Bài học nào từ Trumpism và Brexitism

Chiến dịch tranh cử của Donald Trump là một “phong trào” (như ông ấy nói). Nó lý giải tại sao một người “ngoại đạo” về chính trị như ông Trump lại đắc cử làm Tổng thống (thứ 45) của Mỹ. Đó là một hiện tượng hy hữu làm nhiều người bất ngờ. Nhưng Trumpism không phải là ngẫu nhiên, mà nó phản ánh một xu thế. Cũng như vậy, Brexitism không phải là chuyện ngẫu nhiên khi người Anh bỏ phiếu quyết định rút khỏi EU.


Donald Trump. Ảnh: New York Post.

Nay khi dư luận ồn ào tạm lắng xuống, có mấy bài học cơ bản nổi lên đáng quan tâm. Có lẽ lúc này trao đổi về xu thế và bài học có ích hơn là đoán mò về chính sách cụ thể của Trump, vì nó giống như trò chơi sổ số, hay câu chuyện “thầy bói sờ voi”. Ngay cả bản thân Trump cũng chưa chắc biết mình phải làm gì và làm thế nào. Có lẽ phải mất vài tháng thì chính quyền Trump mới ổn định được về nhân sự và chính sách của mình.  

Toàn cầu hóa thoái trào và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy

Như trong một vở kịch có quy mô toàn cầu, cả thế giới bị sốc và ngỡ ngàng xem cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump vào Nhà Trắng (8/11), cũng giống như trước đó xem cử tri Anh bỏ phiếu cho nước Anh rút khỏi EU (23/6). Có thể nói, đó là một cuộc chính biến bằng lá phiếu phản kháng của người dân. Trumpism hay Brexitism không phải là đặc sản riêng Anglo-Saxon, mà nó có thể xảy ra bất cứ ở đâu khác. Ví dụ, tại Philippines, các cử tri đã bỏ phiếu cho Rodrigo Duterte, một chính khách “phi truyền thống”. Ông ấy cũng làm nhiều người ngỡ ngàng khi xoay trục sang Trung Quốc và “ly khai” với đồng minh Mỹ.  
Toàn cầu hóa đã đem lại thịnh vượng cho toàn thế giới, trừ giai cấp lao động tại các xã hội phương Tây. Nó vô tình thúc đẩy xu hướng chuyên chế, cực đoan của những người theo chủ nghĩa dân tộc, và giúp phong trào dân túy lan nhanh như “virus Zika”. Trumpism đã lợi dụng sự tức giận của dân chúng, tuy chính sách của Trump chỉ làm tăng thêm xu hướng bất bình đẳng. Theo Thomas Picketty, phải định hướng lại toàn cầu hóa. (“globalization must be fundamentally re-oriented”, Thomas Picketty, Guardian, Nov 16, 2016).
Các nhân vật dân túy ở Mỹ (và Anh) đã chớp thời cơ, đẩy tâm trạng bức xúc của dân chúng lên thành cao trào chống lại thế lực cầm quyền. Họ lợi dụng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và biệt lập chống lại chủ nghĩa quốc tế và toàn cầu hóa, lấy chủ nghĩa đơn phương và chuyên chế chống lại chủ nghĩa đa phương và tự do hóa. Hiện tượng Trumpism hay Brexitism có thể làm thay đổi cơ cấu quyền lực và bàn cờ chính trị/kinh tế của một nước, hay một cộng đồng, vượt ra ngoài những dự đoán theo tư duy thông thường.
Giới cầm quyền đã không thấy được sự biến chuyển to lớn đó, nên không ứng phó kịp thời, mắc sai lầm và mất quyền lực. Chỉ sau khi Trump đánh bại tất cả các ứng viên khác của Đảng Cộng hòa, trở thành ứng viên duy nhất mà đảng này phải miễn cưỡng chấp nhận, thì người ta mới giật mình hỏi nhau “Trump thật sự là ai” (đáng tiếc là đã quá muộn). Nhưng lúc ấy vẫn ít người tin là Trump sẽ thắng, vì họ vẫn chưa hiểu rõ tâm trạng cử tri Mỹ và lý do tại sao người ta lại ủng hộ Trump như vậy. Sự bất bình và khủng hoảng lòng tin của người dân Mỹ là một ẩn số lớn mà giới tinh hoa trong cả hai đảng đã vô cảm không nhận ra (nên trở thành “vô minh”). Vì vậy, vô cảm và “vô minh” là bài học lớn cho các đảng cầm quyền.  
Thực tế nói trên cũng chứng tỏ thể chế chính trị dựa trên tự do dân chủ (liberalism) của giới tinh hoa đã bị thất thế trước trào lưu dân túy của giới lao động. Có lẽ giới tinh hoa bị suy yếu vì họ vô cảm và dễ thỏa mãn (bởi “comfort zone”), do ngộ nhận và thiếu một tầm nhìn để tập hợp lực lượng, hướng tới những đổi mới cần thiết. Trong khi đó, giới lao động mạnh lên vì ngọn cờ phản kháng mị dân dễ tập hợp dân chúng đang tức giận và bức xúc muốn thay đổi bằng mọi giá, còn mạnh hơn những gì xảy ra tám năm trước khi họ bầu Obama làm Tổng thống. Hay nói cách khác, “người đẩy thuyền đi là dân, và lật thuyền cũng là dân”.

