Bàn định tội danh giết người

Sự kiện Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng chấn động người Việt cả trong lẫn ngoài nước, bởi đụng chạm tới lưong tri, bản chất nhân đạo của con người không thể ngoảnh mặt trước vận mệnh bất cứ đồng loại nào của mình, vừa đánh vào ý thức chủ nhân đất nước của mỗi công dân phải có trách nhiệm lên tiếng trước mọi vấn đề hệ trọng của đất nước, nền tảng cho mọi quyết sách hợp lòng dân của chính quyền.

Về mặt khoa học hình sự, tội danh tức tên gọi tội trạng, mỗi con người có 1 tên gọi, thì mỗi tội trạng cũng có một tội danh, để phân biệt với các tội danh khác, bao giờ cũng được ấn định kèm khung hình phạt dành riêng cho nó trong bộ luật hình sự ở bất kỳ quốc gia nào, và do chỉ nhìn nhận dưới góc độ hình sự, nên thường không khác mấy giữa các chính thể khác nhau. Mỗi tội danh được thành lập bởi một hay nhiều dấu hiệu hành vi tội phạm. Những tội hình sự liên quan tới tính mạng con người, nếu chia theo dấu hiệu hậu qủa tội phạm, có thể phân loại thành 2 nhóm tội danh, nhóm tội danh chấm dứt sự sống của nạn nhân, tức phải có dấu hiệu người chết, và nhóm tội danh không chấm dứt sự sống nạn nhân, không có dấu hiệu người chết. Ở Đức, nhóm tội danh chấm dứt sự sống nạn nhân, gồm: 1-Tội danh „Giết người“, tiếng Đức gọi là Mord, được quy định tại điều 215 trước kia và 211 hiện nay: “(1) Bị phạt tù chung thân, (2) Kẻ giết người là kẻ làm nạn nhân chết, do thích giết người, hoặc để thoả mãn quan hệ xác thịt, hoặc nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc với những lý do nhỏ nhặt; mang tính chất dã man triệt hạ nạn nhân, hoặc bằng phương tiện nguy hiểm, hoặc để thực hiện hành vi phạm tội khác hay che đậy nó“. Trên thực tế xét xử ở Đức, thường toà chỉ tuyên tội danh này khi có đủ 2 dấu hiệu: a- Bị cáo có chủ đích chấm dứt sự sống nạn nhân bằng được. b- Nạn nhân chết tại chỗ. Như vụ Đức xử kẻ giết người nghĩa hiệp chấn động cả nước cách 2 năm trước. Ngày 12.9.2009, Dominik Brunner, doanh nhân 50 tuổi, đứng ra bảo vệ mấy trẻ em cùng đi trên tầu trước 3 thanh niên chấn lột tiền của chúng. Khi bọn trẻ và Dominik Brunner xuống ga tầu tại Solln, 2 thanh niên Markus S 18 tuổi và Sebastian L 17 tuổi cùng nhảy xuống theo xông tới đánh chết Dominik Brunner ngay sân ga. Sebastian L bị toà tuyên phạt tội danh gây thương tích dẫn tới hậu qủa chết người. Trong khi đó, Markus S lại bị tuyên phạt tội danh giết người, bởi khi nạn nhân đã ngã gục xuống bất động, nghĩa là “chết lâm sàng“, còn thực hiện hành vi phạm tội nhảy lên đạp thẳng vào ngực nạn nhân làm nạn nhân tử vong, bị toà kết luận cố tình làm nạn nhân chết bằng được.  2- Tội danh Làm chết người (điều 212 Totschlag): “(1) Ai có hành vi chấm dứt sự sống con người nhưng không bị khép tội danh giết người sẽ bị phạt tù giam không dưới 5 năm. (2)Trong trường hợp đặc biệt nặng, có thể phạt tù chung thân“. Không ít văn bản chuyển ngữ sang tiếng Việt sai tội danh này, thành tội danh Giết người. Trong khi đó, nội hàm 2 tội danh này hoàn toàn khác nhau, đều cùng 1 hệ qủa có người chết (Tot), nhưng tội danh Giết người chỉ thành lập khi có thêm dấu hiệu chủ đích giết bằng được, trong khi tội danh Làm chết người không có dấu hiệu đó. Chỉ có thể thấu hiểu điều trên khi trực tiếp theo dõi phán quyết các vụ án hình sự Đức, như trường hợp Sebastian L, vẫn chưa tới mức bị kết tội làm chết người (Totschlag), mà chỉ gây thương tích với hậu quả chết người (Tot), bởi sau hành vi đánh đập của thủ phạm, nạn nhân vẫn chưa chết. Nhưng nếu áp dụng tội danh cáo buộc như đối với Đoàn Văn Vươn, sẽ không thể thoát tội danh giết người. 3- Tội Bức tử. 4- Tội ngộ sát. 5- Tự vệ làm chết người.

