Bài biện hộ cho ông chánh án

Giống như các chàng công tử quý phái thời La Mã cổ đại khi thấy những người thứ dân bị xét xử ở tòa, họ đã tình nguyện vào biện hộ không đòi chi phí; từ đó tạo nên nghề luật sư, và tiền trả cho luật sư được gọi là thù lao. Tôi không phải là quý tộc, ông Chánh án Tòa tối cao cũng chẳng phải là thứ dân; ông cũng chẳng khiến tôi làm; nhưng khi thấy ông bị Quốc hội chất vấn thì “máu nghề nghiệp” của tôi nổi lên và tôi xin nộp bản biện hộ này lên công luận để bênh vực cho ông. Vì thực sự là Ông Chánh án không hề nhờ tôi; nên tôi xin quý vị đang đọc giả vờ làm đại biểu để tôi có thể làm công việc của mình. Nếu Viện Kiểm sát có bản cáo trạng thì- là luật sư - tôi có bản biện minh trạng cho thân chủ của mình. Và nó như thế này.


Trong cuộc chất vấn, thân chủ chúng tôi đã được yêu cầu giải trình chín vấn đề: năm vấn đề liên quan đến nền tảng hệ thống tư pháp; bốn vấn đề mang tính vụ việc. Năm vấn đề đầu có thể rút lại còn ba là: bản án bị sửa và oan sai; dân kêu oan mà Tòa án nhân dân tối cao không giải quyết; duyệt án cùng tiền lệ của vụ Đồ Sơn. Cái gì là nền tảng thì sẽ lâu dài, từ xưa để lại và sau này vẫn còn. Cái gì là vụ việc thì sẽ ngắn, giải quyết xong thì hết. Ở đây tôi xin biện hộ cho thân chủ chúng tôi về các vấn đề có tính nền tảng còn xin để các vấn đề kia cho các đồng nghiệp khác.

1. Tổng quát
Đối với các vấn đề có tính chất là từ xưa để lại và sau này vẫn còn thì thân chủ chúng tôi mới tại chức trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Khi được quý vị tin tưởng và bổ nhiệm vào chức vụ hiện thời thì tình cảnh của thân chủ tôi giống như một người được cho vào ở một căn nhà xây đã lâu, về mỹ thuật thì nó rất đẹp, không nước nào có; nhưng về kỹ thuật thì thuộc loại tồi. Chính cái tính chất sau của nó mà nay khi nó bị mưa to gió lớn đánh vào, quý vị sốt ruột với thân chủ chúng tôi, chủ nhân căn nhà.
Với năm vấn đề mà quý vị đã nêu thì căn nhà kia giống như đang bị dột. Quả thật nó đang bị dột! Căn nhà bị dột thì thân chủ chúng tôi gánh chịu hậu quả ngay! Ấy là sự chất vấn của quý vị. Thế nhưng căn nhà kia không phải do thân chủ chúng tôi xây lên. Do đó, việc nó bị dột không phải lỗi của thân chủ chúng tôi. Từ quan niệm, kiểu thiết kế, đến lối xây dựng căn nhà đó, tất cả do những người trước để lại; mà những người trước ấy chính là các vị tiền nhiệm của quý vị. Họ đã thiết lập khi bỏ phiếu biểu quyết tán đồng, mà thường là 90% hay hơn. Căn nhà ấy đã được xây dựng với một nhiệt tình cách mạng; trong đó nhà nước nắm tất cả, và ban phát tất cả cho dân chúng như ước nguyện của họ. Làm như thế là để thiết lập một chế độ chính trị vạn lần đẹp hơn tất cả những cái đã có trong lịch sử trước kia. Do vậy, khi thiết kế căn nhà các kiến trúc sư đã không hề xem đến kinh nghiệm đã có hàng trăm năm nay của các hệ thống tư pháp khác vốn cũng đã trải qua những khó khăn như chúng ta và đã tìm ra giải pháp, tuy chúng mang tính tương đối nhưng mọi người bị buộc phải chấp nhận; nhờ thế nó tạo nên trật tự trong cuộc sống xã hội. Chúng ta chê bai tính tương đối của các hệ thống kia, cho rằng chúng thiếu tính triệt để và đã xây căn nhà của mình với mục đích đạt đến cái tuyệt đối vốn không có trên thế gian này: theo đuổi công lýý đến cùng! Do vậy căn nhà kia… bị dột! Và quý vị đang buộc thân chủ chúng tôi phải chịu trách nhiệm!
