, mạnh mẽ dứt khoát, không chia sẻ cảm xúc…
“Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, việc theo đuổi những chuẩn mực như hình mẫu “người đàn ông đích thực” có thể khiến nam giới phải trả những cái giá rất đắt”, TS Khuất Thu Hồng nói và nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc phải có các tác động đến nam giới. “Thay đổi những chuẩn mực cứng nhắc về nam tính và mang tính định kiến giới như vậy là điều cần thiết để cải thiện chất lượng sống của nam giới và thúc đẩy bình đẳng giới”.
Động lực cho sự tham gia của nam giới
Tại phần thảo luận, nhà báo Trương Anh Ngọc (công tác tại Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, việc giáo dục về bình đẳng giới phải xuất phát ngay từ trong gia đình bởi “từ nhỏ đến lớn, nhiều bé trai đã bị tiêm vào đầu tư tưởng phân chia trách nhiệm của đàn ông và phụ nữ. Đó là điều cực kỳ phi lý và cần phải thay đổi”. “Nếu có con gái, bạn đừng bao giờ nói con chỉ là một đứa con gái mà thôi, nếu có con trai bạn đừng nói con phải trở thành một người đàn ông thế này, thế kia”, anh nói.
Các khách mời thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: MH
Còn theo Thạc sĩ Lương Thế Huy – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, lý do khiến đàn ông thường khó tham gia vào vấn đề bình đẳng giới đó là: đàn ông đang là người được hưởng lợi, có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ nên ít có động lực để làm.
Tuy nhiên, “bình đẳng giới không phải là đàn ông lấy một thứ gì đó của mình, trao cho phụ nữ rồi đàn ông không còn nữa. Mà bình đẳng giới sẽ giúp tất cả chúng ta đều được giải phóng khỏi những định kiến, nam giới cũng được thoải mái thể hiện những cảm xúc nhạy cảm của mình mà không bị phán xét”, thạc sĩ Lương Thế Huy nhận định.
Bởi vậy theo anh, bước đầu tiên để đàn ông có thể tham gia vào hoạt động này là nhận ra mình cũng chính là nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, anh cũng đề xuất cần nhìn nhận vấn đề với các hình mẫu đa dạng hơn, ví dụ như với cả những người LGBT. “Nếu mình có thể chấp nhận được tình yêu giữa hai người đàn ông hay một người sinh ra là đàn ông nhưng muốn trở thành phụ nữ thì tôi nghĩ rằng việc nam giới hay nữ giới có thể làm gì, trở thành người như thế nào,… sẽ rất dễ dàng để thay đổi và chấp nhận”, thạc sĩ Lương Thế Huy nói.
(Visited 3 times, 1 visits today)