10 sự kiện nổi bật năm 2011

Tạp chí TIME của Mỹ vừa bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật của năm 2011, như sau:

Khi người thanh niên Bouazizi tự thiêu trên một đường phố ở thị trấn Sidi Bouzid của Tunisia, tiếng than đau đớn của anh trước cuộc sống cực nhục dưới một chế độ chuyên quyền ngột ngạt, đã được người dân khắp nơi trong vùng hưởng ứng. Chỉ trong vòng vài tuần, vụ tự thiêu phản đối đó đã châm ngòi cho cách mạng đường phố lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Và không ở đâu, nó đem lại những thay đổi ngoạn mục hơn ở Ai Cập, nước đông dân nhất trong khối Arab và cũng là trung tâm văn hóa của khối. Chính quyền của Tổng thống Mubarak, được hỗ trợ đáng kể bởi Mỹ, đã thống trị suốt ba thập kỷ qua và hiện diện trong mọi ngóc ngách của xã hội Ai Cập.

Nhưng sự kiện người Tunisia lật đổ Tổng thống lâu năm Zine el Abidine Ben Ali đã tiếp thêm can đảm cho vô số các nhóm bất đồng chính kiến ở Ai Cập. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và Internet, những người phản kháng đã tổ chức Ngày Nổi dậy hôm 25/1/2011. Hàng chục nghìn người dân đã đổ ra đường phố để phản đối Mubarak. Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo – một nút giao thông kém thân thiện với người đi bộ – trở thành tâm điểm biểu tượng của cuộc cách mạng. Chỉ trong vài tuần, chính quyền lâu năm, tưởng như tồn tại mãi, đã tan rã. Ngày 11/2, chính quyền thông báo sự ra đi của Mubarak. Giờ đây, theo lệnh của chính quyền quân sự tạm thời, Mubarak đang bị xét xử với các tội danh tham nhũng và đàn áp tàn bạo phe đối kháng khiến gần 1.000 người thiệt mạng. Ai Cập đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên hôm 27/11 nhưng cuộc đấu tranh còn lâu mới kết thúc: vài tuần trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, hàng nghìn người lại tập trung ở quảng trường Tahir, bày tỏ sự lo âu của họ trước những cam kết không rõ ràng của quân đội về một nền dân chủ thực sự. Với việc các đảng Hồi giáo ở Ai Cập trở lại mạnh mẽ trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/11, cuộc chiến giành quyền lực chỉ càng trở nên phức tạp hơn.

2. Tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Đêm chủ nhật, ngày 1/5/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trên truyền hình về cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, kẻ thù bị truy nã số 1 của nước Mỹ. Bin Laden bị phát hiện đang ẩn náu trong một khu nhà ở một thị trấn nhỏ, cách thủ đô Islamabad của Pakistan không xa. Cuộc đột kích bí mật sau đó – do Đội đặc nhiệm Hải-Không-Bộ của Hải quân Mỹ (Navy SEALs) tiến hành, khiến cả thế giới (và cả giới lãnh đạo của Pakistan) bất ngờ. Theo các thông báo chính thức, thi thể của Bin Laden được chôn cất theo nghi thức Hồi giáo và địa điểm chôn cất là ngoài khơi biển Arab.


Một người biểu tình Ai Cập cầm bức hình của Osama bin Laden.

Cái chết của Bin Laden đã khép lại cuộc truy đuổi kéo dài cả thập kỷ, vốn là nguyên nhân ban đầu kéo nước Mỹ can dự vào cuộc chiến ở Afganistan, đồng thời gióng hồi chuông báo tử cho Al-Quaeda, một lực lượng đã dần đánh mất khả năng lôi kéo và sức mạnh của mình trong thập kỷ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Quan trọng hơn, việc phát hiện ra nơi ẩn náu của Bin Laden – không phải trong một hang núi mà ở vùng ngoại ô yên tĩnh cách một học viện quân sự lớn của Pakistan không xa – hiển nhiên đã báo động về các cam kết chống lực lượng hồi giáo cực đoan của Islamabad. Những tháng sau đó, mối quan hệ giữa Washington và Islamabad sa sút nghiêm trọng: Quốc hội Mỹ liên tục kêu gọi cắt giảm viện trợ cho quân đội Pakistan mà cơ quan tình báo của nó, ISI, bị cho là có lịch sử nhiều năm tiếp tay cho các nhóm vũ trang ở Afganistan và Ấn Độ.

3. Thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở Nhật Bản

James Nachtwey, nhiếp ảnh gia xuất sắc của TIME, người từng dành nhiều năm để ghi lại sự tàn phá của chiến tranh, đã phải bàng hoàng thốt lên trước sự tàn phá mà trận động đất ngoài khơi đông bắc của Nhật Bản ngày 11/3 và trận sóng thần kéo theo đó gây ra: “Thật không thể tin được. Nó giống như ngày tận thế.”  Với cường độ 9,0 độ richter, trận động đất là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, nó mạnh đến nỗi làm cho trục nghiêng của trái đất dịch chuyển 10 cm. Nó cũng đặt Nhật Bản trước những thử thách lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II.


Hàng trăm người Nhật tạm trú trong một phòng thể chất,  ảnh chụp ngày 14/3

Động đất và sóng thần tàn phá các thành phố suốt dọc bờ biển Honshu ở đông bắc nước Nhật. Ước tính gần 16.000 cư dân thiệt mạng, và thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đôla. Một phần thiệt hại là do thảm họa thứ ba kéo theo sau hai cú giáng liên tiếp động đất và sóng thần: sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Fukushima Daiichi) sau khi sóng thần tràn vào và làm hỏng hệ thống làm mát của nó. Sự cố Fukushima được xem như dư chấn dài nhất sau trận động đất, đẩy nước Nhật vào tình trạng khẩn cấp trong hàng tháng trời, kéo theo sự sợ hãi về tình trạng nhiễm xạ và đánh động toàn cầu về sự an toàn của năng lượng hạt nhân.

4. Khủng hoảng tài chính ở châu Âu

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã để lộ ra toàn bộ tình trạng kém cỏi và đôi khi cả vô trách nhiệm của hệ thống tạo ra tăng trưởng và sự thịnh vượng ở các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, nơi kèm theo gói giải cứu của IMF và châu Âu là yêu cầu nước này phải cắt giảm ngân sách và áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khác. Để đáp lại, hàng chục nghìn người dân ở Athens và các nơi khác, đã xuống đường biểu tình, phản đối các định chế tài chính và giới lãnh đạo đã biến họ thành những nạn nhân đầu tiên của sự hỗn độn này. Các cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng tương tự cũng làm rung chuyển Tây Ban Nha, nơi các indignados – người bất bình – đã chiếm lĩnh quảng trường biểu tượng của Madrid là Puerta del Sol mấy tuần liền.


Thủ tướng Silvio Berlusconi (giữa) phải ra đi do khủng hoảng tài chính

Ở cả hai nước này, các Chính phủ đương nhiệm đều sụp đổ và các Thủ tướng đều bị dồn ép phải ra đi. Mối nguy tài chính từ Hy Lạp đã lan sang Ý – nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng tiền chung Euro, đẩy nước này đến bờ vực và buộc Thủ tướng Silvio Berlusconi – người từng đứng vững trước cả loạt bê bối tình dục và tài chính, phải ra đi. Cuộc khủng hoảng đã thử thách các giềng mối của châu Âu, đe dọa giải thể đồng euro, cũng như khiến các cử tri ở Đức – đầu tàu kinh tế chính của châu lục và chủ nợ lớn nhất – trở nên bất mãn và gây ra sự bất bình ở nơi này nơi khác trước những chính sách thắt lưng buộc bụng do Brussels áp đặt hay trước việc chính phủ nước họ phải tham gia giải cứu các nước láng giềng.