Do sự công bằng mà chúng ta theo đuổi, nên chăng thân chủ chúng tôi phải được đánh giá theo quan điểm (i) có nhận ra các điều trên không; (ii) đã chữa được đến đâu; chứ không phải theo quan điểm: tại sao, trách nhiệm thế nào và đến đâu?
Chúng tôi cho rằng thân chủ của chúng tôi phải được xem xét một cách công bằng hơn; bởi vì nhiều công việc chúng ta đang làm hiện nay và sau này, trong một số lãnh vực nào đó – trong đó có tư pháp – chỉ là sửa chữa những hậu quả để lại của nhiều thế hệ trước kia. Họ đã thực hiện công việc của mình dựa trên những qui luật rút ra từ kết quả của những cuộc nghiên cứu khoa học, công phu, theo một diện rộng và trải qua nhiều thời đại. Tuy nhiên họ đã không nhận ra được rằng đấy là quy luật rút ra từ những người đã chết và khi biến chúng thành luật pháp áp dụng cho từng cá nhân đang sống thì người sau không phải lúc nào cũng sẵn sàng chấp hành. Người đang sống không thể làm theo cách làm của người đã chết. Họ có thể theo gương về mặt tinh thần; nhưng không thể hành động theo khuôn khổ của người đã chết mà nay qui định thành “pháp lệnh” và bị chế tài. Mục đích việc làm không xấu, nhưng nó không khả thi và bây giờ để lại nhiều hậu quả, đặc biệt là về tâm lý. Vậy bây giờ chúng ta tất cả cần nhận ra điều này để cùng bắt tay sửa chữa trong địa vị, hoàn cảnh và khả năng của mình; chứ không phải tìm cách đổ tội cho ai đó. Nói đến đây, chúng tôi nghĩ đến những người đã từng thực hiện các việc kia; nay đứng ngoài chỉ trích làm như mình vô can! Thật đáng khen ngợi!
Vậy khi đặt ra trách nhiệm ấy cho thân chủ chúng tôi, thì nên chăng quý vị cũng đặt ra trách nhiệm cho chính mình rằng phải làm gì để giúp đỡ những người như thân chủ chúng tôi hầu họ có thể thực hiện dễ dàng hơn nhiệm vụ của họ. Phải chăng quý vị chỉ quy trách để có thể nói với cử tri: “Vâng chúng tôi có nói rồi”; nghĩa là chỉ làm để cho nồi xúp de xì hơi an toàn rồi đâu vẫn vào đấy? Để không miên man trong phần tổng quát, chúng tôi xin đi vào các vấn đề cụ thể, phụ thêm cho những gì thân chủ chúng tôi đã trình bày.

2. Bản án bị sửa và oan sai
Bản án bị sửa và oan sai là do trình độ của thẩm phán. Vâng đúng vậy. Việc này liên quan đến: sự tuyển chọn thẩm phán, trình độ thẩm phán và sự trợ giúp thẩm phán nâng cao trình độ theo một cơ chế tự động và nội tại. Ba công việc này hiện nay ra sao? Chúng ta hãy nhìn vào sự thật. Vì nếu chúng chưa được giải quyết thì với việc phải “đôn” lái xe và đánh máy lên làm thẩm phán, dẫu có nói là “vơ vét” hay không cũng chỉ là từ ngữ sử dụng, râu ria của vấn đề.
a. Sự tuyển chọn thẩm phán
Mọi người trong ngành tư pháp đều biết hai sự kiện. Một là sinh viên tốt nghiệp thi vào làm thư ký tòa án thì phải mất khoảng bảy năm và phải vào Đảng mới đủ điều kiện làm thẩm phán. Hai là việc cho vào Đảng là quyết định của từng chi bộ tại các địa phương.
Thân chủ chúng tôi có thể làm gì trước hai thực tế này? Quý vị sẽ làm gì để khắc phục nếu không “vơ vét” như thân chủ chúng tôi?
b. Trình độ thẩm phán
Trừ một số do hoàn cảnh lịch sử để lại, các thẩm phán đều được đào tạo cơ bản ở các trường đại học luật. Kiến thức được trường luật trang bị sẽ giúp họ hành nghề sau này và mức độ trở nên thành thạo lâu hay chóng cũng tùy thuộc số kiến thức ấy. Điều này khiến chúng ta xem đến phương thức đào tạo sinh viên ở các trường luật.
