Ba lời cảm ơn và vài suy ngẫm

Dù ông Hoàng Kiều đã chính thức rút lui dự án xây dựng khu du lịch Raas tại Đầm Bấy nhưng ông vẫn cam kết cùng UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 sẽ diễn ra tại Nha Trang.

Điều mà báo TN, một trong tờ báo ngày thuộc loại lớn ở VN sáng nay không nêu trong bài, là giấc mộng “ngàn sao” như tên đặt cho khu phức hợp resort trên có tới 174ha mặt nước thuộc vịnh Nha Trang, gần khu vực lõi Hòn Mun thuộc khu bảo tồn biển. Thông tin từ Hanoinet cho thấy, Khu vực Đầm Bấy có liên quan đến vị trí an ninh quốc phòng, một phần đất dự án nói trên chồng lấn lên diện tích mà trước đó UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao cho Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, hơn nữa tại đây còn có một làng chài 36 hộ với trên 100 cư dân sinh sống đã lâu đời. Dư luận hết sức lo ngại bởi cứ mỗi lần tổ chức thi hoa hậu tại Nha Trang, dân chúng lại mất đất, làng biển lại bị giải toả, di dời…

Nhân sự kiện HHTG 2010, ông Hoàng Kiều đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cấp thêm gần 100 ha đất ở Sông Lô – dọc theo 2 bên đại lộ Nguyễn Tất Thành, đoạn tiếp giáp Khu du lịch Diamond Bay để xây dựng một khu du lịch sinh thái khác với khoảng 100 phòng nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều công trình dịch vụ vui chơi dã ngoại và bến cảng cùng với khu dịch vụ hậu cần đón khách từ đất liền ra đảo. Thông tin này được Thể thao văn hóa cho thấy, sự kiện hoa hậu thế giới tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quyền khai thác đất và mặt nước ở Nha Trang.

 

Ba lời cảm ơn

Trước hết phải cảm ơn ông Hoàng Kiều. Lời cảm ơn này bắt nguồn không phải vì công mang cuộc thi người đẹp về Việt Nam mà vì ông đã từ bỏ ý định khai thác du lịch trên vịnh Nha Trang, một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Sự quan ngại từ các cơ quan nghiên cứu khoa học, bảo tồn biển và công luận đã có công hiệu. Quan trọng hơn, với một nhà sản xuất và kinh doanh công nghệ cao như ông Hoàng Kiều, tranh cãi về học thuật trên cơ sở khoa học đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỳ khu và cũng phải dựa trên chứng lý khoa học. Khi chưa thể chứng minh điều phản biện là sai, tốt nhất là chọn con đường ngưng thực hiện như một cách chấp nhận tính đúng tạm thời. Triết thuyết này do Karl Popper đưa ra và được G. Soros phát triển thành Mô thức mới cho thị trường tài chính.

Lời cảm ơn thứ hai xin dành cho các lời phản biện xuất phát từ tấm lòng với thế hệ tương lai. Khi chúng ta, lớp người hiện tại, chưa thể và chưa đủ tầm khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách đúng đắn và hợp lý, cách tốt nhất là khoan vội làm gì. Nếu không thể khai thác an toàn và hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân khi chưa chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực cũng như tài lực để không bị lệ thuộc vào luận giải nào, thì động thái “từ từ hãy tính” xem ra có tính hợp lý. Khi chưa hạch toán đầy đủ giữa chi phí, lợi ích và nguy cơ trong bảng cân đối của bài toán đầu tư khai thác quặng bauxit ở Tây Nguyên, trong đó không chỉ đơn thuần là bài toán đầu tư tài chính mà chưa tính hết cả nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng phát triển bền vững, thì khoan vội triển khai.

Lời cảm ơn thứ ba có lẽ không phải từ hiện tại, mà thế hệ mai sau sẽ gửi tới chúng ta. Khi thế hệ tương lai có đủ tri thức và các nguồn lực để khai thác hiệu quả các dự án tầm cỡ như vậy mà không phải sửa sai hay phải chấp nhận “bài học có tính lịch sử nào” thì chắc chắn, các chủ nhân ông của đất nước lúc đó, hậu duệ của chúng ta, sẽ phải cảm ơn quyết định mang tầm chiến lược của lúc này. Ở thủy điện Hòa Bình có lưu giữ bức thư gửi thế hệ mai sau. Thì quyết định chưa khai thác tài nguyên thiên nhiên hào phóng ban tặng vịnh Nha Trang cũng nên lưu thành thư trao trọng trách gánh vác sứ mệnh đó cho thế hệ sau này.