5. Chính quyền Gaddafi sụp đổ

Bốn thập kỷ tồn tại của chế độ độc tài Muammar Gaddafi ở quốc gia giàu dầu mỏ Lybia đã kết thúc một cách ghê rợn vào ngày 20/10/2011, song những ngày tháng trước cái chết của Gaddafi cũng đẫm máu không kém.


Các cuộc nổi dậy ở Libya

Đầu tháng 3, những cuộc nổi dậy được châm ngòi bởi cuộc cách mạng Mùa xuân Arab ở hai nước láng giềng là Ai Cập và Tunisia, đã bùng nổ thành cuộc nội chiến thật sự khi lực lượng dân quân hầu như không được huấn luyện vùng dậy chống lại lực lượng vũ trang của Gaddafi. Nhiều đồng minh cũng như tướng lĩnh nổi danh đã bỏ Gaddafi để chạy sang phe nổi dậy.

Lo lắng trước nguy cơ sẽ có thảm sát một khi Gaddafi đàn áp quân nổi dậy ở Benghazi, trong tháng ba, LHQ đã thông qua một nghị quyết mà thực chất là hợp pháp hóa sự can thiệp của nước ngoài ở Lybia. Các chiến dịch của NATO chính thức bắt đầu vào đầu tháng 4, và đẩy lùi các lực lượng của Gaddafi một cách chắc chắn. Nhưng cuộc chiến còn kéo dài nhiều tháng bởi quân nổi dậy Libya phải chật vật bảo vệ vùng lãnh thổ họ mới tái chiếm được, trong khi các đồng minh phương Tây – do Vương quốc Anh, Pháp và Mỹ cầm đầu – vẫn do dự không muốn tham chiến. Đến cuối cuộc chiến, ước tính khoảng 20.000 đến 40.000 người Lybia đã thiệt mạng; hàng chục nghìn người khác mất chỗ ở và phải sống tị nạn. Thiệt hại lớn của lực lượng Gaddafi trong các cuộc không kích đã tạo điều kiện cho lực lượng nổi dậy có thể tiến tới chiếm giữ thủ đô Tripoli, buộc Gaddafi và những cận vệ trung thành phải rút về thành phố quê hương Sirte. Ngày 20/10, quân nổi dậy đã bắt giữ và giết chết Gaddafi khi ông ẩn náu trong một ống cống. Thi thể của ông được để trong một kho lạnh vốn dùng để bảo quản thịt ở thành phố cảng Misratah để người dân có thể đến xem.

6. Mùa xuân Ả Rập ngập cỏ dại

Ở Tunisia và Ai Cập, các cuộc biểu tình rộng khắp trong cách mạng Mùa xuân Arab đã lật nhào các nhà độc tài cầm quyền lâu năm. Nhưng các cuộc nổi dậy tương tự ở Syria và Yemen lại không diễn ra theo cách đó. Tổng thống Syria Bashar Assad và Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh điều hành một xã hội bất ổn và phức tạp suốt nhiều năm, củng cố quyền lực thông qua mạng lưới các đồng minh ở khắp các phe phái và bộ tộc. Các cuộc nổi dậy trong năm 2011 đã phá vỡ tình thế đó trong sự bùng phát bạo lực dữ dội.


Biểu tình ở Yemen

Vào tháng 11, Tổng thống Yemen Saleh đã đồng ý từ bỏ quyền lực, sau các cuộc nổi dậy của các bộ tộc, một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và cuộc đào ngũ của các nhân vật chủ chốt trong quân đội. Khoảng 2.000 người biểu tình đã thiệt mạng trong tiến trình đó, và đến nay vẫn chưa rõ trật tự chính trị nào sẽ được thiết lập ở một trong những nước nghèo nhất trong thế giới Arab.