Các vị đã thấy ngay từ khi thành lập, các trường đại học chuyên nghiệp đều do các bộ lập ra và nắm giữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm các trường đại học thuộc ngành nghệ thuật tự do (nhân văn, khoa học tự nhiên…). Sự kiện này cho thấy các trường đại học đào tạo sinh viên là để phục vụ mình, tức là đáp ứng các yêu cầu của nhà nước. Do đó trong một thời gian dài sinh viên tốt nghiệp ra trường là làm cán bộ, công chức nhà nước hay vào các xí nghiệp quốc doanh. Trường luật không đi ra ngoài khuôn khổ này. Sinh viên luật được đào tạo để trở thành cán bộ hay công chức nhà nước; công việc của họ là viết luật cho dân chúng áp dụng. Họ phục vụ nhà nước. Dùng hình ảnh mô tả thì học xong “họ nhìn lên” nhà nước. Vì là người sẽ viết ra các “quy phạm pháp luật” nên luật trang bị cho họ được giảng dạy theo cách tại sao. Vậy họ được học “luật tại sao”. Và để trả lời người ta hướng họ về triết học. Luật trang bị cho sinh viên mang tính triết học và nó được gọi là “khoa học pháp lý”, rất nặng về câu chữ và lý luận. Khi quy về triết học thì không ai được đi ra ngoài các nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa. Và để bảo đảm sự tuân thủ tuyệt đối, luật được giải thích là công cụ của chính trị, việc áp dụng nó thuộc về chủ quyền quốc gia. Khi tranh luận về luật, vấn đề quan điểm, lập trường luôn luôn được đặt nặng; người ta có khuynh hướng gạt bỏ những lập luận trái ngược rồi tự thưởng cho mình bằng cách kênh kiệu.
Tuy nhiên cuộc sống không phải do triết học thống lĩnh. Luật sở dĩ có vì nó cần thiết cho trật tự xã hội. Do đó, luật là để phục vụ xã hội, phục vụ dân chúng. Nhà nước ban hành luật là để cho công dân áp dụng. Công dân áp dụng luật thì phải biết nó thế nào. Họ cần “luật thế nào”. Trong một quốc gia, về số lượng, thành phần nhà nước rất nhỏ so với thành phần dân chúng. Do đó sinh viên luật ra đời, để kiếm sống, họ phải phục vụ xã hội, phục vụ dân chúng. Ngay cả thẩm phán khi xét xử thì họ cũng phục vụ xã hội. Họ nói ai phải ai trái trong một cuộc tranh chấp đang diễn ra trước mặt họ theo luật pháp của quốc gia. Khi ấy, thẩm phán trực tiếp phục vụ xã hội, gián tiếp phục vụ nhà nước. Phục vụ xã hội thì bắt buộc “họ nhìn xuống” và phải biết “luật thế nào”. Trường luật đã trang bị cho họ “luật tại sao” và “họ nhìn lên”! Thẩm phán cũng vậy, luật sư cũng thế! Họ được đào tạo theo một đường; nhưng khi hành nghề thì phải làm theo một nẻo!
Vì chỉ được dạy “luật tại sao” nên sinh viên tốt nghiệp trường luật không có một ý niệm gì về một khả năng gọi là cách suy xét theo luật học (legal reasoning). Sự tài ba của thẩm phán và của luật sư nằm ở khả năng này. Đó là khả năng biết phân tích và tổng hợp sự việc đã xẩy ra (mà mình đang xem xét để quyết định đúng hay sai), rồi lần lượt chọn ra các mảng sự việc quan trọng, nhiều ít khác nhau, hầu đặt ra các câu hỏi, cuối cùng có câu trả lời rồi áp luật pháp vào. Từ đó mới có các quyết định thuyết phục được các bên can dự. Vâng, các bên chứ không phải nhà nước.
