Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho KH&CN

Hội nhập quốc tế giúp KH&CN Việt Nam khai thác hiệu quả thành tựu quốc tế ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại phiên họp “Hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thức, vai trò và sứ mệnh của KH&CN trong quá trình hội nhập” sáng 19/8 tại Hà Nội.

Đề cập đến quá trình hội nhập quốc tế tại phiên họp do Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hiện Việt Nam có quan hệ hợp tác về KH&CN với gần 70 quốc gia, tổ chức quốc tế, ký kết hơn 80 hiệp định hợp tác cấp chính phủ và cấp bộ trong lĩnh vực này. Tính từ năm 2000 đến nay, đã có trên 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác, hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam và quốc tế được thực hiện. Một số chương trình lớn như đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đến năm 2020, dự án Đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST), chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP)… đã được ban hành hoặc thực hiện.

Hội nhập quốc tế giúp KH&CN Việt Nam khai thác hiệu quả thành tựu quốc tế ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nhấn mạnh đến những thay đổi đáng kể trong việc xây dựng dự toán các dự án nghiên cứu cấp nhà nước, khi những quy định về tài chính được mở rộng, cho phép các chủ nhiệm đề tài được quyền mua công nghệ tiên tiến, thuê chuyên gia nước ngoài; huy động vốn đầu tư nước ngoài với các nhiệm vụ KH&CN của Việt Nam thông qua các chương trình nghị định thư…

Tuy nhiên quá trình hội nhập về KH&CN cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, chủ yếu là do nội lực của Việt Nam vẫn còn chưa đủ mạnh để đón nhận và tận dụng những cơ hội này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những vướng mắc lớn nhất nằm ở các vấn đề: thực thi các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ chưa hiệu quả; hoạt động chuyển giao công nghệ ở cấp doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận; sự gắn kết giữa R&D với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; các doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN và việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức…

Tác giả