Tình hình ở Syria, thậm chí còn ảm đạm hơn nhiều. Chính quyền Assad cố gắng bám trụ quyền lực, đối đầu với người biểu tình hàng tuần liền bằng xe tăng và súng cối. Cuộc đổ máu – mà LHQ ước tính cướp đi sinh mạng của hơn 3.500 người – đã khiến các nước làng giềng và đồng minh của Syria phải kinh sợ và đã có nước lên tiếng kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Liên đoàn Arab yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng bạo lực, và gần đây đã áp dụng các biện pháp trừng pháp Nhà nước Syria, nhưng động thái này dường như sẽ chỉ nhấn Assad và những người vẫn còn trung thành với ông chìm sâu hơn vào bể máu.

7.    Nạn đói ở vùng Sừng châu Phi


Một phụ nữ Somalia mất nơi ở

Sừng châu Phi dường như là vùng đất bất ổn lâu năm nhất trên thế giới bởi vô số các cuộc bạo loạn, bởi chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, và sự yếu kém của chính quyền Somalia. Trận hạn hán khủng khiếp nhất trong 60 năm qua, theo một số số liệu ghi nhận được – càng làm tăng thêm tình trạng khủng hoảng ở khu vực này trong năm nay. Tháng 7, LHQ công bố phần lớn miền nam Somalia ở trong tình trạng đói ăn – một phép tính phức tạp cho thấy, hơn 30% dân số địa phương bị suy dinh dưỡng cấp tính – không phải một thuật ngữ có thể xem nhẹ. Hàng trăm nghìn người Somalia đói ăn đã tìm đến các trại tị nạn ở biên giới với Kenya, ngày nào cũng có hơn 1.000 người. Trại tị nạn ở Dadaab, nơi trú ẩn lớn nhất thế giới của người tị nạn, đã quá tải. Các nỗ lực cứu trợ ở miền nam Somalia thì lại gặp trở ngại bởi sự thống trị của al-Shabab, một lực lượng vũ trang Hồi giáo có liên hệ với Al-Quaeda. Trong khi quan chức LHQ còn thận trọng trong việc đưa ra con số tử vong chính xác từ nạn đói, thì một vài ước tính cho rằng con số này lên đến hàng chục nghìn người.

8. Vụ thảm sát ở Uyota

Ngày 22/7, người dân NaUy trải qua một trong những vụ bộc phát bạo lực đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II. Ở Oslo, một chiếc xe được cài bom đã phát nổ gần khu văn phòng của chính phủ, làm 8 người thiệt mạng và gây choáng váng cho những người NaUy đang xem TV đưa hình ảnh khói bốc lên từ trung tâm của thủ đô yên bình bên bờ biển. Tin tức càng trở nên khủng khiếp hơn khi một tay súng bắn chết 69 người khi họ đang tham gia một trại hè thanh niên do Đảng Lao động trung tả cầm quyền tổ chức trên đảo Uyota.


Người thân của một nạn nhân trong vụ tấn công trên đảo Utoya của Anders Breivik tổ chức lễ tưởng niệm hôm 25/7

Trong khi các bình luận viên đinh ninh thủ phạm của các vụ tấn công là những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, thì cuối cùng chính quyền phát hiện ra đó là Anders Behring Breivik, 32 tuổi, người Na Uy, một kẻ cuồng tín phe cực hữu. Chính Breivik đã đưa lên mạng một tuyên bố chứa đầy sự thù ghét người nhập cư, người theo chủ nghĩa đa văn hóa, và người theo cánh tả trước khi ra tay hành động không lâu. Breivik, kẻ đã nhận hết tội, được một nhóm các bác sĩ tâm lý chẩn đoán mắc chứng tâm thần phần phân liệt hoang tưởng. Họ kết luận rằng anh ta “bị điên” trong khi tiến hành các vụ tấn công. Kết luận này cuối cùng có thể sẽ đưa anh ta vào viện tâm thần thay vì vào tù tại phiên tòa tuyên án dự kiến diễn ra vào tháng tư năm 2012. Những hành động ghê tởm của Breivik đã khiến Na Uy, mà chính phủ của nó đang đóng vai trò nổi bật trong các nỗ lực kiến tạo hòa bình ở các khu vực khác trên thế giới, phải tự vấn về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu cực đoan ở nơi này hay nơi khác ở châu Âu.