Khi muốn biết “luật thế nào” thì ngoài cách đặt câu hỏi theo phương pháp đã nêu thì thẩm phán phải biết với những câu hỏi tương tự thì người đi trước đã giải quyết như thế nào. Vậy là phải có nhiều kinh nghiệm của người xưa truyền lại; trong luật người ta gọi là án lệ. Trong hệ thống giảng dậy luật pháp của ta, hai thứ này không có! Trình độ thẩm phán, trong những năm đầu, gây ra bởi những sự thiếu vắng này. Vậy trình độ của thẩm phán có phải hoàn toàn là trách nhiệm của thân chủ chúng tôi không?
c. Cơ chế tự động giúp thẩm phán nâng cao khả năng
Tự một mình mình, thẩm phán không thể nâng cao khả năng. Đó là sự thật giống như một học sinh không có bạn. Thẩm phán phải được hỗ trợ. Trong một vụ án hình, thẩm phán được trợ giúp bởi hai bên có lợi ích trái ngược nhau: kiểm sát viên và luật sư của bị cáo. Trong một vụ dân sự thẩm phán cũng được trợ giúp bởi hai bên có lợi ích khác nhau nhưng đều là luật sư. Chính khi nghe hai ý kiến khác nhau, thẩm phán xem xét và quyết định. Hệ thống tòa án chúng ta được khởi đầu bằng các vụ xử hình sự. Ở đó công lý được bảo đảm bằng một cơ cấu “ước chế và kiểm soát lẫn nhau” do ba đơn vị thực hiện là công an, viện kiểm sát và tòa án. Ba đơn vị khác nhau thật, nhưng rất tiếc chúng cùng một gốc: tất cả đều là cơ quan nhà nước chưa nói đến chuyện họ cùng ở trong Ban Nội chính của một địa phương. Do đó oan sai đã xẩy ra. Phải có một đơn vị khác gốc thì mới thực sự có sự “ước chế và kiểm soát lẫn nhau” hữu hiệu. Pháp lệnh luật sư ở ta chỉ mới có từ năm 1987. Nhưng họ được đối xử ra sao?
Thứ nữa, các bản án của tòa không được công bố rộng rãi. Điều này làm cho sinh viên luật muốn học thực tế, muốn tạo khả năng suy luận cũng không có phương tiện. Vì không phổ biến rộng rãi bản án; nên thẩm phán có thể viết “ý kiến luật sư không xác đáng” mà không sợ luật sư phản đối; họ cũng chẳng phải lo rằng lý lẽ của mình sẽ bị đem ra công luận để mà chau chuốt câu văn, lập luận rõ ràng. Họ thiếu cả áp lực lẫn sự kích thích để phải tuyên các bản án rõ ràng với lý luận sắc bén.
Thiếu kích thích nằm ở chỗ nhiệm kỳ năm năm của họ. Một thẩm phán muốn tự mình nâng cao khả năng thì cần một thời gian dài. Thẩm phán có còn cố gắng chăng trước câu hỏi: “liệu có được bổ nhiệm kỳ sau không?” Chân thiện mỹ là một cái gì lâu dài và phải mất nhiều thời gian mới đạt đến. Năm năm một lần không phải là một thời gian dài. Nó dành cho các chức vụ chính trị để tránh sự lạm dụng quyền hành và khuyến khích thay đổi trong các biện pháp đề ra. Tính chất của luật pháp khác hẳn. Nó phải tạo ra sự ổn định và tiên đoán được; do dó nó cần bền vững và có biểu tượng của sự bền vững để hôm nay khi nhìn lại hôm qua mọi người biết về ngày mai. Thẩm phán là biểu hiện của sự bền vững đó. Nhiệm kỳ năm năm là không phù hợp cho cố gắng muốn nâng cao khả năng mình của thẩm phán cũng như cho biểu hiện về sự bền vững của tòa án. Có sự nhầm lẫn về bản chất giữa chính trị và tư pháp.
 
3. Dân kêu oan mà Tòa án nhân dân tối cao không giải quyết
Vấn đề này liên quan đến thủ tục tố tụng dân sự nhiều hơn là hình sự; bởi vì đa số các vụ hình sự đều trở thành chung quyết tại cấp phúc thẩm; chỉ có các vụ dân sự mới lên tới tòa tối cao.
