Rò rỉ khí ở nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn: Lỗi 5 thanh nhiên liệu

Một tháng sau vụ rò rỉ khí từ nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc), Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc thông báo rộng rãi với truyền thông là họ đã xác định được nguyên nhân làm rò rỉ khí trong lò phản ứng số một của nhà máy: có khoảng năm trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu của lò phản ứng này, chiếm 0,01% tổng số thanh nhiên liệu, bị lỗi.

Việc xây dựng một số hạng mục gần nhà máy điện hat nhân Đài Sơn Ở Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 17/6/2021. Nguồn: CNN

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) gồm có hai lò phản ứng nước áp lực, công nghệ tiên tiến EPR1600 của Pháp, mỗi lò công suất 1600 Mwe do Framatome thiết kế – công ty chuyên về lò phản ứng hạt nhân của Bộ Năng lượng Pháp. Đài Sơn bắt đầu được xây dựng vào năm 2008, lò phản ứng thứ nhất được đưa vào vận hành nối lưới điện 13/12/2018, lò phản ứng thứ hai vào ngày 7/9/2019. Theo đánh giá của một chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, EPR 1600 là công nghệ điện hạt nhân tiên tiến thuộc thế hệ III+, an toàn và kinh tế.

Không thoát phóng xạ ra ngoài môi trường

Trong báo cáo gửi Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) vào thời điểm ngay sau khi xảy ra sự cố, ngày 16/6/2021, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CAEA) đã cho biết, không có phóng xạ phát thải hoặc vấn đề đáng lo ngại về môi trường. Đây chỉ là vấn đề trên thanh nhiên liệu bị lỗi ở lò phản ứng số một của Đài Sơn, kết quả là làm tăng mức phóng xạ ở vòng làm mát sơ cấp của lò. Quá trình giám sát tại chỗ và đánh giá an toàn của chuyên gia, các chỉ dấu hoạt động của lò phản ứng, bao gồm cả mức độ phóng xạ trong vòng làm mát sơ cấp thì tình trạng này vẫn nằm trong giới hạn của điều kiện hoạt động bình thường và đặc điểm kỹ thuật bình thường, CAEA báo cáo 1.

Mới đây vào ngày 21/7, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc, nơi giám sát vấn đề an toàn hạt nhân của quốc gia này, thông báo với truyền thông qua tài khoản trên Wechat, Cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia (NNSA) đã đánh giá các đặc tính kỹ thuật của khí hiếm như xenon và krypton trong vòng làm mát của lò phản ứng số một nhưng “không liên quan đến việc phát hiện bức xạ nền bên ngoài nhà máy điện hạt nhân” 2, 3.

Mặc dù có sự gia tăng của các mức phóng xạ được dò trong vòng sơ cấp của lò phản ứng số một nhưng đều đảm bảo các tham số vận hành an toàn, Reuters dẫn lời Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc trong buổi thông báo này. Nguyên nhân của việc gia tăng phóng xạ là do sự hư hỏng của lớp vỏ bên ngoài một số thanh nhiên liệu, vốn không có biểu hiện trong quá trình sản xuất, vận chuyển và tải vào lò phản ứng.  “Không tìm thấy các tham số bất thường khi giám sát môi trường ở vùng phụ cận của nhà máy Đài Sơn… Điều đó chứng tỏ không có sự rò rỉ khí phóng xạ ra bên ngoài lò phản ứng”, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc cho biết.

Ước tính có khoảng năm trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu trong lõi lò phản ứng số một được ước tính không kín lớp vỏ bao bọc, chiếm khoảng 0,01% tổng số thanh nhiên liệu và thấp hơn mức thanh nhiên liệu hư hỏng trong thiết kế là 0,25% 2.

Điều này cũng trùng khớp với giải thích của ông Simon Morgan, Bộ phận An toàn và an ninh hạt nhân IAEA, trên trang web chính thức của IAEA vào ngày 17/7/2021: số lượng thanh nhiên liệu trong một lò phản ứng phụ thuộc vào thiết kế của lò, một số lò phản ứng chứa hơn 60.000 thanh nhiên liệu. Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế với các hệ thống an toàn đa dạng như một phần của cách tiếp cận về an toàn “bảo vệ theo chiều sâu” (defence-in-depth) 4. Nó có nghĩa là các hệ thống an toàn đa dạng, nhiều lớp, nhiều hàng rào để ngăn ngừa việc phóng xạ thoát ra ngoài. Thêm vào đó, các lớp bảo vệ phức hợp, bao gồm hệ làm mát sơ cấp của lò phản ứng hoặc mạch sơ cấp và một hoặc hai lớp nhà lò được thiết kế để ngăn ngừa việc thoát bất kỳ loại phóng xạ nào ra ngoài môi trường.