9. Giấc mơ về nhà nước Palestine vẫn dang dở

Với tiến trình hòa bình ở Trung Đông vẫn đuối như trước nay, giới lãnh đạo của Chính quyền Palestine đã chọn cách trực tiếp kêu gọi LHQ khi theo đuổi mục tiêu nhà nước độc lập của họ. Từ vài tháng trước phiên họp của Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9, các quan chức của Isarel và Mỹ đã cảnh báo về động thái này, lập luận rằng việc công nhận nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán trực tiếp với Isarel. Nhưng người dân Palestine phản đối, họ cho rằng chính phủ cánh hữu đương nhiệm của Thủ tướng Israel Banjamin Netanyahu bộc lộ quá ít sự nhún nhường cần thiết để đạt được một nền hòa bình chính thức và, đặc biệt là khi họ đang tiếp tục mở rộng các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.


Người Palestine tuần hành ở Bethlehem

Khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas xuất hiện ở trụ sở LHQ vào tháng 9 với bài diễn văn khuấy động Đại hội, tuyên bố về nỗ lực để được công nhận đầy đủ tại Hội đồng Bảo an, ông đã được chào đón như một người anh hùng khi về nước. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, thực tế chứng tỏ những nỗ lực đó đã chết từ trong trứng nước: việc cầm chắc bị Mỹ phủ quyết, cũng như việc Wahington gây áp lực lên các thành viên của Hội đồng Bảo an, gần như khẳng định rằng nỗ lực của người Palestine sẽ không thể kết trái và thậm chí còn không đạt được gì ở Đại hội đồng, nơi các lãnh thổ bị chiếm đóng ít nhất cũng có thể nhận được sự thừa nhận mang tính biểu tượng của quốc tế.

10. Cuộc tuyệt thực chấn động Ấn Độ của Anna Hazare

Trong một năm với quá nhiều các cuộc biểu tình phản đối trên toàn cầu như năm 2011, có lẽ hành động bày tỏ sự bất đồng gây chấn động nhất là ở Ấn Độ, nơi liên minh cầm quyền khai chiến với các vụ tham nhũng liên quan đến nhiều chính trị gia hàng đầu. Nhà hoạt động 74 tuổi Anna Hazare với phong cách của Gandhi, đã tỏ rõ khí chất giống như Mahatma khi thực hiện một loạt cuộc tuyệt thực để phản đối tình trạng tham nhũng, mà theo lời những người ủng hộ ông, đã lan tràn trong mọi lĩnh vực của xã hội Ấn Độ. Các cuộc tuyệt thực của ông đã châm ngòi cho các cuộc tuần hành ủng hộ ở nhiều thành phố lớn của Ấn Độ và tăng áp lực, buộc chính phủ phải tạo ra một cơ quan thanh tra độc lập có khả năng điều tra các chính trị gia cấp cao của nước này – kể cả Thủ tướng – và đưa tội phạm tham nhũng ra tòa.


Một người ủng hộ nhà hoạt động xã hội kỳ cựu Anna Hazare giương cao tấm chân dung của ông vào ngày thứ 9 tuyệt thực của ông ở New Delhi hôm 24/8.

Dự luật chống tham những mà giới phê bình lo sợ rằng có thể phương hại đến nền dân chủ mạnh mẽ, mặc dù không hoàn hảo, của Ấn Độ khi đặt nó dưới sự kiểm soát của một định chế không được tạo ra bằng phiếu bầu, vẫn đang được tranh luận ở Quốc hội. Nhưng sự ủng hộ rộng khắp mà Hazare giành được, đặc biệt từ tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh ở Ấn Độ, là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng và điều mong mỏi của người dân ở nước dân chủ lớn nhất thế giới này.

Duyên Anh dịch theo
http://www.time.com/time/specials/packages/article/0,28804,2101344_2101368_2101659,00.html

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)