Nói đến việc tòa án nhân dân tối cao có giải quyết hay không việc kêu oan của dân chúng thì phải nhìn vấn đề trong một tổng thể. Thứ nhất là việc xét xử ở cấp sơ thẩm rồi phúc thẩm; vì nếu hai cấp này đã giải quyết công minh vụ việc thì không cần phải đưa cấp tối cao. Thứ hai là bằng chứng vì việc xét xử ở các phiên tòa thực sự là việc xem xét bằng chứng mà các bên nêu ra để dựa trên đó luật được áp dụng và bản án được tuyên.
a. Việc xét xử ở các cấp tòa
Trong một vụ án có hai vấn đề tòa phải xem xét để ra bản án. Lấy một vụ đi vay tiền để nói cho dễ hiểu. A nói với B cho vay 5 tỉ và hẹn sau một năm sẽ trả lại. Nếu A không trả nợ hết mà bị đưa ra tòa thì ở đây có hai vấn đề: (i) việc đưa tiền cho vay và trả nợ và (ii) sự cam kết sẽ trả lại. Vấn đề (i) là sự kiện, còn (ii) là pháp lý. Vấn đề (i) liên quan đến bằng chứng, là đi tìm sự thật; vấn đề (ii) liên quan đến khả năng lập luận của thẩm phán để áp dụng luật có liên quan. Để bảo đảm sự công minh một vụ án được xét lần đầu tại cấp sơ thẩm; nếu bên nào không thích bản án sơ thẩm thì có quyền đem nội vụ lên cấp phúc thẩm rồi sau đó cấp tối cao.
Khi có hai vấn đề phải xem xét trong một vụ và ở các cấp tòa khác nhau thì luật tố tụng ấn định tòa các cấp sẽ xét xử cả hai vấn đề như nhau hay mỗi cấp chú trọng từng vấn đề khác nhau. Nghĩa là các tòa sẽ xét xử trùng nhau hay không. Do luật lệ về bằng chứng sẽ đề cập sau này tòa án ở chúng ta xem xét trùng lập ở cả ba cấp vì chúng ta coi trọng “sự thật khách quan”. Do cả ba cấp làm trùng nhau nên hiện nay việc xét xử các vụ dân sự của ta không có điểm dừng. Hệ thống ba cấp giống như cái thang có ba bậc, các bên tranh chấp có thể leo lên đến bậc cao nhất rồi lại xuống bậc thấp nhất rồi lại đi lên tiếp! Có vụ kéo dài đến cả chục năm. Bởi thế, sự hữu hiệu của hệ thống tòa án ta kém; niềm tin của dân chúng vào tòa án thấp. Khi thấy tòa xử kéo dài một vụ xù nợ, một người hàng xóm sẽ rút ra kết luận rằng cứ đi vay rồi xù cũng chẳng sao; tức là khi không sợ quyền uy của tòa án thì người ta lại càng hay làm sai rồi lại càng đưa ra tòa xử. Thủ tục tố tụng như thế này khuyến khích sự sai trái và làm tòa án bị tràn ngập công việc; tòa càng bị càng trở nên kém hữu hiệu. Do vậy mới có đề nghị – về mặt thủ tục là – tòa án tối cao không nên xem xét bằng chứng mới; nghĩa là không xử các việc mà dân chúng kêu oan. Khi nghe đề nghị như thế thì thân chủ chúng tôi cũng đã xem xét thấu đáo thủ tục xét xử ở các nước khác. Ở đó luật tố tụng của họ cho tòa phúc thẩm không xem xét bằng chứng mới; còn cấp tối cao chỉ xét xử khi quyết định của tòa phúc thẩm không đúng với hiến pháp.
Có vị đại biểu đã tuyên bố phải để cho dân kiện lên đến tòa tối cao hầu bảo đảm quyền khiếu nại của họ. Quyền ấy là cao nhất. Khi nói như thế vị đại biểu ấy đã cố thiết lập “sự tuyệt đối” trên thế gian này! Buộc cả ba cấp tòa phải xử như nhau. Điều mà đã gây ra sự thiếu kính trọng đối với tòa án, biểu tượng của quyền uy của quốc gia hiện nay. Chúng ta hãy xem ở các hệ thống pháp luật khác người ta làm như thế nào và họ có bảo vệ “quyền cao nhất” của người dân hay không?
