Quyết tâm của ông Viện trưởng VKIST

Quyết tâm của TS. Kum Dongwha, Viện trưởng đầu tiên của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã bộc lộ rất rõ ràng và quyết liệt trong lễ khởi động Viện diễn ra vào ngày 21/11/2017 tại Bộ KH&CN, đó là tập trung vào hai lĩnh vực chính, rất nhiều tiềm năng của Việt Nam, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, đồng thời thiết lập một cơ chế hợp tác rất chặt chẽ với doanh nghiệp cũng như các viện nghiên cứu.

 TS. Kum Donghwa, Viện trưởng Viện VKIST, trình bày định hướng nghiên cứu. Nguồn: Một thế giới.

Định hướng nghiên cứu phù hợp với Việt Nam

Trước đông đảo đại biểu tham dự lễ khởi động, TS. Kum Donghwa gây ấn tượng bằng một bài trình bày rất rõ ràng và khúc chiết về định hướng nghiên cứu của Viện, ít nhất trong vòng năm năm (2017-2022) – giai đoạn ông giữ vai trò chủ tịch Viện. Ông không bê nguyên những định hướng nghiên cứu của Viện KIST, nơi ông là chủ tịch thứ 20 của Viện (2006-2008) mà sẽ vận dụng rất linh hoạt vào Việt Nam, nơi có trình độ KH&CN còn ở mức thấp so với Hàn Quốc. Việc vì sao chọn công nghệ thông tin và công nghệ sinh học cho VKIST cũng được ông giải thích khá cụ thể. Ông cho biết, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam và tương lai. Việc đi sâu vào nghiên cứu công nghệ thông tin không chỉ khai thác được thế mạnh của Việt Nam, nơi có nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực này, mà còn hỗ trợ Việt Nam phát triển ở nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như năng lượng. Khi nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên và các nguồn cung năng lượng được đa dạng hóa, việc quản lý năng lượng sẽ cần được nâng cấp thông qua công nghệ điện lưới thông minh (smart grid), một công nghệ có sự quan trọng của công nghệ thông tin để tối ưu hóa việc phân phối, truyền dẫn điện. Tương tự, công nghệ thông tin cũng hết sức cần thiết trong việc điều hành thành phố thông minh (smart city) của Việt Nam trong tương lai.

Cũng với thái độ rất tự tin, TS. Kum Donghwa nêu rõ mục tiêu của ông trong việc đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học với hướng đi rõ ràng là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao giá trị thảo dược Việt Nam – những công nghệ có thể áp dụng được ngay vào thực tế sản xuất tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, VKIST sẽ xây dựng một nền tảng (platform) chung về các công nghệ sấy, đông lạnh… để qua đó, có thể áp dụng cho nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Trao đổi với Tia Sáng bên lề lễ khởi động, GS. TS Trương Nam Hải cho biết, TS. Kum Donghwa đã rất tỉnh táo khi lựa chọn hướng đi này bởi công nghệ sinh học là một lĩnh vực rất rộng và phát triển hết sức năng động của thế giới, đôi khi những công nghệ mới và tiên tiến của thế giới chưa thể áp dụng ngay ở Việt Nam hoặc Việt Nam cũng cần có thời gian để làm chủ nó.

Cơ chế nghiên cứu và quản lý mới

Để thực hiện tốt hai định hướng nghiên cứu này, TS. Kum Donghwa đề xuất một cơ chế vận hành linh hoạt trong VKIST để có thể kết nối được với các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Cụm từ “xây dựng nền tảng” (platform) trong hợp tác được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần như sự khẳng định về quyết tâm làm tốt điều đó.

Theo quan điểm của ông, VKIST cần bắt kịp nhu cầu của thị trường và người làm tốt chính là doanh nghiệp. Những thông tinsát thực về thị trường sẽ là cơ sở quan trọng để VKIST đưa ra được những nghiên cứu cụ thể phù hợp. Việc hợp tác giữa VKIST và doanh nghiệp cũng rất cơ động. Ví dụ khi nghiên cứu về thảo dược, thay vì thực hiện nghiên cứu từ đầu, VKIST có thể xem xét các thảo dược đã được nghiên cứu để đánh giá tiềm năng phát triển và tìm hướng nâng cao giá trị của các loại sản phẩm từ thảo dược.

Về hợp tác với các viện nghiên cứu, TS. Kum Donghwa “hy vọng xây dựng được mạng lưới hợp tác bên trong và bên ngoài [Việt Nam], “có thể là cùng với một viện nghiên cứu hoặc với nhiều viện nghiên cứu khác nhau để cùng giải quyết một vấn đề”. Do hệ thống cơ sở vật chất của VKIST vẫn còn đang được gấp rút xây dựng nên ông cho rằng, VKIST có thể đưa các nghiên cứu đầu tiên của Viện tới một số viện của Việt Nam hoặc Hàn Quốc.

Đây cũng là lý do để VKIST tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với ĐHQGHN, Viettel, công ty Traphaco, Sở KH&CN Hà Nội.

Quyết tâm của TS. Kum Donghwa đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam. Tại lễ khởi động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, “sứ mệnh của VKIST không chỉ đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam mà Chính phủ kỳ vọng vào một mô hình, phương thức quản lý, cách thức tiếp cận và nghiên cứu KH&CN mới sẽ lan tỏa dần những giá trị tốt ra toàn xã hội”.

Phó thủ tướng cũng lý giải vì sao Chính phủ lại quan tâm đến VKIST, “Chính phủ nhận thấy chúng ta cần phải thay đổi mạnh mẽ về cơ chế quản lý, quản trị trong định hướng nghiên cứu để làm sao đưa khoa học vào đời sống. Do đó chúng ta cần một tổ chức KH&CN mới không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn hình thành một nếp nghiên cứu mới, thiết lập một mạng lưới nghiên cứuvà vận hành nó theo cách mới”.

Ngay tại lễ khởi động, Phó thủ tướng đã đặt ngay một đề bài cho VKIST: ba tháng một lần báo  cáo trực tiếp với Chính phủ để đưa ra những đề xuất, khuyến nghị với chính phủ về KH&CN và đổi mới sáng tạo.

TS Kum Donghwa được bổ nhiệm vào vị trí viện trưởng VKIST trong vòng năm năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022). Ông tốt nghiệp ngành kỹ thuật luyện kim tại trường đại học Seoul và tiến sỹ Khoa học vật liệu đại học Stanford, Mỹ. Ông làm việc tại viện KIST từ năm 1985 với tư cách chuyên gia về vật liệu tiên tiến và kỹ thuật luyện kim. Ông giữ vị trí viện trưởng Viện KIST từ tháng 4/ 2006 đến tháng 8/2008 1
 

 

———–

1.https://eng.kist.re.kr/kist_eng/?state=view&sub_num=417&searchKind=&searchWord=&v_pagesize=10&v_page=3&idx=1795&seqNo=22&reportMediaTypeCode=

Tác giả