Còn nhóm tội danh có động cơ chấm dứt sự sống con người nhưng không có dấu hiệu chết người, gồm tội danh, như: – Tội mưu sát (khi chưa hành động). – Tìm cách giết người, hay còn gọi giết người bất thành (hành vi giống tội giết người,  nhưng nạn nhân may mắn không chết), như vụ án mấy năm trước đây xảy ra ở Bodenwerder, Đức. 2 anh em trai gốc Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, 25 và 31 tuổi, lái xe đuổi theo ô tô em gái cùng cha khác mẹ định bỏ chồng (bị đạo Hồi cấm), vượt lên được, chặn lại, đấm đạp em gái dã man, gào thét tao giết mày, rồi đập cả đầu nạn nhân vào vô lăng bất tỉnh nhân sự. Hậu qủa, nạn nhân bị tàn tật suốt đời. Viện Kiểm sát cũng chỉ có thể cáo buộc bị can 2 tội danh: Tội danh Gây thương tích nguy hiểm, và tội danh Tìm cách giết người, bởi không có người chết. 

Cũng có thể chia các tội danh trên theo dấu hiệu động cơ, gồm nhóm có động cơ chấm dứt sự sống nạn nhân bằng được, như: tội danh Giết người, Tìm cách giết người, Bức tử, Mưu sát…; nhóm không có động cơ đó, như  Làm chết người, Ngộ sát, Tự vệ làm chết người…

Các tội danh trên trong bộ luật hình sự Đức về cơ bản cũng tương tự Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định tại Chương XII. Vậy tại sao, bị can Đoàn Văn Vươn bị cơ quan điều tra cáo buộc tội danh Giết người ? Trong khi cả  dấu hiệu có động cơ giết người bằng được, lẫn dấu hiệu có người chết, đều không thành lập với chứng cứ hiển nhiên. Có thể có 3 lý do:

1- Về mặt khoa học hình sự, tất cả tội danh liệt kê trên đều có thể giải thích bằng cách lấy tội danh Giết người làm chuẩn, thay đổi các dấu hiệu trong nội hàm của nó sẽ cho nội hàm của các tội danh khác, chẳng hạn tội danh Ngộ sát là tội Giết người, nhưng chỉ khác do vô tình, được hiểu có chết người nhưng không có động cơ; hoặc tội danh Tìm cách giết người, là tội Giết người, nhưng bất thành, không có người chết. Tương tự, giải thích nhóm tội danh cũng vậy, có nhóm “tội giết người chưa đạt“, được hiểu không có dấu hiệu người chết, gồm Mưu sát, Tìm cách giết người; và nhóm “tội giết người đã hoàn thành“ gồm tội danh Giết người, Ngộ sát, Bức tử… Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là cáo buộc tội danh gì đối với bị can Đoàn Văn Vươn, nói cách khác, tên gọi tội trạng Đoàn Văn Vươn là gì, chứ không phải dùng cách giải thích tội trạng để cáo buộc lập lờ bị can: “Khởi tố bị can Đoàn Văn Vươn tội Giết người“, rồi lại giải thích, nhưng “thuộc nhóm “Tội giết người chưa đạt“. Chưa đạt, nghĩa là tội danh Giết người chưa thành lập bởi thiếu dấu hiệu hậu qủa chết người. Vậy thì nó chỉ có thể là tội danh Mưu sát hoặc tội danh Tìm cách giết người. Cơ quan điều tra, tố tụng Hải Phòng đã không gọi đúng tên sự vật, không thể coi có căn cứ khoa học – nền tảng của công lý!

Hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành, chẳng hạn không thể cáo buộc tội danh hay hành vi ăn cắp, khi không nạn nhân nào mất gì cả.

2- Như đã  phân tích trong bài “Tội giết người không có người chết?“, cáo buộc Đoàn Văn Vươn tội Giết người có thể xuất phát từ tư tưởng, quan niệm “hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người”, “có khả năng gây ra”, chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành, chẳng hạn không thể cáo buộc tội danh hay hành vi ăn cắp, khi không nạn nhân nào mất gì cả. Với quan niệm “Có khả năng trên“, người ta có thể cáo buộc tội danh “Giết người“ tràn lan bất cứ ai mang theo dụng cụ, phương tiện có thể gây chết người khi họ sa vào tranh chấp, chỉ cần lập luận đó là “tội giết người chưa đạt“ là “xong“. Nguy hiểm hơn, nếu áp dụng quan niệm đó cả vào lĩnh vực chính trị xã hội, như khi bàn về Dự luật biểu bình, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước bác bỏ dự luật, chỉ với lập luận biểu tình có “khả năng“ dẫn tới chống phá nhà nước (dạng giết từ trứng nước hay nhầm còn hơn bỏ sót), trong khi thế giới rất trọng thị nó, ngày quốc tế lao động 1.5 hay Quốc tế phụ nữa 8.3 chính là thành tựu của biểu tình để lại cho nhân loại từ thế kỷ trước.

3-Lực lượng cưỡng chế đã bắn, rồi sau đó cho đốt, triệt phá nhà nạn nhân, vốn không được phép khi chưa có lệnh toà án (ở các nước hiện đại), bởi vụ án nguyên thủy mang tính hành chính cưỡng chế chứ không phải hình sự, chính trị. Đưa ra cáo buộc tội Giết người, Cơ quan điều tra tố tụng Tiên Lãng có thể bao biện hành vi vi hiến của chính quyền Tiên Lãng sử dụng lực lượng vũ trang là để vãn hồi trật tự chống “kẻ giết người“.

Như vậy, chiểu theo các tội danh liệt kê trên, đối chiếu với tường thuật vụ án, bị can Đoàn Văn Vươn chỉ có thể bị cáo buộc 1 trong 3 tội danh: 1- Mưu sát, nếu có bằng chứng bị can lên kế hoạch tỷ mỷ giết những ai. 2- Tìm cách giết người, nếu chứng minh được hoặc ông Vươn trực tiếp nổ súng giật mìn, hoặc tổ chức nổ súng giật mìn; nạn nhân lẽ ra đã phải chết, nhưng thoát được, hoàn toàn nhờ yếu tố tự nhiên may mắn. 3- Tự vệ gây thương tích, nếu 2 tội danh trên không được thành lập, và chứng minh được hành vi công vụ cưỡng chế là hợp pháp. Trong trường hợp này, tùy mức độ, thấp nhất có thể coi vi phạm hành chính, miễn điều tra hình sự, và chắc chắn sẽ được công luận đồng tình rộng rãi.

Phán tội danh do toà án tuyên, còn cáo buộc tội danh thuộc quyền và trách nhiệm của cơ quan điều tra, công tố, nhưng không thể tùy ý, mà phải xuất phát từ chứng cứ hiện trường, bởi định tội danh khi cáo buộc cực kỳ hệ trọng giúp toà sau này xử đúng người đúng tội. Chính vì vậy, ở Đức lúc điều tra, tố tụng 1 vụ án, tội danh cáo buộc thường thay đổi nhanh chóng theo kết qủa điều tra. Điều đó còn phản ảnh năng lực, uy tín, thể diện của các cơ quan này, họ cũng sẽ bị pháp luật chế tài nếu vi phạm. Lạ lùng, tới nay, tội danh “Giết người“ cáo buộc Đoàn Văn Vươn vẫn không thay đổi, mặc cho chứng cứ hiển nhiên đòi hỏi, và công luận bức xúc, sôi sục lên tiếng.

Ủy ban Tiên Lãng đã sai phạm như Thủ tướng kết luận, còn cơ quan điểu tra, tố tụng Hải Phòng, Tiên Lãng sao đây?

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)