Trong các hệ thống pháp luật khác – thông luật của Anh, Mỹ; dân luật của Pháp, Đức – luật tố tụng của họ quy định (qua văn bản hay tập tục) tòa sơ thẩm xem xét các vấn đề pháp lý lẫn sự kiện và tuyên án; nếu một trong hai bên kháng cáo thì tòa phúc thẩm chỉ xem các vấn đề pháp lý của bản án đã tuyên. Rất hiếm khi tòa phúc thẩm xem chứng cứ mới vì coi rằng tòa sơ thẩm đã làm đủ và đúng theo luật. Để làm việc ấy, luật tố tụng dân sự của họ được xây dựng trên hai nền tảng chính liên quan đến bằng chứng.
b. Luật về bằng chứng
Luật của ta chỉ liệt kê các loại chứng cứ mà không ấn định loại nào có giá trị hơn loại nào và để cho tòa thẩm định. Vì thế, luật mới sợ tòa dưới thẩm định sai và cho tòa trên được xem xét lại, không sợ trùng việc vì nguyên lý nền tảng là “sự thật khách quan”.
Ở Pháp hay Mỹ họ có luật về mức độ tin cậy của bằng chứng. Ở Pháp công chứng thư có giá trị cao hơn tư chứng thư (vì thế mới có công chứng viên). Ở Mỹ bằng chứng có giá trị phải là bằng chứng có liên quan (relevant), chứ không phải là của bất cứ ai (hearsay), hay của những ai được phép không phải tiết lộ (privileged). Để ý ta thấy luật của họ lấy bằng chứng (một sự kiện vật chất) làm nền tảng; còn chúng ta lấy sự thẩm định của thẩm phán làm gốc; (tức là lấy con người). Vì bằng chứng là nền tảng nên luật tố tụng của Mỹ cho phép hai bên “đào bới” bằng chứng. Nguyên đơn có thể xin tòa buộc bị đơn phải trưng ra bằng chứng dẫu bất lợi cho mình. Họ không cho giấu bằng chứng. Luật của Pháp cho xét xử bằng giấy tờ; nghĩa là thẩm phán dựa theo các bản lý đoán của hai bên mà quyết. Mỗi bên cứ nêu bằng chứng và lập luận lên tòa; qua luật sư, họ phải gửi bản sao cho bên kia xem. Bên kia sẽ trả lời, nêu bằng chứng khác để đánh đổ lập luận vừa nhận. Cứ việc “lời qua tiếng lại” đến khi không còn gì nói nữa thì hai bên xin tòa nghị án. Thẩm phán không tác động gì trong quá trình này. Bên nào đưa bằng chứng thiếu thì ráng mà chịu.
Như thế nghĩa là luật của cả hai hệ thống buộc các bên phải trưng ra hết mọi bằng chứng ở cấp sơ thẩm; các bên chủ động đẩy diễn tiến phiên tòa; thấy đủ hết rồi mới xin tòa xử. Vậy khi tòa đã xử thì không thể kêu ca nữa về bằng chứng, về “sự thật” đã đưa ra. Kháng cáo lên tòa trên là chỉ phàn nàn về cách lập luận của chánh án; tức là xin xem xét các vấn đề pháp lý để tăng hay giảm hình phạt.
Luật tố tụng của chúng ta để chánh án chủ động trong xét xử, lại không đặt ra mức độ tin tưởng của chứng cứ; chỉ nhấn mạnh “sự thật khách quan” và để cho lòng người xác định; nên mới xẩy ra những gì chúng ta đã thấy. Lịch sử phát triển của nền tư pháp trên thế giới cho thấy chính người dân tranh chấp trước, họ đến xin tòa giải quyết cho họ. Ở thế đó, tòa để cho hai bên chủ động; giúp họ tìm bằng chứng, chứ không đi lấy hộ; ai có bằng chứng “thật hơn” thì tòa dựa vào đó và sẽ lập luận. Nếu hai bên làm sai từ đầu (thí dụ hợp đồng vô hiệu) thì tòa bảo “không cưỡng chế thi hành được” (unenforceable). Và hai bên về tự giải quyết lấy, ai làm bạo thì đã có luật hình. Như là một quy luật tâm lý, khi phải tự xử mình lúc làm sai, thì người ta sẽ tìm cách làm đúng ngay từ đầu.