 

Và vài suy ngẫm

Những ai có quan tâm đến sự hình thành và phát triển về cái gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chắc không thấy bị xúc phạm trước các lời phê phán, chỉ trích khi nó mang tính phản biện cần thiết. Bất kỳ dự án nào đều phải trải qua công đoạn này. Chủ doanh nghiệp hay người điều hành khi thực thi trách nhiệm xã hội đều hiểu rằng lợi ích lâu dài của doanh nghiệp khi làm các điều tốt. Trong Xây dựng để trường tồnTừ tốt đến vĩ đại, thông điệp chủ đạo là “làm hay bằng cách làm tốt” (doing well by doing good). Đó là đường hướng quản trị kinh doanh chủ đạo hiện nay. Đồng thời với nó, theo giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm, là chủ trương “tư bản biết rung cảm với nỗi đau của nhân loại” (compassionate capitalism). Điều này không phải là từ trên trời rơi xuống mà từ quá trình phát triển của doanh nghiệp tư bản và các nghiên cứu thực địa cho thấy, người tiêu dùng mong chờ doanh nghiệp như vậy. Trước sự chờ mong đó, không gì khác hơn là doanh nghiệp phải làm như vậy. Nếu không, họ đã phải trả giá khi người tiêu dùng và xã hội phê phán “những gã khổng lồ vô hồn” từ đầu thế kỷ 20. Hiểu được tiến trình này sẽ hiểu được rằng các hoạt động thiện nguyện, từ thiện, nhân đạo đáp ứng hai vấn đề của doanh nghiệp: một là chứng tỏ sự dấn thân của nó, không tách rời khỏi trào lưu chung của xã hội mà nó tồn tại, hai là lợi ích của nó. Công ty Raas đã làm nhiều chương trình từ thiện, đóng góp cho xã hội và tôi tin rằng, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa. Nhưng giữa từ thiện và chỉ trích dự án là hai điều hoàn toàn tách bạch. Cho nên, nhận định sự xúc phạm sau khi nhận lời chỉ trích chính là sự xúc phạm tới doanh nghiệp và người điều hành nó.

Ngộ nhận không nên có về sự xúc phạm là tạo cho doanh giới một cách hiểu sai. Mệnh đề “Doanh nghiệp làm nhiều điều tốt cho xã hội” không thể dẫn tới mệnh đề “Những điều gì doanh nghiệp làm đều là tốt cho xã hội”. Đã vậy, thì “làm điều tốt” chẳng thể là “miễn tử bài” cho doanh nghiệp trong mọi trường hợp.

Con số 20 triệu USD cho 1 cuộc thi người đẹp đúng bằng tính toán của các bậc giáo sư khả kính cho dự án đại học đẳng cấp quốc tế. Người ta có thể quên Việt Nam từng tổ chức hoa hậu thế giới, nhưng người ta sẽ tìm tới Việt Nam một đất nước có nguồn nhân lực dồi dào về nhân lực có trình độ cao để đầu tư. Bởi lúc đó họ là người hưởng lợi.

Cuối cùng, 20 triệu USD cho một cuộc thi hoa hậu làm gì cho hình ảnh Việt Nam? Dễ thấy rằng hiệu quả là một số hình ảnh đất nước xuất hiện trên các kênh truyền hình lớn và được hàng triệu người xem trên thế giới đón nhận. Điều này không có gì phủ nhận được. Nhưng hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong quãng thời gian đó lưu cữu bao lâu trong tâm trí người xem trên toàn thế giới, đó là điều chưa được đề cập tới. Một nghiên cứu cho thấy, sau 6 kỳ quảng cáo liên tục thì người tiêu dùng may ra mới nhớ tới có một quảng cáo như vậy. Và sau đó, phải tiếp tục “dội bom” thì mới có một số ít “chịu đọc”. Quá trình từ biết tới ghi nhận và nhớ là một tiến trình dài, đòi hỏi có chiến lược marketing rõ ràng, ngân sách hùng mạnh mới tạo sự nhớ. Chưa kể là phải lập lại để gợi nhớ. Nếu vậy, thì 20 triệu USD chắc chỉ đủ người ta biết, chưa đủ để người ta nhớ.

Hữu xạ tự nhiên hương. Hàm ý của nó không phải là tốt rồi thì không quảng bá mà chính là có tốt mới nên quảng bá. Có thể dụ hay lừa người tiêu dùng bằng một hình ảnh đẹp, một cử chỉ tốt nhưng không thể dụ hoài hay lừa mãi được. Bài học từ Olympic Bắc Kinh là một minh chứng vừa gần vừa thiết thực. Hàng trăm triệu USD cho một kỳ Olympic hoành tráng, một công trình kiến trúc tổ chim ấn tượng. Olympic đã qua, công trình vẫn còn đó. Ấn tượng trong đầu người xem về công trình có thể còn, nhưng hình ảnh gợi nhớ nhất là sự lừa dối khi để một giọng hát thật chỉ vì chiếc răng xấu xí phải thu mình, nhường chỗ cho một ngoại hình đẹp. Một quốc gia đang nỗ lực xóa đi hình ảnh xấu từ đồ giả, kém chất lượng, vi phạm bản quyền qua hàng loạt vụ bê bối kem đánh răng, đồ chơi nhiễm độc cho tới mới đây là sữa nhiễm melamine không thể dùng cách tạo ấn tượng bằng sự giả dối.

Doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục với lợi thế nhân công rẻ. Lời khuyên chân tình của đại diện thương mại EU cũng là nỗi băn khoăn bao năm không dứt của doanh nghiệp Việt Nam. Ai chả muốn thoát vị thế gia công rẻ mạt để tiến lên, giành lấy các công đoạn “ngon ăn” trong chuỗi dây chuyền giá trị. Nhưng làm sao để thoát khi nguồn nhân lực còn thiếu và yếu mà cỗ máy giáo dục và đào tạo chưa thể một sớm một chiều giải quyết. 

 

Tác giả