Do đó, ông Simon Morgan cho rằng, sự gia tăng phóng xạ trong vòng làm mát sơ cấp khác biệt với sự rò rỉ phóng xạ. Vòng sơ cấp nằm bên trong nhà lò và còn có nhiều lớp bảo vệ để ngăn ngừa phóng xạ thoát ra ngoài môi trường.

Trước ý kiến lo ngại về khả năng ảnh hưởng của phóng xạ đến Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, do việc gia tăng phóng xạ không ảnh hưởng đến bên ngoài khu vực lò phản ứng nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy cũng như không ảnh hưởng đến Việt Nam. Mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia cũng không ghi nhận được bất cứ dao động bất thường nào về chỉ số phóng xạ. 

Nếu ở Pháp, sẽ dừng vận hành lò phản ứng

Công ty điện lực Pháp Electricite de France (EDF) là công ty đồng sở hữu nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn với Công ty liên doanh điện hạt nhân Đài Sơn (TNPJVC) – EDF sở hữu 30%. Trước thời điểm Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc thông báo rộng rãi với truyền thông quốc tế một ngày, người phát ngôn của EDF đã nêu quan điểm của mình cho rằng, vấn đề rò rỉ khí tại Đài Sơn ở mức có thể cần dừng vận hành lò, tùy thuộc vào mức độ hư hỏng của các thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào nhà vận hành Trung Quốc. “Chúng tôi đã chia sẻ với họ tất cả các thông tin phân tích của EDF và tất cả các nguyên nhân lý giải tại sao ở Pháp, chúng tôi có thể dừng lò phản ứng. Vì thế họ có thể đưa ra quyết định cần thiết với vai trò người vận hành” 5.

Người phát ngôn cũng nói thêm rằng, dù sự cố tại nhà máy Đài Sơn “không phải là một tình trạng khẩn cấp” nhưng cũng là “một tình trạng không thể chủ quan đang diễn ra”. Nếu lò phản ứng này ở Pháp thì công ty có thể phải dừng lò ngay lập tức tùy thuộc vào “các thủ tục và thực tiễn của việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp”, người phát ngôn EDF nói 5.

Phản hồi về cách xử lý của mình, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc nói sẽ tiếp tục giám sát các mức phóng xạ tại lò phản ứng và đảm bảo truyền đạt thông tin với IAEA cũng như cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của Pháp 2.

Trước đó, CNN cho rằng, họ nắm được nội dung một bức thư EDF gửi Bộ Năng lượng Mĩ (DOE), trong đó Framatome đã cáo buộc cơ quan An toàn hạt nhân Trung Quốc nâng các giới hạn an toàn về mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân để tránh chuyện phải dừng lò 6. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiểm chứng thêm về thông tin này.

* TS. Trần Chí Thành (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) góp ý và hiệu đính

1.https://www.iaea.org/newscenter/pressreleases/china-informs-iaea-that-taishan-npp-is-in-normal-condition-says-no-radiation-release-or-environmental-concern

2.https://www.reuters.com/world/china/china-environment-ministry-says-no-leak-taishan-nuclear-power-station-2021-06-16/

3.https://www.hindustantimes.com/world-news/5-fuel-rods-broken-in-taishan-nuclear-power-plant-no-radiation-leak-china-101623829743874.html

4. https://www.iaea.org/newscenter/news/fuel-cladding-failures-at-nuclear-power-plants-explained

5.https://www.iaea.org/newscenter/pressreleases/china-informs-iaea-that-taishan-npp-is-in-normal-condition-says-no-radiation-release-or-environmental-concern

6. https://edition.cnn.com/2021/07/22/china/edf-taishan-nuclear-plant-china-intl-hnk/index.html

 

Tác giả