Luật pháp của chúng ta làm ngược lại, giao cho tòa án sứ mạng bảo vệ quyền lợi của công dân; buộc thẩm phán phải chủ động. Hễ cứ có việc gì xẩy ra, anh Việt kiều lừa tiền, lừa tình chẳng hạn, thì dư luận đặt ngay câu hỏi: cơ quan nào có trách nhiệm, ai quản lý! Ít ai bảo: “Anh, chính anh phải chịu trách nhiệm, anh phải tự quản lý anh.” Cá nhân nào cũng sợ “làm mất lòng người khác” nên bán cái cho xã hội. Xem như thế những vấn đề tiềm ẩn trong hệ thống luật pháp của chúng ta còn liên quan đến nhận thức.
c. Uy lực của bản án đã xử
Luật pháp phải có tác dụng là bảo cho công dân biết; (i) nếu anh làm như thế thì (ii) anh sẽ bị đối xử như vậy, như vậy”. Vế (i) giúp người dân ổn định, vế (ii) giúp họ tiên đoán được. Sự tiên đoán kia phải dựa trên thực tế tức là các quyết định tòa án đã ra; vì giữa cách đối xử mà luật định và biện pháp tòa án đưa ra có khác nhau (do có xét đến hoàn cảnh cụ thể). Để giúp cho luật pháp tiên đoán được, các hệ thống khác đặt ra nguyên tắc là đối với các vụ án có cùng một tính chất thì kết quả của vụ án trước ràng buộc vụ án sau. Cùng nguyên tắc nhưng kỹ thuật sử dụng của mỗi hệ thống khác nhau. Bên thông luật gọi một bản án chung thẩm là tiền lệ (precedence); dân luật gọi là án lệ (jurisprudence). Tòa sơ thẩm ở Anh, Mỹ khi xử bị bắt buộc phải tra cứu và áp dụng tiền lệ. Tòa sơ thẩm ở Pháp không bị buộc phải tuân theo án lệ, nhưng khi bản án bị kháng cáo thì tòa phúc thẩm sẽ dẫn án lệ. Vậy, tòa dưới “chẳng dại gì” mà không tuân theo án lệ.
Cách sử dụng tiền lệ, tra cứu án lệ, tạo nên một sự hơi khác biệt trong cách thức áp luật vào sự kiện của các thẩm phán ở hai hệ thống kia; nhưng cả hai đều giống nhau trong phương pháp suy luận khi phân tích sự kiện. Đó là tài năng của thẩm phán. Và ở hai cấp tòa thì trình độ này khác nhau; cho nên vấn đề pháp lý được tòa phúc thẩm xem xét khi bản án bị kháng cáo và chỉ vấn đề này.
Chính trên cái tổng thể này mà tòa phúc thẩm ở các hệ thống khác họ không xem xét chứng cứ mới; hoặc có thì rất ít. Chính nhờ vào (i) tín lực của bằng chứng và cách buộc đưa ra nó; (ii) quyền của tòa bác hay nhận; (iii) án lệ; và (iv) xét lại khả năng lập luận của thẩm phán ở tòa dưới (tức là vấn đề pháp lý của nội vụ) nên ở họ không có chuyện “án dân sự xử kiểu nào cũng được”. Tòa án có uy. Dân nghĩ đến tòa án là đã sợ; nên ngần ngại nuốt lời đối với gì mình đã cam kết.
Các nước phát triển – mà luật pháp của họ được coi là một nguồn gốc của luật quốc tế – họ làm như thế. Nếu thân chủ chúng tôi có nêu vấn đề lên ở đâu đó thì có phải là một cái lỗi hay không? Chúng ta có nên tiếp tục thiết lập sự tuyệt đối trong hệ thống tòa án của chúng ta không, sau bao nhiêu hậu quả của nó đã thấy?
Gần đây trong báo giới có bàn về câu hỏi tòa phúc thẩm có xem xét chứng cớ mới hay không; tức là một vấn đề cũng giống như chúng tôi đang biện hộ cho thân chủ ở đây. Có các câu trả lời khác nhau đã được đưa ra. Người bảo có và lý do là để “tìm ra sự thật khách quan nhất”. Nguời bảo không thì nói rằng đó là để tránh sự “không công bằng” và xóa “áp lực sổ đen” cho thẩm phán.