Khủng hoảng thể chế và chuyển đổi quyền lực

Toàn cầu hóa và tự do thương mại không có lỗi, nhưng cách quản trị và phân phối thành quả của nó có vấn đề. Người dân bất bình và mất lòng tin, bởi giới cầm quyền đã vô cảm và ngộ nhận trước khoảng cách thu nhập và hố ngăn cách xã hội. Các học giả (như Francis Fukuyama, Noam Chomsky, và Minxin Pei) và các nhà tư bản (như Bill Gates) đã cảnh báo về sự suy đồi (decay) của Chủ nghĩa Tư bản Công nghiệp (đã lỗi thời). Để thay đổi, Bill Gates đã từng đề xướng mô hình “Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo” (Creative Capitalism).   
Hệ thống chính trị đã suy đồi của Mỹ chỉ có thể được cải tổ bằng một cú sốc mạnh từ bên ngoài (như Trumpism), làm cho nó khủng hoảng, tạo tiền đề và cơ hội để đổi mới thể chế. Chiến thắng lớn nhất của Trump là đã đánh đổ giới tinh hoa chính trị của cả hai đảng: trước hết là giới cầm quyền Đảng Cộng hòa (trong bầu cử sơ bộ) và sau đó là giới cầm quyền Đảng Dân chủ mà đại diện là Hillary Clinton. Sau thất bại thảm hại trước một kẻ “ngoại đạo” như Trump, đã đến lúc giới cầm quyền Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phải cải tổ lại thể chế chính trị. Hình như có một mẫu số chung nào đó về quy luật đổi mới thể chế chính trị đã suy đồi và lỗi thời, dù các nước có chế độ khác nhau, chỉ khác là tại các nước không có thể chế dân chủ, người ta phải “bỏ phiếu bằng chân”.
Ở các nước chuyên chế đang chuyển đổi hệ thống, tình hình lâu nay càng tồi tệ. Cải cách kinh tế thị trường bị mắc kẹt bởi thể chế chính trị lỗi thời, không theo kịp với hội nhập kinh tế toàn cầu, trong một thế giới đầy biến động, nên có nguy cơ tụt hậu. Giới cầm quyền bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng, tranh thủ vơ vét tài sản và thâu tóm quyền lực, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, gây bất ổn định xã hội và mất lòng dân. Muốn thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình, chỉ có một cách là đổi mới thể chế.   
Trong khi đó, Trung Quốc đã theo mô hình “Chuyên chế Dẻo dai” (Resilient Authoritarianism) nên cất cánh thành công về kinh tế trong một giai đoạn, nhưng nay đã hết đà, đang lao xuống dốc (“China’s Great Leap Backward”, James Fallow, Atlantic, December 2016). Tập Cận Bình muốn tìm lối thoát mới bằng mô hình “Kiểm soát Tinh vi” (Controlocracy), bên trong chống tham nhũng bằng “đả hổ diệt ruồi”, trong khi bên ngoài bành trướng theo “Giấc mộng Trung Hoa” bằng “Một vành đai, Một con đường”. Trung Quốc không chỉ gây sức ép để phân hóa các nước láng giềng ASEAN, và áp đặt bản đồ “đường chín đoạn” nhằm biến Biển Đông thành cái ao riêng của họ, mà còn tham vọng vượt cả Mỹ, và muốn phân chia thiên hạ với Mỹ bằng một ván cờ nước lớn (như “Grand Bargain” hay “G2”).