Thưa qúy vị, vai trò của hệ thống xét xử không phải là để làm việc ấy. Vai trò của tòa án là bảo đảm niềm tin của công dân vào chế độ; là duy trì chế độ; là bảo đảm sự ổn định và tiên đoán được của luật pháp, hầu tạo sự an tâm cho công dân, khuyến khích họ làm đúng qua đó phát triển sự lương thiện trong xã hội. Đấy mới là nguyên lý của hoạt động xét xử.
Khi thiết lập hệ thống tư pháp chúng ta hầu như không để ý đến nguyên lý này vì chúng ta khởi đầu từ tòa án nhân dân, xét xử những vụ hình sự; mãi sau này mới xét những vụ dân sự; nên ta đã đem những nguyên tắc xét xử của hình sự sang dân sự vốn khác tính chất. Mối quan tâm chính khi xử một vụ hình là chấm dứt tội phạm, răn đe người khác, và phạm nhân đi tù. Đó là những mục tiêu ngắn hạn và tác động của nó lan tỏa không rộng; vì không phải ai cũng muốn vi phạm hình sự. Trái lại tác động của một bản án dân sự lan tỏa rộng, do đó nó kéo dài. Bởi vì hành vi dân sự (vay nợ) hay việc dân sự (sinh con) chính là cuộc sống, và ai cũng phải sống. Vay tiền thì ai cũng có một hai lần làm trong cuộc đời mình. Một bản án dân sự bênh con nợ sẽ khuyến khích người dân xù nợ, và việc này rất dễ lan rộng vì nó có lợi nếu làm. Khi người đi vay xù nợ thì người có tiền sẽ không muốn cho vay, tiền của người sau biến thành vàng chôn dưới đất. Nền kinh tế thiếu tiền mặt thì làm sao phát triển?
Ưu tư của thân chủ chúng tôi là vào những vấn đề này chứ không phải “quyền cao nhất” của dân chúng; khi nhìn sang các hệ thống khác mà người ta đã có cách giải quyết.

4. Duyệt án – Vụ Đồ Sơn
Hai vấn đề này là những thứ nằm tiềm tàng từ lâu trong hệ thống tòa án của ta. Vấn đề đầu thân chủ chúng tôi đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Về vấn đề sau thì nó không phải chỉ mới xuất hiện trong thời gian nhiệm chức của thân chủ chúng tôi. Nó là những gì thuộc về tính chất của ngôi nhà.
Tòa án có thực sự độc lập không? Chúng ta phải xem, phải nhìn thẳng vào sự thật thì mới thấy hết vấn đề được. Nguyên tắc độc lập xét xử luôn được khẳng định; chỉ có điều ta có muốn làm hay không. Đồ Sơn là một bài học rất lớn mà báo chí đã nói thay ngành tòa án. Thân chủ chúng tôi ủng hộ việc lên tiếng của báo chí. Phải để cho cơ quan tư pháp độc lập. Quý vị có thể nói rằng pháp luật qui định độc lập thế rồi, sao tòa án không độc lập? Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Khi một anh sống ở địa phương, quyền lợi gắn bó ở đó, bổ nhiệm, nhận xét, khen thưởng đều gắn với cấp ủy, chính quyền địa phương thì anh lựa chọn thế nào? Thưa quý vị phải nhìn thẳng vào sự thật chứ ạ!

Để kết thúc bài biện minh này, thì trách nhiêm thực sự mà thân chủ chúng tôi chịu, theo thiển ý, chỉ là nhận thức ra được tình hình của căn nhà đến đâu và đã sửa chữa nó được đến mức nào chứ không phải về những vấn đề nền tảng mà quý vị đã nêu vốn do tính chất bẩm sinh của căn nhà gây ra. Thân chủ chúng tôi nếu có sai sót chỉ là ở cách thức trình bày chứ không phải ở nội dung. Nhưng sau khi biết những gian truân của thân chủ chúng tôi khi ở trong căn nhà dột, hẳn quý vị cũng cảm thông với thân chủ chúng tôi và sẽ sẵn sàng giúp đỡ thân chủ chúng tôi trong cố gắng tân trang căn nhà. Đó là việc làm cần thiết của tất cả chúng ta cho tổ quốc thân yêu này: nhận ra vấn đề, cùng chung sức làm, thay vì quy trách.

Nguyễn Ngọc Bích

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)