Một thời kỳ mới đầy rủi ro và bất định     

Nước Mỹ đã có vấn đề từ nhiều năm nay, và người dân đã lên tiếng phản kháng qua các phong trào “từ dưới lên” (bottom up) như “Occupy Wall Street” và “Tea Party”. Trong một lần phỏng vấn bởi Chris Hedges (Israeli News, April 2010), Noam Chomsky đã cảnh báo, “Nếu có ai đó ra tranh cử mà hấp dẫn và trung thực, thì đất nước này sẽ nguy to, vì sự thất vọng, mất lòng tin, giận dữ chính đáng, và thiếu một sự đáp ứng sâu sát… Tôi không nghĩ là còn lâu nữa. Nếu các thăm dò dư luận là đúng thì không phải là Đảng Cộng hòa, mà là cánh hữu của Đảng Cộng hòa, là những kẻ khùng, sẽ thắng cử lần tới… Và nếu nó xảy ra thì sẽ còn nguy hiểm hơn cả nước Đức… Tôi chưa bao giờ thấy thế trong cả cuộc đời mình… Tâm trạng cả nước rất đáng sợ. Mức độ giận dữ, thất vọng, và thù ghét các thể chế không được tổ chức một cách có xây dựng. Nó sẽ bùng nổ như những giấc mơ tự hủy diệt”.   
Nhưng rất ít người lắng nghe Chomsky, một trí thức hàng đầu của nước Mỹ. Giới cầm quyền chỉ thích nghe Henry Kissinger, kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc. Tất cả các Tổng thống (kể cả Barack Obama và Donald Trump) đều tìm lời khuyên của Kissinger, người phải chịu trách nhiệm về vụ ném bom diệt chủng tại Campuchia và tàn sát hàng loạt dân thường tại Bangladesh. Bằng chủ trương “tương tác mang tính xây dựng” (“Constructive Engagement”), Kissinger đã giúp Trung Quốc trỗi dậy không hòa bình, điều mà chính cố Tổng thống Nixon trước khi qua đời đã tỏ ra ân hận và ví với Frankenstein. Lập trường và quyền lợi của Kissinger đã gắn liền với “China Lobby”. Sẽ đáng lo ngại nếu tới đây Trump nghe lời khuyên của Kissinger, và Tổng thống mới của Mỹ có thể chơi ván cờ nước lớn với Bắc Kinh (như “G2”). Nếu vậy, “quyền lợi các nước nhỏ hơn sẽ bị bỏ qua hay gạt sang một bên”. (“Deciphering Trump’s Asia Policy”, Mira Rapp-Hooper, Foreign Affairs, November 22, 2016).
Từ lâu, Donald Trump đã có thái độ thù nghịch (antipathy) đối với cam kết truyền thống của Mỹ tại châu Á. Chưa biết thái độ đó của Trump có thay đổi hay không, khi ông ta trở thành Tổng thống. Theo các chuyên gia, ai kiểm soát được Biển Đông sẽ làm chủ châu Á, và ai làm chủ được châu Á sẽ làm chủ thế giới. Vì vậy, Biển Đông là “Asia’s Cauldron” (Robert Kaplan, Random House, March 2014). Trung Quốc trỗi dậy là hiện tượng “Phương đông hóa” cán cân quyền lực, bất lợi cho Mỹ (“Easternisation: War and Peace in the Asian Century”, Gideon Rachman, Bodley Head, 2017). Các cố vấn chính sách của Trump cũng khuyến nghị một lập trường cứng rắn (như của Tổng thống Reagan) là “Hòa bình qua Sức mạnh” (“Peace Through Strength”, Alex Grey & Peter Navarro, Foreign Policy, Nov 7, 2016).
Sau khi Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP (ngày 21/11, ngay sau hội nghị APEC tại Peru), thì uy tín của Mỹ ở khu vực đang đổ vỡ, vì TPP là một chân kiềng của chiến lược “tái cân bằng” (dựa trên kinh tế, ngoại giao, an ninh). Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong nhận xét, “Uy tín đồng minh của Mỹ đang bị thử thách. Liệu còn ai tin vào Mỹ hay không?” Quyết định về TPP của Trump là “cú đòn chí tử giáng vào chủ trương “tái cân bằng” sang Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barrack Obama”. (“Is There Anyone in Asia Who Still Trusts America”, Berkshire Miller, Foreign Policy, November 23, 2016).
Mặc dù Tổng thống Obama bị chỉ trích là mềm yếu trong triển khai chiến lược “xoay trục” (như “tiếng kèn ngập ngừng”), nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn của ông. Dù Tổng thống Trump có tăng số lượng tàu chiến lên 350 chiếc thì cũng không thay thế được vai trò của TPP. Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực buộc phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng với cục diện mới. Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ cả về đối tác song phương lẫn đa phương với một số nước trong khu vực (như hình thành một tứ giác chiến lược “Japan-Australia-India-Vietnam Partnership”) lại càng quan trọng. 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)